Nói lắp (cà lăm) là một rối loạn ngôn ngữ phổ biến, thường xuất hiện ở trẻ em, khiến lời nói bị lặp lại và ngắt quãng. Nói lắp gây ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tạo rào cản trong việc thể hiện bản thân. Cùng tìm hiểu dấu hiệu và cách khắc phục chứng nói lắp qua bài viết dưới đây nhé!
1Nói lắp (cà lăm) là gì?
Nói lắp (cà lăm) là một dạng rối loạn ngôn ngữ, liên quan đến khả năng nói lưu loát, liền mạch của người nói. Tật nói lắp thường xuất hiện từ thời thơ ấu sau đó cải thiện và biến mất.
Tuy nhiên ở một số người, tình trạng nói lắp vẫn còn tiếp diễn khi trưởng thành. Nói lắp ở trẻ nhỏ hay người lớn đều có thể điều trị phục hồi hoặc cải thiện thông qua các phương pháp ngôn ngữ trị liệu, thiết bị hỗ trợ, liệu pháp nhận thức hành vi và liệu pháp gia đình.[1]
Nói lắp của bạn là một dạng rối loạn ngôn ngữ
2Nguyên nhân
Hiện nay, các nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được sự đồng thuận về nguyên nhân dẫn tới nói lắp. Mặc dù còn nhiều tranh cãi, song phần lớn các nhà khoa học vẫn chấp nhận rằng nguyên nhân gây triệu chứng nói lắp chủ yếu là do sự khác biệt về hệ thần kinh trung ương và yếu tố di truyền.
- Yếu tố thần kinh: Các nghiên cứu chỉ ra rằng có hai điểm trùng hợp trong bất thường chức năng não bộ ở người trưởng thành nói lắp. Một là sự hoạt động quá mức của bán cầu não phải. Hai là sự phối hợp hoạt động của vùng ngôn ngữ và lời nói bị rối loạn.[2]
- Yếu tố di truyền: Vai trò của yếu tố di truyền gây nói lắp được thể hiện qua sự gia tăng tỉ lệ mắc ở người mà tiền sử gia đình có người nói lắp. Ngoài ra, ở độ tuổi trưởng thành, tỷ lệ mắc tật nói lắp ở nam giới cao hơn gấp ba đến bốn lần so với nữ giới.
- Yếu tố tâm lý: Khác với các yếu tố thần kinh, yếu tố về tâm lý gây ra nói lắp còn đang gặp nhiều ý kiến trái chiều và ít được công nhận, một phần do khó khăn trong việc chẩn đoán phân biệt. Các yếu tố tâm lý được cho là có liên quan tới nói lắp như hồi hộp, lo âu, stress.[3]
Nói lắp có thể là do yếu tố thần kinh, di truyền hoặc tâm lý
Các yếu tố nguy cơ
- Chậm phát triển thời thơ ấu: Nói lắp thường xuất hiện ở độ tuổi từ 2 - 5 tuổi, khi khả năng ngôn ngữ của trẻ đang phát triển nhanh chóng, nhưng sự phát triển về chức năng vận động không bắt kịp nhịp độ ngôn ngữ của trẻ dẫn tới hiện tượng nói lắp có thể xảy ra.
- Tiền sử gia đình: Một người có nguy cơ nói lắp cao gấp ba lần người khác nếu trong gia đình họ có người mắc tật nói lắp. Và các nghiên cứu chỉ ra rằng ở các cặp sinh đôi cùng trứng có nhiều kiểu nói lắp giống nhau, tỷ lệ này thấp hơn ở các cặp sinh đôi khác trứng.
- Cảm xúc: Quá lo lắng hay hồi hộp có thể làm nặng thêm tình trạng nói lắp ở người mắc tật nói lắp.[4]
Nguy cơ mắc tật nói lắp cao gấp ba lần khi tiền sử gia đình có người nói lắp
3Dấu hiệu
Nói lắp thường xuất hiện ở trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 5 tuổi, sau đó cải thiện và biến mất hoặc có thể kéo dài đến giai đoạn trưởng thành. Đôi khi, nói lắp còn có thể mắc phải sau một chấn thương thần kinh. Nói lắp được biểu hiện qua các dấu hiệu sau:
- Khó bắt đầu một từ, cụm từ hoặc câu.
