Theo Đông y, táo bón là tình trạng phân khô, tồn đọng trong đại tràng quá lâu, thời gian bài tiết kéo dài, sau khi đại tiện vẫn không có cảm giác thoải mái. Táo bón ở trẻ em là bệnh lý thường gặp, được nhắc đến nhiều trong kinh nghiệm dân gian. Sau đây là một vài kinh nghiệm điều trị táo bón cho trẻ tại nhà hiệu quả.
1. Dấu hiệu táo bón ở trẻ em
Táo bón gây ra các dấu hiệu, triệu chứng đặc trưng như sau:
- Số lần đi ngoài ít hơn 3 lần/ tuần;
- Phân có tính chất khô, cứng, chắc, to;
- Có dính máu theo phân hoặc giấy vệ sinh;
- Són phân, đại tiện đau và khó khăn;
- Có hành vi nhịn đại tiện;
- Ngoài ra, trẻ có biểu hiện chán ăn, chướng và đau bụng kèm theo.
2. Các cách điều trị táo bón cho trẻ em tại nhà
“Trẻ táo bón phải làm sao” là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh khi có con gặp phải tình trạng này. Sau đây là một số cách điều trị táo bón cho trẻ tại nhà hiệu quả:
2.1. Massage bụng giúp điều trị táo bón ở trẻ em
Đặt bàn tay mẹ lên vùng bụng của bé, ấn nhẹ và xoay vòng quanh rốn theo chiều kim đồng hồ, sau đó mở rộng dần vòng tròn cho đến khi ngón tay mẹ gần với hông phải của bé.
Massage bụng cho trẻ có tác dụng kích thích nhu động ruột, giúp trẻ xì hơi và tống phân dễ dàng hơn, giảm đau bụng và đầy chướng bụng.
Các mẹ cũng có thể thực hiện ấn các huyệt theo Y Học Cổ Truyền để điều trị táo bón cho trẻ. Các huyệt giúp chữa táo bón cho trẻ như thiên khu, khúc trì, ngoại quan, tam âm giao...
Xem thêm: Cách massage cho trẻ bị táo bón
2.2. Tập vận động giúp điều trị táo bón ở trẻ em
Động tác đạp xe đạp:
- Đặt trẻ nằm ngửa, 2 tay mẹ nắm lấy 2 cổ chân trẻ. Di chuyển lần lượt chuyển động lên - xuống sao cho khi đưa chân lên thì đầu gối chạm vào bụng giống động tác đạp xe đạp. Các chuyển động này kích thích nhu động ruột, giúp trẻ đại tiện dễ dàng.
Động tác co duỗi gối:
- Đặt trẻ nằm ngửa, 2 tay mẹ nắm 2 cẳng chân của trẻ, đẩy về phía bụng để gối trẻ gập lại gần sát bụng, giữ trong vài giây. Sau đó nhẹ nhàng kéo chân trẻ duỗi ra trở lại. Lặp lại động tác này vài lần sẽ giúp trẻ giảm đầy hơi chướng bụng. Động tác này còn kích thích hoạt động của đại tràng, giúp giảm táo bón.
2.3. Rèn luyện thói quen đi đại tiện đúng giờ giúp điều trị táo bón ở trẻ em
Muốn trị táo bón cho trẻ cần phải rèn luyện thói quen đi đại tiện thường xuyên. Hàng ngày, vào một giờ nhất định cho trẻ ngồi vào bô đại tiện, kiên trì thực hiện 10 - 15 phút/ lần/ ngày, sau vài tuần trẻ có thể hình thành thói quen đi đại tiện.
2.4. Chế độ ăn uống hợp lý giúp điều trị táo bón ở trẻ em
- Tăng lượng nước, carbohydrate và chất xơ.
- Số lượng nước cần uống trong ngày tính theo cân nặng cơ thể như sau:
- 1-10kg: 100ml/1kg trọng lượng cơ thể;
- 11-20kg: 1000ml +50ml/1 kg trọng lượng cơ thể;
- 20kg: 1500ml + 50ml/1 kg trọng lượng cơ thể.
- Lượng chất xơ = tuổi + 5 (gam/ngày) đối với trẻ < 2 tuổi.
- Đối với trẻ táo bón do bất dung nạp sữa bò thì sữa đậu nành hoặc sữa đạm thủy phân là thức ăn thay thế cần thiết.
- Thực phẩm giàu chất xơ: Rau xanh quả tươi, bánh mì nguyên cám, ngũ cốc nguyên hạt...
- Đối với trẻ đang trong độ tuổi ăn dặm, cha mẹ có thể lập chế độ ăn hợp lý để cải thiện tình trạng táo bón ở con.
- Theo Đông y, các thực phẩm giúp cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ như hạt vừng, hạnh nhân, thạch, rau mồng tơi, khoai lang....
2.5. Thuốc điều trị táo bón ở trẻ em
Một số loại thuốc có thể giúp giảm tình trạng táo bón ở trẻ bao gồm:
- PEG (Poly ethylene glycol): Uống với liều 1 - 1,5g/1kg/ngày x 3 ngày;
- Dầu paraffin: Dùng cho trẻ > 1 tuổi với liều 15- 30ml/tuổi (năm) chia 2 lần;
- Thụt hậu môn: Phosphate soda enemas (Fleet): trẻ > 2 tuổi.
Lưu ý, khi sử dụng những thuốc trên cho trẻ, cần thực hiện đúng liều lượng và cách sử dụng.
Theo kinh nghiệm dân gian, có thể dùng mật ong để thụt hậu môn cho trẻ theo cách sau: Pha mật ong cùng nước ấm tỷ lệ 1:3, sau đó dùng tăm bông thấm hỗn hợp và thoa đều vào hậu môn của trẻ. Cách này giúp kích thích cơ hậu môn trực tràng, giúp trẻ đi đại tiện dễ dàng hơn.
3. Khi nào trẻ bị táo bón cần đến bệnh viện?
Trong những trường hợp sau, mẹ cần đưa trẻ bị táo bón đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị phù hợp:
- Táo bón xuất hiện ở trẻ dưới 1 tuổi;
- Chậm đi ngoài phân su;
- Có máu lẫn trong phân, phân màu đen, mùi thối khẳn;
- Không có dấu hiệu nhịn đi ngoài;
- Không đi ngoài són;
- Có triệu chứng ngoài triệu chứng ruột;
- Bệnh liên quan đến bàng quang;
- Không đáp ứng với điều trị thông thường;
- Cơ thắt hậu môn chặt;
- Chậm phát triển.
Nhiều yếu tố có thể góp phần gây táo bón trẻ em, trên đây là một số cách điều trị táo bón cho trẻ tại nhà hiệu quả. Nếu nhận thấy các triệu chứng trở nên trầm trọng hoặc kéo dài, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.