Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư đến nay vẫn chưa được giải đáp hoàn toàn. Tuy nhiên có nhiều bằng chứng tin cậy chứng minh chế độ ăn uống có thể là một phần trong cơ chế gây bệnh, làm tăng nguy cơ tái phát hoặc hỗ trợ điều trị ung thư. Vậy người bệnh cần ăn gì để trị ung thư và ăn gì để ngăn chặn tế bào ung thư di căn?
1. Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân dẫn đến ung thư
Y Học Hiện Đại đã chứng minh ung thư là bệnh lý xảy ra khi những gen chịu trách nhiệm phục hồi và phát triển tế bào bị biến đổi hay đột biến. Tuy nhiên, những yếu tố nguy cơ và nguyên nhân chính xác dẫn đến hiện tượng này vẫn chưa được giải đáp hoàn toàn. Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố nguy cơ của loại bệnh lý nguy hiểm này chính là chế độ ăn uống, về mặt tiêu cực nó góp phần gây bệnh hoặc tăng khả năng tái phát, về mặt tích cực nó lại hỗ trợ điều trị bệnh.
Một nghiên cứu thực hiện tại Đại học Y khoa Harvard, Boston bằng cách theo dõi 90.000 phụ nữ có độ tuổi từ 26 đến 49 diễn ra từ năm 1991 tới 2003. Cứ cách 4 năm, nhóm nghiên cứu sẽ khảo sát chế độ ăn uống và tất cả bệnh lý mắc phải của những người tham gia. Đến năm 2003, có đến hơn 1.000 người trong số này được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Qua điều tra, các chuyên gia cho biết những phụ nữ tiêu thụ thịt đỏ trung bình 150g/ngày có nguy cơ mắc ung thư vú cao gần 2 lần so với những trường hợp chỉ sử dụng tối đa 300g mỗi tuần. Theo nhóm nghiên cứu, hiện tượng này có thể do tác dụng của hormon hoặc những chất có tác dụng tương tự hormone đã kích thích sự phát triển các tế bào ung thư thông qua cơ chế gắn các thụ thể hormone vào khối u.
Một nghiên cứu khác về vấn đề này được thực hiện bởi những nhà khoa học người Pháp công bố nghiên cứu trên tạp chí Thực phẩm và Hóa chất độc hại. Nghiên cứu này kéo dài trong 2 năm và được thực hiện trên chuột nuôi bằng loại ngô biến đổi gen NK603. Kết quả có đến 50-80% số chuột nghiên cứu vị ung thư, bao gồm các tổn thương ở gan, thận hay hệ tiêu hóa. Các nhà nghiên cứu cho biết ngô biến đổi gen NK603 có thể tác động đến sức khỏe của chuột, bao gồm tăng nguy cơ chết sớm, đặc biệt là ở chuột cái.
Kết quả 2 nghiên cứu trên chứng minh rằng chế độ ăn uống có thể là một phần trong cơ chế gây bệnh ung thư.
2. Các phương pháp điều trị ung thư hiện nay
Ung thư là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Theo các chuyên gia, muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị, đồng thời vừa phòng ngừa tái phát và ngăn chặn quá trình di căn ung thư sẽ cần phải kết hợp giữa những phương pháp cổ điển (như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị) và các biện pháp nâng cao hệ thống miễn dịch cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tuy nhiên, sự kết hợp này còn tùy thuộc một số tế tố khác như loại ung thư cụ thể, giai đoạn bệnh, sức khỏe và khả năng đáp ứng của người bệnh.
