Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm định kỳ, thường quy và mang lại nhiều lợi ích; không chỉ giúp phát hiện một số bệnh thông thường trước khi xuất hiện triệu chứng, mà còn có thể phòng ngừa hoặc điều trị ở giai đoạn sớm. Vậy xét nghiệm máu là gì? Khi nào cần thực hiện? Những lưu ý quan trọng nào cần nắm? Bài viết này, bác sĩ chuyên khoa I Phan Tuấn Trọng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ đưa ra các trường hợp cần xét nghiệm máu.
Xét nghiệm máu là gì?
Xét nghiệm máu là xét nghiệm y tế thông thường, được sử dụng để đo lường hoặc kiểm tra khoáng chất có trong máu, tiểu cầu, đồng thời đánh giá các chất điện giải, protein và hormone. Xét nghiệm máu được xem là một phần của khám sức khỏe tổng quát định kỳ và được chỉ định thực hiện trong khám chữa bệnh.
Xét nghiệm máu là phương pháp chẩn đoán quan trọng, giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh như: (1)
- Chẩn đoán một số bệnh và tình trạng đang gặp phải.
- Theo dõi các bệnh mạn tính như tiểu đường hoặc cholesterol cao.
- Đánh giá hiệu quả điều trị bệnh.
- Kiểm tra hoạt động của gan, thận, tim và tuyến giáp.
- Chẩn đoán rối loạn chảy máu hoặc đông máu.
- Chẩn đoán các tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, thiếu máu ác tính, thiếu máu bất sản hoặc thiếu máu tán huyết.
- Tìm các biến thể của huyết sắc tố như huyết sắc tố S, C hoặc E, thường gặp ở những người gốc Phi, Địa Trung Hải hoặc Đông Nam Á.
- Theo dõi tình trạng miễn dịch của cơ thể.
Khi nào cần thực hiện xét nghiệm máu?
Xét nghiệm máu là một xét nghiệm y tế phổ biến. Khi kết hợp với tiền sử bệnh và kết quả kiểm tra lâm sàng, các bác sĩ có thể xác định tình trạng sức khỏe hiện tại, lên phác đồ điều trị phù hợp và tư vấn biện pháp ngừa bệnh trong tương lai. Xét nghiệm máu được thực hiện khi:
- Kiểm tra sức khỏe toàn diện: bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra và đánh giá một số thành phần trong máu, chẳng hạn như công thức máu toàn phần (CBC), bảng chuyển hóa cơ bản (BMP) hoặc bảng chuyển hóa toàn diện.
- Xét nghiệm sàng lọc: các xét nghiệm sàng lọc được thực hiện trước khi người bệnh xuất hiện những triệu chứng của một bệnh bất kỳ. Chẳng hạn như bác sĩ đề nghị xét nghiệm sàng lọc khi nhận thấy người bệnh có nguy cơ mắc ung thư…
- Sức khỏe không tốt: khi có các triệu chứng cụ thể, bác sĩ yêu cầu xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân gây bệnh.
- Kiểm tra tình trạng bệnh khi một số gen đột biến: tùy vào từng tình trạng mà tế bào máu và tiểu cầu có thể biểu hiện những thay đổi cụ thể. Biết được gen nào đột biến sẽ giúp bác sĩ lên phác đồ điều trị cụ thể.
- Theo dõi hiệu quả điều trị: dựa trên kết quả xét nghiệm máu để theo dõi quá trình phục hồi và đánh giá hiệu quả điều trị.
Xét nghiệm máu để làm gì?
Xét nghiệm máu không chỉ kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng thể mà còn giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh, hoạt động của các cơ quan, đồng thời đánh giá hiệu quả của những phương pháp điều trị.
