Ung thư miệng: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa
Khoảng 63% số người mắc bệnh ung thư khoang miệng còn sống sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán (1). Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, tiên lượng bệnh tốt và tỷ lệ điều trị thành công rất cao. Vậy ai có khả năng mắc ung thư miệng? Dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh ra sao? Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ thông tin đến độc giả các cách phòng bệnh hiệu quả thông qua bài viết sau.
Ung thư miệng là gì?
Ung thư miệng là thuật ngữ sử dụng cho tình trạng khoang miệng hình thành một tổn thương ác tính ở những vị trí như: lưỡi, niêm mạc, lợi, sàn miệng, khẩu cái và môi. Triệu chứng ban đầu của căn bệnh này có thể giống với các vấn đề về miệng khác, như xuất hiện các mảng trắng hoặc vết loét chảy máu. Tuy nhiên sự khác biệt lớn nhất giữa một bệnh về miệng thường gặp và khả năng mắc bệnh ung thư là các triệu chứng này không biến mất. Nếu không được điều trị, khối u có thể di căn ra khắp miệng, cổ họng, đến các vùng khác trên đầu và cổ.
Khi mắc bệnh, chất lượng cuộc sống ở người bệnh suy giảm nghiêm trọng. Sức khỏe giảm sút, các khối u vùng miệng cản trở quá trình ăn uống của người bệnh và tạo ảnh hưởng xấu. Khi nói năng và cử động cơ miệng, người bệnh cũng hứng chịu nhiều cơn đau đớn. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, tiên lượng bệnh xấu, công tác điều trị sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, nếu tầm soát và phát hiện bệnh kịp thời khi bệnh còn đang ở giai đoạn sớm, có phác đồ phù hợp sẽ giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công.
Dấu hiệu ung thư miệng
Ung thư miệng có một số dấu hiệu và triệu chứng dễ nhầm lẫn với các vấn đề răng miệng thường gặp. Người bệnh có thể nhận thấy trong miệng xuất hiện các mảng bám và không biến mất. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng tiền ung thư. Tất cả các tình trạng sau đây đều xuất hiện dưới dạng mảng trong miệng và cổ họng nhưng có màu sắc khác nhau:
Bạch sản (Leukoplakia): là những mảng phẳng màu trắng hoặc xám trong miệng hoặc cổ họng.
Hồng sản (Erythroplakia): là những mảng màu đỏ hơi nổi lên hoặc phẳng, có thể chảy máu khi cạo.
Hỗn hợp bạch sản và hồng sản (Erythroleukoplakia): là những mảng có màu đỏ và trắng.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của ung thư ở miệng bao gồm:
Xuất hiện các vết loét trên môi hoặc bên trong miệng, dễ chảy máu và không lành sau 2 tuần.
Khoang miệng hình thành những đốm thô ráp hoặc những vùng đóng vảy trên môi, nướu hoặc bên trong miệng.
Miệng bị chảy máu không rõ nguyên nhân.
Tê, đau hoặc nhức ở mặt, cổ hoặc trong miệng xảy ra mà không rõ nguyên nhân.
Khó nhai hoặc nuốt, nói hoặc cử động hàm hoặc lưỡi.
Giảm cân không rõ nguyên nhân.
Đau tai.
Hơi thở hôi mạn tính.
Nguyên nhân gây ung thư miệng
Các yếu tố có nguy cơ cao gây ung thư miệng gồm: (2)
Hút thuốc lá, xì gà hoặc tẩu thuốc: phần lớn các bệnh ung thư miệng có thể bắt nguồn từ thuốc lá, xì gà hoặc hút tẩu. Thuốc lá điện tử có thể không an toàn, một số nghiên cứu cho thấy nó có thể gây ra loại tổn thương tế bào tương tự.
Sử dụng các sản phẩm thuốc lá không khói như thuốc lá nhai, thuốc lá nhúng, thuốc hít hoặc tẩu nước: khiến bạn có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư má, nướu và niêm mạc môi.
Thường xuyên uống rượu hoặc lạm dụng đồ uống có cồn: khối u ác tính vùng miệng xuất hiện phổ biến hơn ở người uống rượu khoảng 5 lần so với người không uống rượu. Sử dụng rượu và thuốc lá cùng nhau sẽ làm tăng khả năng bị ung thư.
Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời: bức xạ tia cực tím từ mặt trời có thể gây ung thư môi.
