Các bệnh tai mũi họng rất phổ biến ở cả trẻ em, người lớn và thường là lành tính. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra nhiều biến chứng từ mức độ ảnh hưởng đến đe dọa sức khỏe nếu không được kiểm soát tốt.
Viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm họng, viêm amidan, VA, suy giảm thính lực hoặc điếc… là các bệnh về tai mũi họng thường gặp nhất. Hầu hết ai cũng phải trải qua một trong số các bệnh về tai mũi họng ít nhất một lần trong đời. Nếu không tiến triển gây biến chứng, phần lớn các bệnh lý này dễ điều trị.
Bệnh tai mũi họng là gì?
Tai, mũi và họng là những cơ quan có cấu trúc và cơ chế hoạt động phức tạp và có liên quan với nhau cho phép một người tạo ra âm thanh, nghe, giữ thăng bằng, ngửi, thở và nuốt. Theo ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh TP.HCM, các bệnh tai mũi họng là tất cả các bất thường trong cấu trúc, chức năng, hoạt động của các bộ phận thuộc vùng tai mũi họng.
Tai, mũi, họng có mối liên quan với các giác quan mà con người sử dụng hàng ngày. Tai cho phép một người nghe và tai trong giúp ổn định cơ thể và giữ thăng bằng. Mũi cho phép ngửi và cũng hỗ trợ vị giác. Thở bằng mũi làm ẩm không khí và giúp lọc không khí trước khi vào phổi. Cổ họng là đường dẫn không khí đến phổi và thanh quản. Nó cũng nối miệng với thực quản, nơi thức ăn đi xuống để đến hệ thống tiêu hóa.
Các cơ quan này và các mô của chúng tạo thành một phần cấu trúc phức tạp của vùng mặt và cổ, đồng thời chúng có chung một vài cấu trúc quan trọng trong đầu. Các ví dụ bao gồm các xoang, có thể đi qua bên dưới mắt và mũi, và vòi Eustache, nối tai giữa với họng mũi.
Bởi vì hệ thống tai mũi họng có liên quan với nhau, các vấn đề liên quan đến một phần của hệ thống tai mũi họng cũng có thể ảnh hưởng đến một cơ quan hoặc cấu trúc ở một nơi khác trong hệ thống tai mũi họng.
Các bệnh tai mũi họng thường gặp
Có rất nhiều bệnh lý về tai mũi họng khác nhau, nhưng thường gặp nhất bao gồm:
1. Viêm họng
Họng là một cấu trúc hình ống nằm giữa amidan và thanh quản. Khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào họng, chúng có thể gây nhiễm trùng khiến họng sưng nề và đỏ. Bệnh lý này được gọi là viêm họng. Triệu chứng chính của viêm họng là đau họng, nhưng cũng có thể có các dấu hiệu nhiễm trùng khác, chẳng hạn như sốt, nhức đầu, đau khớp và cơ, và sưng đau hạch cổ.
2. Viêm mũi xoang
Viêm mũi xoang là tình trạng viêm phù nề niêm mạc mũi và các xoang cạnh mũi. Nguyên nhân thường do nhiễm virus gây ra. Các triệu chứng của viêm mũi xoang thường cải thiện trong vòng hai đến ba tuần. Các xoang là những hốc nhỏ chứa đầy không khí và thông với nhau. Chúng nằm phía sau gò má và trán.
3. Viêm tai giữa
Viêm tai giữa là bệnh lý nhiễm trùng tai giữa, gây viêm (đỏ và sưng) cũng như tích tụ dịch phía sau màng nhĩ. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm trùng tai giữa nhưng trẻ sơ sinh từ 6 đến 15 tháng tuổi thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.
4. Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là một bệnh dị ứng đặc trưng bởi các triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, hắt hơi, chảy dịch mũi sau và ngứa mũi. Bệnh này rất phổ biến, với mức độ trung bình cứ khoảng 6 người thì sẽ có một người mắc phải. Viêm mũi dị ứng có gánh nặng bệnh tật đáng kể, gây suy giảm năng suất lao động và chi phí chăm sóc sức khỏe.
5. Viêm VA
Viêm VA xảy ra khi có tình trạng viêm mô VA, nguyên nhân thường do nhiễm trùng, dị ứng hoặc kích ứng từ axit dạ dày. Viêm VA hiếm khi tự xảy ra và thường liên quan đến các bệnh lý như viêm amidan, viêm họng, viêm mũi xoang hoặc trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng kích ứng liên tục có thể dẫn đến phì đại VA. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng của bệnh viêm VA. Viêm VA có thể được phân loại là cấp tính hoặc mạn tính.
6. Viêm amidan
Viêm amidan là tình trạng amidan bị nhiễm trùng, viêm và sưng. Đặc biệt là nhiễm trùng nhu mô amidan khẩu cái. Định nghĩa này không bao gồm viêm amidan như là một phần của bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.
