Trĩ là một căn bệnh này càng phổ biến trong đời sống hiện đại, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Cùng tìm hiểu cách chữa bệnh trĩ qua bài viết dưới đây!
1Phân loại bệnh trĩ
Dựa vào vị trí tĩnh mạch bị sưng phát triển, người ta chia trĩ thành hai loại sau:
- Trĩ ngoại: tĩnh mạch sưng to ở vị trí gần hậu môn. Bệnh có thể không gây nguy hiểm nhưng có thể xuất hiện tình trạng đi ngoài ra máu.
- Trĩ nội: tĩnh mạch sưng to thường xuất hiện ở vị trí trực tràng (cơ quan sâu hơn hậu môn). Tình trạng này không gây đau cũng không gây chảy máu khi đại tiện.
Dựa theo phân loại trĩ cũng như mức độ, bác sĩ sẽ có những can thiệp khác nhau để nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như trị dứt điểm bệnh.[1]
Trĩ được chia thành hai loại
2Có thể điều trị bệnh trĩ được không?
Trĩ có thể điều trị được, tuy nhiên do các tĩnh mạch vùng nãy đã bị giãn ra nên rất khó điều trị dứt điểm, thường xuyên tái đi, tái lại gây khó khăn trong sinh hoạt và công việc của người bệnh.
Vì vậy, cần phát hiện sớm trĩ để nâng cao hiệu quả điều trị, tránh tái phát hoặc tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện như tắc tĩnh mạch gây hoại tử vùng hậu môn hoặc trực tràng liên quan.
Bệnh trĩ khó điều trị dứt điểm được
3Cách chữa bệnh trĩ
Dựa vào mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ quyết định sử dụng các phương pháp điều trị phù hợp như:
Cách chữa bệnh trĩ tại nhà
Nếu trĩ độ 1 hoặc 2 chưa cần cần thiệp phẫu thuật, người bệnh có thể thực hiện những biện pháp sau để hỗ trợ điều trị trĩ hiệu quả:
- Ăn nhiều chất xơ: bổ sung nhiều rau xanh và trái cây vào chế độ ăn có thể giúp mềm phân, giảm áp lực lên tĩnh mạch mỗi khi đi vệ sinh.
- Uống nhiều nước: uống đủ 2 lít nước mỗi ngày sẽ tạo điều kiện cho phân mềm hơn, tránh tình trạng táo bón.
- Ngâm nước ấm: ngồi ngâm nước ấm trong 20 phút tối thiểu 2-3 lần mỗi ngày có thể giúp giảm ngứa và giảm co thắt tĩnh mạch.
- Thay đổi thói quen đại tiện: nên đại tiện khi bắt đầu có cảm giác cần đi vệ sinh chứ không nên nhịn quá lâu. Rèn thói quen đi đại tiện 1 giờ cố định trong tuần để giúp phân ra dễ hơn.
- Tập thể dục: tập các bài tập thể dục trong 20 - 30 phút mỗi ngày giúp hệ đường ruột hoạt động hiệu quả hơn.
- Dùng thuốc giảm đau đường uống: trong trường hợp, trĩ làm xuất hiện cảm giác đau, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol để làm giảm tình trạng này.
- Dùng thuốc điều trị tại chỗ: sử dụng thuốc bôi trĩ tại chỗ mà thành phần có chứa thuốc tê có thể làm giảm cảm giác đau cho người bệnh.[2] (Xem thêm các sản phẩm thuốc bôi trĩ giảm các triệu chứng viêm, đau rát, vướng víu khi búi trĩ phát triển, giúp cầm máu nhanh và chống tắc nghẽn mạch).
Người bệnh nên bổ sung chất xơ để giúp phân mềm hơn
Điều trị ngoại khoa
Khi các phương pháp điều trị nội khoa không có tác dụng, bác sĩ sẽ cân nhắc đến một số phương pháp điều trị ngoại khoa sau:
- Thắt dây chun: sử dụng dây chun để ngăn cản máu đến búi trĩ. Việc làm này sẽ giúp búi trĩ tự rụng và teo đi. Phương pháp thường dùng với trĩ độ 1,2 nhưng có thể xuất hiện tình trạng nhiễm trùng đáy chậu nên người bệnh cần đặc biệt theo dõi các triệu chứng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tiêm xơ: tiêm chất tạo xơ dưới niêm mạc bũi trĩ để ngăn không cho máu lưu thông trong búi trĩ, khiến cho chúng tự teo và rụng. Phương pháp này được áp dụng với những búi trĩ độ 2,3 và không áp dụng được với những trường hợp máu khó đông, viêm đại trực tràng, tiểu đường.
- Quang đông hồng ngoại: sử dụng năng lượng hồng ngoại để giảm máu đến búi trĩ. Phương pháp này chỉ được dùng cho trĩ độ 1 và 2.
- Đốt laser: sử dụng năng lượng laser để đốt búi trĩ. Phương pháp này được dùng với trĩ độ 3 và 4.
Thắt bũi trĩ là một phương pháp dùng để điều trị trĩ
Phẫu thuật chữa bệnh trĩ
Một số phẫu thuật chữa bệnh trĩ thường được sử dụng là:
- Phương pháp cắt bỏ trực tiếp: bác sĩ sẽ cắt bỏ trực tiếp phần tĩnh mạch phình ra. Người bệnh sẽ không còn cảm giác có khối vùng hậu môn nhưng lại hay xuất hiện tình trạng sót phân hoặc tăng cảm giác đau vùng hậu môn.
- Phương pháp Longo: dùng để khâu xung quanh búi trĩ khiến cho chúng giảm kích thước và teo đi. Phương pháp tiến hành nhanh, tiện lợi nhưng giá thành cao.
- Phương pháp triệt mạch bằng siêu âm Doppler: sử dụng hình ảnh siêu âm để xác định mạch máu cung cấp cho búi trĩ, từ đó thắt các mạch liên quan. Phương pháp này ít gây đau, đem lại hiệu quả cao.
Phẫu thuật trĩ giúp loại bỏ trực tiếp khối tĩnh mạch nổi lên
4Nơi chữa bệnh trĩ uy tín
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa Nội. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, Bệnh viện Thống Nhất.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Quân đội Trung Ương 108.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn một số phương pháp điều trị trĩ thường đực sử dụng. Bạn nên duy trì lịch khám định kỳ để sớm phát hiện trĩ cũng như được bác sĩ tư vấn điều trị hiệu quả, tránh tái phát. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!