- Phát âm một âm, một từ kéo dài.
- Sự lặp lại của một âm thanh, âm tiết hoặc từ.
- Lời nói bị gián đoạn, thiếu liên tục.
- Khó chuyển từ, cụm từ hoặc câu khi nói, thường thêm các từ phụ như "ừm".
- Căng thẳng, gồng mình quá mức có thể biểu hiện qua nét mặt hoặc phần trên cơ thể khi nói chuyện.
- Lo lắng về việc nói chuyện.
- Khả năng giao tiếp bằng lời bị hạn chế, hiệu quả giao tiếp thường kém.
Các dấu hiệu của tật nói lắp có thể đi kèm với một số biểu hiện sau:
- Nháy mắt liên tục.
- Rung môi hoặc hàm.
- Tics trên khuôn mặt (các hành động như nháy mắt, gật hay lắc đầu liên tục không kiểm soát).
- Bàn tay nắm chặt.
Nói lắp thường nặng nề hơn khi người đó lo lắng, căng thẳng... Các tình huống cần phải nói trước đám đông hoặc khi nói chuyện điện thoại có thể đặc biệt khó khăn đối với người nói lắp. Nhưng hầu hết người nói lắp lại không nói lắp khi họ luyện tập nói chuyện một mình, hay khi hát, nói đồng thanh với người khác.
Nói lắp của bạn có thể trở nên tồi tệ hơn khi nghe điện thoại
4Ảnh hưởng nghiêm trọng trong cuộc sống
Nói lắp làm giảm sự hiệu quả trong giao tiếp của người mắc, tạo ra một rào cản nhất định trong sự hình thành và phát triển tương tác xã hội. Điều này có thể dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng trong cuộc sống như:
- Tự ti, mặc cảm trong các mối quan hệ xã hội.
- Sống thu mình, giảm tương tác xã hội.
- Rối loạn lo âu, trầm cảm.
- Sa sút trong học tập, làm việc.
Nói lắp có thể khiến người mắc sống thu mình và giảm tương tác xã hội
5Cách chẩn đoán
Hỏi tiền sử sức khỏe
- Thời điểm bắt đầu nói lắp, khi nào thì tật nói lặp xuất hiện thường xuyên nhất.
- Tình trạng bệnh tật, sử dụng thuốc hiện tại và trong quá khứ.
- Nói lắp ảnh hưởng cuộc sống của người bệnh như thế nào.
- Người mắc đã từng được chẩn đoán hay điều trị tật nói lắp trước đây chưa?
- Trong quá trình hỏi, người bệnh nói to để thấy rõ sự khác biệt trong lời nói, biểu cảm của họ lúc nói.[5]
Xét nghiệm
Nói lắp thường được chẩn đoán trên lâm sàng và không có một xét nghiệm đặc hiệu nào cho nó. Các chỉ định như chụp phim MRI, PET/ CT... thường chỉ được sử dụng khi có những biểu hiện đi kèm nghiêm trọng hoặc cần chẩn đoán phân biệt nguyên nhân gây nói lắp.
MRI, PET/CT ít được chỉ định trong chẩn đoán nói lắp
6Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Nói lắp ở trẻ từ 2 - 5 tuổi, hầu hết sẽ biến mất sau đó. Tuy nhiên, nếu tình trạng nói lắp kéo dài có thể cần được can thiệp điều trị sớm để cải thiện khả năng nói lưu loát. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn hoặc người thân của mình mắc chứng nói lắp kèm theo các dấu hiệu sau:
- Kéo dài hơn 6 tháng.
- Gặp các vấn đề về lời nói hoặc ngôn ngữ khác.
- Nói lắp trở nên thường xuyên hơn.
- Ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp hiệu quả ở trường, nơi làm việc hoặc trong tương tác xã hội.
- Có biểu hiện lo lắng hoặc các vấn đề tâm lý khác như sợ hãi hoặc trốn tránh các tình huống bắt buộc phải nói.
- Mới xuất hiện khi trưởng thành.
Nơi khám chữa tật nói lắp
Nếu tình trạng nói lắp quá nghiêm trọng và kéo dài gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày thì nên đến các bệnh viện uy tín để được thăm khám và chữa trị kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
- Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố Hồ Chí Minh, Hệ thống trung tâm phục hồi chức năng Vinahealth, Bệnh viện Nhi đồng 1...
