Vắc xin là một trong những phát minh vĩ đại của nhân loại, là phương pháp phòng ngừa bệnh tật hiệu quả nhất. Tác dụng của vắc xin đã được kiểm chứng và khẳng định thông qua những thành tựu mà vắc xin mang lại cho nhân loại hơn 2 thế kỷ qua. Vắc xin là “vũ khí” hữu hiệu giúp cả thế giới thanh toán căn bệnh đậu mùa, đồng thời giúp nhiều quốc gia loại trừ và kiểm soát tốt nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tạo tiền đề sức khỏe vững chắc cho sự phát triển toàn diện, tích cực của xã hội.
ThS Nguyễn Diệu Thúy - Chuyên viên Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Khoảng 85 - 95% người được tiêm chủng vắc xin sẽ hình thành kháng thể đặc hiệu bảo vệ cơ thể khỏi sự lây nhiễm, tấn công và gây bệnh của các tác nhân gây hại nguy hiểm. Nhờ có vắc xin và nỗ lực tiêm chủng của hệ thống y tế dự phòng quốc gia, vào năm 2000, Việt Nam đã thanh toán thành công bệnh bại liệt; vào năm 2005, chúng ta tiếp tục thành công trong việc loại trừ được uốn ván sơ sinh, đang hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi và khống chế bệnh viêm gan B trong vài năm tới.”Vắc xin là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên với nguồn gốc từ tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn,…) hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên tương tự như tác nhân gây bệnh, thành phần của vắc xin đã bị loại bỏ kháng nguyên gây bệnh trong khi vẫn giữ lại đặc tính kích thích hệ thống miễn dịch, nhằm giúp cơ thể tạo khả năng đáp ứng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.
Tất cả vắc xin khi được sản xuất đã được thông qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và đánh giá với nhiều yêu cầu nghiêm ngặt của các cơ quan y tế trước khi được cấp phép sản xuất hàng loạt và lưu hành nên vắc xin khi được tiêm đều đảm bảo độ an toàn cần thiết và hiệu quả phòng ngừa ở mức cao nhất.
Cơ chế phòng bệnh của vắc xin là khả năng “bắt chước” quá trình gây bệnh tự nhiên của các tác nhân gây bệnh nhằm giúp hệ thống miễn dịch người tiêm hình thành phản xạ chủ động, bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập và tấn công của virus, vi khuẩn,…
Cụ thể, vắc xin được đưa vào cơ thể sẽ kích hoạt các phản ứng phòng vệ để nhận biết, tiêu diệt, loại bỏ chúng khỏi cơ thể và kích thích cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu, ghi nhớ thành phần kháng nguyên gây bệnh để chủ động nhận biết và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh đó trong tương lai, bảo vệ cơ thể người tiêm khỏi nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh.
Dựa trên phương pháp phát triển và cách thức sản xuất, vắc xin có thể được chia làm 6 loại chính, bao gồm:
Loại vắc xin
Định nghĩaTên vắc xin
Vắc xin giảm độc lực Là vắc xin chứa vi sinh vật sống đã được làm yếu đi, không còn khả năng gây bệnh khi đưa vào cơ thể người. Vì là vắc xin sống, nên nó gây ra miễn dịch gần giống như miễn dịch tự nhiên khi nhiễm trùng. Vắc xin sởi, quai bị, rubella, thủy đậu,… Vắc xin bất hoạt Là vắc xin được bào chế từ vi sinh vật đã bị bất hoạt hoặc giết chết nhưng vẫn giữ được tính kháng nguyên. Vắc xin ho gà toàn tế bào Vắc xin giải độc tố Là vắc xin được bào chế từ độc tố của vi khuẩn đã bị làm mất đi khả năng gây độc nhưng vẫn giữ tính kháng nguyên. Vắc xin giải độc tố uốn ván, vắc xin giải độc tố bạch hầu Vắc xin tiểu đơn vị và cộng hợp Là vắc xin chỉ chứa duy nhất một phần kháng nguyên của tác nhân gây bệnh đã loại trừ các thành phần phần không mang tính kháng nguyên có thể gây phản ứng nhiều hơn. Vắc xin ho gà vô bào và vắc xin cúm (ở dạng tiêm) Vắc xin cộng hợp có thể tạo ra phản ứng miễn dịch kết hợp mạnh mẽ hơn, được sản xuất bằng cách sử dụng 02 thành phần khác nhau. Trong đó, một thành phần là các mảnh từ lớp vỏ của vi khuẩn. Những lớp vỏ này được liên kết hóa học với một protein