Vị trí chiến lược, điều kiện tự nhiên tỉnh An Giang

1.Vị trí địa lý kinh tế

An Giang là tỉnh ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng ĐBSCL, một phần nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, là nơi đầu tiên dòng MêKông chảy vào địa phận Việt Nam (được tách thành 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu). Phía Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Tây Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài gần 100 km, có Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, phía Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang và phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ. An Giang cũng là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) vùng ĐBSCL, gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.

An Giang nằm trong tam giác phát triển TP.HCM - TP.Cần Thơ - TP.PhnomPenh (Vương quốc Campuchia) qua các trục chính như QL91 kết nối với cục phát triển Cần Thơ; qua QL 30, QL 80, QL 1A kết nối với trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và công nghệ hàng đầu cả nước TP. HCM và kết nối với TP. PhnomPenh qua QL2. Như vậy, nếu nhìn về hướng kết nối với TP. HCM, An Giang nằm ở vị trí tận cùng về phía Tây, còn nếu nhìn sang Campuchia, An Giang là cửa ngõ của vùng ĐBSCL hướng sang các nước khu vực ASEAN.

An Giang cũng có biên giới (cả đường bộ và đường thủy) với Campuchia thông qua 02 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên, Vĩnh Xương), 01 cửa khẩu chính chuẩn bị nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế (Khánh Bình) và nhiều cửa khẩu, lối mở khác dọc biên giới hai nước. Tuy vậy, với thực trạng nền kinh tế Campuchia có quy mô nhỏ, sức mua thấp, tiềm ẩn yếu tố bất định về chính trị, đặc biệt là khu vực sát biên giới với An Giang lại là những vùng còn nghèo của Campuchia, khả năng tận dụng lợi thế biên giới để thúc đẩy giao thương, đầu tư với các khu vực này là chưa khả quan, ít nhất là trong ngắn và trung hạn.

Nhìn tổng thể, An Giang có vị trí địa lý thuận lợi để giao thương, liên kết phát triển với các trung tâm phát triển lớn trong và ngoài nước, vị trí đầu nguồn của tỉnh cũng rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp, NTTS nước ngọt và hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, thời gian qua, An Giang chưa khai thác hiệu quả lợi thế về vị trí địa lý trong phát triển KT-XH. Một trong những nguyên nhân quan trọng là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thủy bộ kết nối giữa tỉnh với các trung tâm phát triển lớn nói chung và vùng TP. HCM nói riêng đầu tư thiếu đồng bộ, dẫn đến chi phí logistics tăng cao, tốn nhiều thời gian vận chuyển hàng hóa, làm giảm khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông sản của tỉnh và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài vào tỉnh, nhất là vốn FDI vào khu vực công nghiệp, dịch vụ của tỉnh.

Vị trí chiến lược, điều kiện tự nhiên tỉnh An Giang
Sơ đồ vị trí và liên hệ vùng thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

2.Điều kiện tự nhiên

a. Địa hình

Địa hình ở An Giang khá đa dạng, có đồng bằng, nhiều sông rạch (đầu nguồn sông Cửu Long), có núi, có biên giới. Đồng bằng An Giang có 2 dạng chính: đồng bằng phù sa, tiêu biểu là dạng cồn bãi (cù lao) như cù lao Ông Hổ, Phó Ba (TP. Long Xuyên), Bà Hòa (huyện Châu Thành), Bình Thủy, Khánh Hòa (huyện Châu Phú), Vĩnh Trường (huyện An Phú) của sông Hậu và cù lao Giêng (huyện Chợ Mới), cù lao Tây, cù lao Ma, Cồn Cỏ (thị xã Tân Châu). Dạng thứ hai là đồng bằng ven núi, tập trung quanh chân núi Cô Tô (huyện Tri Tôn), núi Dài (huyện An Phú - Tịnh Biên), núi Cấm (thị xã Tịnh Biên).

Địa hình ở An Giang chia làm 2 loại: địa hình đồng bằng và địa hình đồi núi

Địa hình đồng bằng: Chia thành 02 vùng, gồm:

- Vùng cù lao gồm 03 huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới và thị xã Tân Châu, có cao trình biến thiên từ 1,3 - 3 m và thấp dần từ ven sông vào nội đồng.

- Vùng hữu ngạn sông Hậu thuộc Tứ giác Long Xuyên gồm TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, các huyện Châu Phú, Châu Thành và Thoại Sơn có cao trình biến thiên từ 0,8 - 3 m và thấp dần về phía Tây.

Địa hình đồi núi: Tập trung và chiếm phần lớn diện tích tự nhiên của 02 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên và một phần phân bố ở huyện Thoại Sơn, TP. Châu Đốc với diện tích khoảng 33 nghìn ha (chiếm khoảng 13% diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Khu vực này có nhiều đồi núi với độ cao từ 300 - 710 m, trong đó cao nhất là núi Cấm (710m), núi này cùng với núi Dài và núi Tô tạo nên một dãy núi khá dài kéo từ Cô Tô (Tri Tôn) đến Nhà Bàng (Tịnh Biên) và xen giữa các núi là đồi thấp và đồng bằng nhỏ hẹp. Khu vực chân núi có cao trình từ 4 - 40 m và độ dốc từ 3° - 8° là vùng chuyển tiếp giữa địa hình đồi núi và đồng bằng.

