Thóp trẻ sơ sinh là các khoảng trống giữa xương sọ của trẻ. Khoảng trống này giúp trẻ có thể di chuyển dễ dàng hơn trong quá trình mẹ chuyển dạ. Tuy thóp chỉ chiếm một diện tích khá nhỏ nhưng lại góp phần quyết định sự phát triển bình thường của bé. Vậy các dấu hiệu bất thường khi khám thóp trẻ sơ sinh là gì?
Thóp của trẻ sơ sinh là gì?
Khe hở ở thành hộp sọ của trẻ sơ sinh được gọi là thóp. Thóp góp phần quan trọng trong sự phát triển bình thường của bé với hai vai trò sau:
- Dễ dàng hơn khi sinh nở: Thóp sơ sinh sẽ tạo không gian cho xương của hộp sọ di chuyển một cách dễ dàng hơn trong quá trình mẹ chuyển dạ và sinh nở. Nhờ thóp mà trẻ sinh ra không chịu những tổn thương hay biến dạng nào ở não.
- Tạo điều kiện cho bé phát triển: So với bất cứ thời điểm nào trong đời, phần đầu của trẻ sơ sinh sẽ phát triển nhanh hơn trong vòng hai năm đầu tiên. Khe trống giữa các xương sọ sẽ tạo ra không gian cần cho sự mở rộng não của trẻ trong giai đoạn này.
Thông thường, trên thực tế, trẻ sơ sinh sẽ có hai thóp:
- Thóp trước: Hầu hết mọi người đều biết đến thóp trước. Đây là thóp có dạng hình thoi, nằm trên đỉnh đầu của trẻ. Thóp trước có kích thước từ 1 đến 3 cm khi bé vừa mới sinh nhưng sau đó kích thước có thể nhỏ hoặc lớn hơn.
- Thóp sau: Loại thóp này nằm phía sau hộp sọ, hình tam giác, có kích thước bé hơn thóp trước, thường bé hơn 0.5cm.
Khi nào thóp trẻ sơ sinh đóng lại?
Mới sinh ra, xương sọ của trẻ sơ sinh sẽ rời rạc. Chúng liên hệ với nhau thông qua các đường khớp lỏng lẻo. Vì thế, não của trẻ sơ sinh có thể phát triển nhanh trong những ngày đầu đời. Tuy nhiên, đến giai đoạn nhất định, khoảng trống này sẽ được lấp lại, đồng nghĩa với việc đóng thóp trẻ sơ sinh. Tùy theo vị trí của thóp mà thời gian đóng và thứ tự đóng sẽ khác nhau. Thóp sau sẽ đóng trong vòng 1 đến 2 tháng sau khi sinh, trong khi đó, thóp trước sẽ đóng lại từ 9 đến 18 tháng. Bên cạnh đó, một vài trường hợp, thóp trẻ sơ sinh sẽ đóng sớm hoặc muộn hơn so với các mốc thời gian kể trên.
Các dấu hiệu bất thường khi khám thóp trẻ sơ sinh
Thóp trẻ sơ sinh có thể thể hiện tình trạng sức khỏe của trẻ. khi khám thóp trẻ sơ sinh, ba mẹ cần quan tâm những điều sau:
Thóp có kích thước quá lớn
Phần thóp trước có kích thước lớn bất thường đồng thời không đóng lại trong khoảng thời gian đã được dự kiến. Đây có thể là lời cảnh báo một số bệnh như hội chứng Down, thiếu vitamin D gây còi xương ở trẻ sơ sinh, suy dinh dưỡng hoặc suy giáp.
Nếu các bậc phụ huynh lo lắng thóp của trẻ chưa được đóng lại hoặc đóng muộn, hãy trình bày vấn đề này với bác sĩ để được theo dõi quá trình đóng thóp của trẻ.
Thóp đóng quá sớm
Thóp đóng quá sớm là tình trạng hiếm gặp ở trẻ. Cha mẹ đôi khi không cảm nhận được những điểm mềm trên hộp sọ của trẻ. Khớp đóng quá sớm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và hình dáng phần đầu của bé.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do áp lực bị tích tụ bên trong hộp sọ của bé. Phần lớn những trường hợp này đều xảy ra ở mức độ nhẹ và không cần điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp nặng có thể được bác sĩ yêu cầu phẫu thuật nhằm giảm áp lực hộp sọ và giúp não của bé phát triển một cách bình thường.
Thóp bị lõm xuống
Tình trạng thóp hơi cong hay lõm xuống là biểu hiện bình thường. Tuy nhiên, nếu kéo dài có thể là tín hiệu của tình trạng mất nước ở trẻ. Nguyên nhân do trẻ không được cung cấp đủ nước, chất lỏng hoặc trẻ bị mất một lượng chất lỏng lớn hơn so với lượng cơ thể hấp thụ. Cụ thể, trẻ có thể bị mất nước trong các trường hợp sau:
- Trẻ bị nôn mửa, tiêu chảy, sốt;
- Trẻ ở trong môi trường có nhiệt độ tăng cao;
- Trẻ khó khăn khi bú sữa mẹ hoặc sữa công thức;
Bố mẹ cần lưu ý các biểu hiện mất nước ở trẻ như lừ đừ, khô miệng, cáu gắt, trẻ đi tiểu với lượng nước tiểu ít hơn bình thường, trẻ khóc nhưng không có nước mắt. Khi các triệu chứng trên xuất hiện ở con em mình, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến khả năng phát triển của bé.
Thóp bị phồng
Thóp bị phồng là một trong những trường hợp được phát hiện khi khám thóp trẻ sơ sinh. Các hành động thường ngày của trẻ có thể vô tình làm tăng áp suất trong hộp sọ và làm thóp bị phồng lên như khi trẻ quấy khóc, nôn trớ,... Đây là biểu hiện bình thường của sinh lý tự nhiên ở trẻ. Tuy nhiên, nếu thóp tiếp tục phồng mặc dù trẻ đã ngừng quấy khóc và nôn trớ hoặc thóp phồng khi bé đang nghỉ ngơi thì đây chính là dấu hiệu cảnh báo sự bất thường về sức khỏe của trẻ.
Các phản ứng viêm, phù nề hoặc chất lỏng tích tụ trong não của trẻ cũng có thể gây tăng áp lực nội sọ, từ đó làm thóp bị phồng. Những triệu chứng này là lời cảnh báo của các bệnh nguy hiểm có khả năng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và cần sự can thiệp điều trị ngay. Nếu bố mẹ nhận thấy thóp của trẻ cứng hay phồng lên, hãy liên hệ bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tổng kết lại, khám thóp trẻ sơ sinh là một trong các bước cần thiết để theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi chào đời. Hy vọng, thông qua những thông tin đã chia sẻ trong bài viết trên, các bậc phụ huynh đã nắm được các thông tin cơ bản về thóp sơ sinh. Nếu phát hiện thóp của trẻ có biểu hiện bất thường, hãy bình tĩnh đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn nhé!
Xem thêm:
Thóp trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường?
Thóp trẻ sơ sinh không phập phồng có sao không?