Phật giáo Tây Tạng - Lịch Sử, Quá Trình Phát Triển

Phật giáo Tây Tạng còn có tên gọi khác là Lạt Ma Giáo. Đây là một truyền thống Phật giáo phát triển chủ đạo ở Tây Tạng. Trải qua nhiều thăng trầm, Phật giáo Tây Tạng đã phát triển để trở thành một tôn giáo chính, không chỉ ở Tây Tạng, mà trên khắp dãy Hy Mã Lạp Sơn, Mông Cổ và Trung Quốc. Có rất nhiều thông tin liên quan đến Phật giáo Tây Tạng. Mời quý Phật tử cùng Buddhist Art tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Lịch Sử Phật Giáo Tây Tạng

Phật Giáo thời tiền truyện

Trước khi Phật giáo du nhập vào Tây Tạng thì lúc bấy giờ Bôn giáo được xem là quốc giáo. Ở khoảng thế kỷ 7, dưới thời vua Tùng Tán Cán Bố (hay Khí Tông Lộng Tán, Songtsen Gampo) (629-650) - con trai vua Nam Nhật Tùng Tán thì quốc gia Thổ Phồn mới thực sự được thống nhất và hùng cường. Để mở rộng lãnh thổ, vị vua này đã đánh xuống các nước lân cận.

phat-giao-tay-tang-6

Phật giáo Tây Tạng là gì

Khi giao bang với nhà Đường (thời kỳ vua Đường Thái Tông), Tùng Tán Cán Bố đã được vua Đường đem gả cháu gái của mình là công chúa Văn Thành. Sau đó, nhà vua tiếp tục đánh về phía Nam, chinh phục nước Ni Bạc Nhĩ (hay Nepal ngày nay), lúc này vua Nepal cũng dâng tặng công chúa Nepali Ba Lợi Khố Cơ. Điểm đặc biệt là 2 vị công chúa đều là đệ tử Phật giáo. Kết hợp cùng những ảnh hưởng từ biên ngoại mà Phật giáo dần dần phát triển tại đây.

Vua Tùng Tán Cán Bố đã cho ban hình Thập Hiền Thiện (10 điều thiện) và Thập lục Yếu (mười sáu yếu luật) và lấy Phật giáo làm kim chỉ nam để răn dạy dân chúng. Dù có sự khác nhau về hình thái lẫn triết lý nhưng Phật giáo của Ấn Độ - Nepal - Trung Quốc bấy giờ không những không bài trừ nhau mà còn dung hòa, bổ sung cho nhau, làm đậm nét màu sắc đa dạng cho Phật giáo Tây Tạng.

Do đó, người ta sau này đã ghi công khai phá Phật giáo lớn nhất cho vua Tùng Tán Cán Bố, đương nhiên không thể bỏ quên hai hoàng hậu của ông. Họ sùng bái hai vị hoàng hậu như Đa La Thiên Nữ (Tara), là người mẹ cứu độ chúng sinh (Độ Mẫu nữ tôn của Mật tông): coi công chúa Văn Thành là hoá thân của Thanh Đa La (hay Green Tara), và công chúa Ba Lợi Khố Cơ là hoá thân của Bạch Đa La (hay White Tara).

Vua Tùng Tán Cán Bố đã cho xây dựng hành cung Bố Đạt La (Potala) để có nơi thờ cúng và lễ kính Tam Bảo. Đồng thời để có sự phân biệt giữa 2 vị hoàng hậu, nhà vua cũng cho xây 2 ngôi chùa Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni dành cho công chúa Văn Thành và Tiểu Chiêu Tự dành cho công chúa Ba Lợi Khố Cơ thờ đức Đông Phương A Súc Phật (Kim Cương Phật).

