Ung thư kiêng ăn gì là thắc mắc chung của nhiều người bệnh trong quá trình điều trị, kiểm soát bệnh. Một chế độ ăn khoa học thường hạn chế đồ nướng, chiên rán, nhiều đường, cay nóng… vì không tốt cho sức khỏe.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Th.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Tại sao người bị ung thư cần kiêng một số món?
Người bệnh ung thư cần biết bị ung thư kiêng ăn gì để xây dựng thực đơn hợp lý, khoa học, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ điều trị, kiểm soát bệnh. Một số thực phẩm cần tránh bởi có ảnh hưởng trực tiếp đến triệu chứng, biến chứng, hiệu quả điều trị cũng như tác dụng phụ của phương pháp điều trị. Nhiều bệnh nhân ung thư gặp phải các phản ứng khó chịu do ăn thực phẩm không phù hợp, bao gồm:
- Buồn nôn
- Lở miệng
- Thay đổi cảm nhận mùi vị
Ngoài ra, một số loại thực phẩm còn có thể khiến người bệnh ung thư tăng nguy cơ mắc bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch. Đôi khi, ngộ độc thực phẩm nhẹ cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh ung thư, dẫn đến nhập viện hoặc thậm chí tử vong.
Ung thư kiêng ăn gì?
Dưới đây là một số lời khuyên liên quan đến việc ung thư kiêng ăn gì, người bệnh nên tham khảo:
1. Kiêng theo loại bệnh ung thư
Mỗi loại bệnh ung thư có biểu hiện lâm sàng, cơ chế gây tổn thương, diễn tiến… khác nhau. Vì vậy, người bệnh nên xây dựng thực đơn theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo cơ thể phục hồi tốt, chẳng hạn như:
- Ung thư tuyến tiền liệt: Cần tránh các nguồn mỡ động vật như các sản phẩm từ sữa chưa tách béo, thịt mỡ…
- Ung thư ruột: Cần tránh ăn thịt đỏ, thịt chế biến sẵn…
2. Kiêng theo thể trạng người bệnh
Ung thư kiêng ăn gì? Thực phẩm kiêng khem còn tùy thuộc vào thể trạng người bệnh, cụ thể:
- Người thể hư: Kiêng ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, khó tiêu, nhiều gia vị… để tránh ứ đờm, tăng độc nhiệt…
- Người thể nhiệt: Kiêng ăn cay, thực phẩm ngậy béo, thịt xông khói…
- Người thể hàn: Kiêng ăn đồ sống, hải sản tính lạnh…
- Người thể thực: Kiêng ăn quá nhiều một loại thực phẩm nhất định như vịt, gà, cá, thuốc lá, rượu bia, đồ ăn dầu mỡ…
3. Kiêng theo giai đoạn bệnh
Mỗi giai đoạn bệnh ung thư đều cần chế độ dinh dưỡng riêng, đảm bảo phù hợp với tình trạng sức khỏe tại thời điểm đó, ví dụ như:
- Điều trị bằng phóng xạ: Cần kiêng rượu bia, thuốc lá, thức ăn cay, nhiều dầu mỡ vì đây là thời điểm xuất hiện phản ứng giảm bạch cầu, chức năng tiêu hóa suy giảm.
- Sau khi điều trị bằng phóng xạ: Kiêng ăn các thực phẩm có tính nhiệt cao.
- Sau khi phẫu thuật điều trị ung thư: Kiêng ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, vị đậm, hải sản tanh, thực phẩm cay, nóng.
Người bệnh ung thư không nên ăn gì?
Ung thư không nên ăn gì? Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm nên tránh để hỗ trợ điều trị, kiểm soát bệnh thuận lợi, duy trì sức khỏe ổn định, hạn chế gây ra tác dụng phụ nguy hiểm:
1. Đồ nướng, đồ cháy không tốt cho bệnh nhân ung thư
Đứng đầu danh sách ung thư kiêng ăn gì là các thực phẩm nướng cháy. Thực phẩm được nấu ở nhiệt độ cao, bị cháy xém có thể tạo ra các hóa chất gây ung thư hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng ung thư (gọi là HCA và PAH), đặc biệt là các loại thịt (protein động vật). Do đó, phương pháp chế biến thay thế nên ưu tiên là sử dụng nhiệt ẩm như om, hầm, hấp, luộc…
2. Thực phẩm hun khói
Thịt đã qua chế biến, chẳng hạn như thịt xông khói, thịt muối, thịt sấy khô, xúc xích, giăm bông… không nên thêm vào thực đơn người bệnh ung thư. Loại thực phẩm này có chứa hàm lượng lớn chất bảo quản như nitrat, nitrit, kết hợp đun nóng ở nhiệt độ cao tạo ra rất nhiều hợp chất gây hại sức khỏe. Người khỏe mạnh ăn thịt xông khói cũng có thể tăng nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng… (1)
3. Ung thư nên hạn chế ăn thực phẩm chiên, rán
Nhóm thực phẩm này được chế biến ở nhiệt độ cao, có thể tạo ra các hợp chất gây hại cho sức khỏe, điển hình là acrylamide. Thành phần này có khả năng phá hủy tế bào, làm tăng nguy cơ ung thư hoặc khiến tình trạng ung thư diễn tiến nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, chiên rán có thể hình thành chất béo chuyển hóa, làm tăng mức cholesterol và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bệnh nhân ung thư nên tuyệt đối tránh ăn đồ chiên, rán, nướng, thay vào đó nên ưu tiên trái cây, rau quả tươi, thực phẩm không qua chế biến sẵn để tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm viêm.