- Đánh giá sức khỏe tổng thể: kết quả xét nghiệm cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng sức khỏe như số lượng tế bào máu chỉ số chức năng gan, thận, đường huyết…
- Chẩn đoán - theo dõi tiến triển bệnh: xét nghiệm máu được sử dụng để theo dõi hiệu quả của phương pháp điều trị. Dựa trên kết quả xét nghiệm được thực hiện định kỳ, bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ, liệu pháp nếu người bệnh đáp ứng kém với điều trị.
- Đánh giá chức năng gan và thận: xét nghiệm được sử dụng để đánh giá chức năng thận và gan thông qua các chỉ số và thước đo khác nhau. Ví dụ: xét nghiệm AST (Aspartate Transaminase) giúp kiểm tra số lượng enzym AST có trong gan. Lượng enzym này tăng cao cho thấy gan có thể bị tổn thương. Tương tự, xét nghiệm Creatinin nhằm kiểm tra chức năng thận có suy giảm hay không.
- Kiểm tra dấu hiệu ung thư: xét nghiệm máu để phát hiện ung thư được chia thành 4 loại cơ bản gồm: công thức máu toàn phần (CBC), đánh dấu khối u, xét nghiệm protein trong máu và xét nghiệm khối u tuần hoàn… giúp phát hiện một số khối u rắn.
- Kiểm tra đường huyết: xét nghiệm đo mức đường huyết để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Một xét nghiệm máu khác là A1C dùng để đo lượng đường trong máu theo thời gian.
- Dị ứng: xét nghiệm giúp kiểm tra xem máu có tăng nồng độ kháng thể globulin miễn dịch E (IgE) hay không, đồng thời phát hiện tình trạng dị ứng với thực phẩm, vật nuôi, phấn hoa hoặc các chất gây kích ứng khác.
- Bệnh tim: Xét nghiệm máu tim giúp phát hiện và chẩn đoán nguy cơ đau tim hoặc phát triển bệnh tim. Ngoài ra, xét nghiệm khí máu động mạch (ABG) đo nồng độ oxy và nồng độ carbon dioxide dùng trong chẩn đoán suy tim cấp tính và ngừng tim.
Xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh
Đăng ký tư vấn về thừa cân, béo phì tại đây
Xét nghiệm máu có mấy loại?
Có nhiều loại xét nghiệm máu khác nhau. Một số xét nghiệm phổ biến gồm: xét nghiệm công thức máu toàn phần, bảng chuyển hóa cơ bản, bảng chuyển hóa toàn diện và bảng điện giải.
1. Xét nghiệm công thức máu toàn phần (tổng phân tích tế bào máu - CBC)
- Đếm và đo số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và tỷ lệ phần trăm tế bào hồng cầu trong máu.
- Đo nồng độ hemoglobin.
- Đo lường sự thay đổi về kích thước và thể tích tế bào hồng cầu bằng xét nghiệm máu RDW (chiều rộng phân bố hồng cầu).
- Đo kích thước trung bình của các tế bào hồng cầu bằng xét nghiệm thể tích tiểu cầu trung bình (MCV).
2. Xét nghiệm sinh hóa máu hay bảng trao đổi chất cơ bản (BMP)
Nhóm các xét nghiệm giúp đo lường một số hóa chất nhất định trong máu gồm glucose, canxi và chất điện giải. Bảng trao đổi chất cơ bản gồm:
- Xét nghiệm đường huyết: sàng lọc bệnh tiểu đường.
- Xét nghiệm canxi trong máu: kiểm tra lượng canxi trong cơ thể.
- Xét nghiệm nitơ urê máu (BUN): đo lượng urê có trong thận.
- Xét nghiệm creatine kinase (CK): sàng lọc chất thải do cơ bắp tạo ra. Nồng độ CK cao có thể là dấu hiệu cơ bị tổn thương.
- Nồng độ natri.
- Xét nghiệm máu CO2: đo lượng bicarbonate trong máu.
- Xét nghiệm kali huyết thanh: đo nồng độ kali (một khoáng chất hỗ trợ chức năng tim, thần kinh, cơ bắp và sự trao đổi chất của cơ thể).