mang là thành phần thứ 2. Vắc xin phế cầu cộng hợp Vắc xin mRNA Là vắc xin được sản xuất bằng công nghệ mRNA, sử dụng mRNA được bao bọc trong một quả cầu lipid. mRNA cung cấp cho tế bào “mã” để tạo ra một protein tương tự như protein “gai” trên bề mặt của virus, khi đưa vào cơ thể người tiêm sẽ kích hoạt chuỗi phản ứng miễn dịch bao gồm sản xuất kháng thể, kích hoạt các tế bào chuyên biệt để tìm và tiêu diệt virus mang protein “gai” đó. Vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer và Moderna Vắc xin Vector virus Là vắc xin sử dụng vật liệu di truyền (DNA) và đưa đoạn mã DNA này vào một con virus (được gọi là virus vector mang vật liệu di truyền). Khi được tiêm vào cơ thể, virus vector sẽ xâm nhập vào tế bào, điều khiển bộ máy tế bào để tổng hợp protein kháng nguyên. Vắc xin của AstraZeneca và vắc xin Sputnik-VTừ khi ra đời vào năm 1796, trải qua hơn 220 năm phát triển và liên tục mở rộng danh mục các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa, vắc xin đã mang đến cho sức khỏe cộng đồng những tác động vô cùng tích cực. Chính vì thế, vắc xin trở thành một trong những công cụ phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất.
Vắc xin khi đưa vào cơ thể sẽ giúp người tiêm hình thành kháng thể đặc hiệu của tác nhân gây bệnh chứa trong vắc xin. Từ đó, cơ thể người tiêm sẽ được bảo vệ khỏi sự xâm nhập và tấn công của các tác nhân gây bệnh đó trong tương lai, giảm thiểu tối đa tỷ lệ mắc bệnh.
Chính vì thế, tiêm chủng vắc xin đã giúp hệ thống y tế dự phòng kiểm soát và thậm chí loại trừ được rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của vắc xin là loại trừ được căn bệnh chết người, từng là “nỗi kinh hoàng” của cả thế giới, tàn phá loài người trong nhiều thế kỷ - bệnh đậu mùa.
Đậu mùa là căn bệnh rất dễ lây lan, gây ra tình trạng tăng sinh tế bào, viêm nhiễm da nghiêm trọng với hàng triệu ca tử vong rất thương tâm, trung bình cứ 4 ca đậu mùa lại có 1 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ có vắc xin và thông qua chiến dịch tiêm chủng toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, ca bệnh đậu mùa cuối cùng được ghi nhận vào năm 1977 và căn bệnh này chính thức tuyên bố bị loại trừ vào năm 1980.
Ngoài bệnh đậu mùa, vắc xin còn đóng vai trò then chốt trong việc giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Điển hình là bệnh sởi - một căn bệnh do tác nhân virus gây ra, có tốc độ lây lan khủng khiếp, có thể bùng phát thành ổ dịch lớn theo chu kỳ 2 - 3 năm/trận dịch. Sởi cũng có thể tiến triển các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Theo WHO, nỗ lực gia tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi trong cộng đồng đã giúp giảm 72% số ca tử vong liên quan đến bệnh sởi và 73% tỷ lệ tử vong do bệnh sởi gây ra trên toàn cầu trong giai đoạn 2000 - 2018. Tại Việt Nam, vào năm 2000, nhờ có vắc xin và nỗ lực gia tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin toàn quốc của hệ thống y tế dự phòng quốc gia, Việt Nam đã chính thức công bố thành công đạt được mục tiêu thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và kiểm soát bệnh sởi. [1]
Ngoài ra, tác dụng của vắc xin cũng đã hạn chế đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm khác như bạch hầu, ho gà, rubella, viêm gan A, B, não mô cầu, viêm nhiễm đường hô hấp do cúm, phế cầu, ung thư và các bệnh lý do HPV,…
Trong các trường hợp đã được tiêm ngừa vắc xin nhưng vẫn có một số rất ít trường hợp mắc bệnh sau đó, có thể do khả năng đáp ứng miễn dịch kém, hệ miễn dịch bị suy yếu do bệnh tật/dùng thuốc ức chế, tiêm ngừa chưa đủ liều, đúng lịch,… Tuy nhiên, trong những trường hợp này bệnh thường diễn biến nhẹ hơn rất nhiều so với những người chưa từng được tiêm phòng trước đó, bệnh khi mắc thường không trở nặng, không tiến triển biến chứng và thường khỏi rất nhanh.
