Bài viết được tư vấn chuyên môn ThS.BS Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc xin - Khoa Ngoại trú Nhi, Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Vắc-xin 6 trong 1 là một trong những vắc-xin cần phải tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 24 tháng tuổi để phòng bệnh, với ưu điểm là tránh phải tiêm nhiều mũi. Tại Việt Nam, hiện nay có 2 loại vắc-xin 6 trong 1 là Infanrix Hexa và Hexaxim. Vậy mũi 6 trong 1 là vắc-xin gì và để phòng bệnh nào?
Vắc-xin 6 trong 1 (Vaccine 6 in 1) là loại vắc-xin phối hợp, đang được sử dụng phổ biến trong chương trình tiêm chủng dịch vụ để phòng ngừa 6 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em từ 2 tháng đến dưới 24 tháng tuổi, bao gồm: bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hemophilus Influenza týp B (Hib).
Đây là vắc-xin sử dụng kháng nguyên ho gà dạng vô bào thay vì dạng toàn tế bào như vắc-xin 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của Quốc gia, do đó có độ an toàn cao, giảm bớt tác dụng phụ và cũng tiết kiệm thời gian cho gia đình không phải đưa trẻ đi tiêm nhiều mũi riêng lẻ. Nhờ có vắc-xin 6 trong 1, có thể giảm số mũi tiêm chủng từ 9 xuống còn 3 mũi so với việc tiêm vắc xin đơn lẻ khi phòng các bệnh trên cho trẻ dưới 1 tuổi.
Hiện nay tại Việt Nam đang sử dụng 2 loại vắc-xin 6 in 1 chính để phòng tránh bệnh là:
Về cơ bản, 2 loại vắc-xin này đều phòng tránh 6 loại bệnh truyền nhiễm kể trên. Trong trường hợp hết vắc-xin có thể sử dụng thay thế được cho nhau và thay thế cả cho vắc-xin 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, vẫn có sự khác nhau về quốc gia sản xuất, thành phần kháng nguyên ho gà trong vắc-xin và dạng bào chế, cũng như mức giá để bố mẹ có thể thoải mái lựa chọn.
Vắc-xin 6 trong 1 Infanrix hexa được bào chế dưới dạng bột Hib đông khô và huyền dịch bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B. Trước khi tiêm vắc-xin cần phải pha huyền dịch với bột Hib đông khô gọi là pha hoàn nguyên vắc-xin. Vắc-xin Infanrix hexa chứa kháng nguyên ho gà vô bào gồm 3 thành phần kháng nguyên là độc tố ho gà PT, ngưng kết tố hồng cầu dạng sợi - Filamentous hemagglutinin (FHA) và Pertactin (PRN).
Vắc-xin 6 trong 1 Hexaxim được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm pha sẵn, nạp sẵn trong xi-lanh, có thể sử dụng ngay, giúp rút ngắn thời gian tiêm chủng cho trẻ, tránh nhiễm khuẩn trong quá trình thao tác, đồng thời đảm bảo liều lượng chính xác cho mỗi lần tiêm. Vắc-xin chứa 2 thành phần kháng nguyên ho gà là PT và FHA.
Bệnh bạch hầu là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Bệnh nhân thường biểu hiện viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau, da xanh, mệt mỏi, sốt, hạch cổ sưng và đau. Bệnh đặc trưng bởi có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm nếu bóc ra sẽ bị chảy máu, vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.
Bạch hầu thanh quản là thể nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh và tổn thương cơ tim. Nhiễm độc thần kinh làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh cảm giác. Tổn thương tim làm tim đập nhanh, loạn nhịp tim, block nhĩ thất, nhịp tim chậm...Một số có biểu hiện biến chứng như: Tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, viêm đa thần kinh, suy tim, hôn mê, liệt cơ hô hấp và tử vong.
Chính vì vậy, ngay từ khi 2 tháng tuổi, trẻ cần được tiêm vắc-xin 6 in 1 để phòng chống nguy cơ mắc bệnh bạch hầu.
Bệnh ho gà là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính liên quan đến đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella gây ra. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng thể hiện trẻ ho rũ rượi từng cơn liên tục không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít nghe như tiếng gà gáy, cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Sau mỗi cơn ho trẻ mệt bơ phờ, mình đẫm mồ hôi và thở gấp. Ở trẻ nhỏ, nhiều khi triệu chứng không điển hình, trẻ có thể ngừng thở tím tái mà không có biểu hiện cơn ho như trên.
