Ung thư lưỡi là một trong những loại ung thư đầu và cổ phổ biến nhất, thường gặp ở nam giới và người từ 40 tuổi trở lên (1). Vậy ung thư lưỡi có nguyên nhân do đâu? Tỷ lệ sống của người bệnh qua các giai đoạn như thế nào? ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ chia sẻ thông tin qua bài viết sau.
Ung thư lưỡi là bệnh gì?
Ung thư lưỡi là một trong những loại ung thư đầu mặt cổ, xảy ra khi các tế bào trên lưỡi phát triển không kiểm soát. Lưỡi được chia thành 2 phần: phần trước và phần sau.
- Phần trước lưỡi chiếm khoảng 2/3 chiều dài lưỡi, là phần có thể quan sát khi há miệng. Ung thư phát triển ở vị trí này được gọi là ung thư khoang miệng.
- Phần gốc lưỡi là phần còn lại, chiếm khoảng 1/3 chiều dài lưỡi và nằm rất gần họng. Khi tế bào ung thư hình thành nơi đây thì gọi là ung thư họng miệng.
Dấu hiệu ung thư lưỡi dễ nhận biết
Lưỡi của bạn có thể cho bạn biết rất nhiều điều về sức khỏe tổng thể. Dưới đây là các dấu hiệu ung thư lưỡi dễ nhận biết.
1. Đau ở lưỡi và các mô xung quanh
Kích ứng hoặc nhiễm trùng nhẹ là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau lưỡi. Hút thuốc, lở loét hoặc răng giả không vừa vặn cũng có thể gây đau lưỡi, và trong một số trường hợp, đau lưỡi có thể là triệu chứng của ung thư miệng.
2. Đau ở hàm hoặc cổ họng
Khi khối u di căn đến vùng hầu họng, người bệnh sẽ có triệu chứng đau hàm hoặc cổ họng.
3. Nuốt đau, khó nuốt
Sau giai đoạn khởi phát, người bệnh dần cảm nhận được vùng lưỡi xuất hiện nhiều bất thường hơn. Những cơn đau bắt đầu kéo dài khi giao tiếp, nhai nuốt, đặc biệt khi ăn thực phẩm cay, nóng.
4. Cảm giác bị mắc nghẹn
Vết loét trên lưỡi không xuất hiện đơn lẻ mà phát triển thành ổ loét to, tổn thương nặng, hình thành mủ máu, dễ chảy máu khi va chạm nhẹ. Người bệnh còn dễ bị khít hàm, gây khó nói và nuốt, xuất hiện cảm giác bị mắc nghẹn.
5. Cứng lưỡi và hàm
Ung thư lưỡi giai đoạn cuối sẽ ảnh hưởng lớn đến tính mạng người bệnh, lưỡi bị cứng, khó cử động.
6. Mảng đỏ, trắng hoặc sẫm ở miệng, lưỡi
Các mảng nhiều màu bám chắc vào lưỡi và ngày càng lan rộng. Có thể kèm theo hiện tượng những chỗ dính mảng bám chảy máu không rõ lý do.
7. Vết loét ở lưỡi
Vết loét ở lưỡi gây khó chịu và cản trở các hoạt động ăn uống, sinh hoạt của người bệnh. Cơ thể sẽ nhanh chóng tái tạo vết loét và làm lành tổn thương. Tuy nhiên khi bị ung thư lưỡi, những vết loét này sẽ kéo dài, không biến mất, tạo ra những tổn thương hoại tử, làm hơi thở có mùi hôi thối và lẫn máu trong nước bọt.
8. Có cảm giác tê bên trong miệng
Tê lưỡi có thể là triệu chứng của nhiều tình trạng khác nhau, bao gồm:
- Ung thư lưỡi.
- Phản ứng dị ứng với một số loại thực phẩm hoặc hóa chất.
- Rối loạn tự miễn dịch, chẳng hạn như lupus, xơ cứng bì hoặc bệnh đa xơ cứng (MS).
