Màng nhĩ: Nằm ở đâu, cấu tạo, chức năng và cách chăm sóc

Màng nhĩ là một bộ phận ngăn cách giữa tai ngoài và tai giữa, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con người nghe được âm thanh, đồng thời bảo vệ tai giữa khỏi các tác nhân bụi bẩn, vi khuẩn,… xâm nhập.

màng nhĩ

Màng nhĩ là gì?

Màng nhĩ (tiếng Anh là Eardrum) là một lớp màng mỏng bán trong suốt, ngăn cách hoàn toàn tai ngoài với tai giữa. Màng nhĩ hình bầu dục, không phẳng mà lõm ở giữa, hơi nghiêng ra sau (một góc khoảng 30 độ), có đường kính khoảng 8-10 mm, diện tích khoảng 74 mm2, độ dày trung bình khoảng 0.1 mm.(1)

Màng nhĩ có độ đàn hồi tốt, dai, nhưng thực tế không dãn nở. Màng nhĩ bịt kín lên hòm tai như một màng trống, có khả năng rung lên để đáp ứng với sóng âm, góp phần quan trọng trong quá trình cảm nhận âm thanh của cơ thể.

Màng nhĩ bình thường có màu trắng đục (trắng ngọc trai) hoặc trắng xám. Vì tính chất bán trong suốt nên khi quan sát bằng máy nội soi, có thể thấy được hình cán xương búa in trên màng nhĩ.

Trẻ em có màng nhĩ mỏng và đàn hồi hơn, trong quá trình lớn lên, màng nhĩ sẽ trở nên dày và cứng hơn.

1. Màng nhĩ nằm ở đâu?

Tai người được chia thành 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong.

Có thể thấy, màng nhĩ nằm ở ranh giới giữa tai ngoài và tai giữa. Phía ngoài màng nhĩ là các bộ phận như ống tai ngoài, vành tai; phía trong màng nhĩ là chuỗi xương con (xương búa, xương đe, xương bàn đạp).

2. Màng nhĩ cách lỗ tai bao nhiêu cm?

Ở trẻ em, màng nhĩ cách cửa tai khoảng 1,5 cm, ở người lớn, khoảng cách này là 2,5 cm.

Cấu tạo màng nhĩ

Cấu tạo màng nhĩ bao gồm màng chùng và màng căng, được tạo thành 3 lớp tổ chức khác nhau.

Màng nhĩ có cấu tạo 3 lớp, các lớp tổ chức xếp liên tiếp nhau, từ ngoài vào trong bao gồm:

Chức năng của màng nhĩ

Hai chức năng quan trọng của màng nhĩ là dẫn truyền thính giác và bảo vệ tai giữa.

1. Thính giác

Màng nhĩ có vai trò quan trọng đối với khả năng nghe của con người:(2)

chức năng màng nhĩ
Màng nhĩ tiếp nhận sóng âm từ ống tai sẽ rung lên và truyền rung động tới chuỗi xương con ở sau tai.

2. Bảo vệ

Ngoài chức năng thính giác, màng nhĩ giúp phân chia khu vực tai ngoài, tai giữa với nhau, có vai trò như một hàng rào bảo vệ, ngăn bụi bẩn, vi trùng, nước bẩn tràn vào tai giữa.

Do đó, nếu màng nhĩ bị thủng hoặc vỡ, tai giữa dễ bị nhiễm trùng.

Bệnh lý về màng nhĩ

1. Thủng màng nhĩ

Màng nhĩ có thể bị thủng do nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất là do chấn thương hoặc nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa). Chấn thương thường do vật trực tiếp tác động lên màng nhĩ, (dùng tampon ngoáy tai) cũng có thể do áp lực: lực chấn thương vào vùng tai (như chấn thương đập đầu, bị đánh,…), thay đổi áp suất đột ngột (đi máy bay, lặn sâu, âm thanh lớn,…). Viêm tai giữa cấp nung mủ có thể gây thủng màng nhĩ khi mủ trong tai giữa nhiều làm vỡ màng nhĩ.

Đa phần màng nhĩ bị thủng do chấn thương hoặc viêm tai giữa cấp có thể tự lành với kích thước lỗ thủng nhỏ và không bị nhiễm trùng. Nhưng với kích thước lỗ thủng lớn, viêm tai giữa tái diễn nhiều lần thành viêm tai giữa mạn tính, lỗ thủng màng nhĩ không tự lành được.

Người bệnh bị thủng nhĩ tùy nguyên nhân sẽ có các biểu hiện khác nhau: ù tai, nghe kém, chảy dịch tai, chảy máu tai, đau tai,…

2. Xơ màng nhĩ

Xơ nhĩ (tiếng anh là Tympanosclerosis) biểu thị quá trình vôi hóa, tạo những mảng canxi hóa ở màng nhĩ, làm giảm rung động dây thanh, từ đó có thể gây suy giảm thính lực. Xơ nhĩ có thể khu trú ở màng nhĩ hoặc lan ra chuỗi xương con, thậm chí ở cả các thông bào chũm. Xơ màng nhĩ thường xảy ra khi có những tổn thương trên màng nhĩ trước đó: thủng nhĩ hoặc do tuổi già.