Trong khoảng thời gian 20 năm trở lại đây, những biện pháp nâng cao hệ thống miễn dịch ngày càng phát triển, có nhiều sự tiến bộ. Nhiều bệnh nhân ung thư hoặc mắc các bệnh lý khác nhau đã được điều trị bằng các Cytokin và kháng thể đơn dòng có khả năng điều hòa hoạt động miễn dịch. Một số hoạt chất miễn dịch không đặc hiệu nguồn gốc sinh học (như BCG và Carynebacterium barvum) đã được thực nghiệm và ứng dụng trên người. Bên cạnh đó, một số chất có khả năng kích thích khả năng miễn dịch không đặc hiệu nguồn gốc hoá học (như LH) cũng đang trong quá trình nghiên cứu và mang lại nhiều hy vọng trong điều trị ung thư.
Một thành tố khác góp phần tăng hiệu quả điều trị là vitamin E cũng đã được sử dụng. Loại vitamin này có tác dụng gây sự chết theo lập trình của các tế bào (Apoptosis). Apoptosis đóng vai trò trong nhiều tiến trình sinh lý học tế bào khác nhau, bao gồm sự phát triển, khả năng duy trì trạng thái cân bằng nội mô và loại trừ các tế bào bất thường (hay tế bào ung thư). Đây được xem là phương pháp cơ bản của cơ thể trong việc loại bỏ các tế bào bị hư tổn, tế bào không mong đợi hoặc không cần thiết.
Bên cạnh đó, Apoptosis là cách cơ thể đáp ứng lại cho những tế bào chịu tổn thương hoặc đang ở trong một môi trường nguy hiểm (ví dụ tiếp xúc tia tử ngoại, các hóa chất nguy hiểm, bị virus tấn công, chịu các thương tổn vật lý hoặc đang tự huỷ vì nguyên nhân nào đó). Nếu tế bào không diễn ra tiến trình chết theo lập trình và tiếp tục ở trạng thái nguy hiểm sẽ tăng nguy cơ xảy ra biến đổi và dẫn đến ung thư.
3. Ảnh hưởng của dinh dưỡng đến ung thư
Bệnh nhân mắc các bệnh ung thư khác nhau đòi hỏi phải có chế độ dinh dưỡng đặc biệt vì họ cần nhu cầu dinh dưỡng rất cao nhưng khả năng ăn uống lại giảm sút do sức khỏe suy yếu.
Đa số người bệnh ung thư ở trong tình trạng chán ăn, ăn uống không ngon miệng. Nguyên nhân là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm những thay đổi tâm sinh lý, độc chất do khối u tiết ra, sự suy yếu hệ thống miễn dịch, các cơ quan khác bị tổn thương và những tác dụng không mong muốn của hóa hay xạ trị. Mặt khác, nhiều khối u còn gây tác động vật lý đến đường tiêu hóa như chèn ép gây tắc nghẽn và khiến người bệnh đau đớn, buồn nôn, nôn ói.
Những trường hợp bệnh nhân đã phẫu thuật khối ung thư vòm họng, miệng, thực quản, dạ dày, tá tràng, đại trực tràng hoặc các tuyến tiêu hóa (như ung thư gan, mật, tuyến tụy) gặp nhiều trở ngại trong khả năng tiêu hóa và cản trở quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng bình thường.
Suy dinh dưỡng là một bất thường tiêu hóa khác của bệnh nhân ung thư. Một lượng lớn các chất dinh dưỡng quan trọng thiếu hụt do các nguyên nhân như:
- Các tế bào ung thư sử dụng;
- Tăng cường cung cấp cho hoạt động miễn dịch;
- Rối loạn chuyển hóa;
- Rối loạn hoạt động của các cơ quan như hệ thần kinh trung ương, tiêu hóa, nội tiết.
4. Ăn gì để diệt tế bào ung thư?
Khoảng 75 đến 85% bệnh nhân ung thư (theo một nghiên cứu ở Hoa Kỳ) cho thấy, lối sống và chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư và chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát bằng cách thay đổi và cải thiện theo hướng tích cực. Vậy ăn gì để ngăn chặn tế bào ung thư? Dưới đây là 8 loại thực dưỡng mang lại khả năng này.