Bệnh có thể có biến chứng viêm phổi nặng gây suy hô hấp và tử vong, đặc biệt là với trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi. Bệnh ho gà chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người nhiễm bệnh khi nói chuyện hay tiếp xúc trực tiếp với đồ vật bị nhiễm dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh. Cả vắc-xin 6 trong 1 Infanrix Hexa và Hexaxim đều chứa kháng nguyên ho gà và có khả năng phòng chống được bệnh này, vì vậy trẻ em cần được tiêm phòng đầy đủ để có kháng thể bảo vệ cơ thể tốt nhất.
Bệnh uốn ván là tình trạng nhiễm trùng cấp tính nghiêm trọng, do độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium Tetani) gây ra. Độc tố của vi khuẩn này ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể, làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương. Bệnh nhân thường biểu hiện đau, co cứng cơ (cứng cổ, hàm và cơ bụng), khó nuốt, uống sặc, sốt, co giật. Đối với uốn ván sơ sinh: trẻ bỏ bú, khít hàm, co cứng toàn thân; có thể có gãy xương, khó thở.
Tỷ lệ tử vong do uốn ván là khoảng 10-20%. Trong đó, chủ yếu là người già trên 60 tuổi hoặc người bệnh có bệnh lý đái tháo đường. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhi chưa tiêm chủng là khá cao, do vậy ngay từ 2 tháng tuổi, bố mẹ cần cho trẻ tiêm phòng mũi vắc-xin 6 trong 1 để tránh các bệnh nguy hiểm.
Bại liệt là bệnh lý truyền nhiễm do virus Polio gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa. Virus bại liệt chủ yếu từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm, sữa hoặc các thực phẩm khác rồi vào người qua đường tiêu hóa. Cũng có khi lây truyền qua đường hầu họng.
Virus bại liệt sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây một số ít virus xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não gây liệt mềm các chi hoặc liệt hành tủy dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Một số trường hợp có thể gây viêm màng não vô khuẩn với triệu chứng sốt, đau đầu, đau cơ, cứng gáy. Bệnh không có những triệu chứng đặc trưng nên rất khó phát hiện sớm. Việc tiêm vắc-xin phòng bại liệt đã giúp tỷ lệ mắc bệnh bại liệt giảm rõ rệt.
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B - HBV gây ra, gây nguy hiểm chủ yếu ở gan. Bệnh có thể lây qua 3 con đường cơ bản là đường máu, truyền từ mẹ sang con hoặc lây qua đường tình dục không an toàn. Bệnh nhân thường có dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt. Đặc biệt, viêm gan B thường không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng, vì vậy đa phần khi được phát hiện thì bệnh đã ở vào giai đoạn nguy hiểm. Khoảng 85-90% người mắc bệnh trưởng thành có diễn biến cấp tính. Trẻ nhỏ lây trực tiếp từ mẹ bị viêm gan B có nguy cơ 90% ở thể mạn tính.
Bệnh thường khởi phát với biểu hiện sốt nhẹ, chán ăn, bụng ậm ạch khó tiêu, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, nôn, sau khoảng 7-10 ngày xuất hiện vàng da, lúc này sẽ hết sốt, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu, đau khớp. Sau khoảng 4-6 tuần các triệu chứng lâm sàng đỡ dần. Thể tối cấp diễn biến rầm rộ, hôn mê và tử vong trên 95%.
Một số trường hợp có biến chứng: Viêm gan mạn tính, suy gan, xơ gan, ung thư gan. Để tránh nguy cơ mắc viêm gan B, cách đơn giản nhất là tiêm chủng vắc-xin phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và nhắc lại trong vắc-xin 6 trong 1 phòng bệnh cho trẻ khi trẻ được tròn 2 tháng tuổi.