Nhiễm papillomavirus ở người (HPV): một loại HPV cụ thể có liên quan đến hơn 2/3 số ca ung thư vòm họng, ảnh hưởng đến các khu vực như mặt sau của lưỡi, cổ họng và amidan. Loại virus này phổ biến ở những người trẻ tuổi và những người có nhiều bạn tình.
Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư: gen di truyền cũng có khả năng góp phần gây ung thư miệng.
Tuổi tác: khối u ung thư có thể mất nhiều năm để phát triển. Hầu hết mọi người đều phát hiện mình mắc bệnh này sau tuổi 55. Tuy nhiên, bệnh ung thư do HPV gây ra thường xuất hiện ở những người trẻ tuổi hơn.
Giới tính: nam giới có nguy cơ mắc ung thư cao gấp đôi so với nữ.
Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng: nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa ung thư ở miệng và việc không ăn đủ rau và trái cây.
Hệ thống miễn dịch suy yếu: khi khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại nhiễm trùng bị suy giảm do bệnh tật (chẳng hạn như nhiễm HIV) hoặc do thuốc (chẳng hạn như hóa trị), người bệnh sẽ dễ nhiễm vi-rút HPV hơn.
Một số loại ung thư miệng thường gặp
Các loại ung thư miệng phổ biến bao gồm: (3)
Đăng ký tư vấn về thừa cân, béo phì tại đây
Ung thư niêm mạc miệng.
Ung thư vòm miệng.
Ung thư môi.
Ung thư lợi.
Ung thư lưỡi.
Ung thư tuyến nước bọt.
Mặc dù các triệu chứng lâm sàng của bệnh rất dễ quan sát nhưng người bệnh thường nhầm lẫn ung thư với tình trạng viêm nhiễm nên hầu hết bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi khối u đã di căn và phá hủy nhiều cấu trúc mô lân cận nên tiên lượng xấu, làm giảm thời gian sống sau điều trị.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi xuất hiện bất cứ thay đổi nào trong miệng, chẳng hạn như vết loét mới dai dẳng hoặc vùng da môi hoặc niêm mạc nổi mụn nước liên tục trong hai tuần, người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay để được tầm soát và tư vấn điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm về sau.
Biến chứng ung thư miệng có thể gặp phải
Điều trị ung thư có thể gây ra các biến chứng liên quan đến miệng và cổ họng. Có nhiều biến chứng liên quan đến việc điều trị phẫu thuật ung thư miệng, bao gồm những hạn chế về chức năng trong khả năng nói, nhai và nuốt; tổn thương dây thần kinh sọ; các vấn đề về thần kinh; các vấn đề liên quan đến thời gian phục hồi vết thương; vấn đề về mặt thẩm mỹ (như biến dạng nghiêm trọng và phục hồi chức năng)…(4) Do những suy giảm chức năng và thẩm mỹ này cùng với những tác động tâm lý, sẽ dễ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
1. Biến chứng do phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ ung thư có thể để lại nhiều tác động tiêu cực đến khả năng nói, nhai và nuốt của người bệnh. Phẫu thuật cắt bỏ vùng lưỡi trước thường liên quan đến sự thay đổi giọng nói, trong khi việc cắt bỏ vùng lưỡi sau lại ảnh hưởng đến khả năng nuốt.
2. Biến chứng do hóa trị
Các biến chứng ở miệng do hóa trị liệu bao gồm:
Viêm và loét màng nhầy trong dạ dày hoặc ruột.
Dễ chảy máu khoang miệng.
Tổn thương dây thần kinh.
3. Biến chứng do xạ trị
Các biến chứng ở miệng do xạ trị vùng đầu và cổ bao gồm:
Xơ hóa trong màng nhầy trong miệng.
Sâu răng và bệnh nướu răng.
Sự phá vỡ mô ở vùng xạ trị.
Gãy xương ở vùng xạ trị.
Xơ hóa cơ ở vùng xạ trị.
4. Biến chứng do hóa trị hoặc xạ trị
Các biến chứng miệng phổ biến nhất có thể do hóa trị hoặc xạ trị bao gồm:
Viêm niêm mạc miệng.
Nhiễm trùng miệng hoặc nhiễm trùng máu.
Thay đổi hương vị thức ăn.
Khô miệng.
Đau đớn.
Những thay đổi trong quá trình tăng trưởng và phát triển răng ở trẻ em.
Suy dinh dưỡng do không thể ăn uống.
Mất nước do không thể uống nước.
Sâu răng và bệnh nướu răng.