4.1. Dầu thực vật
Acid ursolic, một loại acid có trong một số loại dầu nguồn gốc thực vật, được tìm thấy nhiều trong các loại thảo mộc như húng quế, vỏ táo và các loại quả mọng. Tăng cung cấp acid ursolic trong chế độ dinh dưỡng có mối liên quan đến tăng hiệu quả điều trị một số loại ung thư như tuyến tụy, cổ tử cung, phổi, đại tràng, da và vú. Acid ursolic hỗ trợ điều trị ung thư bằng cách phá hủy cơ chế sống sót mà các tế bào ung thư phụ thuộc. Trong đó, acid ursolic giúp tế bào thực hiện quá trình tự chết theo lập trình, ức chế sự sao chép của các gen hư hỏng và ngăn chặn ung thư di căn.
4.2. Vitamin D
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất một loại protein chống lại ung thư gọi là GcMAF. Loại protein này có tác dụng ức chế quá trình ung thư di căn và thậm chí còn có thể đảo ngược các ảnh hưởng mang tính tàn phá của ung thư đối với cơ thể. Bổ sung một lượng vitamin D cần thiết mỗi ngày sẽ hỗ trợ tổng hợp GcMAF, từ đó ức chế các thụ thể kích thích ung thư và các enzym hỗ trợ quá trình di căn. Do đó, một trong những câu trả lời cho thắc mắc ăn gì để ngăn chặn tế bào ung thư chính là vitamin D, bao gồm ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư đại tràng và ung thư da.
Người bệnh có thể bổ sung vitamin D bằng cách:
- Phơi nắng hàng ngày vào thời điểm thích hợp (lưu ý không sử dụng kem chống nắng);
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin D vào bữa ăn, bao gồm cá hồi thiên nhiên, trứng, nấm và sữa lên men hoặc sữa tươi nguyên chất hữu cơ.
4.3. Nghệ
Nghệ chứa Curcumin, một chất tạo nên màu vàng đặc trưng và có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ nên có thể ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý viêm mạn tính và ung thư. Curcumin còn được xem là một phương thuốc thảo dược, sử dụng rộng rãi trong y học Trung Quốc và Ấn Độ cho nhiều bệnh lý khác nhau. Khả năng điều hòa vòng đời tự nhiên của tế bào và ức chế sự phát triển các tế bào bất thường của curcumin đã được ứng dụng trong nhiều sản phẩm hỗ trợ điều trị, tăng cường hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ngoài ra, curcumin còn được chứng minh là một chất ăn mòn gốc tự do mạnh, ức chế sản xuất TNF (hoạt chất này có tác dụng tăng tín hiệu viêm và kích thích sự phát triển khối u).
Ăn gì trị ung thư sẽ không thể thiếu nghệ. Hoạt chất Curcumin đã được nghiên cứu lâm sàng về khả năng ức chế sự gia tăng các tế bào bất thường và khả năng di căn của một số bệnh ung thư như vú, tử cung, buồng trứng, thận, bàng quang, ung thư máu, trực tràng, gan, tụy, phổi và u lympho
Người bệnh có thể tăng cường bổ sung curcumin vào chế độ ăn uống bằng cách kết hợp nghệ như một loại gia vị vào các món súp hoặc trà thảo dược...
4.4. Trà xanh
EGCG (epigallocatechin-3-gallate) đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trong 3 thập kỷ gần đây được chứng minh là có thể ngăn chặn ung thư. Hợp chất polyphenolic này được tìm thấy rất nhiều trong trà xanh, là một chất dinh dưỡng có thể cải thiện sức khỏe và chữa bệnh trong y học cổ đại Trung Quốc. Bổ sung EGCG vào chế độ dinh dưỡng có thể ngăn chặn khối u phát triển, bao gồm ung thư tiền liệt tuyến, bàng quang, ruột, gan, tuyến tụy, phổi và khoang miệng.