Vua Tùng Tán Cán Bố mất đi, vương triều Thổ Phồn lại tục truyền thêm 4 đời nữa và tiếp bước khuyếch trương Phật giáo. Dưới thời vua Xích Đức Tổ Tán (Me Agtsom) thì lại tiếp tục có mối hôn sự với nhà Đường. Vua Đường Trung Tông đem công chúa Kim Thành gả cho, đặc biệt vị công chúa này cũng là một Phật tử. Và cũng chính bà là người mang vào Tây Tạng vô vàn Phật điển và Dược học, Số học của Trung Quốc. Con trai bà sau này lên ngôi vua - vua Xích Tùng Đức Tán (hay Cật Phiêu Song Đề, Trisong Detsen) (755-780) là người có công lớn trong việc đưa Phật giáo tiến thêm một bước tiến mới.

Vua Trisong Detsen đã tuyên bố Phật giáo là quốc giáo và mời hai cao tăng Ấn Độ là Santaraksita và Padmasambhava (đại sư Liên Hoa Sinh) đến truyền bá Phật giáo Kim cương thừa. Ông cũng là người cho xây dựng Tu viện Phật giáo đầu tiên ở Tây Tạng: tu viện Tang Diên (Samye Monastery), thuộc địa giới vùng U. Đây là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Tây Tạng, được gọi là Thời kỳ Chuyển dịch.

Tông đầu tiên của Phật giáo Tây Tạng - Ninh Mã (Nyingma Sect) cũng được ra đời ở giai đoạn đại sư Liên Hoa Sinh đến truyền đạo. Ninh Mã mang đậm bản sắc cao nguyên với sắc phục mũ đỏ, do đó mà còn có tên gọi khác là Hồng Mạo Giáo. Đại sư Liên Hoa Sinh được xem là sư tổ của tông phái này.

Đến giai đoạn 818 - 838, dưới thời vua Tạng đời thứ 41 là Xích Tổ Đức Tán (Tri Ralpacan), ông chính là người cho dịch mới và dịch lại tất cả kinh sách cho trang nghiêm và phù hợp với Tạng văn hơn, chuyển thể tất cả những tinh túy Phật môn từ tiếng Phạn (Sanskrit) sang tiếng Tạng (Tibetan), từ đó tổng hợp thành Đại Từ Điển Phạn-Tạng (Mahàvyutpaatti) nổi tiếng.

Với những đóng góp to lớn ấy, vua Xích Tổ Đức Tán (Tri Ralpacan) được người dân Tây Tạng thờ phụng cùng với vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo) và vua Xích Tùng Đức Tán (Trisong Detsen). Họ được xem là Tam Tạng Vương vĩ đại nhất (three Dharma Kings).

Nhưng phàm có Sinh ắt có Diệt, có Thịnh ắt có Suy, Phật giáo Tây Tạng cũng không thể tránh khỏi giai đoạn suy vi. Lý do bắt nguồn từ hình thái xã hội phức tạp của Tây Tạng lúc bấy giờ. Vua Xích Tùng Đức Tán lúc bấy giờ đã bị em trai mình là Lãng Đạt Ma (Langdarma) hãm hại.

Vào cuối thế kỷ 9, vua Lãng Đạt Ma đàn áp Phật giáo và đưa Bon giáo trở lại. Điều này dẫn đến sự suy tàn của Phật giáo trong một thời gian dài, được gọi là Thời kỳ Sụp đổ. Thời kỳ đó, chỉ có phái "áo trắng", cũng là các vị cư sĩ tu tập tại gia, được bảo tồn. Ngày nay phái này còn được lưu truyền với cái tên là phái Ninh-mã.

Đến năm 842, vua Lãng Đạt Ma bị nhà sư Kiết Tường Kim Cang (Pelgyi Dorje) nhân màn múa Black Hat Dance bắn tên ám sát. Sau cái chết của Lãng Đạt Ma, Tây Tạng bị chia cắt thành nhiều quốc gia nhỏ và không có sự thống nhất. Phật giáo cũng theo đó mà chẳng thể chấn hưng. Tình trạng ấy cứ kéo dài, mãi tận gần trăm năm.

