Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Sảy thai là gì?
Sảy thai là tình trạng thai nhi bị tống xuất ra khỏi tử cung trước 20 tuần.
Nguyên nhân chính dẫn đến sảy thai là do các bất thường nhiễm sắc thể. Bất cứ mẹ bầu nào cũng có thể sảy thai, tuy nhiên nguy cơ sảy thai lại tăng cao ở những đối tượng:
- Phụ nữ mang thai khi đã lớn tuổi. Phụ nữ mang thai khi 45 tuổi có tỉ lệ sảy thai lên tới 50%, trong đó tỉ lệ này ở phụ nữ từ 35 đến 45 tuổi là 20-30%;
- Phụ nữ có tiền sử sảy thai trước đó cũng đứng trước nguy cơ sảy thai cao;
- Sản phụ thừa cân hay nhẹ cân đều có nguy cơ sảy thai;
- Mẹ bầu mắc các bệnh mãn tính;
- Mẹ bầu xuất hiện các bất thường trong tử cung như mô sẹo;
- Hút thuốc, sử dụng thuốc và rượu tăng nguy cơ sảy thai.
Nhiều phụ nữ sau khi sảy thai lại nóng lòng muốn có thai trở lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, 3 tháng là thời gian vừa đủ để cơ thể người phụ nữ phục hồi về nội tiết, tử cung, cơ quan sinh sản và tâm lý. Vì vậy, 3 tháng sau khi sảy thai, phụ nữ mới nên mang thai trở lại.
Sảy thai nhiều lần cũng là nguyên nhân dẫn đến vô sinh. Do vậy, để tránh ảnh hưởng đến quá trình sinh sản về sau, sản phụ nên sớm nhận biết các dấu hiệu sảy thai và có phương pháp điều trị kịp thời để tránh được hiện tượng vô sinh.
Xem thêm: Sau sảy thai nên kiêng gì để sớm hồi phục?
2. Dấu hiệu của sảy thai
2.1. Chảy máu âm đạo
Nhiều khi chảy máu âm đạo không phải là dấu hiệu của tình trạng sảy thai. Tuy nhiên để chắc chắn nhất, bạn nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chảy máu âm đạo.
Trong trường hợp chảy máu âm đạo do sảy thai sẽ đi kèm với một số dấu hiệu khác như: hiện tượng co thắt mạnh tương tự như trong kỳ kinh nguyệt, máu thường có màu nâu hoặc đỏ tươi, xuất huyết nhiều đến mức thấm hết một miếng gạc trong một giờ hoặc ít hơn và vón cục.
2.2. Chất nhầy âm đạo
Trong những tuần đầu mang thai, sản phụ có thể bị những mảng huyết dày kèm theo đó là xuất hiện chất nhầy hồng hoặc xám, chuột rút... đó có thể là dấu hiệu của dọa sảy thai đang hoặc đã xảy ra.
2.3. Đau bụng dưới kèm đau lưng
Khi cảm thấy đau bụng dưới kèm đau lưng, bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra chi tiết. Các cơn đau thường xuất hiện ở vùng thắt lưng gây đau dai dẳng hoặc đau từng cơn có thể là dấu hiệu bạn đã sảy thai, đặc biệt nếu bạn không bị xuất huyết. Các cơn co thắt xảy ra cách nhau 15-20 phút và thường rất đau đớn.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp, những cơn đau này xuất hiện khi đang điều chỉnh để thích nghi với sự phát triển của bào thai.
2.4. Mất triệu chứng thai nghén
Khi mất các triệu chứng thai nghén, sản phụ có nguy cơ thai ngưng phát triển. Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy, mẹ bầu đã mất các triệu chứng thai nghén:
- Mức hormone trong cơ thể trở lại bình thường;
- Ít xuất hiện cảm giác buồn nôn;
- Không còn cảm giác mang thai khi bầu vú bớt sưng và đau.
2.5. Khám thai
Khi mẹ bầu xuất hiện tất cả các dấu hiệu trên thì cũng không thể khẳng định đã sảy thai hay chưa. Do vậy, bạn nên đến gặp các bác sĩ để được thăm khám chính xác.
Tại đây, sản phụ sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như: xét nghiệm máu, kiểm tra vùng chậu hoặc siêu âm để chẩn đoán khả năng sống sót của bào thai.
Xem thêm: Các dấu hiệu dọa sảy thai có thể không báo trước
3. Điều trị
3.1. Hiểu rõ về các dạng sảy thai
Sảy thai có nhiều dạng, mỗi dạng sẽ tác dụng lên cơ thể thai phụ một cách khác nhau. Các dạng sảy thai thường gặp là:
- Dọa sảy thai: Dọa sảy thai có thể dẫn đến sảy thai, chảy máu âm đạo có thể xảy ra;
- Sảy thai không tránh được: Nếu như dọa sảy thai, sản phụ vẫn có cơ hội tiếp tục thai kỳ thì sảy thai không tránh được gây xuất huyết nặng và cổ tử cung bắt đầu mở, sản phụ sẽ không có cơ hội tiếp tục thai kỳ;
- Sảy thai không hoàn toàn: là tình trạng một số mô thai ra khỏi cơ thể, nhưng một số khác vẫn còn bên trong;
- Sảy thai hoàn toàn: Tất cả các mô thai đều bị đào thải khỏi cơ thể;
- Sảy thai chết lưu: khi mô thai vẫn còn trong cơ thể, mặc dù thai kỳ đã chấm dứt;
- Thai ngoài tử cung Thai ngoài tử cung là tình trạng thay vì làm tổ trong tử cung, trứng thụ tinh lại làm tổ trong ống dẫn trứng hoặc buồng trứng, những vị trí mà thai không thể phát triển.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, do vậy để ngăn ngừa tình trạng sảy thai, mẹ bầu nên duy trì lối sống lành mạnh như: uống vitamin trước khi sinh, tránh sử dụng thuốc, thuốc lá và rượu bia.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.