Ung thư võng mạc hay còn gọi là một bệnh mắt ác tính, đây là một bệnh nguy hiểm, không những phá huỷ chức năng thị giác của mắt bị bệnh mà còn có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy cần nắm rõ nguyên nhân và biểu hiện ung thư võng mạc để phát hiện và kịp thời điều trị.
1. Nguyên nhân ung thư võng mạc
Ung thư võng mạc thường chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ, 90% các ca được chẩn đoán là dưới 4 tuổi. Đây là bệnh ung thư mắt phổ biến nhất ở trẻ em. Người lớn hiếm khi mắc bệnh.
Nguyên nhân ung thư võng mạc là do bất thường trên nhiễm sắc thể số 13, trong đó 60% số trường hợp chỉ biểu hiện bệnh lý tại mắt còn 40% có biểu hiện toàn thân.
Nhiễm sắc thể số 13 chịu trách nhiệm kiểm soát sự phân chia của tế bào võng mạc, nơi chịu trách nhiệm cho sự nhìn của mắt. Trên trẻ có bệnh, sự phân chia tế bào võng mạc không được kiểm soát gây nên ung thư võng mạc.
Ngoài ra, có hai yếu tố chính có thể tăng nguy cơ mắc ung thư võng mạc:
Độ tuổi: những trẻ em được chẩn đoán mắc ung thư võng mạc đều nhỏ hơn 3 tuổi. Ung thư võng mạc bẩm sinh hoặc di truyền đều được phát hiện ở năm đầu đời của trẻ, trong khi ung thư võng mạc không di truyền được phát hiện ở khoảng giữa từ 1 tới 2 tuổi. Ung thư võng mạc hiếm khi xuất hiện ở những trẻ lớn hơn và người trưởng thành.
Di truyền: trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh nếu cha mẹ hoặc người thân trong gia đình đã mắc phải bệnh này.
2. Biểu hiện ung thư võng mạc
Biểu hiện ung thư võng mạc rất đa dạng, chủ yếu bệnh nhân có dấu hiệu:
Ánh đồng tử trắng, dấu hiệu này có thể dễ dàng nhận thấy khi chụp ảnh cho trẻ thay cho hình ảnh dấu hiệu mắt đỏ khi chụp ảnh là ánh mắt mèo mù. Tuy nhiên không phải tất cả các trẻ có dấu hiệu ánh đồng tử trắng đều bị ung thư võng mạc vì vậy khi nào trẻ có dấu hiệu ánh đồng tử trắng cũng nên đưa đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để có chẩn đoán xác định.
Dấu hiệu thường gặp và dễ nhận biết ung thư võng mạc là lác, mắt của trẻ không nhìn thẳng mà có thể lác vào trong hoặc ra ngoài.
Ngoài ra, trẻ bị bệnh này có thể có biểu hiện mắt đau, đỏ, nhìn kém, lồi mắt, dị sắc mống mắt (màu sắc lòng đen hai mắt khác nhau), mắt giãn to....
Bệnh ung thư võng mạc được phân thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn I: Giai đoạn khởi đầu, u còn nhỏ, khu trú ở võng mạc.
Giai đoạn II: Giai đoạn gây biến chứng, u nội nhãn to gây tăng nhãn áp.
Giai đoạn III: Giai đoạn xuất ngoại, tế bào ung thư phá vỡ thành nhãn cầu đi vào hốc mắt, lan vào thị thần kinh.
Giai đoạn IV: Di căn xa, tế bào ung thư di căn đến hạch trước tai, dưới hàm, vào thành xương hốc mắt hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể và có thể gây tử vong.
3. Điều trị ung thư võng mạc
Ngày nay, Có nhiều phương pháp để điều trị ung thư võng mạc. Tuy vậy, điều trị bệnh ung thư võng mạc phụ thuộc thời điểm phát hiện bệnh sớm hay muộn, độ tuổi, bệnh biểu hiện ở một hay hai mắt, đã di căn vào các bộ phận khác trong cơ thể hay không. Phương pháp điều trị thông thường là:
Khoét bỏ nhãn cầu: đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất và là cách duy nhất có thể loại bỏ hoàn toàn khối u khỏi mắt.
Kèm với khoét bỏ nhãn cầu là cắt dây thần kinh dài tối đa làm mẫu giải phẫu bệnh.
Nếu u còn nhỏ thì có thể điều trị bảo tồn bằng một trong các phương pháp:
Lạnh đông: chỉ định cho khối u nhỏ và ở phía trước.
Quang đông hồ quang xenon hoặc laser: chỉ định cho u nhỏ và ở phía sau.
Tia xạ: chiếu từ xa (chỉ định cho u lớn và ở phía sau) hoặc dùng tấm đồng vị phóng xạ cố định trên củng mạc tại vị trí khối u (chỉ định cho u kích thước trung bình).
Liệu pháp hóa học: dùng cho những trường hợp đã di căn hoặc có nhiều nguy cơ di căn toàn thân.
Ung thư võng mạc là bệnh đe dọa đến tính mạng nhưng nếu điều trị đúng cách bệnh sẽ ít khi gây tử vong. Vì vậy, dưới sự theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa mắt trẻ em và chuyên khoa ung thư sẽ kịp thời phát hiện ra các dấu hiệu ung thư võng mạc giúp bệnh nhân tăng cao cơ hội phục hồi sức khỏe.