Trong một nghiên cứu về hiệu quả của vắc xin ho gà vô bào ở Đức, những người được tiêm vắc xin mắc bệnh ho gà có thời gian ho mãn tính ngắn hơn đáng kể so với nhóm đối tượng chưa được tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh có thành phần ho gà. Bên cạnh đó, theo kết quả đánh giá tính an toàn và hiệu quả của các vắc xin ngừa thủy đậu, những đối tượng đã từng tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước đây khi mắc bệnh thường ít biểu hiện triệu chứng, nếu có thì chỉ sốt nhẹ, ít tổn thương da, nhanh khỏi và thường không biến chứng. [2]
Khi triển khai tiêm chủng, đòi hỏi các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng (hệ thống bảo quản vắc xin, dây chuyền bảo quản lạnh Cold Chain, chi phí máy móc trang thiết bị đạt chuẩn y tế, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phần mềm…), chi phí mua vắc xin, chi phí xây dựng và duy trì nhân sự.
Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được ngăn chặn nhờ tác dụng của vắc xin và nỗ lực tăng cao tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng sẽ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể cho công tác khám chữa bệnh và vô vàn các chi phí y tế liên quan khác, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trên toàn cầu, khoản tiết kiệm được từ vắc xin được Ehreth ước tính trong nghiên cứu “Giá trị toàn cầu của tiêm chủng” thực hiện vào năm 2003 lên đến hàng chục tỷ đô la Mỹ từ nguồn tài chính được tiết kiệm trực tiếp (tiết kiệm chi phí khám, chữa bệnh) và nguồn tài chính được tiết kiệm gián tiếp (thời gian, năng suất lao động, hiệu suất của các hoạt động có thể quy đổi thành tiền tệ,…). [3]
Theo kết quả mô hình hóa giá trị tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ), mỗi 1 USD (24.000 đồng) đầu tư cho tiêm chủng có thể tiết kiệm được 52 USD (khoảng 1,3 triệu đồng) từ chi phí khám, chữa bệnh và các chi phí y tế phát sinh khác.
Theo một nghiên cứu mới từ Dự án Thập kỷ Kinh tế Vắc xin (DoVE), cứ 1 USD (24.000 đồng) đầu tư vào các chương trình tiêm chủng sẽ tiết kiệm được khoảng 20 USD (khoảng 500.000 đồng) từ chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí mất tiền lương và năng suất lao động. [4]
Phân tích ước tính rằng các chương trình tiêm chủng vắc xin được triển khai trong giai đoạn 2011 - 2030 sẽ tạo ra lợi ích ròng hàng tỷ đô la tiết kiệm được ở các quốc gia: Khoảng 1.445,3 - 3.371,5 tỷ đô la (Lợi ích giao động tùy thuộc vào phương pháp thống kê và đánh giá)
Khi một người tiêm ngừa vắc xin đầy đủ, không chỉ mang lại hiệu quả phòng ngừa cá nhân mà còn trở thành “tấm khiên” ngăn chặn nguy cơ bệnh tật lây truyền từ người sang người. Khi nhiều người cùng tiêm ngừa vắc xin, sẽ tạo thành hiệu ứng miễn dịch cộng đồng, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của cả một xã hội.
Miễn dịch cộng đồng còn được gọi là miễn dịch bầy đàn hoặc miễn dịch dân số, là một trong những khái niệm quan trọng trong y tế công cộng, mô tả sự bảo vệ gián tiếp những cá nhân dễ bị tổn thương trong dân số khi một tỷ lệ dân số đáng kể trong cộng đồng trở nên miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm cụ thể nhờ tác dụng của vắc xin. Khi được chủng ngừa một căn bệnh cụ thể, hệ thống miễn dịch sẽ phát triển khả năng nhận biết và chống lại mầm bệnh mà không gây bệnh.