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Haemophilus Influenza typ B (Hib). Là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não mủ ở trẻ em < 5 tuổi. Vi khuẩn Hib tồn tại ở mũi và họng, dễ lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, qua những giọt nước bọt hắt hơi và ho. Bất cứ trẻ nào chưa có miễn dịch phòng bệnh đều có nguy cơ mắc, đặc biệt trẻ từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện:
+ Đối với viêm màng não mủ: Bệnh cảnh nhiễm khuẩn diễn biến rất cấp tính. Sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn vọt, tăng kích thích, cổ cứng, co giật, li bì, lơ mơ, hôn mê, liệt thần kinh khu trú, giảm trương lực cơ. Ở trẻ em biểu hiện đầu tiên là nôn và co giật, thóp phồng, chướng bụng, tiêu chảy. Có thể sốc nhiễm khuẩn.
+ Đối với viêm phổi: Khởi phát viêm long đường hô hấp trên, sốt nhẹ, sổ mũi. Triệu chứng tiêu hóa (nôn, đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy) thường nổi bật ở trẻ nhỏ. Ho, lúc đầu ho khan sau có đờm; có thể không có ho ở trẻ nhỏ; thở nhanh, khó thở, co kéo cơ bụng và cơ liên sườn, đau ngực.
+ Một số trường hợp có thể không có triệu chứng.
Biến chứng hay gặp là nhiễm trùng huyết, phù não, tràn dịch dưới màng cứng, phù phổi cấp, tràn mủ/ tràn khí màng phổi, viêm màng ngoài tim, suy hô hấp, tử vong. Có thể để lại di chứng: chậm phát triển tinh thần, vận động, ngôn ngữ, điếc, động kinh, tăng trương lực cơ.
Để tránh mắc căn bệnh nguy hiểm này, cách tốt nhất vẫn là tiêm phòng cho trẻ với vắc-xin 6 in 1 hoặc vắc-xin phòng Hib.
Bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, viêm phổi và viêm màng não gây ra bởi Hib đều là những bệnh lý có thể mắc phải ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, trẻ nhỏ là nhóm đối tượng có hệ miễn dịch còn yếu, khả năng phòng vệ chưa hoàn thiện nên các loại vi khuẩn, virus gây bệnh rất dễ xâm nhập.
Thông thường, các bệnh này có thể phát hiện sớm và điều trị khỏi. Thế nhưng, các biến chứng nguy hiểm vẫn có nguy cơ xảy ra, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, thậm chí dẫn đến tử vong. Một số quốc gia vắc-xin 6 trong 1 có thể được tiêm từ 6 tuần tuổi. Tại Việt Nam, theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế về ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định tiêm vắc-xin phối hợp chứa bạch hầu, ho gà, uốn ván khi trẻ được 2 tháng tuổi. Trẻ được tiêm 3 mũi vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi và khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng. Mũi thứ 4 được tiêm nhắc lại vào lúc trẻ được 18 tháng tuổi và không được quá 24 tháng tuổi.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được tiêm phòng vắc-xin cho trẻ. Những trường hợp sau đây chống chỉ định hoặc tạm hoãn tiêm:
Trẻ đang bị sốt cao, hoặc mắc các bệnh lý cấp tính, cũng cần tạm hoãn tiêm chủng vắc-xin 6 trong 1 cho tới khi trẻ ổn định về sức khỏe.
Vắc-xin 6 trong 1 hiện nay được nhiều người lựa chọn vì tính tiện dụng của nó. Theo đó, bố mẹ chỉ cần cho trẻ tiêm 1 lần là đã có thể phòng tránh được cả 6 bệnh khác nhau. Do đó, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí cho gia đình.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang triển khai dịch vụ tiêm chủng với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai. Trong đó có Vắc-xin 6 trong 1 Infanrix hexa sản xuất bởi hãng GlaxoSmithKline (GSK) - Bỉ và vắc-xin 6 trong 1 hexaxim sản xuất bởi hãng Sanofi - Pháp. Những ưu điểm khi tiêm vắc-xin tại Vinmec bao gồm:
Bên cạnh đó Vinmec hiện đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng (có bao gồm Infanrix hoặc Hexaxim 6 trong 1) cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: Thông tin kê toa sản phẩm Hexaxim và thông tin đã được Cục Quản lý Dược phê duyệt cho sản phẩm Infanrix Hexa.
Link nội dung: https://blog24hvn.com/vac-xin-infanrix-hexa-a58347.html