Ung thư dạ dày là bệnh ác tính tiến triển nhanh, dễ di căn, có các biểu hiện tương đồng với các bệnh dạ dày phổ biến. Khi người bệnh mắc ung thư dạ dày giai đoạn 2, các tế bào ung thư đã bắt đầu có dấu hiệu xâm lấn sang các mô và những cấu trúc xung quanh dạ dày, tuy nhiên vẫn chưa vượt ra ngoài phạm vi dạ dày. Cùng tìm hiểu dấu hiệu, chẩn đoán và cách điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 2 thông qua bài viết sau.
Ung thư dạ dày giai đoạn 2 là gì?
Ung thư dạ dày giai đoạn 2 là tình trạng các tế bào ung thư đã phát triển rộng và xâm lấn vào những lớp khác nhau ở thành dạ dày. Mức độ lan rộng của khối u trong giai đoạn 2 được đánh giá thông qua nhiều yếu tố như vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn những cấu trúc lân cận như thần kinh, mạch máu cũng như các cơ quan khác. (1)
Giai đoạn II được chia thành giai đoạn IIA và IIB.
Ở giai đoạn IIA, ung thư có thể lan đến lớp dưới niêm mạc (lớp mô liên kết giữa niêm mạc và lớp cơ) của thành dạ dày và di căn 3-6 hạch bạch huyết gần đó; hoặc đã lan đến lớp cơ của thành dạ dày và di căn đến 1 hoặc 2 hạch bạch huyết gần đó; hoặc đã lan đến lớp dưới thanh mạc (lớp mô liên kết giữa lớp cơ và lớp ngoài cùng gọi là thanh mạc) của thành dạ dày.
Ở giai đoạn IIB, ung thư có thể lan đến lớp dưới niêm mạc của thành dạ dày và di căn 7 đến 15 hạch bạch huyết gần đó; hoặc đã lan đến lớp cơ của thành dạ dày và di căn 3 đến 6 hạch bạch huyết gần đó; hoặc đã lan đến lớp dưới thanh mạc của thành dạ dày và di căn 1 hoặc 2 hạch bạch huyết gần đó; hoặc đã lan đến thanh mạc của thành dạ dày.
Giải mã phân giai đoạn T, N, M trong ung thư dạ dày
Việc phân ung thư thành các giai đoạn cung cấp một ngôn ngữ chung để các bác sĩ truyền đạt hiệu quả về bệnh ung thư của người bệnh, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị tốt nhất. Hiện nay tại Việt Nam, các bác sĩ thường diễn giải ung thư qua các giai đoạn 0, I, II, III, IV để người bệnh dễ hiểu.
T, N, M là viết tắt của các yếu tố đánh giá tình trạng ung thư gồm T-khối u (tumor), N-hạch bạch huyết (node), M-di căn (metastasis).
Yếu tố T (Tumor = khối u) bao gồm 5 giai đoạn từ T0 đến T4, cụ thể: (2)
- Tx: Không xác định được khối u.
- T0: Không có khối u.
- Từ T1 - T4: Được phân loại dựa trên kích thước, phạm vi xâm lấn của khối u. Số càng lớn, khối u càng lớn và xâm lấn càng nhiều đến các khu vực xung quanh.
Yếu tố N (Node= Hạch) có 4 giai đoạn:
- Nx: Không thể xác định tình trạng di căn ung thư tại các hạch bạch huyết gần đó.
- N0: Không có ung thư di căn trong các hạch bạch huyết.
- N1 - N3: Chỉ số lượng các hạch bạch huyết đã có chứa tế bào ung thư, số càng cao, số lượng hạch bạch huyết có ung thư di căn càng nhiều.
Yếu tố M (Metastasis = di căn) có 2 giai đoạn:
- Mx: Không thể xác định tình trạng di căn.
- M0: Ung thư chưa di căn đến các cơ quan khác trong bộ phận khác của cơ thể.
- M1: Ung thư đã di căn đến các cơ quan bộ khác trong cơ thể.
1. Giai đoạn IIA (T1, N2, M0)
- Khối u xuất phát từ lớp tế bào trong cùng của niêm mạc dạ dày phát triển sang những lớp tiếp theo như lớp đệm, cơ niêm, hoặc lớp dưới niêm mạc (T1).
