Tiêm vắc xin dại có ảnh hưởng đến trí nhớ không? Đây là nỗi lo của rất nhiều gia đình trước khi lựa chọn có nên tiêm vắc xin dại hay không khi phát hiện bị chó mắc bệnh dại cắn. Sau khi nghi ngờ bị động vật dại cắn nếu không tiêm vắc xin phòng dại ngay lập tức, một khi đã lên cơn dại thì không thể cứu được nữa. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị chó cắn gần như tử vong 100%. Chính vì vậy, cách tốt nhất là tiêm phòng vắc xin dại ngay khi bị động vật dại cắn để tránh những trường hợp xấu xảy ra.
Tìm hiểu bệnh dại
Dại được biết đến là bệnh nhiễm virus dại cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật bị dại sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là bệnh phổ biến toàn cầu. Mỗi năm có hơn 10 triệu người bị động vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, có khoảng 60.000 - 70.000 người bị chết do bệnh dại, phần lớn được báo cáo từ các nước thuộc vùng nhiệt đới, nơi có tới 3/4 dân số thế giới sinh sống.
Một người có nguy cơ cao mắc bệnh dại khi bị chó mèo mang virus dại liếm vào vết thương hở hay cào, cắn tạo vết trầy xước, chảy máu trên da, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương với tốc độ 12-24mm mỗi ngày. Những vết cắn càng sâu, càng nặng, càng gần hệ thống thần kinh trung ương thì virus dại di chuyển với tốc độ càng nhanh, thời gian ủ bệnh càng ngắn. Tại thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể, do đó nhìn bề ngoài con vật rất bình thường nhưng thực tế trong nước bọt đã có virus dại. Sau thời gian ủ bệnh, virus dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng rất điển hình của bệnh dại. Ở Việt Nam, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu chiếm 96-97% sau đó là mèo: 3- 4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc…) chưa phát hiện được.
Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như là 100% (kể cả động vật và con người). Do đó, để bảo vệ tính mạng, ngay sau khi nghi ngờ bị chó mèo mắc bệnh dại cắn, cần khẩn trương tiêm ngay vắc xin phòng dại và bám sát phác đồ tiêm phòng dại của Bộ Y tế để tránh được trường hợp xấu nhất xảy ra.
Bị chó mèo cắn có cần tiêm vắc xin phòng dại không?
Như đã đề cập ở phần trên, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho người mắc bệnh dại và những trường hợp bị động vật dại tấn công sẽ nắm chắc “án tử” nếu không được tiêm ngừa vắc xin dại ngay lập tức. Chủ động tiêm phòng vắc xin dại là rất cần thiết để bảo vệ bản thân tránh khỏi hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, tiêm vắc xin dại trước phơi nhiễm giúp cơ thể tránh được sự lây lan của virus dại và tiêm phòng vắc xin dại sau phơi nhiễm sẽ giúp ngăn ngừa sự tấn công của virus dại di chuyển theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương.
Tất cả các trường hợp bị động vật dại hoặc nghi dại cắn đều cần khẩn trương tiêm phòng vắc xin dại gồm:
- Cần tiêm vắc xin phòng dại ngay lập tức nếu người có vết cắn ở gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ,.. hoặc vết cắn nằm ngay vị trí có nhiều dây thần kinh như đầu các chi, cơ quan sinh dục,…
- Tiêm phòng vắc xin dại kể cả khi bị động vật cào gây ra vết xước hoặc liếm vào các vùng da có vết thương hở, liếm vào niêm mạc hay các vùng dịch tiết khác trên cơ thể.
- Bị động vật có triệu chứng dại/ nghi ngờ bị dại/ không theo dõi được cắn.
- Nhóm người làm các công việc như bác sĩ thú ý, công nhân trung tâm kiểm dịch động vật, người nuôi thú cưng hoặc ở gần hộ dân có nuôi thú cưng cần thiết tiêm vắc xin dại trước phơi nhiễm vì tính chất công việc phải tiếp xúc nhiều với động vật, có nguy cơ bị động vật tấn công bất cứ lúc nào.
- Những người thường xuyên tiếp xúc với virus dại trong phòng thí nghiệm như nghiên cứu xử lý các mẫu bệnh dại, nhân viên nghiên cứu vắc xin dại,…
- Khi đi du lịch tại các khu vực lưu hành đang có cảnh báo về bệnh dại cũng cần được tiêm phòng vắc xin dại để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.
Tiêm vắc xin dại có an toàn không?
CÓ! Vắc xin dại thế hệ mới hoàn toàn an toàn. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ khoa học, vắc xin dại được nghiên cứu và phát triển từ virus dại đã chết và không còn khả năng gây bệnh dại, chất lượng vắc xin rất tốt và hoàn toàn không có bất kỳ tác dụng nào có hại cho trí nhớ hay hệ thần kinh có người tiêm phòng như lời đồn. Tuy nhiên, tương tự như cơ chế hoạt động của các loại vắc xin phòng bệnh khác, khi tiêm vắc xin dại vào cơ thể vẫn có khả năng xảy ra các phản ứng phụ, đa số các tác dụng phụ này nhẹ và không đáng lo. Điều đó cho thấy rằng cơ thể đang phản ứng lại với vắc xin, sản xuất ra kháng thể chống lại hoạt động của virus dại gây bệnh.
