Ung thư trực tràng là một trong những bệnh ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất hiện nay. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư trực tràng giai đoạn 3 cần tích cực điều trị để tăng khả năng kiểm soát bệnh cũng như giảm nguy cơ tái phát. Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin cần biết về giai đoạn 3 của ung thư trực tràng.
Ung thư trực tràng giai đoạn 3 là gì?
Ung thư trực tràng giai đoạn 3 là giai đoạn ung thư trực tràng đã lan sang các hạch bạch huyết gần đó nhưng chưa di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Ung thư trực tràng được phân giai đoạn dựa trên sự phát triển và di căn của tế bào ung thư. Tế bào ung thư có thể hình thành một hoặc nhiều khối u trong thành trực tràng và có thể phát triển xuyên qua thành trực tràng để xâm lấn cơ quan xung quanh. Đồng thời, tế bào ung thư cũng có khả năng di căn đến cơ quan khác để tạo thành khối u mới.
Tại thời điểm chẩn đoán, tình trạng ung thư trực tràng của mỗi người bệnh có mức độ phát triển và di căn khác nhau.
Giải mã phân đoạn T, N, M trong giai đoạn 3 ung thư trực tràng
Khối u nguyên phát - T
- Tx: Khối u nguyên phát không thể đánh giá được.
- T0: Không có dấu hiệu của khối u nguyên phát.
- Tis: Ung thư xuất hiện trên biểu mô hoặc xâm lấn lớp đệm.
- T1: Khối u xâm lấn vào lớp dưới niêm mạc (xuyên qua lớp niêm nhưng chưa xâm lấn vào lớp cơ).
- T2: Khối u xâm lấn đến lớp cơ. Tuy nhiên, kỹ thuật chụp MRI hiện nay chưa có độ phân giải có khả năng phân biệt tổn thương T1 và T2.
- T3: Khối u xâm lấn xuyên qua lớp cơ vào các mô quanh trực tràng.
- T4: Khối u xâm lấn vào phúc mạc tạng; xâm lấn hoặc dính vào các cơ quan, cấu trúc lân cận.
- T4a: Khối u xâm lấn xuyên qua phúc mạc tạng (bao gồm các trường hợp thủng trực tràng do sự xâm lấn liên tục của khối u qua các vùng viêm đến bề mặt phúc mạc tạng).
- T4b: Khối u xâm lấn trực tiếp hoặc dính vào cơ quan, cấu trúc xung quanh.
Hạch bạch huyết vùng - N
- Nx: Không thể đánh giá hạch khu vực.
- N0: Không có di căn hạch vùng.
- N1: Di căn 1-3 hạch vùng quanh trực tràng.
- N1a: Di căn 1 hạch vùng.
- N1b: Di căn 2-3 hạch vùng.
- N1c: Không di căn hạch vùng nhưng có gieo rắc các mô ung thư dưới phúc mạc, mạc treo ruột, mô quanh trực tràng/mạc treo trực tràng.
- N2: Di căn từ 4 hạch vùng trở lên.
- N2a: Di căn 4-6 hạch vùng.
- N2b: Di căn từ 7 hạch vùng trở lên.
Di căn xa - M
Đăng ký tư vấn về thừa cân, béo phì tại đây
- Mx: Không thể đánh giá được.
- M0: Không di căn xa.
- M1: Di căn xa.
- M1a: Di căn giới hạn ở một cơ quan hoặc vị trí (ví dụ: gan, phổi, buồng trứng, hạch không vùng) mà không di căn phúc mạc.
- M1b: Di căn nhiều cơ quan.
- M1c: Di căn tới phúc mạc bất kể có di căn các cơ quan khác hay không.
Giai đoạn 3 ung thư trực tràng được chia thành 3 giai đoạn nhỏ hơn: (1)
1. Ung thư trực tràng giai đoạn 3A
Ung thư trực tràng giai đoạn 3A sẽ được xếp loại là T1(T2)N1M0 hoặc T1N2aM0.