- Ung thư di căn đến 3-6 hạch bạch huyết vùng lân cận (N2).
- Ung thư chưa di căn hoặc xâm lấn đến những bộ phận khác trong cơ thể (M0).
2. Giai đoạn IIA (T2, N1, M0)
- Khối u xâm lấn vào lớp cơ (T2)
- Ung thư di căn đến 1-2 hạch bạch huyết vùng lân cận (N1).
- Ung thư chưa di căn hoặc xâm lấn đến những bộ phận khác trong cơ thể (M0).
3. Giai đoạn IIA (T3, N0, M0)
- Khối u xâm lấn vào lớp dưới thanh mạc, chưa xâm lấn thanh mạc (T3).
- Ung thư chưa lan đến những hạch bạch huyết lân cận (N0).
- Ung thư chưa di căn hoặc xâm lấn đến những bộ phận khác trong cơ thể (M0).
4. Giai đoạn IIB (T1, N3a, M0)
- Khối u xuất phát từ lớp tế bào trong cùng của niêm mạc dạ dày phát triển sang những lớp tiếp theo như lớp đệm, cơ niêm, hoặc lớp dưới niêm mạc (T1). (3)
- Ung thư di căn đến 7-15 hạch bạch huyết vùng lân cận (N3a).
- Ung thư chưa di căn hoặc xâm lấn đến những bộ phận khác trong cơ thể (M0).
5. Giai đoạn IIB (T2, N2, M0)
- Khối u xâm lấn vào lớp cơ (T2).
- Ung thư di căn đến 3-6 hạch bạch huyết vùng lân cận (N2).
- Ung thư chưa di căn hoặc xâm lấn đến những bộ phận khác trong cơ thể (M0).
6. Giai đoạn IIB (T3, N1, M0)
- Khối u xâm lấn vào lớp dưới thanh mạc, chưa xâm lấn thanh mạc (T3).
- Ung thư di căn đến 1-2 hạch bạch huyết vùng lân cận (N1).
- Ung thư chưa di căn hoặc xâm lấn đến những bộ phận khác trong cơ thể (M0).
7. Giai đoạn IIB (T4a, N0, M0)
- Khối u phát triển xuyên qua thành dạ dày vào lớp thanh mạc, tuy nhiên chưa xâm lấn cơ quan hoặc cấu trúc gần đó (T4a).
- Ung thư chưa di căn đến những hạch bạch huyết vùng lân cận (N0).
- Ung thư chưa di căn hoặc xâm lấn đến những bộ phận khác trong cơ thể (M0).
Tìm hiểu thêm:
- Ung thư dạ dày giai đoạn 0
- Ung thư dạ dày giai đoạn 1
- Ung thư dạ dày giai đoạn 3
- Ung thư dạ dày giai đoạn 4
Dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn II
Dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn 2 có dễ nhận biết không? Ở giai đoạn đầu, ung thư dạ dày thường không có triệu chứng nên khó phát hiện. Các triệu chứng thường bắt đầu sau khi ung thư đã lan rộng.
Khi các triệu chứng của ung thư dạ dày giai đoạn đầu xảy ra, chúng có thể bao gồm: (4)
- Khó tiêu và khó chịu ở dạ dày.
- Cảm giác đầy hơi sau khi ăn.
- Buồn nôn nhẹ.
- Giảm cảm giác ngon miệng.
- Ợ nóng, ợ hơi.
Các triệu chứng của ung thư dạ dày tiến triển ở giai đoạn II (ung thư đã lan ra ngoài dạ dày đến các cấu trúc lân cận) có thể bao gồm các triệu chứng của ung thư dạ dày giai đoạn đầu và cộng thêm các dấu hiệu sau:
- Máu trong phân.
- Nôn mửa.
- Giảm cân không rõ lý do.
- Đau bụng.
- Vàng da (vàng mắt và da).
- Cổ trướng (tích tụ dịch trong bụng).
- Khó nuốt.
Tuy nhiên, đây cũng có thể là các dấu hiệu thường gặp trong những bệnh lý khác của dạ dày. Vì vậy, người bệnh nên đến thăm khám bác sĩ ngay khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Tùy thuộc vào số lượng và tần suất người bệnh gặp phải, bác sĩ sẽ lên kế hoạch chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Ung thư dạ dày giai đoạn 2 có chữa được không?