- Hiện tượng Raynaud.
- Tổn thương dây thần kinh, có thể xảy ra sau khi làm răng hoặc xỏ khuyên lưỡi.
- Thiếu một số vitamin hoặc khoáng chất nhất định, chẳng hạn như canxi, sắt, kẽm và phốt pho.
Đôi khi, tê lưỡi hoặc ngứa ran là triệu chứng của đột quỵ. Nếu tình trạng tê lưỡi kết hợp với tình trạng xệ mặt, khó nói, lú lẫn, chóng mặt, mất thị lực hoặc nhức đầu dữ dội, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.
9. Chảy máu lưỡi
Ung thư biểu mô tế bào vảy là loại ung thư lưỡi phổ biến nhất, ảnh hưởng đến niêm mạc mũi, tuyến giáp, miệng và cổ họng. Nếu bạn phát hiện lưỡi chảy máu bất thường, đây có thể là dấu hiệu ung thư.
10. Khối u trên lưỡi
Người bệnh ung thư ở lưỡi giai đoạn cuối bị sụt cân rõ rệt do đau đớn, không thể tiếp nhận thực phẩm bằng đường miệng. Tổn thương dạng u sẽ bắt đầu trồi lên bề mặt của lưỡi thành những mảng cứng.
11. Thay đổi tông giọng
Tình trạng cứng lưỡi làm cho người bệnh khó cử động miệng, làm thay đổi giọng nói và cản trở quá trình giao tiếp.
12. Khó cử động hàm hoặc lưỡi
Vấn đề cử động của lưỡi là do tổn thương dây thần kinh. Khi bị tổn thương thần kinh, các cơ điều khiển lưỡi có thể bị yếu hoặc bị tê liệt. Bệnh cứng lưỡi cũng làm cho cử động lưỡi trở nên khó khăn hơn. Thắng lưỡi (dải mô nối lưỡi với sàn miệng) quá ngắn, làm cho lưỡi khó di chuyển tự do. Bệnh cứng lưỡi là một hiện tượng xuất hiện ngay khi trẻ mới sinh, khiến cho phạm vi di chuyển của lưỡi trở nên hạn chế. Bệnh cứng lưỡi thường gặp khó khăn khi trẻ bú hoặc khi lè lưỡi, ảnh hưởng đến phát âm và giao tiếp hàng ngày.
13. Có hạch ở cổ
Tế bào ung thư khi di căn vào hạch đầu mặt cổ thường di căn vào nhóm hạch vùng dưới cằm, bờ hàm, hạch cổ, có thể di căn đến 1 hoặc cả 2 bên. Khi hạch di căn to dần sẽ gây chèn ép đường thở, gây đau đầu.
14. Đau cổ hoặc tai
Người bệnh đau nhiều trong quá trình ăn uống, đau đớn kéo dài tạo rào cản giao tiếp. Cơn đau có xu hướng tăng lên khi nhai, nói và nhất là khi ăn, đôi khi đau lan lên tai.
Nguyên nhân ung thư lưỡi và đối tượng nguy cơ
Ung thư lưỡi xảy ra khi các tế bào bất thường phát triển ngoài tầm kiểm soát và các đột biến DNA có thể gây bệnh.
Các chuyên gia đã xác định được một số yếu tố nguy cơ gây ung thư ở lưỡi. Người thường xuyên hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia có nhiều khả năng xuất hiện khối u ác tính ở lưỡi, và rủi ro càng tăng lên nếu người bệnh nghiện cả 2.
Các yếu tố nguy cơ ung thư lưỡi khác bao gồm:
- Virus HPV: tiền sử nhiễm HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư lưỡi, thậm chí có thể gây ung thư khoang miệng.
- Thuốc lá nhai.
- Trầu cau.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư khoang miệng hoặc ung thư hầu họng.
- Tiền sử cá nhân mắc bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư biểu mô tế bào vảy).
