Huyện Tuy Phong có địa giới từ sông Ma Bố đến sông Duồng (thuộc phủ Ninh Thuận). Từ sông Duồng đến biên giới Biên Hòa thuộc huyện Tuy Định (thuộc phủ Hàm Thuận). Trước đó, năm Đinh Sửu (1697) Bình Thuận là một phủ và qua nhiều lần sáp nhập, thay đổi cấp hành chính phủ, dinh, trấn... Có đến trên 250 năm, Tuy Phong là một phần đất thuộc Ninh Thuận thời tiểu vương quốc Champa- Panduraga. Do đó địa danh Tuy Phong được đặt ra từ chữ HánViệt mà không theo cách gọi của người Chăm là Kraong/K’rông có nghĩa là Sông, hoàn toàn khác nghĩa với Tuy Phong(1). Truyền thống tín ngưỡng của người Chăm chỉ sinh sống trong phạm vi thôn, làng bởi cho rằng như vậy mới được thần linh Champa phù hộ(2). Các làng Chăm xưa Phú Nhiêu, Thanh Vụ, Châu Vượng, Châu Ré, Châu Cát, Trung Hòa, Ma Ní, La Bá, Tà Un… nay đã sáp nhập với nhiều tên gọi mới và một số di tích đền tháp cổ từ thế kỷ 18 còn lưu dấu đến ngày nay.
Địa danh Tuy Phong, cũng như nhiều địa danh hành chính dưới thời phong kiến lấy chữ Hán Việt làm văn tự chính thức, có tính đặc trưng lịch sử, thiên nhiên của vùng đất và mang ý nghĩa kỳ vọng cuộc sống ấm no, trường tồn. Tuy Phong (绥丰) ở đây có nghĩa là yên bình, giàu đẹp (Tuy/yên ổn - Phong/đầy đủ, vẻ đẹp). Tuy là bản địa của người Chăm nhưng khi nhà Nguyễn nắm trọn quyền đất đai, với chính sách khuyến khích người Việt đàng Ngoài đến định cư lập nghiệp, chủ yếu vùng biển Phước Thể, Bình Thạnh, Duồng, Phan Rí. Đồng thời củng cố quyền lực, thay vì sách lược đặt để một bộ phận Champa làm một “quốc gia chư hầu” như thời kỳ từ năm 1693 nhà Nguyễn sáp nhập lãnh thổ Champa vào phủ Bình Thuận vừa mới thành lập ngay trên lãnh thổ của vương quốc này. Do đó các đơn vị hành chính mới, phần nhiều đều đặt tên theo chữ Hán - Việt và một số địa danh được phiên âm, Hán hóa từ tiếng dân tộc Chăm - Jarai... Sách Đại Nam nhất thống chí - triều Nguyễn, ghi chép địa danh xưa - tên gọi thành trì, núi, sông, khe đầm, dịch trạm… trên địa bàn Tuy Phong thời đó rộng hơn, không còn chịu chi phối nhiều về văn hóa, đời sống với vùng địa danh Chăm. Trong đó, cũng do quá trình hòa nhập cư dân, nhiều địa danh, tên gọi bị đọc/viết sai lệch ngữ âm, thanh điệu hoặc giữ âm đổi nghĩa nên khác so với nguồn gốc. Còn đâu Thượng Văn/Chí Công, núi Xích Sa, Vật Thăng, Diên Chủy/Mũi Dinh (Cà Ná), Chà Bang, Húc Lam, La Bá… hay khe đầm Vũng Dâm, Long Vĩnh, Vĩnh Dân, La Hàn, Thuận Tĩnh (đảo Phú Quý/ Đại Mạo Châu)… các chợ Long Hương (Lòng Sông), Vĩnh Giang (Trại Lưới)… và sông Ma Bố phát nguyên từ sơn động Tuy Phong, trên đất Ninh Thuận coi như biên giới lịch sử địa đầu. Gần hơn, với “Vè thủy trình từ Huế vô Sài Gòn”, khá phổ biến trong giới Các Lái, thương thuyền, đi ngang qua đoạn biển 50 km của Tuy Phong có nhắc đến Mũi Chọ,Vũng Môn, Bãi Lưới/ Tiên, Bãi Chông…
Có nhiều địa danh tự nhiên do biến âm dẫn đến sai nghĩa ban đầu. Như đồi/gò Xích Thố (Xích Thổ Cương), nguyên gốc chữ Hán Việt là Xích Thổ (赤土), là dãy động cát từ thôn Lương Sơn kéo dài qua trước thành cũ, nổi lên một gò đất màu đỏ. Năm Tự Đức thứ 12 (1859) có dựng đồn Xích Thổ(3). Tương tự, ở phần đất giáp huyện Hòa Đa xưa có ngọn núi Xích Sa, đất có màu sỏi đỏ như lửa nên dân địa phương còn gọi là núi Hỏa Diệm (xích sa là sỏi đỏ). Tìm hiểu qua sách Gia Định thành thông chí - Trịnh Hoài Đức, có nói đến địa danh Xích Thổ, đó là phần đất đỏ ứng với huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Dãy đồi cát nhô ra bờ biển gần nhất với đảo Kê Gà (xã Tân Thành - Hàm Thuận Nam) sách cổ ghi là Xích Khảm Sơn, dù là động cát đỏ nhưng nhìn từ xa coi giống ngọn núi có màu đất đỏ. Trước 1975, ở Tuy Phong có một đồn binh VNCH trú đóng ở đây đã ghi trong bản đồ quân sự là đồn Xích Thố. Không biết từ bao giờ người dân địa phương đã quen dần với địa danh này và hiểu theo nghĩa “xích thố” là con ngựa huyền thoại, có bộ lông đỏ rực thời Tam Quốc gắn với câu “Nhân trung Lữ Bố, mã trung xích thố!”. Ngoài ra không còn nghĩa nào khác cho chữ Thố chuyển hóa từ Thổ với một địa danh chỉ địa hình tự nhiên.