Tiêm vắc xin dại có ảnh hưởng đến trí nhớ không?
Quay trở lại với câu hỏi tiêm vắc xin dại có ảnh hưởng đến trí nhớ không, tiêm phòng dại có ảnh hưởng đến thần kinh không các chuyên gia y tế đều khẳng định là KHÔNG! Việc tiêm vắc xin dại không ảnh hưởng tới trí nhớ và thần kinh như lời đồn. Tuy nhiên, có một số người còn cho rằng tiêm vắc xin dại không những làm ảnh hưởng đến trí nhớ mà còn làm giảm tuổi thọ. Thực tế, quan điểm đó không phải là không có cơ sở nhưng đây là điểm hạn chế của vắc xin phòng dại thế hệ cũ và loại vắc xin này đã ngừng sử dụng cách đây hàng chục năm.
Như đã trình bày ở trên, các vắc xin phòng dại hiện nay đều là vắc xin thế hệ mới mang nhiều ưu điểm vượt trội so với vắc xin thế hệ cũ. Dù được sản xuất từ nhiều hãng khác nhau nhưng các loại vắc xin ngừa dại thế hệ mới đều có chung những ưu điểm như:
- Tính an toàn và hiệu quả của vắc xin dại thế hệ mới vượt trội hơn hẳn so với vắc xin thế hệ cũ.
- Vắc xin dại thế hệ mới được sản xuất dưới dạng bột đông khô nên thời gian sử dụng lâu hơn các loại vắc xin thế hệ cũ mà vẫn đảm bảo chất lượng ổn định.
- Dung môi hòa tan đi kèm với vắc xin và chỉ dùng 1 lần.
- Vắc xin dại thế hệ mới dùng được cho cả 2 trường hợp trước - sau phơi nhiễm.
- Vắc xin dại thế hệ mới sử dụng an toàn cho phụ nữ mang thai và người đang cho con bú.
Như vậy, nhờ những ưu điểm vượt trội trên có thể thấy được chất lượng vắc xin dại là rất tốt và hoàn toàn không có bất kỳ ảnh hưởng nào có hại đến trí nhớ, hệ thần kinh hay làm giảm tuổi thọ. Không tiêm vắc xin dại vì sợ ảnh hưởng đến thể chất và tâm thần là quan niệm sai lầm dẫn đến nhiều ca tử vong rất thương tâm.
1. Vắc xin dại thế hệ cũ
Vắc xin dại thế hệ cũ Fuenzalida (Rabivax-II) được sản xuất dưới dạng đông khô do Công ty Vacxin & Sinh phẩm số II (Nha Trang-Khánh Hòa) đã chính thức ngưng sử dụng tại Việt Nam từ 24/9/2007 (1). Trong năm 2006, cả nước có 8 trong tổng số 400.000 ca tiêm vacxin phòng dại nội bị tai biến nặng như liệt, viêm não, viêm tủy dị ứng, mất khả năng lao động.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo ngừng sử dụng vắc xin này từ năm 1996 do có nhiều phản ứng phụ.
2. Vắc xin dại thế hệ mới
Trên thế giới hiện nay xuất hiện khá nhiều loại vắc xin dại thế hệ mới đa dạng mẫu mã, nguồn gốc và giá cả khác nhau. Dưới đây là 7 loại vắc xin dại thế hệ mới phòng bệnh dại cho trẻ em và người lớn tiêu biểu:
Vắc xin Verorab phòng bệnh dại
Vắc xin Verorab phòng bệnh dại là vắc xin dại thế hệ mới được nghiên cứu và sản xuất từ tập đoàn hàng đầu thế giới về dược phẩm và chế phẩm sinh học Sanofi Pasteur (Pháp). Loại vắc xin này được sản xuất trên tế bào vero tinh chế (2), tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh dại, được chỉ định tiêm ngừa cho cả người lớn và trẻ em trước khi phơi nhiễm với virus dại hoặc sau khi phơi nhiễm hoặc để tiêm phòng nhắc lại.
Vắc xin Verorab có dạng bột và dung môi (nước pha tiêm) hoàn nguyên thành hỗn dịch tiêm, được khuyến cáo tiêm chủng càng sớm càng tốt cho trẻ em và người lớn.
Vacxin Abhayrab ngừa bệnh dại
Vacxin Abhayrab ngừa bệnh dại do công ty Human Biological Institute (Ấn Độ) sản xuất. Vắc xin Abhayrab là vắc xin bất hoạt sản xuất trên tế bào vero, tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh dại cho cả trẻ em và người lớn, được chỉ định tiêm trước khi phơi nhiễm (tiêm dự phòng) và sau khi tiếp xúc hoặc bị động vật nghi bị dại tấn công.