- T1(T2)N1M0: Ung thư đã phát triển qua niêm mạc vào lớp dưới niêm mạc (T1) hoặc đến lớp cơ trực tràng (T2). Ung thư đã lan đến 1-3 hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn đến các cơ quan ở xa (M0).
- T1N2aM0: Ung thư đã phát triển đến lớp dưới niêm mạc (T1), lan đến 4-6 hạch bạch huyết (N2a) và chưa lan ra các cơ quan ở xa (M0).
2. Ung thư trực tràng giai đoạn 3B
Ở giai đoạn 3B, ung thư trực tràng được phân thành 3 loại là T3(T4)N1M0, T2(T3)N2aM0 và T1(T2)N2bM0.
- T3(T4)N1M0: Ung thư đã phát triển vào lớp ngoài cùng của trực tràng (T3) hoặc xuyên qua thành trực tràng (T4), đã có 1-3 hạch bạch huyết chứa tế bào ung thư (N1a, N1b). Ung thư chưa di căn đến các cơ quan xa.
- T2N2aM0: Ung thư đã phát triển vào lớp cơ trực tràng (T2), lan đến 4-6 hạch bạch huyết và chưa di căn xa.
- T1(T2)N2bM0: Ung thư đã phát triển ở niêm mạc (T1) hoặc vào lớp cơ trực tràng (T2), lan đến ít nhất 7 hạch bạch huyết và chưa di căn xa.
3. Ung thư trực tràng giai đoạn 3C
Ở giai đoạn 3C, ung thư trực tràng được phân làm 3 loại là T4aN2aM0, T3(T4a)N2bM0, T4bN1(N2)M0, mang ý nghĩa:
- T4aN2aM0: Ung thư đã phát triển qua thành trực tràng - nhưng chưa xâm lấn đến các cơ quan lân cận (T4a). Tế bào ung thư đã xuất hiện trong 4-6 hạch bạch huyết (N2a) và chưa di căn xa (M0).
- T3(T4a)N2bM0: Ung thư đã phát triển đến lớp ngoài trực tràng (T3) hoặc qua thành trực tràng (T4), di căn đến tối thiểu 7 hạch bạch huyết (N2b) và chưa di căn đến các cơ quan xa (M0).
- T4bN1(N2)M0: Khối u đã xâm lấn qua thành trực tràng, xâm lấn vào các mô hoặc cơ quan lân cận (T4b). Ung thư đã di căn đến ít nhất 1 hạch bạch huyết (N1 hoặc N2) nhưng chưa di căn xa (M0).
Tìm hiểu thêm:
- Ung thư trực tràng giai đoạn 0
- Ung thư trực tràng giai đoạn 1
- Ung thư trực tràng giai đoạn 2
- Ung thư trực tràng giai đoạn 4
Triệu chứng ung thư trực tràng giai đoạn 3
Ung thư giai đoạn 3 là giai đoạn phát triển nặng, bệnh nhân thường sẽ có những biểu hiệu rõ ràng hơn các giai đoạn trước. Các triệu chứng có thể gặp phải của ung thư trực tràng giai đoạn 3 bao gồm:
- Tiêu chảy, đi ngoài thường xuyên, cảm giác đi ngoài không hết.
- Phân có máu đỏ tươi, đỏ bầm hoặc đen sẫm.
- Đau, khó chịu ở vùng bụng.
- Giảm cân bất thường.
- Thường xuyên buồn nôn, ăn không ngon.
- Cảm giác suy kiệt, mệt mỏi thường xuyên và kéo dài.
Tiên lượng sống của ung thư trực tràng giai đoạn 3
Năm 2022, số liệu từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã chỉ ra ung thư đại trực tràng (gồm đại tràng và trực tràng) đang đứng thứ 3 với số ca mắc mới với tỷ lệ 9,6%, chỉ đứng sau ung thư phổi (12,4%) và ung thư vú (11,6%).
