Cũng là một linh vật trong bộ tứ Long- Phượng - Lân - Quy nhưng dường như lân (hay kỳ lân) lại xuất hiện như một hình tượng nghệ thuật ở Việt Nam muộn hơn. Dù vậy, kỳ lân lại đến cùng bao nhiêu huyền thoại, truyền thuyết kỳ bí. Trong trí tưởng tượng của tín ngưỡng dân gian phương Đông, kỳ lân cũng là con vật báo hiệu điềm lành, là biểu tượng cho hỉ sự, may mắn và sự trường tồn. Kỳ lân nổi bật với tính cách trung trực, lòng nhân từ và sự bao dung. Không bao giờ nó giẫm đạp lên các loại côn trùng và cây cỏ, không ăn thịt hay uống nước bẩn.
Kỳ lân trên kim bảo (ấn vàng) thời chúa Nguyễn
Kỳ lân có hình dáng đặc biệt, cũng là sự hội tụ những đặc điểm ưu việt nhất của các loài cầm thú: sừng nai, tai chó, trán lạc đà, mắt chim ưng, mũi sư tử, miệng cá sấu, thân ngựa, chân hươu, đuôi bò. Cũng có khi kỳ lân được tưởng tượng với hình dáng của một con hươu xạ với bộ sừng đồ sộ nhiều khúc, nhưng lại có đôi mắt quỷ, miệng hùm, râu cá trê, thân phủ đầy vảy cá cùng bộ móng ngựa, chiếc đuôi bò. Ở dạng này lân có đến 5 màu rực rỡ: đỏ, vàng, xanh, trắng, đen. Thực chất, đó là màu sắc của Ngũ hành, bởi vậy, bụng kỳ lân, tượng trưng cho vị trí trung tâm, có màu vàng. Ở biến thể khác, kỳ lân lại có cả một đôi sừng hất về phía sau cùng chiếc bờm dài như sư tử. Trong cung điện, lăng tẩm vua chúa các triều đại Trung Quốc vẫn còn bảo tồn được nhiều hình tượng kỳ lân với các đặc điểm trên, bằng chất liệu đồng, đá, ngọc, gỗ và cả trên tranh giấy, tranh thêu… Nhưng dù xuất hiện với hình dạng như thế nào thì trong trí tưởng tượng của tín ngưỡng dân gian phương Đông, kỳ lân cũng là con vật báo hiệu điềm lành, là biểu tượng cho hỉ sự, may mắn và sự trường tồn. Kỳ lân nổi bật với tính cách trung trực, lòng nhân từ và sự bao dung. Không bao giờ nó giẫm đạp lên các loại côn trùng và cây cỏ, không ăn thịt hay uống nước bẩn.
Tại Trung Hoa, kỳ lân được xem là một linh thú chỉ xuất hiện để báo hiệu sự ra đời của bậc thánh nhân. Trong thời vua Nghiêu - Thuấn, và trước khi Khổng Tử ra đời, kỳ lân đã xuất hiện. Người ta cũng cho rằng, kỳ lân xuất hiện lần cuối 3 năm trước khi Khổng Tử qua đời.
Một biến thể khác của kỳ lân là con Long mã với đầu rồng, thân ngựa. Long mã gắn liền với truyền thuyết vua Vũ trị thủy sông Hoàng Hà nên thường được thể hiện đang chạy trên sóng nước, đầu ngẫng cao, lưng chở Hà đồ. Trong hình tượng này, Long mã là biểu trưng chí khí tung hoành của bậc quân tử vì rồng bay lên tượng cho trục tung, ngựa chạy ngang tượng cho trục hoành.
Thực ra cũng như phượng hoàng, kỳ lân vốn là tên ghép của hai giống đực- cái của một loài linh thú, trong đó, Kỳ là con đực mang 1 chiếc sừng cong, nhỏ ở giữa trán; còn Lân, con cái, thì không có sừng. Về sau mới không có sự phân biệt, kỳ lân hay lân trở thành tên gọi chung chỉ loài linh thú xếp hàng thứ 3 trong bộ Tứ linh. Trong nhóm Long- Phượng - Lân - Quy, lân tượng trưng cho Thiếu âm, ứng với Thiếu dương là quy, nhưng cũng có khi Tứ tượng lại được được ghép thành Thái dương- Thiếu âm và Thiếu dương - Thái âm, khi đó, lân được ghép với rồng, tạo nên thứ tự khá phổ biến trong dân gian: Long- lân - quy - phượng.
Theo các nhà nghiên cứu, tại Việt Nam, lân xuất hiện từ thời Hậu Lê (1428 -1789), nhất là giai đoạn Lê Trung Hưng (1533- 1789) trên các chi tiết trang trí kiến trúc ở đình, chùa. Sang thời Nguyễn (1802 -1945) thì kỳ lân có mặt ở khắp nơi, từ dân gian đến chốn cung đình.
Thực ra thì ngay từ thời các chúa Nguyễn hùng cứ ở Đàng Trong (1558-1775), lân đã thể hiện dấu ấn trong chốn cung đình. Năm 1709, chúa Nguyễn Phước Chu đã cho đúc 2 chiếc ấn vàng có núm hình kỳ lân. Điều thú vị là hình tượng lân trên ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” và ấn “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành” đã thể hiện những đặc điểm khác nhau. Lân trên ấn thứ nhất trong tư thế “lân hí cầu”, đầu không có sừng, chân trái đặt trên quả cầu, chân phải chống thẳng, móng chân kiểu móng ngựa, thân không vảy nhưng lưng có kỳ như rồng, đuôi kiểu đuôi cá chép dựng ngược lên; nét mặt lân trông vui nhộn. Trên chiếc ấn sau, lân cũng trong tư thế ngồi xổm nhưng mặt mũi nghiêm nghị, đầu có sừng cong tròn, nhưng không phải trước trán mà nằm ra tận sau đỉnh đầu; râu dê như râu rồng nhưng chân có 4 móng kiểu chân cá sấu.
