Tác động vật lý

"Mấy ông đấy lại “tác động vật lý” đến mấy thằng chọi con đua xe chứ gì đâu. Loại chúng nó cũng không thương được!"

"Đàn ông tử tế ai lại đánh vợ nhỉ! Tác động vật lý lên má tí thôi ấy mà!!!"

“Tác động vật lý” vốn là một thuật ngữ khoa học nhưng tại sao lại được sử dụng rất nhiều trong đời sống xã hội, thậm chí là trên báo chí truyền thông chính thống?

Trong khoa học, “tác động vật lý” được định nghĩa là “sử dụng lực mạnh lên một vật khác”. Đóng, gõ, đập, hay thậm chí là áp lực khí động học từ sức ép đưa đến các lực tác động vào vật thể/ đối tượng từ các phương khác nhau, cũng có thể được coi là “tác động vật lý”. Tuy nhiên, ngay cả trong khoa học thì cụm từ này cũng ít được sử dụng.

Vậy đâu là lý do khiến chúng trở nên thông dụng trong xã hội? Thì đây, lý do khá là… ngoắt nghéo.

Cụm từ này xuất hiện sau khi một số sự vụ mà các cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là công an/cảnh sát giao thông trong khi thi hành công vụ lại… nhỡ tay, có một số hành vi bị coi là “đánh” người được cho là vi phạm.

va-cham

Tuy nhiên, khi điều tra, cũng chính các cơ quan chức năng lại dùng cụm từ “tác động vật lý” để tránh đề cập đến tình trạng bạo lực có thể đã diễn ra và để lại hậu quả.

Với cách “nói giảm nói tránh” này, các cơ quan báo chí truyền thông đường đường chính chính đưa một thuật ngữ mới vào đời sống xã hội - “tác động vật lý”, thay vì “đánh” hay “bạo lực”. Rất nhanh chóng, cụm từ này cũng được sử dụng rộng rãi trên mạng xã hội, với phạm vi ảnh hưởng rộng hơn rất nhiều.

Bố đánh con, chồng đánh vợ cũng đánh tráo gọi là “tác động vật lý” thay vì “bạo lực gia đình”

Thanh niên va chạm, gây gổ đánh nhau ngoài đường ngoài chợ, cũng gọi là “tác động vật lý” thay vì “bạo lực đường phố” hay là “đánh lộn”, “hành hung”.

Học sinh gây lộn, đánh bạn trong trường đến khi nhà trường điều tra cũng lập lờ “tác động vật lý” thay vì “bạo lực học đường”.

Nhiều người yêu thương, trêu đùa nhau, vuốt má quẹt mỏ cũng gọi là “tác động vật lý”.

Thậm chí là đánh mèo, đá chó cho bớt bực mình thì cũng gọi là “tác động vật lý” cho khỏi phải thấy tội lỗi với mấy con boss yêu.

Có thể thấy rằng cụm từ này đã có rất nhiều biến thể ý nghĩa khác nhau khi được dùng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, ngoài một số trường hợp được dùng như một cách thể hiện sự trêu đùa, thì đa phần chúng đều mang ý nghĩa nhằm nói giảm, nói tránh, cố tình che đậy một sự thật về hiện tượng bạo lực.

Điều này có thể dẫn đến hệ luỵ về sự không minh bạch trong đời sống, giảm sút lòng tin của xã hội.

Link nội dung: https://blog24hvn.com/tac-dong-vat-ly-la-gi-a66467.html