Vắc xin tiêm phòng dại Indirab
Vắc xin tiêm phòng dại Indirab là vắc xin dại bất hoạt tinh chế trên tế bào Vero, được nghiên cứu và phát triển bởi Công ty Bharat Biotech International Limited, Ấn Độ. Vắc xin được chỉ định tiêm dự phòng và điều trị sau khi phơi nhiễm dại cho mọi lứa tuổi.
Vacxin bệnh dại Rabipur
Vacxin phòng bệnh dại Rabipur (còn có tên gọi khác là vắc xin dại PCEC) do Công ty Chiron Behring Vaccines Pvt. Ltd. (Ấn Độ) sản xuất. Đây là vắc xin dại tế bào tinh chế từ phôi gà được dùng cho người, là vắc xin đông khô vô khuẩn thu được bằng việc nuôi virus chủng Flury LEP đã bất hoạt trong môi trường nguyên bào sợi gà nguyên bản. Vắc xin đông khô đã đáp ứng được các yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về độ an toàn và có hiệu lực.
Vacxin Rabipur được chỉ định tiêm bắp, không chứa pyrogen cũng như tá dược và chất bảo quản.
Vắc xin dại Speeda
Vắc xin dại Speeda do hãng Liaoning Chengda Biotechnology, Trung Quốc sản xuất, hiện vẫn đang được tiếp tục được sản xuất và cung ứng ra thị trường các nước.
Vắc xin phòng bệnh dại HDCV (Imovax, Sanofi Pasteur)
Vắc xin bệnh dại HDCV do Imovax, Sanofi Pasteur sản xuất, là loại vắc xin tế bào lưỡng bội được chứng minh là an toàn và được khuyến cáo dự phòng trước khi tiếp xúc với virus dại cho những người có nguy cơ như bác sĩ thú ý, công nhân trung tâm kiểm dịch động vật hay người đi du lịch đến các vùng lưu hành dịch.
Vaccine ngừa dại PCECV (RabAvert, Novartis)
Vaccine ngừa dại PCECV là vắc xin tế bào phôi gà tinh khiết do RabAvert, Novartis sản xuất. Vắc xin PCECV phòng bệnh dại trên người thường phải trải qua một loạt các khâu kiểm định về chất lượng bao gồm độc tính, độ an toàn, hiệu lực và vô trùng. Hiện nay, loại vắc xin này chưa được lưu hành tại Việt Nam.
Hiện nay, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc đang lưu hành 2 loại vắc xin dại thế hệ mới là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ) chất lượng, an toàn, hiệu quả cao cùng mức giá hợp lý cho mọi đối tượng.
Các biện pháp chủ động phòng bệnh dại
Các biện pháp chủ động phòng bệnh dại bao gồm:
- Tiêm ngừa vắc xin đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo phác đồ của ngành thú y.
- Không thả rông chó, mèo; đặc biệt với chó dữ ra đường bắt buộc đeo rọ mõm.
- Không trêu chọc, nghịch phá chó, mèo.
- Khi bị động vật tấn công cắn, cào cần:
- Rửa kỹ vết cắn liên tục trong 15 phút bằng nước và xà phòng đặc, trường hợp nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị các động vật này tấn công.
- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
- Hạn chế tối đa làm vết thương bị dập và không nên băng kín hoàn toàn vết thương.
- Sau khi sơ cứu đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và khẩn trương tiêm phòng vắc xin dại.
- Tuyệt đối nói không với thuốc nam, không tự chữa, không nhờ lang băm chữa trị bệnh dại.
Nhu cầu tiêm vắc xin phòng dại hầu như quanh năm nhưng sẽ có cho kỳ tăng đột biến vào một vài thời điểm trong năm, nhất là thời điểm nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay. Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC nỗ lực cung ứng đầy đủ các vắc xin dại thế hệ mới, an toàn và hiệu quả cao là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ) cho cả trẻ em và người lớn. Người dân có thể chủ động tiêm dự phòng trước phơi nhiễm và tiêm ngay sau bị động vật mắc bệnh dại tấn công để kịp thời bảo vệ sức khoẻ và tính mạng.
Hiện VNVC cam kết bình ổn giá ngay cả khi trên thị trường nhiều loại vắc xin rơi vào tình trạng khan hiếm, có nhiều chương trình ưu đãi giá cho khách hàng, đầy đủ các vắc xin chất lượng cao được bảo quản với hệ thống dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP… VNVC luôn tự hào về đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế luôn làm việc với thái độ tận tâm, chuyên nghiệp, dịch vụ tiện ích chăm sóc Khách hàng cao cấp, cơ sở vật chất hiện đại khang trang… mang đến cho người dân dịch vụ tiêm chủng vắc xin chất lượng cao, giá thành hợp lý.
Từ những thông tin trên, vấn đề tiêm vắc xin dại có ảnh hưởng đến trí nhớ không đã có câu trả lời và không còn là nỗi băn khoăn, lo lắng của nhiều người. Tiêm phòng vắc xin dại trước và sau phơi nhiễm là phương pháp duy nhất, an toàn, đơn giản có thể bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ tử vong thương tâm không đáng có. Do đó, nên khẩn trương tiêm vắc xin dại càng sớm càng tốt để bảo vệ bản thân trước khi có nguy cơ phơi nhiễm.