Ung thư đại trực tràng cũng đứng thứ 2 về tỷ lệ tử vong với tỷ lệ 9,3% chỉ đứng sau ung thư phổi (18,7%). Có thể thấy, ung thư đại trực tràng nói chung và trực tràng nói riêng đang là một trong những bệnh ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất hiện nay.
Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Nghiên cứu Ung Thư Vương quốc Anh (Cancer Research UK) thì tỷ lệ sống sót ít nhất 5 năm của các bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại trực tràng giai đoạn 3 từ năm 2016 - 2020 là 65%. (2)
Hiệp hội Ung Thư Hoa Kỳ cũng có thống kê về tỷ lệ sống sót trong vòng 5 năm của người mắc ung thư trực tràng được chẩn đoán từ năm 2012 - 2018 ở giai đoạn khu trú tại chỗ - tại vùng là 74%. (3)
Qua hai bảng thống kê, có thể thấy tiên lượng sống sót của ung thư trực tràng giai đoạn 3 vẫn còn khá cao (nếu so sánh với giai đoạn 4 hay di căn xa), với tỷ lệ trung bình khoảng 65% - 70%. Tuy nhiên đây chỉ là con số mang tính tương đối. Để đạt được hiệu quả điều trị cao, bệnh nhân cần khám và điều trị tại các cơ sở y tế uy tín, nhiều kinh nghiệm, đồng thời cũng cần tuân thủ chặt chẽ kế hoạch điều trị, nhằm đảm bảo tình trạng sức khoẻ tốt nhất.
Cách chẩn đoán ung thư trực tràng giai đoạn 3
Ở giai đoạn 3, các biểu hiệu bệnh lý và triệu chứng rõ ràng đã rõ ràng, nên việc phát hiện ung thư cũng dễ dàng hơn. Dưới đây là một số kỹ thuật phổ biến có thể dùng để chẩn đoán ung thư trực tràng giai đoạn 3. (4)
1. Nội soi trực tràng
Nội soi để chẩn đoán ung thư trực tràng rất phổ biến vì đây là khu vực gần hậu môn, bác sĩ có thể thực hiện nội soi qua hậu môn mà không cần mổ hay để lại tổn thương lớn. Bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị nội soi gồm ống dài có camera và đèn để quan sát bên trong trực tràng thông qua màn hình máy tính. Bác sĩ cũng có thể thực hiện lấy mẫu sinh thiết trong quá trình nội soi.
2. Sinh thiết trực tràng
Bác sĩ sẽ lấy một mô ở trực tràng để thực hiện giải phẫu bệnh, phân tích và đánh giá tại phòng thí nghiệm. Sinh thiết có thể cung cấp nhiều thông tin để đánh giá chính xác hơn về sự phát triển của ung thư trong trực tràng.
3. PET/CT
PET/CT là viết tắt của Chụp cắt lớp phát xạ Positron kết hợp Chụp cắt lớp vi tính (Positron Emission Tomography/Computed Tomography). Đây là kỹ thuật y học hạt nhân tiên tiến kết hợp hai phương pháp chẩn đoán hình ảnh:
- Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET): Sử dụng chất phóng xạ tiêm vào cơ thể để theo dõi hoạt động trao đổi chất của các tế bào. Các tế bào ung thư có tỷ lệ trao đổi chất cao hơn các tế bào bình thường, do đó sẽ hấp thụ nhiều chất phóng xạ hơn, giúp phát hiện ung thư dễ dàng hơn.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc giải phẫu của cơ thể, giúp xác định vị trí chính xác của các tế bào ung thư.
