1. Ung thư nướu răng là gì?
Ung thư nướu răng là một trong nhóm các bệnh ung thư của khoang miệng. Đây là một dạng ung thư thường xuất hiện và thường gặp ở nam nhiều hơn nữ giới, do liên quan tới yếu tố sử dụng thuốc lá, rượu bia.
Ung thư nướu răng là tình trạng các tế bào niêm mạc miệng phát triển một cách bất thường, không dưới sự kiểm soát của cơ thể. Cũng như các dạng ung thư khác thì các tế bào ung thư nướu cũng có thể xâm lấn các mô xung quanh và di căn tới các cơ quan lân cận hoặc cơ quan ở xa theo đường bạch huyết.
Thông thường, do khi xuất hiện bệnh sẽ gây ra đau vùng nướu bị tổn thương nên dễ nhầm với viêm nướu. Khác nhau là thời gian đau kéo dài và những tổn thương này có thể làm thay đổi màu sắc của niêm mạc xung quanh và tổn thương không lành, đau kéo dài.
2. Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây ung thư nướu
Cũng như các dạng ung thư khác thì ung thư nướu chưa thực sự rõ ràng về nguyên nhân gây bệnh. Nhưng với một số người có yếu tố nguy cơ thì tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:
- Kích thích mạn tính vào lợi: Những người có thói quen thường hay nghiến răng, cắn chặt vào nướu điều này sẽ làm tổn thương lợi mãn tính và nguy cơ dễ bị dẫn đến ung thư; những người dùng răng giả không đúng cách hay kích thích vào lợi.
- Không chăm sóc răng miệng đúng cách: Việc lười vệ sinh răng miệng, đánh răng không đúng cách không loại bỏ được vi khuẩn trong khoang miệng khiến chúng tấn công niêm mạc miệng và gây tình trạng viêm nhiễm, gây các bệnh về răng, nướu và cũng làm tăng nguy cơ ung thư.
- Hút thuốc lá hay tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên: Những người có thói quen hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường có khói thuốc thường xuyên sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư nướu cao hơn rất nhiều so với người không hút thuốc lá.
- Uống nhiều rượu: rượu cũng là một yếu tố gây nguy hại cho cơ thể, không chỉ ảnh hưởng tới nhiều cơ quan mà nó cũng là yếu tố khiến cho bạn dễ mắc bệnh ung thư khoang miệng hơn.
- Bệnh ung thư nướu răng còn có thể gặp nhiều hơn ở những người phải thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời; Không được cung cấp đủ nước cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Những yếu tố nguy cơ này làm tăng nguy cơ gây bệnh, tuy nhiên cũng có những người không có những nguy cơ này. Cho nên nếu thấy những bất thường ở khoang miệng lâu lành hay đau đớn nên tới khám tại các cơ sở y tế.
3. Dấu hiệu nhận biết ung thư nướu răng
Mặc dù khá dễ bị nhầm với viêm nướu nhưng nó thường kéo dài gây ảnh hưởng ngay tới những chức năng quan trọng như ăn nhai, nói chuyện nên thường được chú ý và phát hiện sớm hơn. Những dấu hiệu nhận biết tình trạng ung thư nướu răng bao gồm:
- Nướu răng có vết tổn thương và lâu lành: Nếu như bạn thấy xuất hiện một vết loét kèm theo cảm giác đau hoặc không nhưng lại rất lâu lành, có thể kéo dài trên 2 tuần và làm thay đổi màu sắc của vùng niêm mạc xung quanh. Đây là một dấu hiệu bất thường cần được lưu ý.
- Vùng nướu răng xuất hiện khối bất thường: Khi tế bào ung thư ở nướu phát triển nhanh thì sẽ hình thành nên khối ung thư chỉ trong thời gian ngắn. Nếu bạn thấy một vùng nướu răng nào đó trong miệng xuất hiện khối u, đau và có màu đậm hơn vùng nướu khác và có thể dễ bị chảy máu thì có khả năng là dấu hiệu của ung thư nướu răng.
- Răng lung lay: Do nướu bị tổn thương nghiêm trọng sẽ làm cho chân răng bị lỏng hơn, răng dễ bị lung lay. Tuy nhiên đây cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác như bệnh viêm nhiễm chân răng, viêm nha chu... cho nên để biết chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng này là gì thì cần phải được thăm khám.
- Lưỡi bị lở loét: Ung thư nướu có thể gây ảnh hưởng tới lưỡi, nhất là vùng lưỡi lân cận, làm cho lưỡi bị lở loét và đau đớn. Khó khăn trong việc nói chuyện giao tiếp.