Nếu đủ số người trong cộng đồng được tiêm chủng, khả năng lây lan của bệnh từ người này sang người khác sẽ bị cản trở đáng kể do các tác nhân gây bệnh có xu hướng tiếp xúc với các cá thể miễn dịch nhiều hơn, làm giảm cơ hội tìm thấy vật chủ dễ lây nhiễm.
Tiêm chủng không chỉ cứu sống được hàng triệu sinh mạng mỗi năm mà còn góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Sức khỏe kém đã được chứng minh là cản trở tăng trưởng kinh tế trong khi sức khỏe tốt có thể thúc đẩy phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế vượt bậc. Theo WHO, chỉ tính riêng cúm mùa, mỗi năm đã gây ra khoảng 5 - 10% người lớn và 20 - 30% trẻ mắc bệnh với 3 - 5 triệu ca diễn biến nặng, khiến gần 500.000 người không qua khỏi.
Những con số này không chỉ gây ra những vấn đề về y tế mà còn gây nhiều thiệt hại cho sự phát triển kinh tế, người lao động mất sức lao động, doanh nghiệp suy giảm sản lượng kinh doanh. Cụ thể, cúm mùa làm giảm 49% năng suất lao động của các doanh nghiệp, tăng 39% tổng số ngày nghỉ phép của nhân viên trong năm, tăng 45% ngày nghỉ bệnh của nhân viên trong 1 mùa cúm, tăng 60% tỷ lệ người trong độ tuổi lao động nhập viện điều trị các biến chứng của cúm và tăng gần 2,2 tỷ đồng chi phí y tế phục vụ cho hàng triệu ca mắc cúm mỗi năm.
Chính vì thế, sức khỏe cũng được coi là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển. Với khả năng kỳ diệu trong việc ngăn ngừa bệnh tật, vắc xin giảm bớt gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và giảm thiểu tác động kinh tế của bệnh tật đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Và việc tiêm chủng cũng được nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm và đưa vào danh mục những đãi ngộ, quyền lợi sức khỏe làm việc trong chính sách vận hành doanh nghiệp
Theo kết quả tổng hợp các nghiên cứu về giá trị của tiêm chủng, lợi tức thu về hàng năm từ đầu tư vào tiêm chủng nằm trong khoảng từ 12 - 18% so với chi phí đầu tư ban đầu. [5]
Tiêm chủng vắc xin là trọn đời, bảo vệ trẻ từ khi còn trong bụng mẹ khỏi nguy cơ dị tật thai nhi, thai chết lưu,.. nhờ miễn dịch từ bà mẹ được tiêm ngừa vắc xin đầy đủ trước và trong thai kỳ. Song, tiếp tục bảo vệ trẻ ở giai đoạn sơ sinh nhờ miễn dịch đến từ những mũi vắc xin viêm gan B, lao đầu đời và kháng thể được truyền thụ động từ mẹ qua nhau thai và sữa mẹ trong những ngày tháng còn non nớt, chưa đủ tuổi để được tiếp nhận những mũi vắc xin quan trọng.
Qua giai đoạn sơ sinh, đến giai đoạn tiền học đường, học đường, thanh thiếu niên, trẻ em được tiêm chủng có nhiều khả năng và cơ hội đến trường thường xuyên hơn vì chúng ít có nguy cơ phải nghỉ học vì bệnh tật. Điều này vừa tác động tích cực đến sức khỏe, tâm sinh lý, kết quả học tập và triển vọng giáo dục của trẻ. Cho đến khi trẻ trưởng thành và già đi, vắc xin và tiêm chủng vẫn tiếp tục thực hiện vai trò bảo vệ sức khỏe của “trẻ” khỏi những căn bệnh nguy hiểm, kéo dài tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống.
CÓ! Lợi ích của vắc xin gắn liền với sự an toàn, chất lượng vắc xin, quy trình tiêm chủng khoa học và sự tuân thủ theo đúng chỉ định tiêm ngừa của chuyên gia y tế.
Vắc xin phải trải qua quá trình đánh giá và kiểm duyệt vô cùng nghiêm ngặt trước khi được phê duyệt và cấp phép lưu hành. Quá trình phát triển vắc xin cũng phải được thông qua rất nhiều các thử nghiệm và nghiên cứu khoa học, bao gồm các nghiên cứu tiền lâm sàng sử dụng nuôi cấy tế bào và mô hình động vật để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.
