Ung thư da hắc tố là một loại ung thư ác tính có thể lan rộng nhanh chóng và gây tử vong cho người bệnh. Tuy nhiên, bệnh có tỷ lệ chữa khỏi là rất cao nếu phát hiện sớm và chữa trị dứt điểm ở giai đoạn đầu. Hãy cùng tìm hiểu một số thông tin về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị ung thư da hắc tố nhé!
1 Ung thư da hắc tố là gì?
Ung thư da hắc tố là một dạng ung thư ác tính hình thành từ tế bào hắc tố (Melanocytes). Tế bào hắc tố tạo ra melanin, mang lại màu sắc cho da. Có 2 loại melanin là: eumelanin có nhiều ở người da sẫm màu và pheomelanin có nhiều ở người da trắng tự nhiên.
Khi tiếp xúc trực tiếp với tia nắng mặt trời cũng như bức xạ tia cực tím (UV), làn da sẽ tạo ra nhiều melanin hơn. Trong đó, eumelanin bảo vệ da bằng cách khiến ta trở nên đen da đi.
Nếu tế bào hắc tố bị đột biến do tiếp xúc với lượng bức xạ UV quá cao, DNA trong cơ thể sẽ bị tổn thương và lâu dần dẫn đến ung thư hắc tố. Điều này có thể gây ra ung thư hắc tố.[1]
Ung thư da hắc tố là một dạng ung thư da ác tính hình thành từ tế bào hắc tố
2 Nguyên nhân gây ung thư hắc tố
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh thường là do đột biến DNA. Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư hắc tố là:
- Da trắng: U ác tính thường xảy ra hơn ở những người da trắng, mắt sáng và tóc sáng hoặc đỏ.
- Tiếp xúc trực tiếp ánh nắng có nhiều tia cực tím.
- Có nhiều nốt ruồi hoặc có nốt ruồi bất thường: Khoảng 20-30% khối u ác tính phát sinh từ nốt ruồi hiện có.
- Từng bị cháy nắng hoặc có tiền sử mắc các dạng ung thư da khác.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu do tình trạng bệnh (ung thư hạch, HIV...). [2] [3]
Tiếp xúc trực tiếp ánh nắng có nhiều tia cực tím tăng nguy cơ mắc bệnh
3 Dấu hiệu của ung thư hắc tố
Các nốt ruồi bất thường
Xác định các nốt ruồi bất thường dựa trên nguyên tắc ABCDE của Viện Da liễu Hoa Kỳ: [4] [3]
- A (Asymmetry) - Tính bất đối xứng
- B (Border) - Bờ không đều
- C (Color) - Màu sắc
- D (Diameter) - Đường kính (> 6 mm)
- E (Evolving) - Sự tiến triển
Nốt ruồi ung thư ác tính có nhiều hình dạng khác nhau. Một số trường hợp có thể biểu hiện tất cả các thay đổi được liệt kê ở trên, trong khi những người khác có thể chỉ có một hoặc hai đặc điểm bất thường.
Nốt ruồi ung thư ác tính có hình dạng khác nhau
Triệu chứng của ung thư ác tính dạng ẩn
Khối u ác tính ẩn là khối u phát triển ở vùng ít thấy được hay ít được kiểm tra trên cơ thể.
- Mắt: Thường gặp nhất ở màng bồ đào - màng nằm giữa màng cứng (phần trắng của mắt) và võng mạc. Nó có thể gây ảnh hưởng thị lực và dễ phát hiện khi khám mắt.
- Móng tay: Ít gặp và có thể xuất hiện dưới móng tay hoặc móng chân. Nó cũng tìm thấy ở vùng bàn tay, bàn chân.
- Niêm mạc (miệng, đường tiêu hoá, đường tiết niệu, âm đạo): Đặc biệt khó phát hiện vì chúng dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng bệnh phổ biến khác.
Ung thư hắc sắc tố ở móng
4Tiên lượng của ung thư hắc tố
Ung thư hắc tố được cho là có khả năng tiến triển lây lan nhanh chóng, thậm chí gây tử vong cho người bệnh chỉ sau vài tháng phát hiện bệnh. Càng chậm trễ việc chữa trị, bệnh sẽ có tiên lượng càng xấu. Tuy nhiên tỷ lệ chữa khỏi là rất cao - khoảng 99% nếu được phát hiện sớm và chữa trị dứt điểm ở giai đoạn đầu. [5]
5 Cách chẩn đoán ung thư hắc tố
Chẩn đoán xác định
Bác sĩ thường chẩn đoán ung thư hắc tố dựa vào khám lâm sàng bằng cách hỏi bệnh sử cũng như quan sát làn da để tìm kiếm dấu hiệu bệnh trên người bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định lấy mẫu da xung quanh nốt ruồi bất thường để tiến hành sinh thiết và chẩn đoán ung thư hắc tố. [6]
Xác định giai đoạn
Nếu xác nhận đó là khối u ác tính, bác sĩ sẽ tiến hành xác định giai đoạn ung thư để có phương pháp điều trị phù hợp:
- Xác định độ dày của khối u: Khối u càng dày thì bệnh càng nghiêm trọng. Thay vì chỉ cần phẫu thuật để loại bỏ ung thư như khối u ác tính mỏng thì loại càng dày có thể được đề nghị các xét nghiệm bổ sung xem ung thư có lan rộng hay chưa hoặc chọn các cách điều trị khác.