phat-giao-tay-tang-4

Phật giáo Mật Tông Tây Tạng

Phật Giáo Tây Tạng thời hậu truyện

Sau một khoảng thời gian bị bức hại, vào thế kỷ 11, Phật giáo lại được phục hưng và phát triển mạnh mẽ, phát sinh hai trường phái là Ca Nhĩ Cư (kagyupa་) và Tát Ca (sa skya pa). Nhiều người dân Tây Tạng đã đi sang Ấn Độ để học hỏi cũng như mang về nhiều bản dịch kinh điển. Cao tăng Ấn Độ cũng đến Tây Tạng hoằng pháp nhiều hơn, trong đó đại sư A Đề Sa (Atisha) đến từ Thiên Trúc, Ấn Độ là người có công chấn hưng Phật giáo Tây Tạng lúc đó. Các dòng tu mới cũng vì vậy mà được hình thành, phải kể đến như Nyingma, Kagyu, Sakya và Gelug. Các dòng tu này có những đặc điểm khác nhau về lý luận, thực hành và tổ chức. Tuy nhiên do đặc điểm trang phục tương tự nhau, dùng màu hồng đỏ làm trọng, nên thường được gọi chung là Hồng Mạo Giáo.

Về các phái:

Đến thế kỷ 14, phái Cách Lỗ (Gelugpa Sect) được 1 nhà cải cách lỗi lạc Tông Khách Ba (Tsongkhapa) (1357-1419) sáng lập, khi đó nhằm vào thời Vĩnh Lạc Minh Thành Tổ (con trai thứ hai của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương). Cách Lỗ phái được xem là một trong bốn trường phái lớn của Phật giáo Tây Tạng (bốn trường phái gồm Ninh Mã, Ca Nhĩ Cư, Tát Ca và Cách Lỗ).

Các tông phái và giáo lý khác như Đoạn giáo (chod), tuy cũng có một hệ thống kinh sách mạch lạc, nhưng lại không xây dựng tu viện nên cuối cùng vẫn bị hòa vào các dòng khác.

Ngày nay, những tu viện nổi tiếng đều thuộc Hoàng Giáo (phái Cách Lỗ), như tu viện Cam Đan (Ganden Monastery) ở Lhasa, tu viện Triết Phong (Deprung Monastery) ở Lhasa, tu viện Sắc Nhạ (Sera Monastery) ở Lhasa, tu viện Trát Thập Luân Bố (Tashilhunpo Monastery) ở Shigatse, tu viện Taer (Kumbum Monastery) ở Tây Ninh (Xining). Ở các đại tu viện này đều thờ đại sư Tông Khách Ba, xem ông là bậc trí giả đã có thành tựu cải cách và xiển dương phái Cách Lỗ cũng như Phật giáo Tây Tạng, là đệ nhất tập đại thành.

phat-giao-tay-tang-2

Lịch sử của Phật giáo Tây Tạng

Giai đoạn sau đại sư Tông Khách Ba cho đến ngày nay

Quý Phật tử nên lưu ý rằng sau khi vương triều Thổ Phồn diệt vong, Tây Tạng vẫn chưa được thống nhất một cách chỉnh thể. Mãi cho đến lúc Hoàng giáo cường thịnh, nghiễm nhiên giữ vai trò quyết định chính trị và tôn giáo toàn vùng. Các triều vua Trung Hoa sau này đều thương thuyết mọi việc với tập đoàn đứng đầu Hoàng giáo, coi tập đoàn đó là lãnh đạo tối cao của Tây Tạng - thể chế độc đáo này được gọi là chính giáo hợp nhất.

Lãnh tụ tối cao của Phật giáo Tây Tạng sẽ được gọi là Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama). Vào thế kỷ 17, cao tăng Căn Đôn Châu Ba (Gelug Gendun Drup) - đại đệ tử của Tông Khách Ba được công nhận là Đức Phật tái sanh và được gọi là Dalai Lama. Kế nhiệm là Gendun Gyatso cũng được coi là Đức Phật tái sanh. Người thứ ba là Tỏa Lãng Gia Mục Thố (Sonam Gyatso) được vua Mông Cổ A Nhĩ Đát Hãn (Altan Khan) trao cho danh hiệu Dalai Lama, nghĩa là "Đại biển trí tuệ".