Viêm amidan có thể xảy ra đơn lẻ hoặc là một phần của viêm họng lan tỏa. Sự khác biệt lâm sàng giữa viêm amidan và viêm họng không rõ ràng trong tài liệu và tình trạng này thường được gọi đơn giản là “viêm họng cấp tính”.
7. Rối loạn giọng nói
Rối loạn giọng nói là khi chất lượng giọng nói, cao độ và độ to khác nhau hoặc không phù hợp với độ tuổi, giới tính, nền tảng văn hóa hoặc vị trí địa lý của một cá nhân. Rối loạn giọng nói được định nghĩa là khi một cá nhân bày tỏ lo lắng về việc có giọng nói bất thường không đáp ứng nhu cầu hàng ngày của họ, ngay cả khi những người khác không coi đó là bất thường.
8. Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ được xác định bởi các đợt ngưng thở và giảm thở thường xuyên. Đây cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa hay ung thư.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra khi đường hô hấp trên bị tắc nghẽn nhiều lần trong khi ngủ, khiến luồng không khí giảm hoặc ngừng hoàn toàn. Đây là hội chứng ngưng thở khi ngủ phổ biến nhất. Tình trạng thừa cân - béo phì, viêm amidan quá phát… có thể làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Nguyên nhân gây bệnh tai mũi họng
Mỗi loại bệnh về tai mũi họng có thể sẽ do các nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó, các nguyên nhân thường được biết đến nhất bao gồm:
1. Nhiễm vi khuẩn hoặc virus
Các loại vi khuẩn, virus thường gây ra các tình trạng liên quan đến viêm và nhiễm trùng. Phổ biến nhất là viêm mũi xoang, viêm họng (bao gồm cả viêm amidan, viêm VA, viêm thanh quản), viêm tai (bao gồm viêm tai ngoài, viêm tai giữa, viêm tai trong).
2. Nhiễm nấm
Nhiễm nấm thường gặp ở các bệnh về tai và mũi xoang như nhiễm nấm ống tai, viêm xoang do nấm. Nhiễm nấm chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như mắc ung thư, đái tháo đường và HIV.
3. Các tác nhân từ môi trường sống khác
Các loại hóa chất độc hại trong môi trường sống như thuốc trừ sâu, chất bảo quản, chất tạo màu, mùi, vị trong thực phẩm; khói xăng xe, khí thải, nước thải, rác thải từ các nhà máy; khói thuốc lá; rượu bia… cũng là các tác nhân gây ra các bệnh về tai mũi họng.
Đặc biệt, phấn hoa và lông động vật được biết đến là tác nhân phổ biến trong viêm mũi xoang dị ứng.
4. Do cấu trúc bất thường
Những cấu trúc tai, mũi, họng bất thường có thể dẫn đến nhiều loại bệnh lý về tai mũi họng. Ví dụ vẹo vách ngăn mũi dẫn đến viêm xoang mạn tính, rối loạn chức năng vòi nhĩ dẫn đến nghe kém dẫn truyền, hàm dưới ngắn hoặc tụt gây ra chứng ngưng thở khi ngủ.
5. Do yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền cũng có thể là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh lý về tai mũi họng. Chẳng hạn như bệnh rò luân nhĩ là một dị tật bẩm sinh phát triển trong tuần thứ 6 của thai kỳ. Viêm mũi dị ứng có tỷ lệ di truyền từ 60-70%. Hoặc điếc bẩm sinh có nguyên nhân từ khiếm khuyết một gen.
6. Do chấn thương, phẫu thuật
Một số loại bệnh lý mũi xoang cũng có thể phát triển từ một chấn thương hoặc phẫu thuật vùng tai mũi họng. Chẳng hạn như u nhầy xoang có thể phát triển sau phẫu thuật điều trị viêm mũi xoang hoặc phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt.
Triệu chứng bệnh tai mũi họng
Tuỳ vào từng loại bệnh lý tai mũi họng, các triệu chứng có thể biểu hiện khác nhau.
1. Triệu chứng các bệnh lý mũi xoang
Viêm mũi xoang thường biểu hiện bằng các triệu chứng đặc trưng như:
- Sổ mũi, nghẹt mũi, chảy dịch mũi;
- Hắt hơi, chảy nước mắt;
- Có thể sốt;
- Đau nhức mũi xoang;
- Đau đầu;
- Mệt mỏi;
- Giấc ngủ kém.
2. Triệu chứng các bệnh lý về tai
Các bệnh lý về tai thường có các triệu chứng thường gặp nhất như:
- Suy giảm thính lực (nghe kém hoặc điếc);
- Ù tai;
- Đau tai;
- Ngứa tai;
- Chảy dịch tai;
- Chóng mặt, mất thăng bằng;
- Có thể sốt.
3. Triệu chứng các bệnh lý vùng họng
Các bệnh lý vùng hầu họng thường có biểu hiện như:
- Đau rát cổ họng;
- Ngứa họng;
- Ho có thể kèm sốt và sổ mũi hoặc nghẹt mũi;
- Khàn tiếng, mất giọng;
- Vướng đàm ở họng;
- Nổi hạch cổ;
- Cổ sưng to bất thường (thường gặp ở bệnh tuyến giáp, bướu cổ hoặc ung thư vòm họng;
- Hơi thở có mùi hôi.