Sau đó, vắc xin được sử dụng để tiến hành thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt với hàng nghìn tình nguyện viên để kiểm tra độ an toàn, tính hiệu quả và chế độ sử dụng thuốc tối ưu. Các cơ quan quản lý như Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sẽ tham gia xem xét dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng này để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vắc xin. Sự giám sát nghiêm ngặt này đảm bảo chỉ có vắc xin đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nghiêm ngặt về an toàn và hiệu quả mới được phê duyệt.
Sau khi được phê duyệt và cấp phép lưu hành, vắc xin vẫn được giám sát an toàn liên tục thông qua các hệ thống giám sát của các cơ quan quản lý có thẩm quyền và kết quả giám sát sẽ được cập nhật liên tục, tích hợp vào một hệ thống chương trình tiêm chủng được quản lý chung.
Các hệ thống này sẽ theo dõi các tác dụng phụ sau tiêm chủng, nhanh chóng xác định và điều tra các mối lo ngại tiềm ẩn về độ an toàn của vắc xin sau khi lưu hành. Sự giám sát độ an toàn của vắc xin đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở tiêm chủng, cơ quan quản lý và công chúng. Việc báo cáo kịp thời các tác dụng phụ giúp cơ quan y tế điều tra và thực hiện các biện pháp xử trí thích hợp một cách nhanh chóng nếu cần thiết.
⇒ Xem thêm: Vắc xin có an toàn không? Điều gì chứng minh nó không có hại?
Vắc xin là một sinh phẩm cực kỳ nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, và các tác nhân trạng thái khác như rung lắc, nghiêng ngả, đổ vỡ,… nguy cơ mất hiệu lực phòng ngừa, thậm chí suy giảm tính an toàn cho người được tiêm.
Do đó, vắc xin đòi hỏi phải được bảo quản trong điều kiện tối ưu trong suốt chuỗi vận hành từ khâu sản xuất, lưu kho, vận chuyển cho đến khi đưa vào sử dụng. Hầu hết các vắc xin đều yêu cầu được bảo quản trong nhiệt độ từ 2 - 8 độ C, tuy nhiên có một số loại vắc xin đòi hỏi nhiệt độ bảo quản phải đạt ngưỡng âm sâu đến âm 40, thậm chí âm 70 độ C.
Chính vì thế, vắc xin chỉ được đảm bảo an toàn khi và chỉ khi được bảo quản nghiêm ngặt trong hệ thống kho lạnh và dây chuyền bảo quản lạnh (Cold Chain) đạt các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và quy chuẩn bảo quản thuốc tốt - Good Storage Practices (GSP). Đây là kết quả của sự đầu tư tốn kém, quá trình xây dựng công phu và yêu cầu sự tuân thủ nghiêm ngặt để thực hiện nhiều quy trình bảo quản phức tạp.
Tại VNVC - Hệ thống Trung tâm tiêm chủng An toàn - Uy tín - Chất lượng hàng đầu Việt Nam, hệ thống bảo quản vắc xin được tổ chức khoa học thành một hệ thống trang thiết bị chuyên dụng bao gồm kho lạnh, xe lạnh, tủ lạnh và thùng lạnh. Hệ thống này giúp bảo quản, lưu trữ và phân phối vắc xin trong điều kiện tối ưu theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất xuyên suốt hành trình của vắc xin từ khâu sản xuất đến khâu sử dụng.
Hệ thống kho lạnh tại VNVC được trang bị thiết bị làm lạnh đạt chuẩn quốc tế, với công suất, mật độ và thiết kế tiêu chuẩn, đảm bảo duy trì nhiệt độ đồng nhất ở mọi thời điểm và mọi vị trí trong kho. Hệ thống kỹ thuật vận hành kho lạnh tại VNVC được thẩm định trước và trong quá trình sử dụng bởi các chuyên gia y tế hàng đầu, bám sát theo các tiêu chuẩn cao cấp nhất, giúp mọi liều vắc xin tại hàng trăm trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc luôn ở tình trạng chất lượng nguyên vẹn, tính an toàn và hiệu quả đạt mức tối ưu.
