Tự hào một vùng đất
Nhắc đến quê hương Long An là nhắc đến chiến thắng vang dội trên sông Nhựt Tảo oai hùng. Dòng sông hiền hòa chảy qua vùng đất Tân Bình, thuộc huyện Tân Trụ từng ghi chiến tích hào hùng của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực cầm quân khởi nghĩa thời kỳ chống thực dân Pháp.
Bước sang thời kỳ chống đế quốc Mỹ, quân và dân Long An có những đóng góp quan trọng về sức người, sức của, góp phần làm thất bại hoàn toàn âm mưu “tìm diệt” và “bình định” trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” của địch giai đoạn 1965 - 1967, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Công viên tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Theo nhiều tư liệu lịch sử, là cửa ngõ nối liền vùng Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Long An đã trở thành chiến trường tham chiến trọng yếu của quân thù. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, thời kỳ này, phong trào du kích chiến tranh, “toàn dân đánh giặc” diễn ra rầm rộ, liên tục trên chiến trường Long An.
Những "bông hoa" dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt máy bay,... trên mảnh đất Long An cùng xuất hiện nhiều thêm trong Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2. Còn gì vinh dự và tự hào khi tại Đại hội ấy, ngày 17/9/1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định phong tặng cho Đảng bộ, dân, quân Long An danh hiệu và lá cờ ghi 8 chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Ngày 28/4/2010, một sự kiện trọng đại đến với người dân nơi đây khi UBND tỉnh tổ chức Lễ khánh thành tượng đài được mang tên Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Đây được xem là biểu tượng của tỉnh, đặt ở vị trí đặc biệt, trên Quốc lộ 1, cửa ngõ TP.Tân An.
Top 25 Hoa khôi sông Vàm viếng Công viên tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc"
Khu tượng đài sừng sững, oai nghiêm như nhắc nhở thế hệ hôm nay, mai sau hãy nhớ và biết ơn những người mẹ, anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh và không bao giờ quên giá trị lớn lao của “toàn dân đánh giặc”.
Hơn 5.000 bà mẹ được phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là con số cao trong các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nói lên sự hy sinh to lớn và nhân tố con người quyết định thắng lợi của cuộc chiến tranh. Chiêm ngưỡng tượng đài mẹ chiến sĩ, lòng mỗi người càng lắng đọng với trái tim thương yêu của những người phụ nữ dành gạo nuôi quân, đào hầm che giấu bộ đội.
Căn cứ giữa lòng dân
Rời TP.Tân An, đi qua huyện Thủ Thừa, vượt hàng chục kilômét hướng phía Bắc, khách tham quan sẽ đến với Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh thuộc địa phận xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ. Với kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tỉnh ủy Long An đã chọn nơi đây làm căn cứ địa để lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trong từng thời kỳ với những điều kiện khó khăn và thuận lợi khác nhau, Tỉnh ủy Long An linh hoạt, cơ động trong địa bàn huyện Đức Huệ, có lúc phải tạm lánh sang Ba Thu, có lúc phát triển về Đức Hòa, Bến Lức và vùng hạ.
Tuy nhiên, nơi mà Tỉnh ủy Long An và các cơ quan trực thuộc chọn làm căn cứ hoạt động lâu nhất chính là khu vực giồng Ông Bạn, xã Bình Thành (nay thuộc xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ). Từ căn cứ này, Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo, đề ra những chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo phong trào cách mạng ở tỉnh cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Thành tích đáng tự hào với tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của nhân dân Long An đã được tạo nên dưới sự lãnh đạo của Đảng từ “địa chỉ đỏ” này.
Công đoàn Viên chức tỉnh về nguồn tại Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh
Khu di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1998. Với diện tích gần 100ha, Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh bề thế giữa một vùng quê yên tĩnh. Căn cứ bưng biền có địa hình trắc trở với tên gọi “Quân khu Đông Thành” trước đây là cửa ngõ yết hầu nối liền miền Đông và Tây Nam bộ vừa liền kề TP.HCM lại tiếp giáp nước bạn Campuchia.
Nhà truyền thống nằm chính giữa như một đài sen to lớn giữa một hồ nước rộng. Dù đi hết các tầng lầu nhưng khách tham quan vẫn nấn ná ngắm nhìn từng bức phù điêu tái dựng các trận đánh dưới sông, trên bộ của nhân dân và du kích địa phương. Nơi khách dừng chân lâu nhất là lối đi từ nhà truyền thống vòng qua 2 bên ao sen lớn vì nơi đó có hàng bia Tổ quốc ghi công các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc. Trên nền đỏ màu tươi như máu là những dòng chữ khắc nắn nót thông tin của hàng chục ngàn liệt sĩ đã để lại tuổi xuân của mình trên mảnh đất trung dũng, kiên cường. Sử tích đã được viết bằng trí tuệ và máu của quân và dân Long An.
Giữa vùng đất Bình Hòa Hưng (trước đây là Bình Thành), căn cứ lòng dân năm xưa được tái hiện bằng một công trình mang tên Di tích lịch sử Cách mạng tỉnh. Từ đó, nhắc nhở thế hệ hôm nay mãi ghi nhớ công ơn của cha ông ngày trước, nhớ về căn cứ cách mạng từng là nơi hoạt động của Tỉnh ủy Long An.
Bên trong Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh
Bí thư Tỉnh đoàn - Trần Hải Phú cho biết, bản thân cảm thấy vinh dự và tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên vùng đất “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Tám chữ vàng có giá trị lớn lao trong giáo dục truyền thống, cách mạng cho thế hệ trẻ. Vì vậy, trong suốt thời gian qua, tuổi trẻ Long An luôn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên; trong đó, chú trọng phát huy hào khí “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” trong thời kỳ mới. Công tác giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên được thực hiện bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, thi tìm hiểu qua các hội thi, hội diễn hoặc tổ chức tham quan, tìm hiểu thực tế, về nguồn tại các di tích lịch sử, trong đó, Công viên tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” và Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh là điểm đến quen thuộc.
Về với Long An trong những ngày tháng 9, đi qua con sông Vàm Cỏ “như dòng lịch sử sáng ngời tên từ thuở cha ông”, lời thơ của Hoài Vũ một lần nữa nhắc mọi người nhớ đến: “Từng con người làm nên lịch sử”. Với những câu hát quen thuộc: Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông! vẫn còn thổn thức mãi trong lòng về một vùng đất giàu truyền thống cách mạng./.
Song Nhi
Link nội dung: https://blog24hvn.com/long-an-la-gi-a66058.html