Phương pháp điều trị bệnh tai mũi họng
Các bệnh lý về tai mũi họng ban đầu thường được điều trị bằng các loại thuốc, kết hợp với các biện pháp giảm nhẹ tại chỗ. Nếu điều trị ban đầu không đạt hiệu quả, phẫu thuật sẽ được cân nhắc ở bước tiếp theo.
1. Điều trị bằng thuốc
Điều trị bằng kháng sinh nếu bệnh có nguồn gốc từ nhiễm trùng, tuy nhiên ngyowif bệnh luôn phải tuân thủ theo kê đơn của bác sĩ chuyên khoa.
Trong bệnh lý viêm mũi xoang, các loại thuốc nhỏ mũi, xịt mũi thường được sử dụng, ví dụ như Steroid xịt mũi. Thuốc kháng histamin thường dùng để điều trị viêm mũi dị ứng. Ngoài ra có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi xoang hàng ngày.
Viêm họng, viêm VA, viêm amidan có thể điều trị bằng các loại thuốc không kê đơn như siro ho, viêm ngậm. Điều trị bằng thuốc paracetamol hay ibuprofen để giảm sốt và tình trạng sưng đau.
Viêm tai có thể điều trị bằng thuốc nhỏ tai, thuốc kháng histamin, thuốc chống viêm phù nề hoặc bơm hơi vòi nhĩ.(1)
2. Các biện pháp cải thiện bệnh tai mũi họng tại nhà
Để giúp cải thiện triệu chứng của các bệnh lý tai mũi họng tại nhà, chúng ta có thể áp dụng một số cách sau:
- Chườm ấm hoặc chườm lạnh;
- Ăn và uống đồ ấm nóng, mềm như cháo, súp; uống các loại trà thảo mộc ấm;
- Súc miệng họng hoặc rửa mũi xoang bằng nước muối sinh lý;
- Xông hơi;
- Sử dụng máy xông tinh dầu;
- Liệu pháp massage;
- Thực hành các bài tập thở;
- Tập yoga;
- Giữ ấm cơ thể;
- Uống nhiều nước.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả. Hiện nay, phẫu thuật nội soi là kỹ thuật phổ biến trong điều trị các bệnh tai mũi họng. Đây là phương pháp ít xâm lấn, ít chảy máu, giảm đau, giúp bệnh nhân mau hồi phục, hiệu quả điều trị cao.
Phẫu thuật mổ mở cổ điển vẫn được sử dụng nhưng ngày nay nó thường được áp dụng cho các loại giải phẫu đòi hỏi độ tiếp cận rộng, và phẫu thuật nội soi không thể đáp ứng.
Cách phòng bệnh tai mũi họng
Để phòng ngừa các bệnh về tai mũi họng, mỗi người cần lưu ý những vấn đề sau:
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tai mũi họng trong thời tiết lạnh;
- Tiêm phòng các loại vắc xin cúm, HPV;
- Ăn chín, uống sôi;
- Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến nơi đông người;
- Không dùng chung dụng cụ lấy ráy tai không đảm bảo vệ sinh;
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia;
- Hạn chế uống nước đá lạnh;
- Ăn uống đủ chất, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể;
- Thăm khám sức khỏe định kỳ;
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như lông động vật, phấn hoa, hóa chất, bụi mịn;
- Rửa tay thường xuyên bằng xà bông sát khuẩn;
- Thực hành vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày.
Bệnh tai mũi họng có nguy hiểm không?
Theo bác sĩ Hằng, các bệnh tai mũi họng thường là các bệnh lý lành tính. Tuy nhiên, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, ung thư lưỡi… cũng có thể xảy ra. Một số bệnh lý tai mũi họng lành tính, nếu không được điều trị cũng có thể trở thành yếu tố nguy cơ gây ung thư theo thời gian như u tuyến nước bọt, polyp mũi. Hoặc những biến chứng của các bệnh lý tai mũi họng như viêm cầu thận, viêm màng não, viêm xương chũm… cũng rất nguy hiểm.
Như vậy, cho dù xuất phát là bệnh lành tính, nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan để bệnh kéo dài mà không điều trị triệt để. Việc điều trị cần khoa học, không nên áp dụng các biện pháp dân gian chưa được kiểm chứng nhằm tránh các hệ lụy đáng tiếc.
Để đặt lịch khám, tư vấn, điều trị các bệnh tai mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ:
Trong các bệnh tai mũi họng, viêm mũi xoang, viêm VA, amidan, viêm họng, viêm tai là phổ biến nhất. Thăm khám sức khỏe định kỳ hằng năm và thực hành vệ sinh tai mũi họng tốt, tránh xa các tác nhân gây hại và tiêm vắc xin phòng cúm, có thể giúp phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh tai mũi họng thường gặp.