4. Tránh ăn thực phẩm bị nấm mốc
Ăn thực phẩm bị nấm mốc trong thời gian dài có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch, dẫn đến ung thư hoặc làm trầm trọng thêm bệnh ung thư đang mắc phải. Do đó, người bệnh ung thư cần tuyệt đối tránh ăn phải các thực phẩm nghi bị nhiễm nấm mốc.
5. Nói không với rượu bia
Rượu bia có thể làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, làm suy yếu tim, ảnh hưởng đồng thời đến chức năng não bộ, gan, phổi và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Ngoài ra, rượu bia cũng gây ra hiện tượng mất nước, làm tăng tác dụng phụ từ các phương pháp điều trị. Trong khi đó, bệnh nhân ung thư đang có thể trạng rất yếu, cần tuyệt đối bỏ rượu để tránh tình trạng sức khỏe trở nên nghiêm trọng hơn.
6. Hạn chế thực phẩm, đồ uống chứa nhiều đường
Ung thư không nên ăn gì? Thức ăn, đồ uống nhiều đường là nhóm thực phẩm hàng đầu mà bệnh nhân ung thư nên tránh. Đường góp phần tăng cân, kháng insulin, tăng viêm, nhiều calo, ít giá trị dinh dưỡng… Những yếu tố này đều có thể khiến tình trạng bệnh lý diễn tiến nghiêm trọng hơn, khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch. Lời khuyên hữu ích cho bệnh nhân là nên uống nhiều nước lọc để thúc đẩy thải độc tố và tăng giữ nước cho cơ thể.
7. Giảm các thực phẩm chứa nhiều muối
Giữ nước trong cơ thể là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị ung thư. Việc ăn thực phẩm nhiều muối sẽ làm tăng khả năng mất nước trong tế bào, khiến cho các tác dụng phụ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, điều quan trọng là cần tránh nhóm thức ăn này, tránh rượu bia, caffeine vì tác động cũng tương tự.
8. Ung thư không nên ăn nhiều thịt đỏ
Thịt đỏ là một trong những thực phẩm người bệnh ung thư không nên ăn quá nhiều. Loại thịt này chứa các hợp chất có thể làm tăng tình trạng viêm và thúc đẩy hình thành tế bào ung thư. Người bệnh nên giới hạn dưới 500g thịt đỏ một tuần (khoảng 70g mỗi ngày) và hạn chế thịt chế biến sẵn. Bệnh nhân nên dùng thêm protein từ thực vật như các loại đậu, hạt…
9. Thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp
Thức ăn nhanh, đồ ăn vặt đóng hộp phần lớn không cân bằng dinh dưỡng, chỉ làm no tạm thời. Nhóm thực phẩm này chứa nhiều muối, chất bảo quản, gây mất nước và không tốt cho sức khỏe người bệnh.
10. Kiêng ăn thực phẩm tái, sống
Thịt, hải sản, trứng tái, sống thường chứa rất nhiều vi khuẩn, virus, khiến cho bệnh ung thư diễn tiến nặng, người bệnh cần tuyệt đối tránh (2). Nhiệt độ chế biến tối thiểu đối với thịt bò, thịt lợn, thịt bê, thịt cừu, cá, động vật có vỏ là khoảng 63 độ C, thịt bò xay là 71 độ, gia cầm là 74 độ.
11. Thức ăn cay nóng
Người mắc bệnh ung thư cần tránh ăn đồ cay nóng. Nguyên nhân do thức ăn cay gây kích ứng hệ tiêu hóa, dễ gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng, đặc biệt nguy hiểm đối với tình trạng ung thư dạ dày, thực quản… Lời khuyên hữu ích là nên chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, ít gia vị… để hỗ trợ tiêu hóa thuận lợi. (3)
Những điều cần tránh trong quá trình điều trị ung thư
Sau khi biết ung thư kiêng ăn gì, người bệnh cũng nên cân nhắc một số lưu ý cần tránh sau đây:
1. Nhịn ăn, bỏ đói khối u
Nhịn ăn khi bị ung thư sẽ làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng, dẫn đến sụt cân mất kiểm soát, gây mệt mỏi và làm chậm quá trình chữa bệnh. Ngoài ra, điều này còn gây khó khăn đối với việc hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt là khi người bệnh đang gặp các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa, chán ăn…
2. Stress, căng thẳng
Người bệnh bị ung thư rất dễ rơi vào trạng thái stress. Tuy nhiên, căng thẳng, áp lực tinh thần sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị. Người bệnh nên duy trì tâm lý thư giãn, thoải mái tối đa bằng cách vận động nhẹ nhàng, trò chuyện, nghe nhạc, thiền, tập yoga…
3. Hút thuốc
Người bệnh ung thư cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá để hỗ trợ đạt hiệu quả điều trị cao, giảm biến chứng và nguy cơ tái phát bệnh. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng, nhất định phải cân nhắc thực hiện.