5. Biến chứng do điều trị trực tiếp hoặc do tác dụng phụ của điều trị gián tiếp
Xạ trị có thể làm tổn thương trực tiếp mô miệng, tuyến nước bọt và xương. Khu vực được điều trị có khả năng để lại sẹo. Bức xạ toàn thân có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho tuyến nước bọt, điều này có thể thay đổi mùi vị của thức ăn và gây khô miệng.
Chậm lành và nhiễm trùng là những biến chứng của quá trình điều trị ung thư gián tiếp. Cả hóa trị và xạ trị đều có thể ngăn chặn sự sản sinh các tế bào mới và làm chậm quá trình lành thương. Hóa trị có thể làm giảm số lượng bạch cầu và làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến người bệnh dễ nhiễm trùng hơn.
6. Biến chứng cấp tính hoặc mạn tính
Biến chứng cấp tính xảy ra trong quá trình hóa trị, sau đó tự khỏi. Những biến chứng này thường xảy ra trong thời gian ngắn, trong khi đó biến chứng mạn tính lại có thể xuất hiện liên tiếp trong và kể cả sau khi kết thúc quá trình điều trị do các mô bị tổn thương vĩnh viễn.
Biến chứng cấp tính là những biến chứng xảy ra trong quá trình điều trị và sau đó biến mất. Hóa trị thường gây ra các biến chứng cấp tính và chúng sẽ tự khỏi sau khi kết thúc điều trị.
Các biến chứng mạn tính là những biến chứng tiếp tục hoặc xuất hiện từ nhiều tháng đến nhiều năm sau khi kết thúc điều trị. Bức xạ có thể gây ra các biến chứng cấp tính nhưng cũng có thể gây tổn thương mô vĩnh viễn. Các biến chứng mạn tính có thể tiếp tục xảy ra sau khi kết thúc xạ trị ở đầu hoặc cổ gồm:
Khô miệng.
Sâu răng.
Nhiễm trùng.
Thay đổi hương vị thức ăn.
Các vấn đề ở miệng và hàm do mất mô và xương, hoặc do sự phát triển của các khối u lành tính ở da và cơ.
Phẫu thuật miệng hoặc các phương pháp điều trị y tế khác có thể gây phát sinh vấn đề ở đầu hoặc cổ ở người bệnh đã xạ trị. Vì vậy, trước khi điều trị, người bệnh cần thảo luận với bác sĩ kỹ càng, cung cấp hết tất cả mọi thông tin về tiền sử bệnh, cũng như lựa chọn phương án điều trị phù hợp.
Chẩn đoán ung thư miệng như thế nào?
Bác sĩ có thể phát hiện ung thư miệng thông qua thăm khám sức khỏe định kỳ, sau đó theo dõi các xét nghiệm sơ bộ hoặc tiến hành hội chẩn cùng các bác sĩ răng hàm mặt hoặc bác sĩ đầu mặt cổ. Để xác định ung thư khoang miệng, bác sĩ áp dụng một số phương pháp như:
Khám tổng quát: bác sĩ sẽ xem xét cả khoang miệng, kiểm tra đầu, mặt và cổ để tìm các dấu hiệu ung thư tiềm ẩn.
Sinh thiết mẫu mô: bác sĩ sẽ sử dụng một bàn chải nhỏ hoặc thìa để cạo nhẹ khu vực nghi ngờ để lấy các tế bào kiểm tra ung thư. Sau đó mang đi xét nghiệm gen và protein ở trong mô để làm cơ sở tìm ra phương pháp điều trị phù hợp. Nếu phát hiện khối u xuất hiện trong vòm họng, bác sĩ sẽ lấy một mảnh mô nhỏ gửi đi xét nghiệm mô bệnh học. Sau đó, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ phân tích mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xem đó là ung thư hay không.
Nội soi thanh quản gián tiếp và nội soi họng: bác sĩ sẽ sử dụng một chiếc gương nhỏ để quan sát cổ họng, gốc lưỡi và một phần thanh quản. Sau đó sờ nắn vùng dưới hàm, cổ và vùng dưới cằm để chẩn đoán và phát hiện hạch tại các vị trí này.
Nội soi họng và soi thanh quản trực tiếp: bác sĩ sử dụng ống nội soi gắn camera và kính chuyên dụng kiểm tra lớp niêm mạc bên trong tai - mũi - họng, để quan sát rõ các tổn thương ở khu vực này.
Chọc hút kim nhỏ FNA: thường được sử dụng khi đánh giá tình trạng di căn hạch cổ.
Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân: giúp đánh giá tình trạng khối u (kích thước, vị trí, mức độ xâm lấn), tình trạng di căn hạch hoặc di căn xa. Từ đó, bác sĩ lên phác đồ điều trị bệnh tối ưu (xạ trị đơn thuần, hoá-xạ trị triệt căn, hay chỉ hóa chất giảm nhẹ). Một số phương tiện hình ảnh học thường được sử dụng:
Chụp cộng hưởng từ (MRI): để phát hiện khối u ác tính của vòm họng so với phương pháp cắt lớp vi tính thông thường. Kết quả cung cấp thông tin về vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn và tình trạng di căn hạch.
Chụp cắt lớp vi tính (CT): giúp đo lường đặc điểm của khối u, khả năng di căn hạch, mức độ xâm lấn mô ở xung quanh cũng như khả năng di căn xa.
Xạ hình xương: giúp đánh giá tình trạng di căn xương.
PET/CT: nhằm đánh giá tổn thương và cả khả năng di căn xa dựa trên các bất thường trong hấp thu chuyển hóa FDG để chẩn đoán giai đoạn bệnh khi có bằng chứng từ kết quả sinh thiết.
Bệnh có chữa được không?
Có. Ung thư miệng nếu phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ có 3 lựa chọn điều trị chính cho bệnh răng miệng là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Người bệnh nên thảo luận với bác sĩ về mục đích, tác dụng phụ và cách kiểm soát tác dụng phụ cho tất cả các phương pháp điều trị.
Bác sĩ sẽ xem xét một số yếu tố trước khi đề xuất điều trị. Những yếu tố đó bao gồm:
Loại ung thư người bệnh mắc phải.
Mức độ di căn của khối u.
Sức khỏe tổng thể.
Tuổi tác.
Các phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất cho bệnh ung thư miệng là:
Phẫu thuật khối u nguyên phát: bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ khối u qua đường miệng hoặc mổ ở cổ.
Cắt bỏ lưỡi: là việc loại bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi để ngăn khối u di căn ra các vùng xung quanh.
Cắt bỏ xương hàm dưới: phẫu thuật điều trị ung thư miệng ở xương hàm.
Cắt bỏ xương hàm trên: phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc toàn bộ vòm xương miệng.
Sinh thiết hạch gác: xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định liệu ung thư có lan rộng ra ngoài hay không.
Vét hạch cổ: để loại bỏ các hạch bạch huyết ở cổ.
Tái tạo: sau khi loại bỏ các vùng mô lớn, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật tái tạo để lấp đầy những khoảng trống do khối u để lại hoặc thay thế một phần môi, lưỡi, vòm miệng hoặc hàm. Trong một số trường hợp, phẫu thuật tái tạo được thực hiện bằng cách lấy xương và mô khỏe mạnh từ các vùng khác trên cơ thể.
Những cách khác để điều trị ung thư miệng bao gồm:
Xạ trị: sử dụng chùm năng lượng có bức xạ mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn quá trình phát triển của chúng.
Liệu pháp nhắm mục tiêu: phương pháp điều trị ung thư này sử dụng thuốc hoặc các chất khác để xác định và tấn công chính xác một số loại tế bào ung thư mà không làm tổn thương các tế bào bình thường. Kháng thể đơn dòng là các protein của hệ thống miễn dịch được tạo ra trong phòng thí nghiệm và được sử dụng để điều trị ung thư.
Hóa trị: là sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, bao gồm cả các phương pháp điều trị ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận trên cơ thể.
Liệu pháp miễn dịch: đôi khi còn gọi là liệu pháp sinh học, là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch để chống lại ung thư.
Cách phòng ngừa ung thư miệng như thế nào?
Dưới đây là các biện pháp giúp phòng ngừa ung thư miệng:
Không hút thuốc, kể cả thuốc lá, hút thuốc tẩu hay thuốc lá điện tử.
Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.
Thường xuyên sử dụng kem chống nắng trước khi đi ra ngoài.
Khám răng miệng định kỳ: người trong độ tuổi từ 20 - 40 nên tầm soát ung thư miệng 3 năm/lần và khám định kỳ hàng năm sau 40 tuổi.
Thực hiện tầm soát ung thư miệng từ sớm sẽ giúp kiểm soát nguy cơ ung thư ngay khi bệnh mới chớm hoặc khi bệnh chưa xuất hiện những triệu chứng điển hình. Đây được cho là biện pháp bảo vệ sức khỏe an toàn và hiệu quả cho người bệnh, giảm rủi ro tử vong do phát hiện bệnh trễ, khi khối u di căn và xâm lấn nhanh chóng đến những bộ phận khác trên cơ thể.