- Mức độ di căn đến hạch bạch huyết: Bác sĩ có thể đề nghị làm sinh thiết để xem xét mức độ lan rộng của khối u ác tính, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
- Dấu hiệu ung thư đã di căn: Bệnh nhân có thể được chỉ định chẩn đoán bằng hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT, PET để góp phần xác định giai đoạn ung thư. [6]
Sinh thiết nốt trọng điểm
Các giai đoạn ung thư hắc tố
- Giai đoạn 0 (U ác tính tại chỗ): U ác tính chỉ ở lớp trên cùng của da (biểu bì).
- Giai đoạn I: Khối u ác tính nguyên phát có nguy cơ thấp, chưa có khả năng lây lan. Giai đoạn này thường có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật.
- Giai đoạn II: Xuất hiện các đặc điểm cho thấy nguy cơ tái phát cao hơn, nhưng không có khả năng lây lan.
- Giai đoạn III: Khối u ác tính đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc vùng da xung quanh.
- Giai đoạn IV: Khối u ác tính đã lan đến các hạch bạch huyết và vùng da xa hơn, hoặc lan đến các cơ quan nội tạng. [7]
Các giai đoạn của ung thư hắc sắc tố
6 Khi nào cần gặp bác sĩ
Dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Ung thư hắc tố cần phải được phát hiện khi bệnh còn ở giai đoạn đầu để làm tăng cơ hội chữa trị. Vậy nên, hãy đến gặp bác sĩ khi thấy những bất thường trên da như mọc nhiều nốt ruồi hoặc tàn nhang, xuất hiện nốt ruồi bất thường...
Nơi chẩn đoán và khám chữa ung thư hắc tố
Khi nghi ngờ mắc ung thư da hắc tố, bạn có thể đến các phòng khám hay bệnh viện chuyên Khoa Da liễu hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- TP. HCM: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Da liễu.
- Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108, Bệnh viện Hữu Nghị.
7 Phương pháp điều trị ung thư hắc tố
Phương pháp điều trị ung thư hắc tố còn phụ thuộc vào vị trí và giai đoạn ung thư. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu và hiệu quả, nhất là trong giai đoạn đầu. Các liệu pháp miễn dịch hoặc hoá trị, xạ trị chỉ mang tính bổ trợ khi khối u đã di căn. [6] [7]
Giai đoạn đầu: Phẫu thuật cắt bỏ khối u
Ở thời gian đầu, khả năng chữa khỏi ung thư da hắc tố bằng phẫu thuật là rất cao. Bệnh nhân thường được bác sĩ da liễu gây tê cục bộ và nhanh chóng loại bỏ vùng da bao gồm khối u và rìa xung quanh nó.
Giai đoạn di căn
- Phẫu thuật loại bỏ hạch bạch huyết (đã di căn): Loại bỏ các hạch bạch huyết gần vị trí chẩn đoán ban đầu. Điều này có thể ngăn ngừa sự lây lan sang các vùng khác trên cơ thể.
- Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch kích thích hệ thống miễn dịch của chính người bệnh để giúp chống lại ung thư.
- Thuốc trúng đích: Thuốc được sử dụng để tấn công và gây độc các tế bào ung thư cụ thể, song không làm ảnh hưởng tới các tế bào khỏe mạnh.
- Xạ trị: Sử dụng tia bức xạ liều cao để giết tế bào ung thư hoặc thu nhỏ khối u nhằm giảm triệu chứng hay tình trạng lan rộng.
- Hoá trị: Sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư qua dạng tiêm tĩnh mạch hoặc dùng đường uống.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu và hiệu quả, nhất là trong giai đoạn đầu
8 Cách phòng tránh ung thư hắc tố
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh góp phần tăng cường hệ thống miễn dịch: uống đủ nước mỗi ngày, ăn nhiều rau, ăn cá hàng tuần, bổ sung vitamin theo lời khuyên của bác sĩ, hạn chế thực phẩm chứa cholesterol cao …
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời chứa lượng bức xạ UV cao, đặc biệt là vào giữa trưa.
- Che chắn cẩn thận và sử dụng kem chống nắng vào ban ngày.
- Hạn chế nhuộm da nâu.
- Thường xuyên kiểm tra cơ thể có thay đổi bất thường như các nốt ruồi, tàn nhang, vết sưng và vết bớt.
- Khám sức khỏe thường xuyên. [7]
Che chắn cẩn thận và sử dụng kem chống nắng vào ban ngày
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị của ung thư da hắc tố. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý này. Hãy chia bài viết tới người thân, bạn bè nếu thấy hữu ích nhé!