Sau phẫu thuật dạ dày, người bệnh cần tuân thủ một chế độ ăn uống nghiêm ngặt để sớm hồi phục sức khỏe, giảm nguy cơ biến chứng. Với câu hỏi nên ăn gì sau khi mổ dạ dày, nội dung dưới đây sẽ giúp giải đáp chi tiết.
1. Một số vấn đề thường xảy ra sau phẫu thuật dạ dày và cách xử lý
Phẫu thuật cắt dạ dày là phương pháp loại bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Dạ dày nhỏ đi, lưu giữ được ít thức ăn và dịch hơn so với trước. Như vậy, thức ăn và dịch dạ dày sẽ đi xuống ruột non nhanh hơn, có thể gây ra một số rối loạn, làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Một số vấn đề thường xảy ra ở bệnh nhân sau mổ dạ dày như sau::
Có cảm giác no sớm hơn: Người bệnh nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Mỗi ngày nên ăn 6 - 8 bữa chính, ăn các bữa phụ giàu dinh dưỡng giữa các bữa chính và uống nước ít nhất 30 phút trước hoặc sau ăn;
Tiêu chảy: Bệnh nhân nên uống nhiều loại nước giữa các bữa ăn. Nếu bị tiêu chảy sau ăn 15 - 30 phút thì có thể người bệnh mắc hội chứng Dumping sớm. Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài, cần đánh giá lại chế độ ăn, tìm nguyên nhân và biện pháp xử trí;
Sụt cân: Người bệnh nên ăn nhiều bữa phụ giàu chất dinh dưỡng, giàu protein và chất béo giữa các bữa chính. Đồng thời, nên theo dõi cân nặng hàng tuần, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu cân nặng tiếp tục giảm;
Mắc hội chứng Dumping: Đây là tình trạng thức ăn đi từ dạ dày xuống ruột non quá nhanh. Triệu chứng thường gặp gồm hồi hộp, mệt mỏi, vã mồ hôi, buồn nôn và nôn ói, co thắt ruột hoặc tiêu chảy. Triệu chứng xảy ra sau ăn khoảng 30 phút gọi là hội chứng Dumping sớm; xảy ra từ 1 - 4 giờ sau ăn gọi là hội chứng Dumping muộn. Theo đó, người bệnh cần điều trị hội chứng Dumping theo chỉ định của bác sĩ;
Trào ngược dạ dày - thực quản: Vì khả năng chứa thức ăn của dạ dày giảm nên sau ăn người bệnh có thể bị trào ngược thức ăn. Do đó, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, uống nước cách bữa ăn khoảng 30 - 60 phút, ngồi hoặc đi bộ nhẹ nhàng sau ăn khoảng 15 - 30 phút. Đồng thời, người bệnh nên tránh thức ăn cay, nhiều gia vị, chua, tránh đồ uống chứa caffeine, rượu, nước có ga hay thức ăn nóng;
Thiếu một số loại vitamin và khoáng chất: Người bệnh cắt toàn bộ dạ dày khó có thể hấp thu sắt và vitamin B12 từ thức ăn. Do đó, bệnh nhân có thể được chỉ định tiêm vitamin B12. Theo đó, để giúp hấp thu sắt, người bệnh nên ăn thực phẩm giàu sắt như trứng, thịt đỏ, thịt gà, cá, gan, huyết, ngũ cốc. Đồng thời, nên ăn thực phẩm giàu vitamin C (hoa quả và rau xanh) để hỗ trợ cơ thể hấp thu chất sắt. Ngoài ra, bệnh nhân sau cắt dạ dày thường thiếu vitamin D và canxi nên cần phơi nắng buổi sớm, uống sữa,... để hấp thụ vitamin D tốt nhất.
XEM THÊM: Sau mổ dạ dày người bệnh mắc táo bón nên làm gì?
2. Nguyên tắc chung khi ăn uống sau phẫu thuật dạ dày
2.1 Giai đoạn đầu: 1 - 2 ngày sau mổ
Trước đây, có quan niệm ở giai đoạn này chưa cho bệnh nhân ăn bằng đường tiêu hóa. Cần chờ tới khi người bệnh trung tiện được thì mới bắt đầu cho ăn. Ở giai đoạn này, chủ yếu bù nước và điện giải, cung cấp glucid để đảm bảo lượng calo cần thiết cho cơ thể.
Ngày nay, các bác sĩ nhận thấy rằng việc cho ăn muộn không có lợi cho sức khỏe người bệnh. Nếu không cho ăn đường ruột sớm, các tế bào đường ruột có thể bị hoại tử. Hệ thống vi khuẩn đường ruột có thể thẩm lậu qua ruột, đi vào máu. Bên cạnh đó, việc nuôi dưỡng đường ruột sớm còn giúp tăng cường sức đề kháng và giảm giáng hóa protein cho bệnh nhân.
Vì vậy, trong giai đoạn này, có thể truyền các loại dịch cung cấp đường và chất điện giải cho bệnh nhân qua đường truyền tĩnh mạch. Tiếp theo, bắt đầu nuôi dưỡng tiêu hóa bằng cách cho người bệnh uống rất ít. Không nên cho uống nếu bệnh nhân bị trướng bụng nặng.