Mũi La Gàn là một cung bờ biển đẹp với bờ đất đá thắm màu nâu đỏ như một bức tranh kỳ thú nhưng có nhiều tên gọi từ Lagar theo âm ngữ Chăm của đất Champa xưa. Có lẽ phiên âm từ gốc Chăm này và viết bằng chữ Hán Nôm trong sách Đại Nam nhất thống chí. Địa danh “La Gàn” đang dùng, từng có các tên mũi La Hàn, La Càn, La Xa cũng vừa là tên vũng nhưng đến năm Minh Mạng thứ 6 (1825) đổi lại tên vũng La Hàn, nhưng không giải nghĩa theo Hán Việt do sự chi phối của ngữ âm. Tư liệu Hán Nôm, địa danh này còn tương ứng với vùng biển Mũi Né/Vị Nê Úc. Trên tư liệu bản đồ của nhà truyền giáo Taberd ghi theo phiên âm chữ Latinh là Lagan và Việt hóa trở thành địa danh La Gàn ngày nay.
Cù Lao Câu theo tên gọi trên bản đồ hành chính hiện nay là một địa danh thuần Việt nhưng bên cạnh đó vẫn còn cách gọi khác: Hòn Câu, Hòn Cau, Hòn Lao… Nhưng với Cù Lao Cau thì có nhiều trong thư tịch, bản đồ xưa như bản đồ “Đồng Khánh địa dư chí” ghi Hòn Cau. Trong một tư liệu hàng hải biển Đông, Thông quốc diên cách hải chử ghi tên đảo này “Tân Lang Dữ”/檳榔嶼(Tân lang/cây cau - Dữ/hòn) và chuyển nghĩa từ tên Nôm - Cù Lao Cau/ Hòn Tân Lang(4). Nhưng với từ Cau sau này bị đọc lệch thành Câu, có suy luận hòn đảo nhỏ này cách làng biển Phước Thể khoảng 7 km là điểm thuyền neo đậu làm nghề câu và đánh bắt cá cận bờ. Cũng có giải thích Hòn Cau thuộc khu bảo tồn các sinh vật biển, đặc biệt có loại rau “câu” chân vịt rất quý hiếm. Sẽ khó có lời giải thỏa đáng Hòn Cau/Cây Cau/Tân Lang xuất phát từ đâu, hoặc từ một sự tích trên đảo ngày xưa có loài cây cau… Nhưng với nguồn tư liệu trong Tập bản đồ hàng hải 1841 ở Thư viện Đại học Yale - nghiên cứu từ sử liệu Trung Hoa là cơ sở nghiên cứu địa danh ven bờ và hải đảo Việt Nam có một giá trị khoa học nhất định.
Tản mạn với những thành tố địa danh thường gặp tưởng như bình thường nhưng đó thực sự là đặc thù của vùng đất Tuy Phong. Con sông Lòng Sông có chiếc cầu Đại Hòa trên quốc lộ 1A chạy qua, là địa giới thị trấn Liên Hương với xã biển Phước Thể. Nhìn kỹ con sông này mùa cạn mới thấy rõ, có một dòng sông nhỏ đang chảy hay cách mô tả dân gian như một “lòng” máng nằm thõm giữa con sông (như tên sông Lòng Tàu). Còn địa danh Gành Son thì quá rõ là địa danh thuần Việt, kèm chủ vị Son phù hợp với bờ biển có vách cát sỏi màu đỏ thắm này. Cũng tương tự dọc biển Bình Thuận có nhiều Gành, Ghềnh, Mũi, Mỏm… là phần đất nhô ra biển, nổi lên lớp đá lô nhô đủ hình thù nhưng ở La Gi lại cá biệt với “Ngảnh” Tam Tân, hiếm có nơi nào trùng tên và các từ điển sau này chưa nói đến. Vậy mà cách đây trên 50 năm có “Việt Nam từ điển” của Lê Ngọc Trụ (Nhà xuất bản Khai Trí 1970, trg.1013) ghi chữ Ngãnh: “là phần đất đột ngột nhô ra biển, không lớn không dài, thường có những gộp đá”, cũng chỉ là mô tả địa hình chứ chưa phải nói về ý nghĩa của từ Ngãnh. Lạm bàn ở giới hạn vài địa danh mang yếu tố địa lý, sơn xuyên, khe đầm dù còn đó hay đã mất nhưng vẫn thấy lẫn khuất cả một quá trình thăng trầm, diện mạo lịch sử của một vùng đất.
(1): Từ điển địa danh đối chiếu… Sakaya, Nhà xuất bản Tri thức - 2020 (trg.144). (2): Theo Vương quốc Champa-Gs-TS Pièrre-Bernard LaFont - Cl.2011 (trg.53). (3): Đại Nam nhất thống chí - Nhà xuất bản Nhà VH-Bộ VH-GD/VNCH-1965. (4): Theo Tập bản đồ hàng hải 1841 - Phạm Hoàng Quân dịch, chú giải - Nhà xuất bản VHVN 2016 (trg.120).
Link nội dung: https://blog24hvn.com/tuy-phong-o-dau-a65884.html