Kết hợp hai kỹ thuật này, PET/CT mang lại nhiều lợi ích:
- Giúp đánh giá chính xác giai đoạn bệnh: PET/CT có thể phát hiện các tế bào ung thư đã lan rộng đến các khu vực khác trong cơ thể mà không thể nhìn thấy bằng CT hoặc MRI đơn thuần. Điều này rất quan trọng trong việc xác định giai đoạn bệnh ung thư, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch điều trị.
- Đánh giá hiệu quả điều trị: PET/CT giúp theo dõi sự đáp ứng của ung thư với các phương pháp điều trị như hóa trị-xạ trị, từ đó giúp bác sĩ điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.
- Đánh giá tái phát và di căn: PET/CT có giá trị cao để đánh giá tình trạng tái phát tại chỗ tại vùng và di căn xa sau quá trình điều trị. Đây là yêu cầu quan trọng trong việc quản lý và theo dõi bệnh nhân ung thư.
Trong chẩn đoán, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định chụp CT riêng lẻ hoặc kết hợp hai phương pháp PET/CT.
4. Chụp MRI
Chụp MRI hay cộng hưởng từ có thể giúp khảo sát rõ ràng các mô mềm bên trong cơ thể. Khi chẩn đoán ung thư trực tràng, các bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI vùng chậu. Vì sử dụng từ trường mạnh và sóng radio để tạo ra hình ảnh, không sử dụng bức xạ ion hóa nên MRI có ưu điểm chụp tốt cho mô mềm, an toàn cho bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai khi so với các phương pháp X-quang và CT.
5. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến ung thư trực tràng như thiếu máu do chảy máu tiềm ẩn (có máu xen lẫn trong phân nhưng không nhìn thấy bằng mắt thường), tăng CEA (Carcinoembryonic Antigen) - một protein liên quan đến ung thư.
Bên cạnh xét nghiệm máu, bác sĩ cũng có thể thực hiện xét nghiệm phân và xét nghiệm di truyền. Xét nghiệm phân có thể giúp phát hiện máu trong phân, một dấu hiệu phổ biến của ung thư trực tràng. Xét nghiệm di truyền có thể được thực hiện cho những người có nguy cơ cao mắc ung thư trực tràng do di truyền để tìm kiếm các đột biến gen liên quan đến bệnh.
Cách điều trị ung thư trực tràng giai đoạn 3
Hiện nay, điều trị ung thư trực tràng giai đoạn 3 nói riêng và ung thư trực tràng nói chung chủ yếu dựa trên 3 phương pháp là hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Quá trình điều trị thường phối hợp 3 phương pháp trên để đạt kết quả tốt nhất.
1. Hóa trị
Hóa trị được sử dụng để tiêu diệt, ngăn tế bào ung thư phát triển và phân chia không kiểm soát. Hóa trị có thể được sử dụng như phương pháp điều trị chữa bệnh chính hoặc biện pháp điều trị bổ trợ cùng phẫu thuật hay xạ trị. Đối với ung thư trực tràng giai đoạn 3, hoá trị được sử dụng với mục đích hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật hay phối hợp với xạ trị (hoá xạ đồng thời) nhằm làm tăng độ nhạy cảm của tế bào ung thư.
Khi chỉ định điều trị bằng hóa chất, bác sĩ sẽ quyết định dựa vào các yếu tố như vị trí của ung thư, giai đoạn, mức độ phát triển và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Hóa trị có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống bệnh nhân. Một số tác dụng phụ thường thấy ở hóa trị là rụng tóc, lở miệng, ăn không ngon, da trở nên nhạy cảm, sức khỏe suy giảm.
2. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao (tia xạ) để điều trị ung thư. Tia xạ làm tổn thương tế bào ung thư, khiến chúng ngừng sinh sản và chết đi. Xạ trị có thể dùng như phương pháp điều trị chính hoặc hỗ trợ sau cho phẫu thuật.
