Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất ở người. Hiểu biết và kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng do các bệnh lý huyết áp gây ra. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về huyết áp tâm trương.
1. Huyết áp là gì?
Máu từ tim chảy đến tất cả các bộ phận của cơ thể qua các động mạch và tĩnh mạch. Mỗi lần tim đập, tim sẽ bơm máu đi khắp cơ thể. Huyết áp được tạo ra bằng áp lực của máu tác động lên thành trong của mạch máu khi máu được tim bơm đi khắp cơ thể.
Đơn vị đo huyết áp là mi-li-mét thủy ngân (mmHg). Huyết áp được xác định bằng hai chỉ số, thường được viết dưới dạng một tỷ số. Chỉ số thứ nhất (hay chỉ số trên) là huyết áp tâm thu, chỉ số thứ hai (hay chỉ số dưới) là huyết áp tâm trương.
2. Huyết áp tâm trương là gì?
Huyết áp tâm trương là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu và xảy ra giữa các lần tim co bóp, khi cơ tim giãn ra.
3. Huyết áp tâm trương bao nhiêu là tốt?
Để chẩn đoán huyết áp của một người là bình thường hay không, người ta căn cứ vào cả 2 trị số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương:
- Huyết áp ở người trưởng thành bình thường được xác định có huyết áp tâm thu là 120 mmHg và huyết áp tâm trương là 80 mmHg;
- Tăng huyết áp được xác định là khi có huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
- Sự chênh lệch huyết áp tâm thu và tâm trương giữ một hiệu số nhất định để tạo nên áp lực tưới máu cho các cơ quan. Tuy nhiên, sự chênh lệch này không bao giờ được bằng hay dưới 20 mmHg. Nếu dưới con số này, bác sĩ sẽ nhận định đây là trường hợp huyết áp kẹp và sẽ tiến hành xử lý cấp cứu.
Các mức huyết áp tâm thu và tâm trương bình thường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chức năng hiệu quả của các cơ quan sinh tồn như tim, não và thận, và đối với sức khỏe nói chung.
4. Thế nào là huyết áp tâm trương cao?
Tăng huyết áp tâm trương được định nghĩa là áp suất tâm trương từ 90mmHg trở lên. Tăng huyết áp tâm trương đơn độc chủ yếu được thấy ở những người trẻ tuổi. Ở hầu hết những người có tăng huyết áp tâm trương đơn độc không có nguyên nhân cụ thể nào được xác định, còn được gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Trong một số ít trường hợp, tăng huyết áp tâm trương đơn độc là thứ phát của một rối loạn khác như bệnh lý tuyến giáp, bệnh thận hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Khi huyết áp tâm trương cao, mạch máu sẽ trở nên ít đàn hồi, cứng lại và xơ vữa. Huyết áp tâm trương bình thường thường dao động từ 60 - 80mmHg. Nếu huyết áp tâm trương của bạn là 80 - 89 mmHg, cần chú ý đặc biệt vì bạn đang ở giai đoạn tiền tăng huyết áp.
Áp suất tâm trương thường thay đổi trong suốt cả ngày. Bạn nên kiểm tra huyết áp vài lần một ngày để có được con số trung bình. Ngay cả khi không có tiến triển nào khác, tăng huyết áp tâm trương đơn độc tự nó làm tăng khả năng biến chứng tim mạch nghiêm trọng.
Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng đã có 30 năm kinh nghiệm về khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, đặc biệt về chuyên khoa Nội tim mạch: động mạch vành, suy tim, van tim, rối loạn nhịp tim...Thạc sĩ, Bác sĩ Hùng từng giữ chức Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch và Trưởng Đơn vị Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và hiện đang làm việc tại Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Nội Tim mạch, Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.