- Có thể vùng nướu bị tổn thương dễ bị chảy máu hơn, đau đớn hoặc có khối tại khoang miệng khiến cho bạn khó nói chuyện hay ăn uống.
- Một số biểu hiện khi bệnh tiến triển nhanh: Thay đổi vị giác mà không liên quan tới các bệnh lý khác, chảy máu nhiều trong khoang miệng, nuốt đau, nói khó, hạch bạch huyết vùng lân cận sưng đau, giảm cân không rõ lý do.
4. Cách điều trị ung thư nướu răng
Điều trị ung thư nướu có thể sử dụng các biện pháp bao gồm:
- Phẫu thuật: Là phương pháp thường được áp dụng phổ biến nhất trong việc điều trị ung thư nướu răng. Cách thực hiện phẫu thuật đó là bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ khối u và các mô xung quanh nướu bị tổn thương. Thông thường, những khối u nhỏ sẽ được cắt bỏ thông qua phẫu thuật mở nhỏ, còn khối u lớn thì có thể phải mở rộng nhiều vùng hơn nữa. Phẫu thuật thường kèm theo việc nạo hạch bạch huyết vùng lân cận để kiểm soát nguy cơ các tế bào ung thư di căn tới các cơ quan khác. Sau cuộc phẫu thuật điều trị người bệnh có thể được phẫu thuật để chỉnh lại các vùng trong khoang miệng
- Xạ trị: Là phương pháp dùng tia xạ có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư, thường được áp dụng điều trị bệnh trong giai đoạn đầu của ung thư nướu răng khi khối u còn nhỏ. Để làm tăng hiệu quả điều trị, liệu pháp xạ trị thường được kết hợp với hóa trị.
- Hóa trị: Đây là phương pháp sử dụng các loại hóa chất nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với phương pháp điều trị khác để giúp nâng cao kết quả điều trị.
Các phương pháp điều trị kết hợp: Là những biện pháp được dùng chung với một trong các biện pháp chính để giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm các triệu chứng khác kèm theo.
- Thuốc điều trị triệu chứng: Có thể dùng thuốc giảm đau, chống viêm khi cần, chống nôn nếu bệnh nhân điều trị nôn nhiều...
- Chế độ dinh dưỡng: Người bệnh cần nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đầy đủ đa dạng để cung cấp dưỡng chất cần thiết.
Chăm sóc sau phẫu thuật:
- Sau điều trị thì khoang miệng, nướu răng sẽ rất đau nên bệnh nhân nên ăn những loại thức ăn loãng, mềm như súp, cháo loãng, canh... để dễ ăn, dễ nuốt hơn. Tuy ăn loãng nhưng vẫn người bệnh cần lựa chọn thức ăn có chứa nhiều dinh dưỡng để cung cấp đầy đủ chất cần thiết cho cơ thể mới nhanh hồi phục sức khỏe.
- Người bệnh ung thư nướu răng không nên sử dụng những thực phẩm chứa những chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, thực ăn cay, quá nóng hay quá lạnh... để tránh gây kích ứng đến vết thương tại nướu và làm giảm hiệu quả điều trị.
Chú ý vệ sinh răng miệng: Sử dụng chỉ nha khoa, đánh răng bằng bàn chải mềm để làm sạch khoang miệng, ngăn ngừa viêm nhiễm. Khi mới phẫu thuật thì không nên súc miệng bằng nước muối, chỉ nên súc miệng nhẹ bằng nước thường ở nhiệt độ thích hợp.
5. Ung thư nướu răng sống được bao lâu?
Ung thư nướu răng sống được bao lâu thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như người bệnh được phát hiện vào giai đoạn bệnh nào, sức khoẻ của người bệnh và các phương pháp điều trị đã áp dụng. Người ta ước tính được răng:
- Với những người phát hiện bệnh ở giai đoạn 1 và 2 có thể sống 3 năm hoặc hơn chiếm 80%.
- Với những người phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 và 4 thì tỷ lệ sống trên 3 năm thấp hơn chỉ khoảng 50%.
Như vậy, bệnh ung thư nướu răng có thể điều trị được bằng nhiều phương pháp. Nhưng hiệu quả kéo dài sự sống còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng quan trọng nhất đó là phát hiện được càng sớm thì tỷ lệ khỏi bệnh càng cao. Cho nên, nếu có những biểu hiện nghi ngờ cần khám và điều trị sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.