4. Thức khuya không tốt cho người bệnh ung thư
Trong quá trình điều trị ung thư, người bệnh thường khó ngủ do trầm cảm, lo lắng, mệt mỏi, gặp các vấn đề về tiêu hóa, khó thở, bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm… Tuy nhiên, người bệnh nên cố gắng đi ngủ sớm để tránh sức khỏe giảm sút nghiêm trọng hơn. Việc thiếu ngủ có thể ức chế hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, tăng stress, trầm cảm và nhiều vấn đề đáng lo ngại khác. Lời khuyên quan trọng là nên duy trì chu kỳ ngủ khoa học, ngủ sớm, ngủ ít nhất 8 tiếng/ ngày và có thể ngủ ngắn vào buổi trưa để giữ sức khỏe ổn định.
5. Uống thuốc, thực phẩm chức năng không được bác sĩ kê đơn
Bệnh nhân ung thư cần điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không tự ý uống thuốc, thực phẩm chức năng, thuốc nam. Việc dùng thuốc không theo hướng dẫn chỉ định tiềm ẩn rất nhiều vấn đề nguy hiểm.
6. Tập luyện, lao động nặng
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, số chu kỳ hóa trị chỉ định cho mỗi bệnh nhân là khác nhau. Giữa các chu kỳ thường có khoảng cách vài ngày, được dùng để bệnh nhân phục hồi và lấy lại năng lượng.
Hóa trị khiến cơ thể vô cùng mệt mỏi. Vì vậy, người bệnh cần tránh tập luyện, hoạt động, lao động quá sức để chuẩn bị sức khỏe cho chu kỳ tiếp theo. Với các hoạt động hàng ngày, bệnh nhân có thể nhờ sự giúp đỡ từ các thành viên trong gia đình để tránh gắng sức.
Một số lưu ý cho người bị ung thư
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng trong xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư:
1. Chế độ dinh dưỡng
Bổ sung đầy đủ các loại dưỡng chất/ nhóm thực phẩm có lợi sau đây:
- Rau giàu vitamin, chất xơ: Cà chua, cà rốt, đậu Hà Lan, bí ngô, củ cải, bông cải xanh, súp lơ, bắp cải, măng tây…
- Trái cây giàu vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa: Cam, chuối, kiwi, đào, xoài, lê, dâu tây, bơ, ổi, mơ, mận…
- Thực phẩm giàu protein lành mạnh: Thịt nạc, cá, thịt gia cầm, trứng, các sản phẩm từ sữa, các loại hạt, đậu xanh…
- Thực phẩm giàu carbohydrate lành mạnh: Cơm, mì, bánh mì nguyên hạt, bánh quy, yến mạch, ngô, khoai tây, đậu, các sản phẩm từ sữa, mật ong…
2. Xử lý thực phẩm
- Rửa tay bằng nước xà phòng trong 20 giây trước và sau khi chế biến thức ăn/ trước khi ăn.
- Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ tối thiểu 4 độ C
- Rã đông thịt, cá hoặc gia cầm trong lò vi sóng hoặc tủ lạnh, không rã đông ở nhiệt độ phòng.
- Sử dụng thực phẩm ngay sau khi rã đông và không làm đông trở lại
- Rửa sạch trái cây và rau quả dưới vòi nước chảy trước khi gọt vỏ hoặc cắt, không sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa, dung dịch tẩy clo hoặc nước rửa sản phẩm thương mại.
- Rửa sạch từng lá rau dưới vòi nước chảy
- Không ăn rau mầm sống, trái cây và rau củ bị mốc
- Không mua sản phẩm đã được cắt sẵn ở cửa hàng
- Không ăn trứng có vỏ bị nứt hoặc có mùi lạ
Trên đây là những thông tin góp phần giải đáp thắc mắc ung thư kiêng ăn gì và các loại thực phẩm có lợi được khuyến khích thêm vào thực đơn hàng ngày dành cho người bệnh ung thư. Hy vọng thông qua những thông tin này, người bệnh có thêm nhiều cập nhật hữu ích để xây dựng chế độ ăn uống khoa học, giúp bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ điều trị và kiểm soát bệnh ung thư hiệu quả.