Các giai đoạn ung thư lưỡi
Ung thư lưỡi có 5 giai đoạn, bắt đầu từ 0 đến 4, được thể hiện bằng các chữ số La Mã I, II, III và IV. (2)
1. Giai đoạn 0
Giai đoạn 0 còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ và đây là giai đoạn đầu của thang đo. Các tế bào bất thường mới chỉ bắt đầu xuất hiện trong niêm mạc môi hoặc khoang miệng, có khả năng trở thành ung thư.
2. Giai đoạn I
Bác sĩ chẩn đoán ung thư lưỡi giai đoạn I khi khối u không quá 2 cm và ung thư chưa di căn đến các hạch bạch huyết.
3. Giai đoạn II
Giai đoạn II khi khối u lớn hơn 2cm nhưng không quá 4cm, và vẫn chưa di căn đến các hạch bạch huyết.
4. Giai đoạn III
Giai đoạn III mô tả ung thư lớn hơn 4cm hoặc đã lan đến hạch bạch huyết ở cổ.
5. Giai đoạn IV
Giai đoạn IV là giai đoạn tiến triển nhất của bệnh. Khối u có khả năng di căn đến:
- Các mô gần đó, chẳng hạn như hàm hoặc các bộ phận khác của khoang miệng.
- Hạch bạch huyết lớn (kích thước hơn 3cm) và ở cùng một bên cổ với khối u, nhiều hạch bạch huyết có kích thước bất kỳ ở cùng một bên cổ với khối u hoặc một hạch bạch huyết có kích thước bất kỳ đối diện với khối u.
- Các bộ phận ở xa chẳng hạn như phổi.
Ung thư lưỡi giai đoạn IV cũng có khả năng tái phát sau khi điều trị. Ung thư có thể tái phát ở phần cơ thể nơi phát triển ban đầu, trong các hạch bạch huyết hoặc ở một bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư lưỡi có chữa được không?
Ung thư lưỡi có thể được chữa khỏi bằng cách chẩn đoán và điều trị sớm. Vì vậy, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường xuất hiện trong khoang miệng, người bệnh nên đến khám với bác sĩ ngay để được lên phác đồ điều trị phù hợp nhất. Tỷ lệ sống của người bệnh phụ thuộc vào việc ung thư đã di căn sang các khu vực khác hay chưa.
Giai đoạn ung thư lưỡi Mức độ di căn Tỷ lệ sống sau 5 năm Giai đoạn 0, I Ung thư chưa lan ra ngoài lưỡi 84% Giai đoạn II, III Ung thư đã lan đến các hạch hoặc cấu trúc bạch huyết gần đó 70% Giai đoạn IV Ung thư đã lan đến các vùng xa hơn trên cơ thể 41%Chẩn đoán ung thư lưỡi
Sau khi quan sát khoang miệng, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về các triệu chứng. Sau đó bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm để chẩn đoán ung thư lưỡi thông qua:
1. Chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hình ảnh là phương thức chụp X-quang, CT, MRI và PET, để ghi lại hình ảnh chi tiết về miệng, bao gồm cả vị trí và kích thước của khối u. Người bệnh có thể cần uống bari để tiến trình ghi nhận hình ảnh diễn ra dễ dàng hơn. (3)
2. Sinh thiết
Bác sĩ có thể tiến hành lấy mẫu mô từ miệng, sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để tiến hành sinh thiết, thực hiện các xét nghiệm đặc trưng và quan sát, đánh giá trên kính hiển vi. Kết quả trả về sẽ cho biết từ đặc điểm chức năng, hình dạng của mô, để từ đó cho biết loại mô đó thuộc loại nào, có bất thường không, lành tính hay ác tính,…
3. Nội soi mũi họng
Nội soi mũi họng sử dụng ống nội soi chuyên dụng có gắn kính chuyên dụng ở hai đầu và camera để kiểm tra lớp niêm mạc trong tai mũi họng và quan sát rõ tổn thương. Với nội soi ống mềm, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi đi từ mũi rồi luồn xuống cổ họng, thanh quản. Nếu nội soi tai thì ống nội soi sẽ được đưa trực tiếp vào tai. Thông qua hình ảnh khu vực được nội soi hiển thị trên màn hình tivi, bác sĩ sẽ kiểm tra, thăm khám, xem xét khối u đã lan đến đâu.