Tổng cộng từ năm 1391 đến nay, Tây Tạng đã có tất cả 14 vị Đạt Lai Lạt Ma, từ vị đầu tiên là đại đệ tử của Tông Khách Ba - cho đến vị thứ 14 là Đăng Châu Gia Mục Thố (Tenzin Gyatso); tương đương với các giai đoạn triều Minh, Thanh, và Trung Hoa Dân Quốc. Người Tây Tạng luôn sùng kính Đạt Lai Lạt Ma, coi đây là hiện thân của Phật sống và được đầu thai qua mỗi kiếp.

Đáng chú ý là ở đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 La Bốc Tạng Gia Mục Thố (Losang Gyatso), ông đã phong tặng danh hiệu Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama) cho thầy học của mình là La Tang Khúc Kết (Lobsang Choegyal), danh hiệu này có nghĩa là “đại học giả”. Danh hiệu này luôn song hành với Đạt Lai Lạt Ma, trở thành người giữ vị trí quan trọng thứ hai trong xã hội Tây Tạng, mang trọng trách tìm kiếm Đạt Lai Lạt Ma mới và ngược lại. Từ năm 1358 đến nay, đã có 11 vị Ban Thiền Lạt Ma. Tương tự như Đạt Lai Lạt Ma, các vị Ban Thiền Lạt Ma đều thuộc dòng Hoàng Mạo.

Từ những năm 1391 đến nay, Phật giáo Tây Tạng ít có sự thay đổi đáng kể, chủ yếu là tiếp tục bảo tồn và giữ gìn bản sắc của tông phái Gelugpa, một truyền thống đã rất sâu đậm trong tín ngưỡng của người dân địa phương..

Phật giáo Tây Tạng thờ ai?

Phật giáo Tây Tạng là một hình thức Phật giáo kết hợp giữa Đại thừa và Kim cương thừa xuất phát từ các giai đoạn sớm nhất của lịch sử Phật giáo ở Ấn Độ. Do đó, Phật giáo Tây Tạng thờ nhiều vị Phật, Bồ Tát, các vị Đại thành tựu cũng như các vị thần bản địa Tây Tạng.

phat-giao-tay-tang-1

Phật giáo Tây Tạng thờ ai

Dưới đây là một số vị mà Phật giáo Tây Tạng thường thờ:

Phật giáo Tây Tạng có ăn chay không?

Vẫn chưa có nguồn tin chính thức nào về việc Phật giáo Tây Tạng có ăn chay không? Mỗi quốc gia sẽ có những yếu tố như hoàn cảnh xã hội, quan điểm tu tập, yếu tố văn hoá và lịch sử chi phối đến quan niệm ăn chay ăn mặn trong tu tập. Ví dụ điển hình là Phật tử tu theo Đại Thừa tại hai quốc gia Trung Hoa và Việt Nam thì thường là ăn chay chủ yếu nhưng tại Nhật Bản, Phật tử lại ăn mặn.

Đức Phật ngày xưa đã chủ trương “ai cúng cái gì thì ăn cái đó”. Bởi lẽ việc Phật tử cúng dường cái gì mình ăn cái đó là sự thực tập tinh thần bình đẳng và tâm không đắm nhiễm (cụ thể là không đắm nhiễm thức ăn). Chay mặn vốn không quan trọng, chính cái tâm không phân biệt chay ăn mới là cao thượng.

phat-giao-tay-tang-5

Phật giáo Tây Tạng có ăn chay không

Dưới sự ảnh hưởng của địa lý và khí hậu khắc nghiệt, Tây Tạng có rất ít nơi trồng được thực vật và rau quả. Người dân Tây Tạng phải dựa vào chăn nuôi và ăn thịt để sinh tồn, họ coi thịt là một loại thức ăn quý giá và tôn trọng, không phải là một sự tàn ác hay bạo lực nào cả. Giáo lý Kim Cương thừa khuyến khích người tu hành phải có một tâm thái rộng mở và không bị ràng buộc bởi các quy tắc hay hình thức bên ngoài. Họ cho rằng việc ăn chay hay ăn mặn không quan trọng bằng việc tu tập tâm linh và từ bi.