Có thể chữa được. Khả năng điều trị ung thư dạ dày giai đoạn II thường tích cực hơn so với những giai đoạn sau. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như vị trí và kích thước của khối u, tình trạng tổng thể của người bệnh và mức độ đáp ứng điều trị của người bệnh với các phương pháp khác nhau như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Ung thư dạ dày giai đoạn II sống được bao lâu? Tiên lượng
Thống kê thường được sử dụng để đưa ra yếu tố tiên lượng là tỷ lệ sống sau 5 năm. Tỷ lệ sống sau 5 năm cho biết tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày còn sống sau 5 năm kể từ khi bệnh ung thư được chẩn đoán. Tỷ lệ sống sau 5 năm với các giai đoạn khác nhau của bệnh ung thư dạ dày là: (5)
- 75% ung thư dạ dày khu trú (chỉ ung thư ở dạ dày).
- 35% ung thư dạ dày tiến xa (ung thư đã lan ra ngoài dạ dày đến các hạch bạch huyết hoặc cơ quan lân cận).
- 7% ung thư dạ dày di căn (ung thư đã lan ra ngoài dạ dày đến các cơ quan khác của cơ thể).
Như vậy, tỷ lệ sống của người bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 2 vào khoảng 35%.
Cách chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn II
Nếu người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày, bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm để tìm hiểu xem ung thư có lan rộng hay không và nếu có đã lan bao xa đến các bộ phận khác của cơ thể hay chưa. Việc xác định giai đoạn ung thư dạ dày sẽ giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị hiệu quả nhất. Bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh như:
- Nội soi dạ dày kết hợp sinh thiết tổn thương: giúp bác sĩ quan sát trực tiếp và đánh giá tình trạng hiện tại của niêm mạc dạ dày; xác định chính xác vị trí, kích thước và mức độ lan rộng của khối u bằng cách sử dụng một ống nội soi linh hoạt ở dạ dày. Thông qua nội soi, khối u dạ dày sẽ được bấm mẫu sinh thiết để làm xét nghiệm tế bào học, giúp xác định tính chất ác tính của khối u cũng như thực hiện các xét nghiệm cần thiết khác.
- Chụp ảnh CT và MRI: hình ảnh chụp từ máy CT và MRI có tác dụng xác định mức độ xâm lấn của ung thư và sự ảnh hưởng đến những cơ quan và cấu trúc lân cận.
Cách điều trị ung thư dạ dày giai đoạn II
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần dạ dày và các hạch bạch huyết lân cận là phương pháp điều trị chính cho ung thư dạ dày giai đoạn II. Một số trường hợp có thể được hóa trị và/hoặc xạ trị trước hoặc sau phẫu thuật. Thực hiện hóa trị cùng lúc với xạ trị có thể giúp tăng hiệu quả xạ trị.
Có nhiều loại thuốc hóa trị được sử dụng cho ung thư dạ dày giai đoạn II, bao gồm capecitabine, cisplatin, docetaxel, epirubicin, fluorouracil (5-FU), leucovorin và oxaliplatin. Bác sĩ có thể tiến hành cho người bệnh sử dụng thuốc riêng lẻ hoặc kết hợp để tối ưu hóa việc điều trị.
Tầm soát ung thư dạ dày đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc sàng lọc và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi khối u nhỏ và chưa xâm lấn đến các cấu trúc xung quanh. Việc phát hiện bệnh sớm giúp giảm tần suất, cũng như chi phí điều trị so với các giai đoạn tiến triển. Những phương pháp điều trị bệnh ở giai đoạn sớm cũng ít phức tạp và mang đến hiệu quả tối ưu hơn. Hiện nay, khoa Ung Bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM là một trong những địa chỉ thăm khám và điều trị ung thư dạ dày được nhiều người tin tưởng lựa chọn.
Nhận biết các biểu hiện ung thư dạ dày giai đoạn II để chủ động tầm soát phát hiện bệnh và điều trị sẽ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn tăng khả năng hồi phục của người bệnh.