- Xét nghiệm máu clorua: kiểm tra clorua, chất điện giải, giúp giữ cân bằng chất lỏng và axit trong cơ thể.
- Xét nghiệm máu Globulin: đo lượng protein do gan sản xuất.
- Xét nghiệm enzym máu: enzyme là những chất kiểm soát các phản ứng hóa học trong cơ thể. Các xét nghiệm gồm troponin và creatine kinase. Những xét nghiệm này được thực hiện để tìm hiểu xem bạn có bị đau tim hoặc cơ tim có tổn thương hay không.
- Xét nghiệm máu để kiểm tra bệnh tim: gồm xét nghiệm cholesterol và xét nghiệm chất béo trung tính.
- Xét nghiệm đông máu: xét nghiệm cho biết bạn có mắc chứng rối loạn chảy máu hoặc đông máu hay không.
3. Bảng chuyển hóa toàn diện (CMP)
Gồm tất cả các xét nghiệm máu được thực hiện ở bảng chuyển hóa cơ bản và một số xét nghiệm bổ sung:
- Xét nghiệm máu Albumin: Albumin là một protein trong huyết tương. Xét nghiệm này giúp kiểm tra chức năng thận và gan.
- Alanine transaminase (ALT): xét nghiệm này dùng để đánh giá sức khỏe gan.
- Alkaline phosphatase (ALP): nồng độ enzym ALP cao có thể là dấu hiệu của bệnh gan hoặc một số rối loạn về xương.
- Nồng độ amoniac: xét nghiệm cho thấy lượng amoniac trong máu. Nồng độ amoniac cao thường biểu hiện chức năng gan và thận không ổn định.
- Xét nghiệm máu bilirubin: bilirubin là một chất có trong mật của gan. Quá nhiều mật trong máu cho thấy gan có vấn đề.
- Aspartate transferase: xét nghiệm này giúp đo lượng enzyme aspartate transferase trong máu, nhằm đánh giá sức khỏe gan.
4. Bảng điện giải
Gồm tất cả các xét nghiệm điện giải trong BMP và CMP.
Quy trình thực hiện xét nghiệm máu
Có 2 cách lấy máu: (2)
- Lấy máu tĩnh mạch: kỹ thuật này áp dụng cho người trưởng thành và trẻ lớn.
- Lấy máu mao mạch (máu được lấy ở đầu ngón áp út): áp dụng cho trẻ nhỏ và những xét nghiệm đặc biệt.
Quy trình thực hiện xét nghiệm máu thường bao gồm các bước sau đây:
1. Chuẩn bị trước xét nghiệm
- Ở hầu hết các xét nghiệm máu, người bệnh vẫn có thể ăn uống bình thường. Tuy nhiên, với xét nghiệm đo lượng đường huyết (xét nghiệm glucose), xét nghiệm mỡ máu, trước khi thực hiện lấy máu, người bệnh được yêu cầu không ăn uống trong khoảng thời gian nhất định.
2. Thực hiện lấy mẫu máu
- Điều dưỡng sử dụng kim tiêm để lấy mẫu máu từ tĩnh mạch ở cánh tay hoặc cổ tay. Một số xét nghiệm có thể yêu cầu lấy mẫu máu từ đầu ngón tay.
- Điều dưỡng sẽ buộc một dây quấn quanh cánh tay. Dây quấn siết lấy cánh tay khiến máu chảy chậm và tĩnh mạch lộ rõ hơn, giúp việc lấy máu dễ dàng.
- Sát khuẩn vùng da cần lấy máu.
- Điều dưỡng đưa kim tiêm vào tĩnh mạch để lấy máu.
- Khi lấy mẫu xong, điều dưỡng sẽ dán miếng bông trên da để cầm máu.
- Máu sau khi được rút ra sẽ được đựng trong các ống chuyên biệt.