2.2 Giai đoạn tiếp theo
Sau khi cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày, thức ăn sẽ đi qua dạ dày nhanh hơn, thậm chí trực tiếp đi vào phần đầu của ruột non. Do đó, giai đoạn tiêu hóa lần đầu ở dạ dày có thể bị giảm hoặc cắt mất.
Để giúp tiêu hóa dễ dàng hơn, giảm rối loạn sau phẫu thuật dạ dày, người bệnh nên ăn chậm, nhai kỹ và chế biến kỹ các món ăn. Đồng thời, bệnh nhân nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ưu tiên những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Các nhóm thực phẩm nên chọn cho người bệnh gồm tinh bột phức, rau mềm, sữa gầy, sữa chua ít béo, thịt nạc, cá nạc, dầu thực vật,... Nên chế biến bằng phương pháp sử dụng nhiệt kéo dài để phân cắt các liên kết của thực phẩm, giúp người bệnh tiêu hóa và hấp thu tốt hơn.
2.3 Giai đoạn hồi phục
Tới giai đoạn này, vết mổ của bệnh nhân đã liền và người bệnh dần hồi phục. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng cần cung cấp đầy đủ calo và protein để tăng nhanh thể trọng người bệnh, giúp vết thương mau lành.
Lượng protein có thể lên tới 120 - 150/ngày, calo có thể lên tới 2500 - 3000kcal/ngày. Khẩu phần ăn của người bệnh cần chia thành nhiều bữa trong ngày, trong đó nên dùng nhiều trứng, sữa và các loại đậu để tăng cường cung cấp protein cho cơ thể. Đồng thời, bệnh nhân nên ăn các loại hoa quả để tăng cường vitamin nhóm B và nhóm C.
XEM THÊM: Chế độ ăn uống và vận động ở bệnh nhân sau phẫu thuật dạ dày
3. Nên ăn gì sau mổ dạ dày?
Nên ăn gì sau phẫu thuật dạ dày? Một số nhóm thực phẩm được khuyến khích cho bệnh nhân sau mổ dạ dày gồm:
Thực phẩm giàu protein: Giúp sức khỏe người bệnh mau hồi phục. Đồng thời, thức ăn giàu protein còn giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh tiêu chảy. Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm này còn cung cấp protein, ngăn ngừa tình trạng tiêu cơ. Do đó, bệnh nhân nên ăn những thực phẩm như thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, phô mai, bơ,...;
Các loại ngũ cốc: Bệnh nhân sau phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày nên ăn các loại ngũ cốc ít chất xơ. Người nhạy cảm với chất xơ thường bị khó chịu, có thể bị tiêu chảy nếu tiêu thụ quá nhiều. Nên áp dụng chế độ ăn ít chất xơ theo khuyến nghị của bác sĩ để thư giãn đường tiêu hóa, tránh tạo thành búi xơ chèn ở miệng nối;
Trái cây và rau xanh: Hầu hết các loại trái cây và rau xanh đều tốt cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt bỏ dạ dày. Tuy nhiên, với rau xanh thì nên ăn chín, với trái cây thì cần gọt vỏ, bỏ hạt trước khi ăn. Trong các loại hoa quả, chuối và dưa hấu là 2 loại trái cây tốt nhất cho bệnh nhân;
Sữa: Là thực phẩm quan trọng, thiết yếu trong chế độ ăn của hầu hết người mắc bệnh tiêu hóa. Nó giúp cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể khi người bệnh không có khả năng hoặc không nên ăn những loại thực phẩm khác. Với người sau phẫu thuật dạ dày, có thể lựa chọn sữa đã tách béo hoàn toàn hoặc sữa ít béo trong chế độ ăn uống hằng ngày.
4. Một số lưu ý khi thiết lập chế độ ăn uống của bệnh nhân sau mổ dạ dày
Sau khi phẫu thuật mổ dạ dày, bệnh nhân nên ăn 6 - 8 bữa chính và bữa phụ mỗi ngày, cần ăn chậm, nhai kỹ và ngừng ăn khi cảm thấy no. Người bệnh không nên tự ép bản thân ăn cho hết phần ăn. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý khi thiết lập chế độ ăn như sau:
Người bệnh nên bổ sung thêm các loại viên uống vitamin B1, B12 và viên sắt để bồi bổ sức khỏe và ngăn ngừa thiếu máu sau phẫu thuật;
Nên đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể và làm tăng cảm giác ngon miệng;
Nên duy trì chế độ ăn khô: Không uống nước và đồ uống trong cùng bữa ăn, không uống canh trong cùng bữa ăn, nên uống nước cách 30 - 60 phút sau ăn và không dùng thực phẩm nhiều đường;
Hạn chế thực phẩm lên men (dưa chua, hành muối), các loại gia vị cay nóng, hoa quả chua, đồ ăn cứng và các chất kích thích;
Tránh thực phẩm có nhiều caffeine, rượu;
Không nằm ngay sau khi ăn mà nên đi lại nhẹ nhàng hoặc ngồi khoảng 30 phút sau ăn.
Phẫu thuật dạ dày là phương pháp điều trị phổ biến cho nhiều bệnh lý ở dạ dày. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần chú ý xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh để mau chóng phục hồi sức khỏe và tránh được những biến chứng có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.