Nhờ đó, VNVC thực hiện tiêm chủng an toàn cho hàng chục triệu khách hàng trên cả nước, đồng thời chủ động trong việc vận chuyển, cấp phát và điều chuyển vắc xin đến các trung tâm ngay trong ngày, hạn chế tối đa trường hợp thiếu hụt hay khan hiếm vắc xin.
Tiêm vắc xin là quá trình đưa một loại thuốc vào cơ thể người nhằm kích thích các tế bào miễn dịch hoạt động, phản ứng với các kháng nguyên có trong vắc xin và hình thành kháng thể đặc hiệu. Do đó, bên cạnh quy trình bảo quản chuẩn và đảm bảo vắc xin nguyên vẹn về chất lượng, lợi ích của vắc xin có thể phát huy toàn diện khi được đảm bảo đồng thời với quy trình tiêm chủng an toàn theo khuyến cáo của các tổ chức y tế uy tín.
Tại VNVC, quy trình tiêm chủng được thực hiện bám sát theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đồng thời VNVC cũng sáng tạo, cải tiến, phát triển và hoàn thiện quy trình tiêm chủng chi tiết, tinh giản và khép kín với 8 bước, đảm bảo hiệu quả và an toàn tiêm chủng ở mức tối ưu cho người tiêm.
Trước khi tiêm, 100% Khách hàng sẽ được khám sàng lọc hoàn toàn miễn phí, bước đầu phát hiện các bất thường, đảm bảo điều kiện sức khỏe cho việc tiêm chủng và chỉ định tiêm chủng chính xác đối với tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý và lịch sử tiêm chủng của mỗi cá nhân, từ đó hạn chế tối đa nguy cơ phản ứng sau tiêm.
Quá trình khám sàng lọc tại VNVC được thực hiện tỉ mỉ, chi tiết, bao gồm khai thác tiền sử và thông tin liên quan, đánh giá tổng trạng sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt, nghe tim, phổi,… Sau khi đã xác định đủ điều kiện sức khỏe để tiếp nhận tiêm chủng, Khách hàng sẽ được điều phối đến phòng tiêm.
Ở phòng tiêm, trước khi tiến hành tiêm chủng, điều dưỡng tại VNVC sẽ thực hiện quy trình công bố, kiểm tra và đối chiếu liều vắc xin sẽ được tiêm dưới sự chứng kiến của ít nhất 3 bên bao gồm điều dưỡng thực hiện tiêm chủng, điều dưỡng hỗ trợ tiêm chủng và khách hàng cùng người nhà (nếu có).
Quy trình này nhằm giúp khách hàng được tiêm đúng loại vắc xin, an tâm về chất lượng vắc xin và tiêm chủng, bao gồm giới thiệu thông tin về vắc xin (tên vắc xin, tác dụng phòng bệnh, nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, tính toàn vẹn của vắc xin,…) đồng thời hướng dẫn khách hàng kiểm tra và đối chiếu với chỉ định của bác sĩ.
Sau khi tiêm chủng, điều dưỡng sẽ mời khách hàng mang vỏ hộp và hướng dẫn sử dụng vắc xin về để lưu giữ, tham khảo thông tin và giữ lại xilanh/vỏ lọ đã sử dụng để tiêu hủy theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, giữ Khách hàng ở lại trung tâm trong vòng ít nhất 30 phút sau tiêm để theo dõi sau tình trạng sức khỏe Khách hàng, nhằm phát hiện sớm và kịp thời xử trí các phản ứng bất thường sau tiêm chủng.
Đặc biệt, các điều dưỡng sẽ hướng dẫn Khách hàng tiếp tục theo dõi sức khỏe sau tiêm trong 24 - 48 giờ tiếp theo tại nhà và sẵn sàng tiếp nhận các thắc mắc, yêu cầu cần hỗ trợ tư vấn về chăm sóc sức khỏe sau tiêm thông qua đội ngũ bác sĩ trực tuyến túc trực liên tục 24/7, mang đến trải nghiệm tiêm chủng an toàn, chất lượng và hiệu quả.
