Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Trẻ sơ sinh bị co giật khiến nhiều cha mẹ lo lắng, tuy nhiên co giật ở trẻ sơ sinh phần lớn là lành tính. Cùng tìm hiểu về co giật sơ sinh lành tính qua bài viết dưới đây.
1. Co giật ở trẻ sơ sinh là gì?
Co giật ở trẻ sơ sinh là tình trạng chức năng của não bị rối loạn do sự phóng điện bất thường, xảy ra một cách thoáng qua. Lúc đó, trẻ có thể co giật toàn thân và chi, hoặc có những cử động bất thường ở vùng mặt như miệng, lưỡi,...hoặc các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật. Những dấu hiệu này thường diễn ra rất nhanh và ngắn, do đó, thường dễ bị bỏ sót hoặc không chú ý.
2. Các loại co giật sơ sinh lành tính
Phần lớn các cơn co giật ở trẻ sơ sinh là lành tính với đặc điểm chung thường thấy là xuất hiện một cách đột ngột, thời gian co giật ngắn, khi không co giật, trẻ hoàn toàn bình thường.
2.1 Co giật sơ sinh lành tính không có yếu tố gia đình
- Thời gian xuất hiện: Các cơn co giật sơ sinh lành tính không có yếu tố gia đình thường xuất hiện ở trẻ từ 1 - 7 ngày tuổi, phổ biến là ngày thứ 5.
- Đối tượng: Trẻ sinh đủ tháng, cân nặng bình thường, lúc sinh trẻ không bị ngạt hoặc chấn thương do sản khoa. Bé trai thường bị nhiều hơn bé gái.
- Thời gian co giật: Các cơn co giật thường diễn ra rất ngắn, khoảng từ 1 - 3 phút. Một số ít trẻ có thể bị liên tục với thời gian các cơn co giật lặp lại và diễn ra trong 1 - 20 giờ, có khi lên đến 3 ngày.
- Biểu hiện: Các cơn co giật sơ sinh lành tính không có yếu tố gia đình có biểu hiện bắt đầu với các cơn giật cơ ở một bên cơ thể, sau đó lan sang bên còn lại (hiếm gặp ở toàn bộ cơ thể), có thể kèm theo ngừng thở.
- Đặc điểm sau cơn co giật: Sau co giật, trẻ có thể bị giảm trương lực các cơ kéo (có thể kéo dài trong nhiều ngày), ngủ gà.
- Tiên lượng: Nếu thực hiện khám thần kinh cho trẻ vào lúc trẻ đang co giật hoặc trước khi co giật thì cho thấy trẻ hoàn toàn bình thường. Do đó, co giật sơ sinh lành tính dạng này hiếm hoặc không ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt tâm thần vận động của trẻ và nó cũng không có nguy cơ tiến triển thành bệnh động kinh khi trẻ lớn.
2.2 Co giật sơ sinh lành tính có yếu tố gia đình
- Thời gian xuất hiện:
Các cơn co giật sơ sinh lành tính có yếu tố gia đình xuất hiện khi trẻ được 2 hoặc 3 ngày tuổi, hoặc cũng có thể muộn hơn, 3 tuần hoặc 1 tháng sau khi trẻ được sinh ra.
- Đối tượng:
Trẻ sinh ra bình thường, thường gặp ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái.
- Thời gian co giật:
Các cơn co giật thường diễn ra chỉ trong khoảng 1 - 2 phút, nếu có tái phát, co giật có thể kéo dài đến khi trẻ được 7 ngày tuổi hoặc nhiều tuần sau.
- Biểu hiện:
Các cơn co giật sơ sinh lành tính có yếu tố gia đình với biểu hiện chính là những cơn co giật, co cứng cơ và kèm theo ngừng thở.
- Tiên lượng:
Nếu khám thần kinh và thực hiện điện não đồ lúc trẻ không co giật sẽ cho thấy kết quả hoàn toàn bình thường. Loại co giật có yếu tố gia đình do gen di truyền thuộc một nhánh ngắn của nhiễm sắc thể số 20 gây ra có thể tiến triển, tuy nhiên nếu được điều trị, bệnh cho kết quả tốt và không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển về mặt tâm trí vận động của trẻ. Những trẻ bị co giật do di truyền loại này cần được phòng ngừa tránh bị sốt cao gây co giật và dẫn đến biến chứng động kinh thứ phát sau này.
2.3 Co giật sơ sinh lành tính ở trẻ còn bú mẹ
- Thời gian xuất hiện: Co giật sơ sinh lành tính ở trẻ còn bú mẹ thường xuất hiện ở trẻ dưới 1 tuổi.
- Đối tượng: Bé trai có tỷ lệ bị co giật nhiều hơn bé gái.
- Thời gian co giật: Các cơn co giật diễn ra trong thời gian ngắn, xuất hiện nhiều lần và lẻ tẻ trong ngày.
- Biểu hiện: Trẻ bị co giật toàn bộ từ mặt, thân cho đến các chi nhưng với mức độ nhẹ. Khi co giật, trẻ hoàn toàn tỉnh táo. Khi trẻ ngủ say thì các cơn co giật biến mất.
- Tiên lượng: Khi không co giật, nếu khám thần kinh thì cho kết quả trẻ hoàn toàn bình thường. Co giật sơ sinh lành tính ở trẻ còn bú mẹ thường không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển về mặt tâm trí và vận động của trẻ, tuy nhiên, trong một số ít trường hợp bệnh co giật có thể tiến triển thành động kinh khi trẻ trưởng thành.
3. Co giật ở trẻ sơ sinh khi nào cần khám bác sĩ?
Trẻ sơ sinh bị co giật có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý phức tạp, do đó cần được thăm khám và theo dõi bởi các bác sĩ nhi chuyên khoa thần kinh. Ở trẻ sơ sinh thường xảy ra các cơn co giật cơ lúc ngủ, phần lớn là lành tính. Nếu lúc đó trẻ được giữ tay hoặc chân thì tình trạng co giật sẽ chấm dứt và sẽ tự biến mất khi trẻ lớn hơn, không phải là bệnh lý.
Ở những trường hợp khác, trẻ có thể bị co giật do sốt, đây cũng là co giật lành tính, không phải do trẻ mắc bệnh động kinh. Với những trường hợp này, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần theo dõi, tránh để trẻ sốt cao.
Bên cạnh đó, cũng cần phân biệt có phải trẻ sơ sinh bị co giật do sốt hay không, bằng cách theo dõi xem trẻ có bị hôn mê, sốt li bì, cứng gáy,... Sốt cao kèm theo co giật có thể là biểu hiện của bệnh viêm màng não và một số bệnh lý nguy hiểm khác, do đó trẻ cần được theo dõi chặt chẽ và được đưa đến bệnh viện để xử trí kịp thời.
Co giật sơ sinh lành tính không phải là bệnh lý, do đó thường ít ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ và người thân cần luôn theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của trẻ để phòng ngừa những rủi ro, biến chứng do co giật gây ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.