Xạ trị ngoài (EBRT) là loại xạ trị phổ biến nhất. Với EBRT, máy xạ hướng các chùm bức xạ năng lượng cao về phía khối u. Năng lượng có thể là tia X, electron hoặc proton. Bác sĩ xạ trị sẽ lập một kế hoạch điều trị để tính toán liều xạ vào khối u và tránh ảnh hưởng các mô khỏe mạnh xung quanh.
Xạ trị trong hay xạ trị áp sát là xạ trị khối u từ bên trong qua trực tràng. Phương pháp điều trị này sử dụng liều xạ cao cho khối u ung thư trực tràng, giúp thu nhỏ khối u, giảm triệu chứng nhanh hơn.
3. Phẫu thuật
Dưới đây là các phương pháp phẫu thuật phổ biến đối với ung thư trực tràng giai đoạn 3:
3.1. Cắt bỏ tại chỗ qua ngả hậu môn
Đối với các khối u T1 nằm ở đoạn cuối trực tràng, kỹ thuật cắt bỏ qua ngả hậu môn có thể được bác sĩ lựa chọn. Thủ thuật này được gọi là cắt bỏ tại chỗ qua ngả hậu môn (transanal local excision). Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt xuyên qua tất cả các lớp của thành trực tràng để loại bỏ khối ung thư và một phần mô bình thường xung quanh trực tràng. Các hạch bạch huyết không được cắt bỏ trong thủ thuật này.
Các kỹ thuật tiên tiến để cắt bỏ các khối u nằm ở đoạn trực tràng cao hơn bao gồm phẫu thuật nội soi vi phẫu qua đường hậu môn (TEM) và phẫu thuật xâm lấn tối thiểu qua đường hậu môn (TAMIS). Nếu kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật xác nhận ung thư là T1 và được đánh giá là nguy cơ thấp, người bệnh không cần điều trị thêm và sẽ được theo dõi định kỳ.
Trong một số trường hợp, có thể cần thêm điều trị sau khi cắt bỏ tại chỗ qua đường hậu môn. Nếu kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật có các đặc điểm nguy cơ cao, hoặc khối u lớn hơn dự kiến và đã xâm lấn vào lớp cơ (khối u T2), thì phương pháp điều trị được ưu tiên là phẫu thuật cắt trực tràng qua ngả bụng.
3.2. Phẫu thuật cắt trực tràng qua ngả bụng
Phẫu thuật cắt trực tràng qua ngả bụng (transabdominal surgery) được khuyến cáo cho các khối u đã xâm lấn vào lớp cơ của thành trực tràng, đây là các khối u giai đoạn T2. Phương pháp này cũng được khuyến cáo cho ung thư trực tràng đã di căn đến các hạch bạch huyết gần đó, hoặc trong tình huống bệnh nhân không đủ điều kiện để thực hiện các phương pháp phẫu thuật khác (như cắt bỏ tại chỗ qua đường hậu môn).
Phương pháp cắt bỏ trực tràng qua ngả bụng được thực hiện thông qua vết mổ trên thành bụng để từ đó có thể tiếp cận và cắt bỏ khối u trực tràng cùng một phần mô lành xung quanh và các hạch bạch huyết gần đó. Bác sĩ phẫu thuật cần lấy ít nhất 12 hạch bạch huyết lân cận.
3.3. Cắt bỏ đoạn trực tràng trước thấp
Cắt bỏ đoạn trực tràng trước thấp (Low Anterior Resection - LAR) là một dạng phẫu thuật cắt trực tràng qua ngả bụng cho các khối u trực tràng giữa hoặc cao. Ngoài khối u trực tràng, một phần hoặc toàn bộ đoạn cuối cùng của đại tràng cũng được cắt bỏ. Phần đại tràng bên trên sau đó được nối với phần trực tràng còn lại, hay nối trực tiếp với hậu môn.
Bác sĩ phẫu thuật có thể sẽ trì hoãn việc nối ruột để đảm bảo vết mổ ở trực tràng có đủ thời gian để lành lại. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật đặt hậu môn nhân tạo.