Dưới triều Nguyễn, lân có vị trí quan trọng trong chốn cung đình. Trong số 85 chiếc kim bảo ngọc tỷ còn giữ được của vương triều Nguyễn, lân hiện thân trên 2 chiếc ấn bạc “Văn lý mật sát” (1886), “Diên thọ cung bảo”(1916) và chiếc ấn ngà “Khải Định thần hàn”(1916). Đặc điểm chung của hình tượng kỳ lân trên các ấn này là đều không có sừng, nhưng có nhiều điểm khác nhau, như thân có vảy hay chỉ có kỳ trên lưng, đuôi cá chép hay đuôi gà, móng sấu hay kiểu móng ngựa.
Trên kiến trúc và trang trí, lân được thể hiện khá đa dạng bằng nhiều chất liệu: gỗ, đá, đắp sành sứ với nhiều dáng vẻ khá sinh động. Với chất liệu gỗ, lân hay được chạm làm chân bình phong, giá treo chuông khánh (có lẽ nhằm cộng hưởng cho các nhạc khí này vì tiếng của lân được cho rằng vang như tiếng chuông) hay làm bệ đạp chân cho Hoàng đế ở ngai vàng. Trước các cổng Hiển Nhơn, Thế Miếu (Hoàng thành) và Đại Hồng Môn (lăng Minh Mạng) có những đôi lân đá, ngồi đối diện với nhau trong tư thế gác cổng. Dưới dạng này, lân thường được gọi là nghê hay cù, hình dáng khá giống sư tử, không có sừng, lưng có kỳ chứ không có vảy, chân có móng như chân sấu. Có nhà nghiên cứu cho rằng, nghê thực chất là con Phật sư trong truyền thuyết Phật giáo, là loài sư tử vốn được Phật quy phục, thường được dùng làm vật cưỡi cho Văn Thù Bồ Tát, nhưng sau khi vào Việt Nam đã được Việt hóa và tạo ra các biến thể sinh động, phù hợp với văn hóa Việt. Nếu đúng vậy thì kỳ lân được du nhập vào Việt Nam bằng cả hai con đường, từ Bắc xuống với hình ảnh loài lân có sừng, thân có vảy, bộ móng ngựa… và từ Nam lên với hình ảnh con nghê không sừng, thân không vảy và bộ móng thú. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa hai loài này rất không rõ ràng.
Những con lân được đắp trên bình phong, trên bờ mái, bờ nóc cung điện thường rất sinh động, mang hình dáng long mã hay nghê với nhiều gam màu lung linh nhờ hiệu quả của sành sứ.
Nhưng điển hình nhất có lẽ vẫn là những con lân bằng đồng được đúc và chạm khắc với kích thước khá lớn, đặt thành từng đôi đối xứng ở trước sân điện Thái Hòa, sân chầu Thế Miếu, lăng Minh Mạng và lăng Thiệu Trị. Đây là những con lân có hình dáng gần gũi với truyền thuyết Trung Hoa, trán có 1 sừng nhỏ, thân mang vảy nhưng lại có bộ móng thú và chiếc đuôi gà. Tại vị trí này, lân được cho là làm nhiệm vụ giám sát thái độ và lòng trung thành của các quan đứng chầu trên sân. Cũng bằng chất liệu đồng nhưng với kích thước nhỏ hơn, lân được đặt bên trong cung điện, miếu thờ với phần lưng khoét rỗng làm dụng cụ xông trầm mỗi khi tổ chức nghi lễ.
Lân đôi khi được thể hiện chung trong bộ Tứ linh (bình phong hậu lăng Tự Đức), trong cặp đôi với rồng (trên mái điện Thái Hòa), với Phượng (trên bình phong cung Trường Sanh), có xuất hiện thành nhóm 3 con trong mô típ “Tam lân hí cầu” (trên lư trầm bằng đồng, đắp nổi bằng vôi vữa trên bình phong lăng Cơ Thánh)…
Đặc biệt, ngay trong chốn cung đình, hình tượng kỳ lân còn xuất hiện trong điệu múa “Lân mẫu xuất lân nhi” rất độc đáo. Văn hóa múa lân trong các dịp lễ tết còn ảnh hưởng sâu rộng ra dân gian vùng Huế.
Trong dân gian, lân xuất hiện nhiều nơi với tên gọi nghê, cù trước cổng hay trên đầu cột tam quan chùa, trụ biểu đình làng; trên bình phong đình, miếu, phủ đệ, nhà thờ họ…dưới dạng long mã. Ở Huế, Long mã được đặc biệt ưa thích và được thể hiện rất nhiều trên các bình phong, từ cung đình đến chốn dân gian. Chính vì điều này mà các họa sỹ của Pháp và Việt Nam đã đưa Long mã trở thành biểu tượng của Festival Văn hóa Huế.
Nhà nghiên cứu phong thủy Lý Thái Sơn còn cho rằng, địa cuộc của vùng đất Huế là thế “Lân hí cầu”, chủ về văn hóa. Không biết có phải vì vậy mà Huế đã và đang trở thành một trung tâm văn hóa, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam?
TS. Phan Thanh Hải
Link nội dung: https://blog24hvn.com/hinh-con-ky-lan-a68025.html