An Giang có địa hình cao nhất đồng bằng, không tiếp giáp biển, nên chưa bị xâm nhập mặn, là điều kiện thuận lợi đối với sản xuất nông nghiệp, NTTS nước ngọt. Bên cạnh đó, địa hình tại các khu vực cửa khẩu khá bằng phẳng do đó vấn đề mở rộng không gian phát triển, không gian sản xuất tại các khu vực này khá thuận lợi. Ngoài ra, yếu tố địa hình đồi núi tạo ra nét đặc thù riêng của tỉnh so với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch, phát triển các cây trồng dược liệu, lúa đặc sản…

b. Khí hậu và thời tiết

Vị trí địa lý và đặc điểm địa hình đã ảnh hưởng tới điều kiện khí hậu của tỉnh. An Giang chịu ảnh hưởng của 02 mùa gió chính là gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc.

- Nhiệt độ: Thay đổi theo mùa, mùa mưa nhiệt độ có xu hướng tăng cao hơn, tuy nhiên sự chênh lệch giữa các tháng trong năm không lớn. Nhiệt độ trung bình từ năm 2011-2014 khoảng 27,6°C, chênh lệch nhiệt độ trung bình giữa tháng nóng nhất và tháng lạnh nhất là khoảng 5,1°C; thời kỳ nóng nhất là vào tháng 4 và tháng 5 với nền nhiệt vào khoảng 30°C; thời kỳ lạnh nhất là vào tháng 12, tháng 01 và tháng 02 năm sau, với nền nhiệt dao động từ 24,6-27,7°C.

- Mưa: Chế độ mưa phân hóa thành 02 mùa rõ rệt là mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) và mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau). Lượng mưa bình quân hằng năm đạt từ 1.000-1.300 mm, tổng lượng mưa trung bình mùa mưa chiếm từ 83-89% tổng lượng mưa cả năm.

- Gió: An Giang có chế độ gió khá thuần nhất với 02 chế độ gió mùa rõ rệt, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau hướng gió có tần suất cao nhất là Đông Bắc, từ tháng 5 đến tháng 10 hướng gió có tần suất cao nhất là Tây Nam. Tốc độ gió trung bình trong năm khoảng 3m/giây.

- Nắng: Số giờ nắng mỗi tháng dao động từ 90,3-268 giờ, trung bình từ 4-9 giờ nắng/ngày. Thời kỳ ít nắng là từ tháng 6 đến tháng 9, số giờ nắng mỗi tháng dao động từ 90,3-204 giờ, trung bình từ 3-6,8 giờ nắng/ngày. Thời kỳ nhiều nắng là từ tháng 01 đến tháng 5 và từ tháng 10 đến tháng 12, số giờ nắng mỗi tháng dao động từ 167 giờ trở lên, trung bình từ 5,59-8,93 giờ nắng/ngày.

-Lượng bốc hơi và độ ẩm không khí: Lượng bốc hơi hằng năm từ 1.200-1.300mm; lượng bốc hơi nhỏ nhất vào tháng 3 và tháng 4, cao nhất là tháng 9. Độ ẩm không khí thay đổi theo mùa, mùa khô độ ẩm bình quân tháng đạt 80%, thấp nhất đạt 72%; vào mùa mưa độ ẩm bình quân tháng đạt đến 85%.

Nhìn chung, An Giang có nền nhiệt cao đều trong năm, nhiều nắng, mưa theo mùa, không có bão. Đây là điều kiện khá thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp như thâm canh, tăng vụ và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, với yếu tố khí hậu, thời tiết như vậy tạo điều kiện cho An Giang phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (điện mặt trời).

c. Thủy văn

An Giang có hệ thống sông rạch chằng chịt, có nguồn nước ngọt quanh năm thuận lợi cho cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp. Sông Mê Kông chảy qua An Giang theo 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu suốt từ Bắc xuống Nam. Lưu lượng trung bình năm của hệ thống sông này là 13.500 m3/s, lưu lượng lũ 24.000 m3/s và mùa cạn là 5.020 m3/s. Chế độ thủy văn ở An Giang phụ thuộc chủ yếu vào chế độ bán nhật triều biển Đông và chịu ảnh hưởng của các yếu tố dòng chảy sông Mê Kông (sông Tiền, sông Hậu), chế độ mưa nội đồng, đặc điểm địa hình và hình thái kênh rạch. Hằng năm, trùng vào mùa mưa, An Giang đón nhận nước lũ và hình thành “mùa nước nổi”, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70% diện tích tự nhiên bị ngập lũ (khi chưa có đê bao) với mức nước phổ biến từ 1-2,5 m, thời gian ngập lũ từ 2,5 cho tới 5 tháng, thường là 15/8 tới 20/12, tuy nhiên do đã được đầu tư hệ thống đê bao khép kín nên hiện nay chỉ ngập các khu vực chưa xây dựng hệ thống đê bao.

Link nội dung: https://blog24hvn.com/an-giang-nam-o-dau-a66603.html