Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư hồi phục nhanh sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ mất dịch, mất máu nên chế độ ăn rất quan trọng, cần cung cấp đủ năng lượng, đủ chất đạm, đặc biệt là bù nước và điện giải.

dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật

Bệnh nhân ung thư ăn gì sau phẫu thuật để hồi phục nhanh?

Ung thư là một bệnh mạn tính, ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động đến tình trạng dinh dưỡng.

Nếu chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư kém cũng sẽ ảnh hưởng đến việc đáp ứng điều trị và sức khỏe của người bệnh.

Bệnh nhân ung thư được phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… rất cần chế độ dinh dưỡng chuyên biệt để bồi bổ cơ thể. Chế độ dinh dưỡng tốt giúp người bệnh tăng sức “chiến đấu”, hồi phục tình trạng suy kiệt, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư.

cháo dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật
Những ngày đầu sau mổ nên ăn thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa.

ThS.BS Lê Thị Hải - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết: “Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ mất dịch, mất máu nên chế độ ăn rất quan trọng, cần cung cấp đủ năng lượng, đủ chất đạm, đặc biệt là bù nước và điện giải.

Bác sĩ Hải lưu ý: “Tùy từng loại ung thư, ví dụ như những bệnh nhân ung thư không liên quan đường tiêu hóa thì có thể ăn ngay sau khi hồi tỉnh và có cảm giác đói.

Còn với bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa như ung thư dạ dày hay đại trực tràng thì cần thời gian để tập ăn trở lại. Khoảng 2-3 ngày đầu, người bệnh được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch đảm bảo đủ năng lượng và chất dinh dưỡng để vết mổ có thời gian lành lại. Sau đó có thể ăn lại chế độ mềm, lỏng, dễ tiêu trong một thời gian khi bác sĩ xác định đường tiêu hoá đã lưu thông. Giai đoạn này cần bổ sung năng lượng cao hơn bình thường để cơ thể bình phục nhanh sau mổ”.

chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật
Bệnh nhân ung thư cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể nhanh hồi phục sau điều trị

Nguyên nhân khiến bệnh nhân ung thư thường chán ăn

Đa phần bệnh nhân ung thư thường rất chán ăn. Nguyên nhân đầu tiên là do yếu tố tâm lý. Nếu xác định được tâm lý tốt, vui vẻ thì thể trạng nhanh hồi phục. Ngược lại, tâm lý buồn, chán ăn sẽ kéo theo sức khỏe suy kiệt, không đủ điều kiện sức khỏe để tiếp tục phác đồ điều trị tiếp theo. Đây là giai đoạn người bệnh rất cần sự quan tâm chăm sóc của người thân để sống vui khỏe.

Nguyên nhân thứ hai là do tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân bị giảm tiết nước bọt, rối loạn bài tiết men tiêu hóa. Những người bệnh trải qua phẫu thuật cắt dạ dày sẽ ăn rất khó, phải nhai kỹ, vì thế ngoài sử dụng chế độ ăn phù hợp cần bổ sung thêm men tiêu hóa.

Người bệnh có thể sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng như sữa để nâng cao năng lượng. Bác sĩ Hải khuyên nên chọn loại sữa có đậm độ năng lượng cao 1,5-2kcal/ml dung dịch nuôi dưỡng. Bên cạnh đó cũng cần cân nhắc và theo dõi điều chỉnh chế độ ăn vì ở một số bệnh nhân hấp thu kém, nếu độ đạm cao quá sẽ dễ dẫn đến tiêu chảy.

“Nguyên tắc chung là ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, có thể ăn với số lượng không nhiều nhưng đảm bảo đủ năng lượng cũng như các chất dinh dưỡng, chất đạm, chất béo”, bác sĩ Hải chia sẻ thêm.

bác sĩ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bên cạnh phác đồ điều trị, các bác sĩ khoa Ung bướu luôn phối hợp cùng khoa Dinh dưỡng để đưa ra chế độ, suất ăn phù hợp với từng người bệnh, từng giai đoạn điều trị. Điều này vừa giúp người bệnh đảm bảo về dinh dưỡng vừa thoải mái, yên tâm về tâm lý vì luôn có sự đồng hành của bác sĩ trong những sinh hoạt hàng ngày.

Mỗi bệnh nhân ung thư có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau, đặc biệt là với người bệnh sau phẫu thuật, điều trị hóa chất. Chính vì thế bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để được thiết lập một chế độ ăn phù hợp giúp nhanh hồi phục.

Link nội dung: https://blog24hvn.com/sau-phau-thuat-ung-thu-nen-an-gi-a61887.html