Bác sĩ Basma M’Barek - Trưởng Trung Tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng Bệnh viện FV cho biết, kỹ thuật xạ trị áp sát cho phép tiếp cận sát khối u, đưa phóng xạ liều cao để tiêu diệt tế bào ung thư mà không làm tổn hại các mô lành trong cơ thể.
Hiện kỹ thuật xạ trị áp sát được Bệnh viện FV áp dụng điều trị ung thư phụ khoa, với khả năng đáp ứng xạ trị rất tích cực.
Tiêu diệt hoàn toàn khối u cổ tử cung nhờ kỹ thuật xạ trị áp sát
Chị P.Trang (44 tuổi, quê Quảng Ngãi) bị xuất huyết âm đạo bất thường. Tình trạng kéo dài nhiều tháng, chị đến một bệnh viện lớn tại TP.HCM khám. Tại đây, các bác sĩ làm sinh thiết cho chị và kết luận chị bị ung thư cổ tử cung.
Cầm kết quả trên tay, chị Trang bàng hoàng, không thể tin đó là sự thật. Bởi cách đó hơn 2 tháng, trong lần khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm Pap smear tầm soát ung thư cổ tử cung tại một bệnh viện khác ở TP.HCM cho kết quả bình thường.
Tháng 10/2022, chị quyết định đến FV khám và điều trị. Bác sĩ Basma M’Barek - Trưởng Trung tâm điều trị Ung thư Hy Vọng, bệnh viện FV khám cho chị Trang. Bác sĩ kết luận chị bị ung thư giai đoạn FIGO 2B, là giai đoạn giữa.
Thông thường, ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm có thể điều trị hiệu quả bằng phẫu thuật; tuy nhiên ở giai đoạn giữa, tế bào ung thư đã xâm lấn tới một phần âm đạo, do vậy việc điều trị tối ưu là hóa xạ trị kết hợp.
Máy xạ trị kỹ thuật số Elekta Infinity tại Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng
Trường hợp của chị Trang, bác sĩ Basma lên phác đồ hóa trị kết hợp xạ trị ngoài trong vòng 5 tuần, bao gồm 5 lần hóa trị và 25 tia xạ trị ngoài để tiêu diệt tế bào ở thân tử cung, âm đạo và vùng hạch xung quanh. Bệnh nhân được xạ trị bằng máy xạ trị kỹ thuật số tiên tiến Elekta Infinity với công nghệ VMAT cho phép đưa tia xạ chính xác vào các khối u, hạn chế tối đa tổn hại các mô lành xung quanh.
Sau 5 tuần, kết quả cho thấy bệnh nhân đáp ứng hóa xạ trị tới 80%. Lúc này, bệnh nhân tiếp tục được áp dụng kỹ thuật xạ trị áp sát, hay còn gọi là xạ trị trong (Brachytherapy) để tiêu diệt khối u.
Bác sĩ Basma giải thích: “Xạ trị áp sát sẽ tiếp cận sát khối u để tiêu diệt tế bào ung thư một cách hiệu quả. Theo đó, một dụng cụ được đặt bên trong cơ thể người bệnh đưa nguồn phóng xạ đến trực tiếp khu vực có khối u. Nhờ vậy, tia xạ không phải đi qua các cơ quan lành trong cơ thể, giảm thiểu tác dụng phụ, đồng thời có thể đưa một lượng xạ cao tập trung vào khối u, rút ngắn thời gian điều trị”.
Trường hợp chị Trang, xạ trị áp sát còn giúp bảo tồn tử cung và các cơ quan đang chịu ảnh hưởng của khối u. Sau đợt xạ trị áp sát, các xét nghiệm cho thấy khối u đã được tiêu diệt hoàn toàn. Lần tái khám tháng 6/2023, sức khỏe của chị Trang bình thường, không có dấu hiệu khối u trong cơ thể.
Xạ trị áp sát: vì sao hiệu quả cao song chưa được áp dụng rộng rãi?
Thiết bị xạ trị áp sát Elekta Flexitron tại Bệnh viện FV
Bệnh viện FV hiện triển khai xạ trị áp sát trong điều trị các loại ung thư phụ khoa. Riêng ung thư cổ tử cung, trong vòng 1 năm qua đã có hơn 10 trường hợp điều trị bằng phương pháp xạ trị áp sát, hầu hết đều cho kết quả tốt.
Ngoài ưu điểm tác động trực tiếp và chính xác lên khối u, xạ trị áp sát còn giảm nguy cơ tái phát, đồng thời rút ngắn thời gian điều trị. Đơn cử như bệnh nhân ung thư vú có thể tốn 3-5 tuần nếu điều trị bằng xạ trị ngoài nhưng chỉ mất 5 ngày nếu áp dụng xạ trị áp sát ở giai đoạn sớm và ngay sau khi phẫu thuật.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng không phải trung tâm điều trị ung thư nào trên thế giới cũng có phương pháp xạ trị áp sát. Tại TP.HCM chỉ có 2 bệnh viện thực hiện phương pháp này.