Nhiều loại vắc xin có lịch tiêm nhiều mũi được dàn trải trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Lịch tiêm được khuyến nghị thông qua các nghiên cứu khoa học và được thiết lập nhằm phù hợp với hệ thống miễn dịch của người tiêm ở các độ tuổi và thời điểm cụ thể. Do đó, cần được tuân thủ thực hiện chính xác và giám sát, đôn thúc thực hiện sát sao nhằm đảm bảo hiệu quả tiêm chủng ở mức tối ưu.
Phản ứng sau tiêm là hiện tượng vô cùng bình thường, thể hiện rằng miễn dịch cơ thể đang hoạt động, phản ứng lại với thành phần kháng nguyên có trong vắc xin, cơ thể bắt đầu chiến đấu nhằm ngăn chặn và đào thải các tác nhân gây hại ra khỏi cơ thể, hình thành trí nhớ miễn dịch, bảo vệ cơ thể người tiêm khỏi nguy cơ mắc bệnh trong tương lai.
Hầu hết các phản ứng sau tiêm đều là các phản ứng tại chỗ với triệu chứng thông thường như nhiễm trùng, sưng, đau, đỏ, cứng hoặc ngứa tại chỗ tiêm và các khu vực gần chỗ tiêm. Ngoài ra, người tiêm cũng thường xuyên gặp các triệu chứng toàn thân khác như ho, hắt hơi, sốt, cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu,…
Các phản ứng này là hoàn toàn bình thường và tức thời, sẽ thuyên giảm dần, biến mất nhanh chóng sau vài giờ hoặc vài ngày mà không cần can thiệp y tế. Có thể chườm mát bằng khăn sạch lên chỗ tiêm để giảm sưng đau và đỏ hoặc sử dụng hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ nếu triệu chứng sốt cao kéo dài.
Rất hiếm khi có các trường hợp bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vắc xin sau khi tiêm, hầu hết các trường hợp này đều do vắc xin không đảm bảo chất lượng toàn vẹn và tính an toàn, cơ sở tiêm chủng không thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn hoặc do người tiêm có tiền sử mắc bệnh và chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm. Đối với trường hợp hy hữu này, người tiêm cần được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời, đúng cách.
Vắc xin đã mang lại những “cú hích” đáng kể trong lĩnh vực y học, cứu sống vô số sinh mạng và kiểm soát hoặc loại bỏ nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Mặc dù vậy, việc nghiên cứu và phát triển vắc xin vẫn chưa kết thúc. Tương lai của vắc xin tiềm ẩn nhiều triển vọng, hứa hẹn mang đến vô vàn những khả năng và tiềm năng khi các nhà khoa học và nhà nghiên cứu tiếp tục vượt qua giới hạn để giải quyết các mối đe dọa truyền nhiễm mới và đang nổi, tạo ra vắc xin an toàn và hiệu quả hơn, hướng đến mục tiêu cải thiện sức khỏe toàn cầu.
Có thể thấy, vắc xin tiềm ẩn rất nhiều triển vọng tương lai hướng đến lợi ích chung của sức khỏe cộng đồng. Và vắc xin vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu trong việc ngăn ngừa và kiểm soát tình hình dịch bệnh, hỗ trợ tăng cường sức khỏe dân số và góp phần tạo nên một thế giới an toàn, lành mạnh và kiên cường hơn trước những tác nhân gây hại.
Tiêm chủng có thể được coi là một trong những phương pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện, mang đến lợi ích vượt ngoài giá trị bảo vệ cá nhân, góp phần hình thành khái niệm miễn dịch bầy đàn, khi số đông dân số được tiêm chủng và phát triển khả năng miễn dịch, sự lây lan của mầm bệnh sẽ bị cản trở, bảo vệ những người không thể tiêm chủng, chẳng hạn như trẻ sơ sinh, người già hoặc những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu.
Với những thành tựu mà vắc xin mang lại cho hệ thống y tế toàn cầu, không thể phủ nhận được tác dụng của vắc xin và vai trò then chốt của tiêm chủng trong việc củng cố an ninh y tế toàn cầu. Đồng thời, mang lại nhiều lợi ích tích cực cho mọi lĩnh vực của xã hội, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và di chứng do bệnh tật trên toàn cầu, là “chìa khóa” triển vọng có thể loại trừ, thanh toán, kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đe dọa tính mạng và cản trở sự phát triển của xã hội trong tương lai.
Link nội dung: https://blog24hvn.com/hieu-qua-cua-cac-loai-vaccine-a59284.html