Chọn ngành đi ngược số đông: Học khảo cổ vì trót mê 'tiếng vọng ngày xưa'

Sức hấp dẫn riêng

Thí sinh không chọn khảo cổ học vì nhiều lý do, nhất là định kiến “ngành học không hấp dẫn” và khó tìm việc. Dù vậy, cũng có số ít người theo đuổi con đường này cho rằng khảo cổ học có sức hấp dẫn riêng.

Chẳng hạn, Nguyễn Trần Hạnh Dung, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ: “Giữa những ngành nghề 'hot', phổ thông, tôi chọn khảo cổ học vì tôi sẽ có cơ hội khám phá cổ vật trước khi được đưa vào bảo tàng để cảm nhận dáng vẻ nhuốm màu thời gian của nó. Ngành này cũng đòi hỏi phải đi nhiều nên tôi sẽ học hỏi được nhiều điều có thể áp dụng được trong nhiều ngành nghề khác như xây dựng, làm gốm sứ, điêu khắc”.

Chọn ngành đi ngược số đông: Học khảo cổ vì trót mê 'tiếng vọng ngày xưa'

Hiện trường khai quật Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình). Đây là công việc của người làm khảo cổ học

NVCC

Dù vậy, Hạnh Dung cũng như những sinh viên theo ngành khảo cổ học vẫn lo ngại trước khả năng khó xin việc hoặc sẽ phải làm trái ngành. Trước những băn khoăn này, ông Phùng Quốc Danh, Phó trưởng phòng nghiệp vụ của Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp), chia sẻ ông tốt nghiệp và làm đúng chuyên môn, gắn bó với Khu di tích Gò Tháp trong 8 năm qua.

Theo ông Danh, điều thú vị nhất của ngành khảo cổ học là được tiếp cận trực tiếp với di tích, di vật để lắng nghe “những tiếng vọng từ quá khứ”, từ đó hiểu rõ hơn về lịch sử, lối sống, văn hóa người xưa. “Dù vậy, lý do lớn nhất khiến các bạn trẻ ít theo đuổi con đường này là những định kiến về cơ hội việc làm, thu nhập. Hiện Gò Tháp là một di tích đan xen nhiều giá trị về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nhưng nguồn nhân lực của đơn vị còn mỏng”, ông Danh chia sẻ.

Cơ hội nghề nghiệp đa dạng

Ngoài làm việc chuyên sâu về lịch sử, ngành khảo cổ học có thể mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực khác như du lịch và ngành xây dựng.

GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, Chủ nhiệm bộ môn khảo cổ học của khoa lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết: “Không ít sinh viên tốt nghiệp ngành khảo cổ học ra làm du lịch. Đây là cách để các em khai thác kiến thức đã học, giới thiệu khách du lịch tham quan bảo tàng, di tích cổ".

Còn ông Cao Quang Tổng, Giám đốc một công ty xây dựng tại TP.HCM, tốt nghiệp chuyên ngành khảo cổ học khóa 2004 - 2008, cho biết những kiến thức về khảo cổ giúp ích rất nhiều cho ông trong ngành xây dựng.

Chọn ngành đi ngược số đông: Học khảo cổ vì trót mê 'tiếng vọng ngày xưa'

Giám định hiện vật ở Bảo tàng Phú Yên

NVCC

Ông Tổng chia sẻ thêm: “Nhu cầu xã hội khá cao nhưng vì ngành khảo cổ học đặc thù ít người biết, khó tuyển nhân sự chứ không phải thiếu việc làm”. Đồng quan điểm này, PGS-TS Đặng Văn Thắng, giảng viên cao cấp bộ môn khảo cổ học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định: “Sinh viên tốt nghiệp ngành khảo cổ học có thể làm việc ở các trường đại học, viện nghiên cứu, bảo tàng, di sản văn hóa và thậm chí là làm báo, học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ hoặc rẽ hướng chọn lựa làm ngành nghề có liên quan”.

Khảo cổ học Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt

Hiện có hai trường ĐH đào tạo khảo cổ học là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Hằng năm, mỗi trường chỉ đào tạo dưới 10 sinh viên. “Vào cuối năm 2, sinh viên khoa lịch sử sẽ được chọn một trong 4 chuyên ngành: khảo cổ học, lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới và lịch sử Đảng. Dù sinh viên ít nhưng trường vẫn mở lớp đào tạo khảo cổ học”, PGS-TS Đặng Văn Thắng cho biết.

GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung nhận định khảo cổ học Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt, các công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa góp phần xây dựng hệ thống các thời đại khảo cổ, văn hóa khảo cổ. “Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học tại Việt Nam cũng tạo được tiếng vang, đóng góp cho khảo cổ châu Á. Những thành tựu này có thể dễ dàng bắt gặp tại các bảo tàng, viện khảo cổ”, GS-TS Dung chia sẻ.

Theo ông Thắng, đặc thù của ngành là đi nhiều, đòi hỏi sức khỏe tốt và phải giỏi ngoại ngữ để tham khảo tài liệu nước ngoài. “Điều thú vị là người chuyên về khảo cổ học luôn có những khám phá mới, góp phần minh họa, bổ sung và thách đố nghiên cứu lịch sử. Từ các di tích khai quật được, ta ghi chép lại tài liệu làm căn cứ cho công trình nghiên cứu sau này", ông Thắng nói.

Bên cạnh đó, khảo cổ học đem lại lợi ích nhưng phải mất nhiều thời gian và có những lợi ích mà chúng ta không nhìn thấy bằng mắt được. “Ngành này đòi hỏi nhiều thứ từ con người đến các phương tiện máy móc hiện đại để tham gia vào các quá trình khảo sát, nghiên cứu và quá trình bảo tồn. Bản thân các nhà khảo cổ cũng như các nhà quản lý chưa nhìn thấy sự đóng góp của các ngành khoa học này nên chưa đầu tư tương xứng”, GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung chia sẻ.

Link nội dung: https://blog24hvn.com/nganh-khao-co-hoc-o-viet-nam-a68325.html