3.4. Hậu môn nhân tạo
Hậu môn nhân tạo (colostomy) là thủ thuật nối giữa một phần của đại tràng và thành bụng. Thủ thuật này tạo ra một lỗ mở trên bề mặt thành bụng giúp cho phân từ đại tràng có thể thoát ra khỏi cơ thể qua lỗ mở này và vào túi được gắn trên da bụng. Tạo hậu môn nhân tạo tạm thời có thể chỉ cần thiết trong thời gian ngắn để trực tràng lành lại trước khi được nối lại với đại tràng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể cần tạo hậu môn tạm thời vĩnh viễn.
3.5. Phẫu thuật cắt trực tràng đường bụng và tầng sinh môn
Phẫu thuật cắt trực tràng đường bụng và tầng sinh môn (APR) là phẫu thuật xuyên bụng được sử dụng cho các khối u nằm ở phần thấp của trực tràng. Những khối u này có thể đã phát triển vào hậu môn hoặc cơ sàn chậu gần đó (cơ nâng hậu môn - levator ani). Phẫu thuật APR cắt bỏ hậu môn, trực tràng, phần tiếp đối giữa trực tràng - đại tràng sigma và các mô lành xung quanh. Trong một số trường hợp, cơ nâng hậu môn cũng được cắt bỏ. Sau phẫu thuật này, người bệnh phải đặt hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.
Một số lưu ý cho bệnh nhân ung thư trực tràng giai đoạn 3
- Tác dụng phụ: Chuẩn bị tinh thần cho các tác dụng phụ của điều trị có thể xảy ra, mức độ và thời gian xuất hiện các tác dụng phụ do xạ trị - hóa trị có thể rất khác nhau ở mỗi người.
- Chế độ ăn uống: Chưa có nghiên cứu rõ ràng nào về một chế độ ăn uống có thể giảm triệu chứng hay nguy cơ tái phát của ung thư. Nhưng những bệnh nhân ung thư được khuyến nghị ăn nhiều rau quả, ngũ cốc và thịt trắng (gà, cá). Bên cạnh đó hạn chế ăn nhiều đường, chất béo, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn.
- Thay đổi lối sống: Không sử dụng rượu bia, hút thuốc, tích cực tham gia các hoạt động thể chất để cơ thể khỏe mạnh hơn và duy trì một cân nặng hợp lý.
- Tinh thần: Luôn giữ một tâm lý tích cực, lạc quan. Bệnh nhân có thể tìm sự giúp đỡ và sẻ chia với bạn bè, gia đình, cộng đồng khi cảm thấy tiêu cực, nhất là trong thời gian điều trị bệnh.
Các bệnh nhân ung thư trực tràng sau khi đã kết thúc điều trị - cần duy trì một lối sống lành mạnh, tái khám mỗi 3-6 tháng. Việc tái khám đúng hẹn giúp bác sĩ có thể theo dõi liên tục, giúp phát hiện và điều trị sớm khi có dấu hiệu tái phát bệnh ung thư trong cơ thể.
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ bác sĩ lâm sàng nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị ung thư. Các bác sĩ liên tục cập nhật các phác đồ điều trị mới nhất trên thế giới nhằm cá thể hóa, tăng hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM còn được đầu tư xây dựng đúng theo tiêu chuẩn quốc tế với chi phí điều trị hợp lý, cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp, tận tâm và cao cấp. Đồng thời, bệnh viện cũng trang bị nhiều máy móc hiện đại nhằm hỗ trợ việc điều trị một cách tốt nhất cho người bệnh.
Trên đây là những chia sẻ về phân loại và điều trị ung thư trực tràng giai đoạn 3. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần giữ sự lạc quan, sống lành mạnh và tuân thủ chặt chẽ những chỉ định của bác sĩ để đạt kết quả điều trị tốt nhất.