4. Xét nghiệm
Bác sĩ sẽ thực hiện một vài xét nghiệm, chẳng hạn xét nghiệm máu xem các tế bào ung thư đã di căn vào máu hay chưa. (4)
Điều trị ung thư lưỡi
Phương pháp điều trị ung thư lưỡi phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm kích thước và vị trí của khối u cũng như mức độ lan rộng của các tế bào ung thư. Phương pháp điều trị ung thư lưỡi bao gồm:
1. Phẫu thuật
Điều này thường bao gồm cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi, và trong một số trường hợp, phẫu thuật cắt bỏ hạch bạch huyết ở cổ để giảm nguy cơ di căn khi ung thư lan từ vị trí khối u nguyên phát sang khu vực khác trên cơ thể.
2. Xạ trị
Bác sĩ sử dụng xạ trị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc sau phẫu thuật để triệt tiêu các tế bào ung thư còn sót lại. Trong một số trường hợp, bác sĩ ung thư sử dụng xạ trị như một phương pháp điều trị độc lập, đặc biệt nếu ung thư đã lan sang các khu vực khác.
3. Liệu pháp dùng thuốc
Bao gồm hóa trị, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm mục tiêu.
Phòng ngừa ung thư lưỡi thế nào?
Giảm thiểu các yếu tố rủi ro có thể giúp giảm nguy cơ ung thư lưỡi:
1. Bỏ hút thuốc lá và uống rượu
Hút thuốc là và uống rượu là 2 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh. Kể cả bạn là người nghiện cả thuốc lẫn rượu thì việc cai chúng vẫn có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc tất cả các loại ung thư miệng và hầu họng.
2. Tiêm vắc xin ngừa HPV
HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư vòm họng. Vắc-xin HPV bảo vệ chống lại bệnh ung thư lưỡi và các bệnh ung thư khác liên quan đến HPV, bao gồm ung thư cổ tử cung, dương vật, âm đạo, âm hộ và hậu môn.
3. Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt
Xây dựng chế độ ăn nhiều thực phẩm tươi, chưa qua chế biến và hạn chế ăn thịt đỏ, đồ uống có đường và thực phẩm chế biến sẵn. Tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để có được thực đơn phù hợp nhất.
4. Thăm khám bác sĩ định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ giúp tầm soát và sàng lọc bệnh, cũng như điều trị nếu có bất kỳ sự bất thường nào trong khoang miệng. Sức khỏe răng miệng tốt còn thúc đẩy sức khỏe toàn cơ thể và nâng cao sức khỏe tinh thần vui vẻ.
Gói dịch vụ tầm soát ung thư vòm họng hiện đã được đưa vào hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nhằm đáp ứng nhu cầu cao của người khám trong việc tầm soát và điều trị ung thư vòm họng. Gói khám tầm soát được các bác sĩ giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn trực tiếp thực hiện, với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại như máy nội soi, máy chụp cắt lớp vi tính, hệ thống chụp cộng hưởng từ,… cho kết quả nhanh chóng và chuẩn xác.
Ung thư lưỡi nếu được phát hiện ngay từ giai đoạn sớm sẽ có tiên lượng tốt và tỷ lệ điều trị thành công cao. Ngay khi lưỡi phát triển các triệu chứng bất thường, người bệnh nên nhanh chóng đến khám tại bệnh viện ngay để bác sĩ tư vấn, hỗ trợ và điều trị kịp thời, tránh bệnh tiến triển sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.