- Thông tin mẫu máu được chuẩn hóa bằng hệ thống Barcode.
3. Xử lý mẫu máu và tiến hành phân tích
- Mẫu máu được chuyển đến phòng xét nghiệm để xử lý, phân tích.
- Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm, kết hợp với tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng để đưa ra tư vấn, chẩn đoán và quyết định phương pháp điều trị.
Lưu ý quan trọng khi xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu là phương pháp phổ biến, áp dụng khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc được chỉ định thực hiện trước khi tiến hành một số thủ thuật y tế. Phương pháp này có một số lưu ý như:
- Nên xét nghiệm máu vào buổi sáng.
- Tùy loại xét nghiệm mà bạn nên nhịn ăn trong 8-12 tiếng trước khi lấy máu, không uống nước ngọt, sữa, rượu… Tuy nhiên, bạn có thể uống nước lọc. Tham khảo ý kiến bác sĩ về những lưu ý đối với xét nghiệm bạn sẽ thực hiện.
- Việc lấy máu xét nghiệm có thể gây đau hoặc bầm tím. Tình trạng này sẽ cải thiện sau đó.
- Có thể sưng nhẹ ở vị trí lấy máu.
- Báo ngay với nhân viên y tế nếu thấy chóng mặt, choáng váng.
- Có thể nhiễm trùng nhưng rất hiếm.
Yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu
Một số xét nghiệm nếu thực hiện không đúng thời điểm hoặc bị tác động bởi thuốc, thực phẩm sẽ cho kết quả không chính xác. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu gồm:
- Cần nhịn ăn trong 10-12 tiếng trước khi làm các xét nghiệm như: xét nghiệm đường huyết, mỡ máu… Đường, chất béo và các chất dinh dưỡng trong thức ăn có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Với xét nghiệm vi chất, vitamin: trước khi làm xét nghiệm, cần tạm ngưng uống các loại vitamin, thuốc bổ, khoáng chất. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc huyết áp, tiểu đường…
- Xét nghiệm định lượng vitamin nên được thực hiện khi đói. Do đó, trước khi làm xét nghiệm, bạn cần nhịn ăn từ 8-12 tiếng. Ăn uống trước khi xét nghiệm sẽ làm sai lệch kết quả.
- Ở một số xét nghiệm máu như: xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm canxi… bạn vẫn có thể ăn uống bình thường.
Hướng dẫn cách đọc kết quả xét nghiệm máu
Thông thường, phần kết quả xét nghiệm máu được thể hiện ở cột kết quả ghi trên phiếu. Tình trạng bất thường xảy ra khi kết quả xét nghiệm cao hoặc thấp hơn giới hạn tham chiếu. Tuy nhiên để được chẩn đoán chính xác, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn, giải thích. Dưới đây là những giải thích chi tiết, hướng dẫn cách đọc kết quả xét nghiệm máu.
Chỉ số Giới hạn tham chiếu Ý nghĩa Glucose - Chỉ số tăng vượt ngưỡng tham chiếu, người bệnh có nguy cơ mắc đái tháo đường.
Nhóm men gan: SGOT & SGPT - SGOT: 9,0-48,0
- SGPT: 5,0-49,0
- Chỉ số tăng cho thấy chức năng thải độc gan giảm.
Nhóm mỡ máu gồm: Cholesterol, HDL-Choles, Triglycerid, LDL-Choles - Cholesterol: 3,4-5,4 mmol/l
- HDL-Choles: 0,9-2,1 mmol/l
- Triglycerid: 0,4-2,3 mmol/l
- LDL-Choles: 0,0-2,9 mmol/l
- 1 trong những yếu tố kể trên vượt giới hạn tham chiếu, người bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, huyết áp.
Gama globutamin (GGT) - GGT tăng cho thấy sức đề kháng giảm, gan miễn dịch kém.
