Nấm linh chi là một loại dược liệu quý có hiệu quả trong điều trị nhiễm trùng, chống viêm, giúp bồi bổ sức khỏe và tăng cường tuổi thọ. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, nấm linh chi hay chiết xuất nấm linh chi được sử dụng như một loại thực phẩm bổ sung phổ biến, dễ tiếp cận hơn. Cùng tìm hiểu các lưu ý khi sử dụng nấm linh chi qua bài viết này nhé!
1Tác dụng phụ của nấm linh chi
Theo thông tin từ WebMD, chiết xuất nấm linh chi an toàn khi thời gian sử dụng lên đến một năm còn nấm linh chi nguyên chất dạng bột có thể an toàn khi được sử dụng trong tối đa 16 tuần.
Khi sử dụng trong thời gian dài hơn, bạn có thể sẽ gặp phải các tình trạng sau [2]:
- Buồn nôn: Một số người dùng cho biết rằng họ cảm thấy buồn nôn sau khi sử dụng nấm linh chi, đặc biệt là khi bụng đói.
- Đau dạ dày: Hàm lượng chất xơ cao có trong nấm linh chi có thể khiến người dùng bị kích ứng dạ dày gây đau dạ dày, đầy hơi hoặc tiêu chảy.
Mặc dù hiếm gặp hơn, tuy nhiên vẫn có trường hợp người dùng dị ứng với nấm linh chi và gặp phải các triệu chứng của phản ứng dị ứng như:
- Khô ở miệng, họng, mũi.
- Chóng mặt.
- Ngứa, phát ban.
- Nhức đầu.
- Chảy máu cam.
- Phân có máu.
2Đối tượng nên cân nhắc khi dùng nấm linh chi
Hầu hết mọi người đều có thể sử dụng nấm linh chi mà không gặp phải biến chứng nguy hại nào và các tác dụng phụ xảy ra đối với những người khỏe mạnh đều rất nhẹ.
Tuy nhiên, một số đối tượng cần phải cảnh giác vì có thể tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ khi sử dụng nấm linh chi bao gồm:
- Người bị rối loạn chảy máu.
- Người bị rối loạn hệ thống miễn dịch.
- Người chuẩn bị phẫu thuật.
- Người bị rối loạn chức năng tuyến giáp.
- Dùng nấm linh chi có thể xảy ra rủi ro cao hơn nếu bạn bị huyết áp thấp hoặc đang dùng liệu pháp tăng huyết áp, đang dùng thuốc trị tiểu đường.
Ngoài ra, tránh sử dụng nấm linh chi cho phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú, bởi vì chưa có đủ nghiên cứu về sự an toàn của chúng cho những đối tượng đặc biệt này.
3Nấm linh chi có thể tương tác với thuốc chống đông máu
Nấm linh chi có thể tăng cường tác dụng bất lợi của các tác nhân (thuốc hay thảo dược) có đặc tính kháng tiểu cầu, thuốc chống đông máu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, xuất huyết kéo dài, bầm tím.
Do đó, bạn hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng nấm linh chi hay chiết xuất nấm linh chi nếu bạn đang sử dụng thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống tiểu cầu như:
- Aspirin.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
- Warfarin.
- Heparin.
4Không dùng nấm linh chi trước khi phẫu thuật
Một số thành phần trong nấm linh chi có thể gây rối loạn đông máu, làm loãng máu. Ngoài ra, việc sử dụng nấm linh chi liều cao có thể gia tăng nguy cơ chảy máu.
Do đó, ở các bệnh nhân chuẩn bị hoặc vừa trải qua cuộc phẫu thuật, thực hiện thủ thuật y tế được khuyến cáo không nên sử dụng nấm linh chi (nên ngưng dùng 2 tuần trước khi thực hiện) để tránh tình trạng chảy máu mất kiểm soát, khó cầm máu.
5Nấm linh chi có thể tương tác với thuốc cao huyết áp
Thành phần axit ganoderic trong nấm linh chi có khả năng chống lại tình trạng cao huyết áp nhờ vào tác dụng làm giảm mức cholesterol LDL và chất béo trung tính.
Do đó, nấm linh chi có thể làm giảm huyết áp. Việc sử dụng nấm linh chi cùng với các loại thuốc làm giảm huyết áp có thể vô tình khiến huyết áp xuống quá thấp.
Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng nấm linh chi nếu bạn đang sử dụng thuốc cao huyết áp, đồng thời bạn cũng cần theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên.
6Liều lượng dùng nấm linh chi
Nấm linh chi thường được sử dụng với liều 1400-5400mg ở người lớn, bằng đường uống hàng ngày, thường được chia thành liều. Chiết xuất từ nấm linh chi được sử dụng với liều lượng thấp hơn.
Để có thể đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng và hạn chế thấp nhất tác dụng phụ, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng bời vì liều lượng còn có thể phụ thuộc vào các yếu tố bao gồm:
- Tuổi.
- Nấm linh chi tươi hoặc chiết xuất nấm linh chi dưới dạng viên uống.
- Sức khỏe tổng thể của bạn.
Liều dùng nấm linh chi hàng ngày điển hình:
- 1,5 đến 9 gram nấm khô thô.
- 1 đến 1,5 gram bột linh chi.
- 1ml dung dịch linh chi (ngâm rượu).
Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm cho bạn những thông tin về các lưu ý khi sử dụng nấm linh chi. Nếu thấy bài viết hay và hữu ích hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè của mình nhé!
Nguồn: WebMD, NIH