Nấm linh chi nói riêng và các loại nấm, thực vật khác nói chung được sử dụng nhiều trong Đông y. Vậy nấm linh chi có tác dụng gì, ăn nấm linh chi có an toàn không?
Nấm linh chi có tên khoa học là Ganoderma lucidum, một loại nấm thường mọc ở vùng nhiệt đới, đặc biệt là khu vực châu Á. Ngày nay, nấm linh chi trở nên phổ biến và sử dụng rộng rãi trong Đông y bởi một số phân tử của nấm có thể tác động đến sức khỏe của con người.
Nấm linh chi có thể ăn sống nhưng chúng thường được chế biến dưới dạng bột hoặc chiết xuất các phân tử của nấm. Vậy nấm linh chi có tác dụng gì, lợi ích đối với sức khỏe như thế nào?
1. 6 lợi ích của nấm linh chi
1.1 Nấm linh chi giúp cải thiện hệ miễn dịch
Tác dụng đầu tiên và quan trọng nhất của nấm linh chi đó là giúp tăng cường hệ miễn dịch, bởi chúng có thể ảnh hưởng đến các gen trong tế bào bạch cầu, thậm chí, một số loại nấm linh chi còn có thể thay đổi quá trình viêm nhiễm trong các tế bào bạch cầu.
Đối với những bệnh nhân ung thư, phân tử trong nấm linh chi có tác dụng làm tăng khả năng hoạt động của tế bào bạch cầu, bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng và chống lại một số loại ung thư. Ngoài ra, sử dụng nấm linh chi có thể làm tăng số lượng các tế bào bạch cầu bạch huyết ở những bệnh nhân ung thư đại trực tràng.
Nấm linh chi không chỉ giúp tăng cường, cải thiện hệ miễn dịch trên bệnh nhân mà còn trên người bình thường, giúp họ có một hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn. Nhìn chung, tác dụng của nấm linh chi đối với bệnh nhân ung thư là cải thiện chức năng của tế bào lympho, chống lại nhiễm trùng và ung thư. Tuy nhiên, lợi ích này trên người trưởng thành khỏe mạnh cần được nghiên cứu thêm.
1.2 Nấm linh chi có đặc tính chống ung thư
Hiện nay, nhiều bệnh nhân sử dụng nấm linh chi vì trong nấm có đặc tính chống ung thư, tiêu diệt các tế bào ung thư như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng, ung thư ruột già. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để khẳng định ảnh hưởng có lợi của nấm linh chi trên bệnh nhân ung thư.
Ngoài đặc tính chống ung thư, nấm linh chi giúp tăng hoạt động của các tế bào bạch cầu, giúp cơ thể chống lại bệnh ung thư và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tuy nhiên, nấm linh chi chỉ nên được sử dụng như một liệu pháp kết hợp với phương pháp điều trị truyền thống chứ không nên dùng để thay thế và cần có thêm nhiều nghiên cứu chất lượng về ảnh hưởng của nấm linh chi đối với bệnh nhân ung thư.
1.3 Nấm linh chi có thể chống lại mệt mỏi và trầm cảm
Một lợi ích phổ biến khác của nấm linh chi là giúp làm giảm mệt mỏi và trầm cảm, tình trạng suy nhược thần kinh (đau đầu, chóng mặt), và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
Mặc dù nấm linh chi có thể mang lại nhiều lợi ích đối với người bị bệnh, nhưng đối với người trưởng thành khỏe mạnh cần được nghiên cứu, làm rõ thêm.
1.4 Những lợi ích khác của nấm linh chi
Bên cạnh đó, một vài tác dụng nổi bật của nấm linh có thể kể đến như:
- Tăng cường sức khỏe tim mạch: Sử dụng nấm linh chi có thể làm tăng cholesterol HDL “tốt” và giảm chất béo trung tính trong máu, những yếu tố được cho là liên quan đến nguy cơ gây ra bệnh tim. Tuy nhiên, để khẳng định lợi ích này của nấm linh chi đối với sức khỏe tim cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa.
