Cuộc sống càng hiện đại thì con người lại có thói quen sinh hoạt không tốt. Điều này làm tăng nguy cơ mắc u đại tràng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về u đại tràng, các phương pháp phát hiện và cách xử lý u đại tràng lành tính.
U đại tràng là gì?
Đại tràng là cơ quan cuối cùng của ống tiêu hóa, là nơi thường xuất hiện những cục u nhất.
Những cục u này giống như một khối mô nhô ra trong lòng đại tràng. Đa phần u đại tràng là u lành tính, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng u lành phát triển thành u ác tính (ung thư đại tràng).
Các loại u đại tràng
Có nhiều loại u đại tràng như polyp đại trực tràng (chiếm đa số u lành tính), u tân sinh (polyp u tuyến), u mỡ, u mạch máu, u cơ trơn, u tế bào thần kinh schwann, u mạch bạch huyết,... Trong đó, u mỡ và u cơ trơn là phổ biến nhất; nhưng u cơ trơn và schwannoma lại có nguy cơ bị thoái hóa thành ác tính.
Polyp đại tràng
Polyp đại tràng là một khối u mọc ra trong lòng đại tràng. Hầu hết các polyp tuyến được chứng minh là lành tính tại thời điểm chẩn đoán. Chúng được phân loại theo mô học như sau:
- Polyp tân sinh (polyp tuyến): Có khả năng ác tính khi chuyển từ u tuyến thành ung thư biểu mô tại chỗ. Tuy nhiên, việc trở thành ác tính cũng cần một thời gian khá dài. Theo thống kê năm 2010, tỷ lệ mắc u tuyến tỷ lệ thuận với người lớn tuổi. Nghĩa là càng lớn tuổi thì tỷ lệ mắc bệnh này càng nhiều.
- Polyp không tân sinh: Không giống như polyp tuyến, polyp không tân sinh ít thoái hóa thành dạng ác tính. Nó bao gồm polyp tăng sản, polyp viêm, polyp hamartomatous.
U mỡ đại tràng
U mỡ là khối u mỡ không có biểu mô, lành tính, có thể tìm thấy trên khắp đường tiêu hóa, Nhưng đại tràng là nơi thường thấy u mỡ nhất. Khoảng 90% u mỡ đại tràng nằm ở lớp dưới niêm mạc và 10% từ dưới thanh mạc hoặc trong niêm mạc. Các khối u này thường mọc gần van hồi manh tràng. Bệnh phổ biến ở nữ giới hơn nam giới và thường rơi vào độ tuổi ngoài 60.
Bạn rất khó phát hiện ra bệnh, trừ khi phát hiện tình cờ qua nội soi hoặc phẫu thuật ở bệnh lý khác. Nếu u mỡ không có triệu chứng thì bạn có thể chung sống với nó. Tuy nhiên, khi u mỡ lớn hơn 4 cm, bạn có thể bị táo bón, chảy máu trực tràng, đau bụng. Trường hợp hiếm gặp có thể xảy ra như xuất huyết, thủng hoặc tắc nghẽn đường tiêu hóa. Lúc này, bạn cần đến các biện pháp can thiệp y tế.
U mạch máu
U mạch máu là tình trạng tổn thương mạch máu lành tính tạo thành khối u. Đây là loại khối u hiếm gặp ở đại tràng và có tính di truyền trong gia đình. Có 2 loại là u mạch máu thể hang và u mạch máu mao mạch. Trong đó, u mạch máu thể hang đại tràng thường xuất hiện ở trực tràng và kèm theo triệu chứng xuất huyết trực tràng không đau lặp đi lặp lại, đại tiện phân đen, thiếu máu, hiếm gặp hơn là tắc nghẽn, chảy máu ồ ạt.
U mạch bạch huyết
U mạch bạch huyết hay u lympho là dị tật lành tính của mạch bạch huyết, rất hiếm gặp và có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào của cơ thể, trong đó có cả đại tràng. Vị trí thường gặp của u lympho đại tràng là đại tràng ngang, đại tràng lên và manh tràng.
Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi 40 - 60 và chiếm nam giới có khả năng mắc nhiều hơn nữ giới. Bệnh thường không có triệu chứng khi khối u nhỏ. Nếu có thì triệu chứng cũng không đặc hiệu và phụ thuộc vào kích thước và vị trí của chúng, có thể là đau bụng cấp tính, phân có máu hoặc không, tiêu chảy hoặc táo bón. Hiếm gặp hơn là xuất hiện biến chứng như nhiễm trùng, thiếu máu,...