Mặc dù cơ chế ảnh hưởng của chất này trong việc ức chế ung thư di căn vẫn chưa rõ ràng nhưng các nghiên cứu gần đây phát hiện EGCG có thể liên kết với một thụ thể protein 67LR và từ đó kiểm soát được hoạt động của ung thư, ngăn hình thành các mạch máu chịu trách nhiệm di căn và hỗ trợ tiêu hủy các tế bào bất thường.
4.5. Các loại rau họ Cải
Sulforaphane là chất có thể ngăn ngừa và bảo vệ cơ thể khỏi sự hình thành các gốc tự do và sự phát triển của các khối u. Sulforaphane còn có tác dụng kháng viêm, ức chế ung thư tăng trưởng bằng cách thúc đẩy quá trình đào thải chất độc và tăng cường hỗ trợ đáp ứng miễn dịch. Sulforaphane được cho là có thể ngăn chặn quá trình di căn của ung thư lá lách, trực tràng, tuyến tiền liệt, dạ dày và vú.
Hạt bông cải xanh là một nguồn cung Sulforaphane rất dồi dào, do đó ăn gì trị ung thư thì không thể thiếu loại thực phẩm này. Ngoài ra, một số rau họ cải khác cũng là sự lựa chọn thích hợp như bông cải xanh, rau mầm Brussels và cải xoăn.
4.6. Quercetin
Quercetin là một chất có khả năng chống oxy hóa cực mạnh, qua đó kích thích quá trình cai nghiện tự nhiên của cơ thể và mang lại đặc tính chống ung thư tự nhiên. Tăng cường bổ sung quercetin là một cách ngăn chặn tế bào ung thư gia tăng, giảm quá trình oxy hóa và ức chế hoạt động của một gen đột biến liên quan đến tăng trưởng khối u gọi là P53.
Các loại thực phẩm cung cấp quercetin dồi dào bao gồm hành tây, hẹ tây, việt quất, mâm xôi, trà đen, trà xanh, cherry đen, bột ca cao, cải xoăn, táo và một số loại thảo mộc như rau húng và rau mùi tây.
4.7. Apigenin
Ăn gì để ngăn chặn tế bào ung thư di căn? Danh sách phải bao gồm những thực phẩm chứa Apigenin. Chất này chống lại sự di căn của tế bào ung thư bằng cách ức chế sự xâm nhập của nó lên các mô mới và kìm hãm phát triển các khối u. Ngoài ra, Apigenin còn có tác dụng hạn chế hoạt động các gốc tự do, đào thải độc tố ra ngoài và duy trì sức khỏe bình thường của dạ dày, thận, gan và tế bào máu. Các nhà nghiên cứu phát hiện các phương pháp điều trị có chứa chiết xuất apigenin có hiệu quả ngăn chặn sự phát triển ung thư da và giảm các tổn thương trên da khi tiếp xúc tia UV.
Apigenin được tìm thấy trong nhiều loại trái cây và rau xanh như bưởi, cam và hành. Ngoài ra, nó đã được tìm thấy loại thức uống nguồn gốc thực vật như các loại trà.
4.8. Luteolin
Một hợp chất flavonoid có khả năng chống oxy hóa nên có trong chế độ ăn uống là Luteolin. Chất này được tìm thấy nhiều trong ớt xanh, trà rum chamomile và cần tây. Tác dụng chống oxy hóa của Luteolin giúp bảo vệ phổi, gan, tim khỏi quá trình viêm và chống lại các tác động thoái hóa do ung thư.
Các nhà khoa học khuyên người bệnh ung thư nên ăn nhiều cam quýt dù hàm lượng Luteolin và Apigenin thấp nhưng lại có tác dụng lớn trong việc ngăn ngừa ung thư di căn.
Luteolin ngăn chặn tế bào ung thư thông qua việc ức chế các enzym chống ung thư, ngăn chặn quá trình tích tụ các chất gây ung thư trong mô mới và hỗ trợ loại bỏ các chất độc hại.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.