URE - Chỉ số tăng: sốt, ăn nhiều đạm, bệnh thận, nhiễm trùng…
- Chỉ số tăng giảm: bệnh gan nặng, suy nhược cơ thể…
Creatinin (CRE) - Nam: 62 - 120 umol/l
- Nữ: 53 - 100 umol/l
- Chỉ số tăng: suy tim, bệnh thận, tăng huyết áp…
- Chỉ số tăng giảm: tiền sản giật…
Acid Uric (Uric) - Nam: 180 - 420 umol/l
- Nữ: 150 - 360 umol/l
- Chỉ số Acid uric trong máu tăng: đa hồng cầu, suy thận, nhiễm độc chì…
- Chỉ số Acid uric trong máu giảm: bệnh WilsonĐọc kết quả xét nghiệm máu
Một số câu hỏi liên quan về test máu
1. Xét nghiệm máu có được ăn không?
Tùy vào loại xét nghiệm máu mà bạn có thể ăn hoặc phải nhịn ăn trước khi lấy máu. Với những xét nghiệm như: xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm mỡ máu, xét nghiệm sắt hoặc định lượng vitamin… bạn cần nhịn ăn để có kết quả chính xác.
2. Xét nghiệm máu bao lâu có kết quả?
Thời gian trả kết quả xét nghiệm máu tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Loại xét nghiệm: mỗi loại xét nghiệm sẽ có những phân tích, định lượng các nhóm chất khác nhau, do đó thời gian xét nghiệm và trả kết quả cũng khác nhau.
- Phương pháp xét nghiệm: các phương pháp xét nghiệm máu có thể thay đổi tùy vào mục đích cụ thể và yêu cầu của người bệnh. Ví dụ, cùng một loại xét nghiệm máu nhưng có thể thực hiện bằng phương pháp xét nghiệm chuyên sâu hoặc xét nghiệm thường quy. Thông thường, xét nghiệm thường quy cho kết quả nhanh chóng, sau 2-3 giờ. Ngược lại, xét nghiệm chuyên sâu đòi hỏi quá trình thực hiện phức tạp, do đó, thời gian trả kết quả có thể kéo dài hơn.
- Hiện nay, nhiều thiết bị, máy móc xét nghiệm đã ứng dụng các công nghệ phân tích hiện đại, cho kết quả nhanh, độ chính xác cao.
Chi phí xét nghiệm máu có đắt không?
Chi phí xét nghiệm máu có thể dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng tùy vào cơ sở y tế - nơi bạn lựa chọn khám chữa bệnh, loại và kỹ thuật xét nghiệm. Để xét nghiệm máu nhanh chóng, kết quả chuẩn xác, chi phí phù hợp, bạn nên chọn xét nghiệm tại cơ sở y tế uy tín, đạt tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại.
3. Xét nghiệm máu ở đâu chính xác?
Trung tâm Xét nghiệm, BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm trong tiếp nhận, phân tích mẫu bệnh phẩm, cung cấp kết quả xét nghiệm chính xác, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, Trung tâm Xét nghiệm còn được đầu tư, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ, đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2012 từ các nước Âu - Mỹ như: hệ thống máy Sysmex XN1000, Sysmex cs-1600; hệ thống máy Roche Cobas 6000; máy khí máu Roche Cobas b211; hệ thống quản lý phòng xét nghiệm Cobas Infinity; máy cấy máu; máy định danh - kháng sinh đồ tự động Vitek II Compact; máy PCR… đáp ứng từ xét nghiệm tổng quát đến các xét nghiệm chuyên sâu, góp phần nâng cao hiệu quả trong tư vấn, chẩn đoán và điều trị bệnh.
Bài viết trên đã cung cấp những thông tin về xét nghiệm máu là gì? Khi nào cần thực hiện? Những lưu ý quan trọng cần nắm? Xét nghiệm máu và kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp chẩn đoán, phát hiện bệnh sớm, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.