Giai đoạn trước, Phật giáo Tây Tạng quả thực có truyền thống ăn mặn, nhưng gần đây, theo phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma thì: “Chúng tôi đã ngừng sử dụng thực phẩm không thuần chay trong tu viện Tây Tạng. Chúng ta phải tôn trọng tất cả các dạng của sự sống. Ăn chay Ấn Độ rất quan trọng”.

Kết luận lại rằng, Phật Giáo Tây Tạng khuyến khích ăn chay và hầu hết các tu sĩ và đạo hữu trong Phật Giáo Tây Tạng ăn chay. Tuy nhiên, việc ăn chay không bắt buộc và mỗi người có quyền tự quyết định về việc ăn uống của mình. Ăn chay hay ăn mặn thì vốn không quan trọng, chúng ta ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Ăn để nuôi thân, có sức mà tu hành, hoặc không tu thì cơ thể vẫn khỏe mạnh, an vui. Trong Phật Giáo Tây Tạng, việc ăn chay được coi là một cách để giảm bớt đau khổ và tăng cường sự tinh khiết của tâm hồn. Ngoài ra, việc ăn chay cũng giúp cho người tu hành tập trung vào việc rèn luyện tâm hồn và tránh xa những hành động gây hại đến sinh vật khác.

Phật giáo Tây Tạng tại Việt Nam

Nhiều thế kỷ trước, tại Việt Nam đã xuất hiện Mật Tông, thế nhưng dù xét ở khía cạnh nào đi chăng nữa thì ảnh hưởng của Mật Tông vẫn rất nhỏ. Mãi cho đến năm 1936 mới có một nhà sư Việt Nam được cho là đã thọ giới trực tiếp từ một nhà sư Tây Tạng, thế nhưng vẫn chưa thể lập được dòng truyền thừa nào tại Việt Nam.

Cho đến đầu năm 2000, vẫn chưa có vị sư Tây Tạng nào đến Việt Nam để thành lập dòng truyền thừa. Năm 2007, được chính quyền cho phép, người đứng đầu dòng truyền thừa Drukpa Kagyu, Gyalwang Drukpa, đã đến thăm chính thức ở chùa Hương. Vị này tiếp tục ghé thăm Việt Nam vào những năm như 2007, 2010, 2011, 2013, 2014, 2015. Và vào năm 2016, ông đã tham gia lễ bổ nhiệm trụ trì chùa Tây Thiên, một ngôi chùa Mật tông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

phat-giao-tay-tang-3

Phật giáo Tây Tạng tại Việt Nam

Năm 2010, một vị đại sư của dòng truyền thừa Drikung Kagyu đã thăm chính thức một số nhà sư Việt Nam.

Năm 2015 và 2016, Drikung Kyabgön Chetsang, người đứng đầu dòng truyền thừa này đến Việt Nam tổ chức nhiều nghi lễ khác nhau. Đây cũng là một nhà sư lưu vong của Tây Tạng tại Ấn Độ. Ông cũng thăm Việt Nam liên tiếp vào các năm 2017, 2018, 2019, 2022.

Dòng Sakya là dòng Phật giáo Tây Tạng gia nhập vào Việt Nam trễ nhất, bắt đầu vào năm 2017 và bị gián đoạn, mãi cho đến năm 2023 mới quay trở lại. Mặc dù vậy, trong giai đoạn gián đoạn này, các hoạt động tôn giáo vẫn được thực hiện thường xuyên bởi các nhà sư người Việt theo phái này tại trung tâm thiền tại Quận 7 và chùa của dòng này tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, một số dòng Phật giáo Tây Tạng đã xuất hiện đều đặn tại Việt Nam trong những năm gần đây. Ngoài việc xây dựng nhiều trung tâm thiền, một số dòng còn thành lập các chùa tại Việt Nam.

Xuất phát từ Ấn Độ, trải qua nhiều thế kỷ, nhờ sự nỗ lực của các vị thầy, dịch giả, Phật giáo Tây Tạng đã dần dần phát triển thành bốn truyền thống chánh. Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp quý vị hiểu hơn về Phật giáo Tây Tạng.

Tham khảo thêm các bài viết:

Link nội dung: https://blog24hvn.com/phat-giao-tay-tang-tho-ai-a66299.html