Thạc sĩ, bác sĩ CKI Nguyễn Huỳnh Hà Thu, Trung tâm Điều trị ung thư Hy Vọng Bệnh viện FV cho biết, thiết bị phát phóng xạ sử dụng trong xạ trị áp sát có thời gian bán rã liên tục, ngay cả khi không sử dụng trên bệnh nhân. Do đó, nếu máy không thường xuyên được sử dụng sẽ tạo áp lực về kinh tế.
“Lý do Bệnh viện FV trang bị kỹ thuật xạ trị áp sát là bởi chúng tôi muốn bổ sung đầy đủ các “vũ khí” chống ung thư để bệnh nhân được điều trị với phác đồ tốt nhất. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế điều trị ung thư luôn có nhu cầu xạ trị áp sát. Bệnh viện FV sẵn sàng hợp tác với các đồng nghiệp hoặc bệnh viện khác khi cần sử dụng xạ trị áp sát cho bệnh nhân của họ. Chúng tôi nỗ lực trở thành đơn vị đi đầu về xạ trị áp sát trong khối bệnh viện tư”, bác sĩ Basma M’Barek chia sẻ thêm.
Xạ trị áp sát tại FV: mỗi người bệnh một phác đồ riêng
Thông thường khi áp dụng kỹ thuật xạ trị áp sát, các liều xạ sẽ được thực hiện cách tuần, tuy nhiên thời gian và tần suất xạ cần được cá thể hóa tùy theo thể trạng của từng người bệnh để đạt hiệu quả tối ưu.
Theo bác sĩ Basma, thay vì điều trị theo phác đồ chung, các bác sĩ tại Bệnh viện FV sẽ xây dựng kế hoạch xạ trị theo các chỉ số cụ thể của từng bệnh nhân (kích thước cơ quan, tiền sử bệnh, tình trạng bệnh…). Thậm chí, mỗi lần xạ trị là kế hoạch sẽ được thực hiện lại, theo đúng tình trạng của bệnh nhân vào ngày hôm đó. Mục đích là tối ưu hiệu quả liều xạ, nhắm trúng tế bào ung thư và tiêu diệt chúng mà không gây hại cho các mô lành xung quanh.
Đồng thời, các bác sĩ còn tính toán phác đồ để tối ưu lịch trình đi lại và chi phí cho bệnh nhân. Bởi việc điều trị ung thư không chỉ giúp bệnh nhân khỏe mạnh, mà còn mang lại tâm lý thoải mái, chất lượng cuộc sống sau điều trị cho người bệnh và cả thân nhân đồng hành.
Bộ dụng cụ chứa phóng xạ sẽ được đưa trực tiếp vào khu vực có khối u bên trong cơ thể
Tại FV, việc đặt bộ dụng cụ phát xạ thông qua đường âm đạo tiếp cận khối u tại cổ tử cung được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa ung bướu được đào tạo bài bản về xạ trị áp sát. Thủ thuật này được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm và trong phòng thủ thuật được kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ. Dụng cụ sẽ được đặt vào chính xác vị trí mà các bác sĩ đã dự trù ban đầu, nhằm đạt được kết quả mong muốn.
Bên cạnh đó, thủ thuật xạ trị áp sát tại FV được thực hiện dựa trên kỹ thuật mô phỏng 3D tiên tiến, bác sĩ có thể nhìn rõ các cơ quan bên trong, mô phỏng được các tương tác giữa tia xạ và các cơ quan, từ đó tối ưu trong phân bố liều. FV cũng có thể thực hiện kỹ thuật xạ trị xuyên mô (mô phỏng bằng máy MRI) cho các trường hợp khối u hình dạng không đồng nhất, nhờ vậy có thể phân bố liều xạ cho toàn bộ khối u.
Bệnh nhân được bác sĩ Basma M’Barek tư vấn điều trị ung thư
Với thế mạnh là bệnh viện đa chuyên khoa, bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện FV được Hội chẩn liên chuyên khoa với sự tham gia của các chuyên gia ung bướu, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ phẫu thuật thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau. Các bác sĩ sẽ đóng góp ý kiến và cùng đồng thuận một phác đồ điều trị tối ưu cho từng bệnh nhân.
Thông tin thêm về điều trị ung thư tại FV, bạn đọc có thể liên hệ số điện thoại (028) 54 11 33 33
Link nội dung: https://blog24hvn.com/xa-tri-ap-sat-a59489.html