U cơ trơn đại tràng
U cơ trơn đại tràng là sự tăng sinh lành tính của các tế bào cơ trơn, nó nhô ra từ lớp cơ niêm mạc của đại tràng. Đây là loại bệnh rất hiếm gặp và thường được xuất hiện ở đại tràng xuống và đại tràng sigma.
Cũng giống như các loại u trên, u cơ trơn đại tràng chỉ được phát hiện một cách tình cờ khi sàng lọc nội soi định kỳ, chứ không có triệu chứng đặc hiệu. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có triệu chứng nặng như đau bụng, táo bón, chảy máu hoặc tắc nghẽn nếu khối u phát triển quá lớn. U cơ trơn lớn hơn 2 cm có thể làm thay đổi thói quen đại tiện, phân có máu, lấy tay sờ thấy khối u ở bụng.
U tế bào Schwann đại tràng
Schwannomas là những tổn thương dưới niêm mạc, phát sinh từ u tế bào thần kinh Schwann, nó thường xuất hiện với tần suất giảm dần ở dạ dày, ruột non, và cuối cùng là đại tràng. Đây cũng là một loại u đại tràng rất hiếm gặp. Tỷ lệ mắc bệnh schwannomas là như nhau ở nam và nữ và độ tuổi của những bệnh nhân này thường ngoài 60 tuổi.
Có thể thấy, hiện tại có rất nhiều loại u ở đại tràng. Cho nên việc chẩn đoán và đánh giá bệnh u đại tràng thuộc u lành tính hay ung thư rất quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa.
Chẩn đoán u đại tràng lành tính
Các phương pháp để xác định u đại tràng bao gồm:
- Chụp cắt lớp vi tình (chụp CT) đại tràng: Đây là phương pháp thường được sử dụng để sàng lọc ung thư đại tràng. Nó có thể phát hiện các polyp tân sinh lành tính hoặc ác tính. Ngoài ra, phương pháp này còn cho ta biết kích thước của khối u;
- Sinh thiết: Là quá trình lấy đi một mảnh mô, sau đó kiểm tra các tế bào dưới kính hiển vi. Phương pháp này có thể xác định u lành tính hay u ác tính;
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) đại tràng: MRI là xét nghiệm hình ảnh tốt nhất để tìm ra vị trí và kích thước của khối u;
- Chụp X-quang đại tràng: Phương pháp cho thấy tổng quát toàn bộ khung đại tràng;
- Nội soi: Hỗ trợ chẩn đoán u mỡ đại tràng;
- Xét nghiệm máu: Vì u đại tràng có thể gây xuất huyết, nên xét nghiệm công thức máu nhằm hỗ trợ chẩn đoán bệnh.
Điều trị u đại tràng lành tính
Cắt bỏ hoàn toàn là phương pháp điều trị dứt điểm cho u đại tràng có triệu chứng. Có thể thực hiện cắt bỏ từng đoạn ruột qua phẫu thuật mở hoặc nội soi. Tùy vào từng loại u mà sử dụng phương pháp nào. Tuy nhiên, cắt bỏ nội soi luôn là phương pháp điều trị được ưu tiên hàng đầu. Nếu không thể giải quyết bằng phẫu thuật nội soi, mới thực hiện phẫu thuật mở cắt bỏ u đại tràng.
- Bởi vì, thứ nhất, bệnh nhân phẫu thuật nội soi sẽ tránh vết thương hở lớn, có lợi về mặt thẩm mỹ.
- Thứ hai, giảm mất máu, đau đớn và khó chịu.
- Thứ ba, bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc giảm đau ít hơn và có thể giảm được tác dụng phụ từ thuốc.
- Thứ tư, giảm tỷ lệ xuất hiện biến chứng sau phẫu thuật, đặc biệt là các biến chứng liên quan đến vết thương như rạn nứt, nhiễm trùng, viêm mô tế bào, thoát vị vết mổ,...
- Thứ năm, vết thương mau lành và bạn có thể hoạt động lại sớm hơn.
Tóm lại, u đại tràng là khối u phát triển từ việc tăng sinh của tế bào. Đa phần chúng sẽ lành tính và không biểu hiện triệu chứng, chỉ được phát hiện qua thăm khám nội soi của bệnh lý khác. Bạn nên thực hiện khám sàng lọc sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và có phương hướng xử lý kịp thời.
Xem thêm:
- U trực tràng lành tính có nguy hiểm không?
- Kết quả sinh thiết polyp đại tràng ác tính khi nào?
- Khối u đại tràng có nguy hiểm không? Ai có nguy cơ mắc bệnh?