3. Màng nhĩ bị nhiễm trùng

Màng nhĩ có thể bị nhiễm trùng nếu các vùng tai lân cận bị nhiễm trùng, phổ biến nhất là viêm tai giữa, viêm tai ngoài. Nếu không điều trị, người bệnh có thể gặp biến chứng thủng nhĩ.

Những ảnh hưởng đến chức năng màng nhĩ

1. Dị tật tai

Một số dị tật tai bẩm sinh như dị tật tai nhỏ có thể khiến trẻ không có các cấu trúc như màng nhĩ, tai giữa, tai trong, thậm chí không có cả vành tai,… khiến việc tiếp nhận âm thanh bị cản trở, và cần phẫu thuật để tái tạo tai ngoài.

2. Bệnh lý tai ngoài

Ráy tai (cerumen hay ear wax), khối u, dị vật, viêm nhọt ống tai,… sẽ làm cản trở dẫn truyền âm thanh của ống tai ngoài tới màng nhĩ. Từ đó bệnh nhân sẽ có triệu chứng nghe kém và ù tai.

3. Lão hóa

Lão thính là một phần của quá trình lão hóa của cơ thể, thường bắt đầu xuất hiện khi chúng ta bước vào độ tuổi 50. Màng nhĩ bắt đầu kém đàn hồi hơn, dày đục, và xuất hiện các mảng xơ nhĩ. Ngoài ra, vùng da ống tai ngoài cũng lão hóa, bị teo và mất nước, ráy tai tích tụ nhiều và dễ hình thành nút ráy tai.

Triệu chứng suy giảm thính lực sẽ xuất hiện ở cả hai tai. Người bệnh khó khăn hơn trong việc nhận thức âm thanh, đặc biệt trong môi trường đông đúc, nhiều người cùng nói một lúc; hoặc một số trường hợp sẽ vô thức bật loa tivi, điện thoại,… to hơn thì mới có thể nghe được.

4. Thay đổi cấu trúc tai sau phẫu thuật

Vấn đề nhiễm trùng tái đi tái lại hoặc bệnh nhân phải phẫu thuật nhiều lần có thể khiến màng nhĩ bị sẹo, giảm độ đàn hồi và nghe kém dẫn truyền.

Với trường hợp dị tật không có màng nhĩ (dị tật tai nhỏ, dị tật không có vành tai) cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi gắn máy trợ thính.

5. Những trường hợp khác (chảy nước, máu, mủ,..)

Những trường hợp khác như tai chảy nước, tai chảy mủ đều gợi ý một số tình trạng bệnh lý đang diễn ra như viêm tai giữa, thủng nhĩ,… Người bệnh cần đến thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

khám màng nhĩ
Bác sĩ nội soi kiểm tra màng nhĩ cho bệnh nhi tại Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Cách chăm sóc màng nhĩ

Tai có cơ chế tự làm sạch, ống tai có cấu tạo hơi dốc ra ngoài và khi nhai, các cử động hàm giúp đẩy ráy tai ra ngoài nên khi vệ sinh, mọi người chỉ cần dùng khăn bông ẩm lau nhẹ nhàng vùng vành tai ngoài. Tuyệt đối không dùng tăm bông chọc sâu vào tai, vì có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn và thậm chí gây thủng màng nhĩ.

Câu hỏi về màng nhĩ thường gặp

1. Có thể nghe được khi không có màng nhĩ không?

Màng nhĩ bị thủng, rách, vẫn có thể nghe được, nhưng sức nghe sẽ kém hơn so với người khỏe mạnh. Tình trạng nghe kém dẫn truyền có thể từ nhẹ đến nặng, tùy mức độ và thời gian mắc bệnh.

Trường hợp dị tật bẩm sinh khiến bệnh nhân không có màng nhĩ, chức năng nghe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cần thăm khám với bác sĩ và điều trị bằng các biện pháp chuyên sâu.

2. Màng nhĩ có tự lành được không?

Màng nhĩ có thể tự lành nếu mức độ thủng ban đầu không quá nặng, người bệnh tự biết chăm sóc và vệ sinh tai đúng cách tại nhà. Nếu phát sinh nhiễm trùng tai giữa sẽ khiến màng nhĩ khó lành hơn, và ngược lại, màng nhĩ càng lâu lành, nhiễm trùng càng tăng nặng.

3. Màng nhĩ có dễ bị thủng không?

Tuy màng nhĩ có độ đàn hồi và dẻo dai, nhưng độ dày trung bình chỉ khoảng 0,1mm, nên hoàn toàn có thể bị thủng bởi một va chạm, áp suất, âm thanh lớn,…

Để đặt lịch khám, điều trị bệnh lý về màng nhĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ:

Các triệu chứng như đau tai, chảy dịch, ù tai,… có thể là biểu hiện của một bệnh lý xảy ra ở màng nhĩ, tai ngoài, tai giữa,… Do đó, khi có các triệu chứng bất thường, người bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế để nội soi kiểm tra màng nhĩ, giúp phát hiện sớm tổn thương màng nhĩ và điều trị kịp thời.

Link nội dung: https://blog24hvn.com/nhi-a66414.html