- Hà Nội: Trung tâm Thính học và Trị liệu ngôn ngữ thuộc bệnh viện Nhi Trung ương, hệ thống trung tâm phục hồi chức năng Vinahealth, Khoa Phục hồi chức năng thuộc bệnh viện Đại học Y Hà Nội...
7Các phương pháp chữa nói lắp
Ngôn ngữ trị liệu
Liệu pháp ngôn ngữ hướng dẫn người bệnh điều chỉnh nhịp điệu lời nói chậm lại có chủ đích nhằm giảm thiểu tình trạng nói lắp, phát âm câu từ rõ ràng. Sau đó, theo thời gian khi tình trạng nói lắp được cải thiện, bạn có thể luyện tập để đạt được kiểu nói tự nhiên và lưu loát hơn.
Ngôn ngữ trị liệu giúp người bệnh điều chỉnh nhịp điệu lời nói chậm lại
Sử dụng thiết bị hỗ trợ
Hầu hết các thiết bị hỗ trợ điều trị nói lắp đều sử dụng công nghệ AAF (phản hồi thính giác đã thay đổi) "hiệu ứng hợp xướng" vì các nghiên cứu cho thấy rằng người mắc tật nói lắp có thể nói trôi chảy khi nói đồng thanh với nhiều người. Cụ thể là:
- DAF (phản hồi thính giác trì hoãn): Khi người bệnh nói, họ sẽ nghe thấy giọng nói của mình được phát lại qua thiết bị nhưng đã được điều chỉnh chậm lại.
- FAF (phản hồi thính giác được thay đổi tần số): Khi người bệnh nói, họ sẽ nghe thấy giọng nói của mình được phát lại qua thiết bị nhưng với cao độ trầm hơn.
Nhờ vậy mà người bệnh sẽ nghe chậm rãi, thoải mái và tự tin hơn, giúp người bệnh cải thiện khả năng nhận biết và kiểm soát giọng nói của mình. Theo thời gian, khả năng nói của người bệnh sẽ được cải thiện và ngày càng ít cần đến thiết bị hơn.[6]
Các thiết bị hỗ trợ điều trị nói lắp DAF/FAF cho bạn
Trị liệu nhận thức hành vi
Liệu pháp nhận thức hành vi hướng bạn có nhận thức, thái độ đúng đắn với nói lắp. Đồng thời giúp bạn ứng dụng và giải quyết các vấn đề như căng thẳng, lo lắng quá mức hoặc lòng tự trọng liên quan đến nói lắp.
Liệu pháp gia đình
Tương tác tích cực giữa các thành viên trong gia đình với người mắc có thể giúp họ đáp ứng tốt hơn với các liệu pháp điều trị nói lắp tại nhà. Các bước tiếp cận, hỗ trợ điều trị từ phía gia đình nên được điều chỉnh dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
8Biện pháp khắc phục nói lắp tại nhà
Nếu bạn có người thân mắc tật nói lắp thì những lời khuyên sau đây có thể hữu ích giúp họ cải thiện tình trạng này:
- Chăm chú lắng nghe người bệnh.
- Đợi người bệnh nói từ mà họ đang cố gắng nói.
- Dành thời gian luyện tập nói chuyện với người bệnh.
- Người thân chậm rãi, không vội vã để người bệnh bắt chước.
- Các thành viên trong gia đình thay phiên nhau nói chuyện với người bệnh.
- Cố gắng tạo bầu không khí thoải mái ở nhà để người bệnh trò chuyện tự nhiên.
- Đừng quá để ý, hay thường xuyên đề cập về tật nói lắp của trẻ để tránh cho người bệnh cảm thấy áp lực.
- Thường xuyên đưa ra lời khuyên thay vì chỉ trích người bệnh.
- Đừng phản ứng quá tiêu cực và cần giữ thái độ đúng với tật nói lắp của người bệnh.
Ba mẹ trẻ nói lắp nên thường xuyên đưa ra lời khuyên thay vì chỉ trích trẻ
Xem thêm
- Tâm thần phân liệt.
- Trầm cảm.
- Các loại bệnh tâm thần thường gặp - 18 loại tâm lý thần kinh nên biết.