Teo não ở người già là tình trạng thoái hóa não tự nhiên do tuổi tác. Đây là một trong những triệu chứng nghiêm trọng, xảy ra ở hệ thần kinh trung ương có liên quan đến hội chứng mất dần tế bào thần kinh hoặc một liên kết giữa những tế bào bị phá hủy.
1. Bệnh teo não ở người cao tuổi
Teo não là một bệnh lý xảy ra ở thần kinh trung ương có liên quan đến hội chứng mất dần tế bào não hoặc mối liên kết giữa các tế bào trong hệ thần kinh. Hiện tượng này làm giảm kích thước và khối lượng não bộ. Bệnh teo não ở người cao tuổi xảy ra do sự lão hóa tự nhiên hoặc do chấn thương bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Người bệnh bị teo não thì khả năng truyền dẫn và xử lý thông tin của bệnh nhân bị gián đoạn hoặc sai lệch khiến cho họ bị rối loạn nhiều chức năng trong hoạt động sống thường ngày như nói chuyện, ăn uống, đi lại khó khăn, rối loạn hành vi, rối loạn nhận thức,...
Một số dấu hiệu bệnh teo não ở người già như:
Mất trí nhớ: Tình trạng mất trí nhớ trải qua nhiều cấp độ khác nhau, bắt đầu từ những việc mới xảy ra, sau đó là những sự kiện xa, thậm chí là tên người thân trong nhà, những thói quen sinh hoạt hàng ngày như đánh răng, cầm đũa,...
Rối loạn nhận thức: Bệnh nhân mất dần khả năng định hướng và xác định thời gian.
Trầm cảm: Thường xuất hiện ở giai đoạn sớm nhưng không thường xuyên, bệnh nhân không có hứng thú với những hoạt động xung quanh cuộc sống. Bệnh trầm cảm do teo não khiến người cao tuổi thường bị ảo giác hoặc hoang tưởng.
Rối loạn chức năng ngôn ngữ: Người bệnh thường khó khăn khi tìm từ diễn tả mong muốn, suy nghĩ của mình. Nếu bệnh nặng hơn có thể nói lắp, phát âm không rõ ràng và thậm chí bị mất luôn chức năng sử dụng từ ngữ.
2. Nguyên nhân dẫn tới teo não ở người già
Nguyên nhân chính dẫn tới teo não ở người già đó là:
Tình trạng lão hóa tự nhiên: Bệnh thường xuất hiện ở những người từ 55 tuổi trở lên theo nhiều cấp độ nặng hay nhẹ khác nhau. Khi bước vào giai đoạn lão hóa, các tế bào thần kinh sẽ yếu dần đi, thoái hóa và suy giảm chức năng hoạt động. Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân hay quên hoặc gặp một số khó khăn nhất định trong việc đi lại và giao tiếp thường ngày. Đối với giai đoạn bệnh nặng hơn, người bệnh bị teo não có thể sa sút trí tuệ, và thậm chí là liệt hoàn toàn.
Chấn thương vùng não: Các chấn thương vùng đầu nghiêm trọng hoặc các biến chứng liên quan đến hệ thần kinh như alzheimer, động kinh, parkinson, bệnh lý nhồi máu não, tăng huyết áp, đột quỵ,.. là những nhóm bệnh phổ biến gây teo não ở người già.
Bên cạnh đó, bệnh teo não ở người già cũng liên quan tới yếu tố di truyền, chế độ sinh hoạt không lành mạnh hay chế độ dinh dưỡng thiếu hụt. Đặc biệt đối với những người thường xuyên sử dụng rượu bia, chất kích thích và không bổ sung các loại dưỡng chất cho não như vitamin B12, acid folic sẽ có nguy cơ bị teo não cao hơn.