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Các phân tử trong nấm linh chi được phát hiện là có thể làm giảm lượng đường trong máu, tuy nhiên chữa rõ là đường máu lúc đói hay sau khi ăn no. Trong một số trường hợp, tác dụng của nấm linh chi đối với kiểm soát lượng đường trong máu cho thấy là tệ hơn so với dùng giả dược. Vì vậy, cần thêm nhiều nghiên cứu về lợi ích của nấm linh chi.
- Tăng cường chống oxy hóa: Nhiều người cho rằng, sử dụng nấm linh chi giúp tăng cường tình trạng chống oxy hóa trong cơ thể nhờ việc bổ sung các chất chống oxy hóa, là những phân tử có thể giúp ngăn ngừa tế bào bị tổn thương. Tuy nhiên, để khẳng định lợi ích này cần nhiều nghiên cứu làm rõ hơn.
2. Liều lượng dùng nấm linh chi khuyến nghị
Không giống như một số loại thực phẩm bổ sung, liều lượng của nấm linh chi có thể thay đổi tùy vào dạng sử dụng là nấm hay chiết xuất của nấm. Tùy thuộc vào kích thước của nấm, liều dùng có thể dao động trong khoảng 25 - 100 gam.
Tuy nhiên, nấm linh chi thường được dùng dưới dạng chiết xuất khô. Khi đó, liều lượng có thể ít hơn khoảng 10 lần so với khi dùng dạng nấm. Ví dụ, 5 gam chiết xuất từ nấm tương đương với 50 gam nấm linh chi. Liều lượng chiết xuất nấm sẽ khác nhau nhưng thường dao động từ 1,5 - 9 gam mỗi ngày.
Ngoài ra, liều dùng của nấm linh chi có thể thấp hơn khi dùng một số sản phẩm có bổ sung nấm vào thành phần, do chúng chỉ sử dụng một số phần nhất định của chiết xuất từ nấm. Do đó, để biết liều dùng khuyến nghị, trước tiên cần xác định dạng nấm được sử dụng là nấm gì, chiết xuất từ nấm hay thực phẩm có bổ sung nấm.
3. Tác dụng phụ và nguy hiểm có thể xảy ra khi dùng nấm linh chi
Mặc dù nấm linh chi được biết đến với nhiều lợi ích nêu trên, nhưng cũng không tránh khỏi những thắc mắc về tính an toàn khi sử dụng. Vì vậy, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm tìm kiếm rủi ro nào có thể xảy ra khi sử dụng nấm linh chi.
Trong đó, đã phát hiện dùng nấm linh chi có thể làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ cao gấp 2 lần so với dùng giả dược. Tuy nhiên, những tác động này là rất ít và với mức độ nhẹ như rối loạn tiêu hóa, tăng nhẹ nguy cơ đau dạ dày.
Ngoài ra, sử dụng nấm linh chi dạng bột cũng có thể gây tổn thương nhất định với gan. Tuy nhiên, những nghiên cứu hay dữ liệu về nguy cơ này vẫn còn rất hạn chế, chưa khẳng định chắc chắn.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhóm đối tượng sau đây được khuyên là tránh sử dụng nấm linh chi, bao gồm phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, bị rối loạn máu, sắp phẫu thuật hoặc mắc bệnh huyết áp thấp.
Nấm linh chi được biết đến với 6 lợi ích phổ biến, đó là tăng cường miễn dịch, chống ung thư, mệt mỏi và trầm cảm, tăng cường sức khỏe tim mạch, kiểm soát lượng đường trong máu và tăng cường chống oxy hóa.
Khi đã nắm rõ được lợi ích của nấm linh chi bạn có thể cân nhắc để sử dụng sao cho hợp lý và đạt được hiệu quả cao nhất trong việc bảo vệ sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com