3. Biện pháp phòng ngừa nguy cơ teo não ở người cao tuổi
Bệnh teo não có thể để lại những biến chứng nguy hiểm. Với quy luật lão hóa tự nhiên, thì bệnh không thể điều trị được ở người già nhưng hoàn toàn có thể chủ động phòng bệnh khi chưa đến giai đoạn mắc bệnh. Chủ động phòng bệnh teo não ở người già ngay từ khi còn trẻ, khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể làm chậm lại quá trình lão hóa tự nhiên. Đến khi mắc bệnh, người bệnh cũng sẽ có những triệu chứng và biến chứng ít nghiêm trọng hơn, cải thiện được chất lượng cuộc sống sau khi về già.
Để phòng ngừa bệnh teo não ở người già, cần một chế độ ăn lành mạnh với nhiều loại thực phẩm có lợi cho não bộ, kết hợp với chế độ vận động, sinh hoạt và làm việc hợp lý.
3.1 Chế độ ăn uống lành mạnh
Trong khẩu phần ăn hàng ngày nên có đầy đủ các loại chất dinh dưỡng. Đặc biệt là omega-3, đây là dưỡng chất duy trì khối lượng, kích thước và kích thích não bộ hoạt động hiệu quả;
Hạn chế ăn các loại đồ ăn nhanh và thực phẩm đóng hộp. Vì đây là những loại đồ ăn làm chậm quá trình lão hóa, làm sa sút khả năng tư duy và dẫn tới teo não ở người già;
Không uống quá nhiều rượu bia, không hút thuốc hay sử dụng các chất kích thích cũng là cách kéo dài tuổi thọ của não;
Tích cực bổ sung các loại dưỡng chất đặc biệt tốt cho não trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày ví dụ như: axit folic, vitamin B12, vitamin E, C,... Tuy nhiên, liều lượng bổ sung thích hợp ở mỗi người sẽ khác nhau. Vì thế, cần tham khảo trước ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyên môn dinh dưỡng để biết mình nên bổ sung như thế nào cho hợp lý.
3.2 Chế độ sinh hoạt, vận động
Duy trì thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc: Ngay từ khi cơ thể còn khỏe mạnh hãy duy trì thói quen ngủ sớm và ngủ đủ giấc. Khi có một giấc ngủ sâu là lúc não được thư giãn và nghỉ ngơi. Những người thường xuyên bị mất ngủ sẽ mất khả năng tập trung và giảm khả năng xử lý thông tin. Ngược lại, khi có giấc ngủ chất lượng sẽ luôn thấy tươi tỉnh, mức độ tập trung và sự nhanh nhạy cũng được cải thiện đáng kể.
Tập thể dục đều đặn mỗi ngày làm duy trì lượng máu lưu thông đến não, làm tăng sức mạnh liên kết giữa các tế bào thần kinh và các mô. Những bài tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp với lứa tuổi có thể áp dụng mỗi ngày như đạp xe, yoga, đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang,...
Luyện tập cho não bộ khỏe mạnh, linh hoạt bằng cách chơi các trò chơi trí tuệ như: đánh cờ tướng, cờ vua, rubik, nhìn hình đoán chữ,...
Thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát kịp thời những yếu tố nguy cơ tác động đến sức khỏe não bộ.
Trong công việc hàng ngày, cần hạn chế tối đa mọi sự căng thẳng vì đây là yếu tố nguy cơ cao khiến não mệt mỏi. Nếu bị căng thẳng thường xuyên có thể bị rối loạn chức năng não hoặc suy giảm trí nhớ.
Tóm lại, bệnh teo não là một bệnh lý xảy ra ở thần kinh trung ương có liên quan đến hội chứng mất dần tế bào não hoặc các mối liên kết giữa các tế bào trong hệ thần kinh của cơ thể. Nguyên nhân chính là do sự thoái hóa ở tuổi già hoặc do chấn thương vùng não. Việc phòng ngừa bệnh teo não ở người già khi khỏe mạnh sẽ làm quá trình lão hóa chậm lại, và các triệu chứng và biến chứng xảy ra cũng sẽ giảm nhẹ. Do vậy, ngay từ khi còn trẻ hãy tập cho mình thói quen sinh hoạt điều độ, chế độ ăn uống hợp lý để não bộ luôn khỏe mạnh, thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm những bất thường và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.