Xạ trị là gì?
Liệu pháp xạ trị sử dụng các hạt hoặc sóng năng lượng cao như: tia X, tia gamma, các chùm electron hoặc proton, để tiêu diệt hoặc phá hủy các tế bào ung thư.
Bình thường các tế bào trong cơ thể phát triển và phân chia để tạo thành các tế bào mới. Nhưng các tế bào ung thư phát triển và phân chia nhanh hơn hầu hết các tế bào lành. Xạ trị sẽ phá vỡ DNA thành các đoạn nhỏ bên trong các tế bào. Sự phá vỡ này ngăn cản các tế bào ung thư phát triển, phân chia và làm chết tế bào ung thư. Các tế bào lành gần đó cũng có thể bị ảnh hưởng bởi bức xạ nhưng phần lớn sẽ phục hồi và lại hoạt động bình thường.
Trong khi dùng hóa trị và các phương pháp điều trị khác, các thuốc chống ung thư được đưa vào cơ thể bằng đường uống hoặc đường tiêm, làm cho toàn bộ cơ thể chịu ảnh hưởng của thuốc chống ung thư thì xạ trị thường là điều trị tại chỗ. Điều này có nghĩa là xạ trị chỉ ảnh hưởng tới phần cơ thể cần được điều trị. Liệu pháp xạ trị được lên kế hoạch để tác động và làm tổn thương các tế bào ung thư đồng thời giảm thiểu tác hại tới các tế bào lành xung quanh.
Một số phương pháp điều trị bức xạ (liệu pháp xạ trị toàn thân) sử dụng các chất phóng xạ được đưa vào đường tĩnh mạch hoặc bằng đường uống. Mặc dù loại phóng xạ này đi khắp cơ thể, chất phóng xạ chủ yếu tập trung ở khu vực của khối u, do đó ít ảnh hưởng đến phần còn lại của cơ thể.
Ai nên được điều trị bằng liệu pháp xạ trị?
Hơn một nửa số người mắc bệnh ung thư được xạ trị. Xạ trị có thể là phương pháp điều trị ung thư duy nhất cần thiết (xạ trị đơn thuần) hoặc được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị khác. Quyết định sử dụng liệu pháp xạ trị phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn ung thư và các vấn đề sức khỏe khác của người bệnh.
Mục đích của xạ trị là gì?
Hầu hết các phương pháp xạ trị không tác động được tới được tất cả các phần của cơ thể, điều đó có nghĩa là xạ trị không hữu ích với ung thư đã lan rộng nhiều nơi trong cơ thể. Tuy nhiên, xạ trị vẫn là phương pháp điều trị được nhiều loại ung thư khi sử dụng đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác. Trong khi cần nhớ rằng thể trạng và tình trạng ung thư của mỗi người bệnh mỗi khác, nhìn chung xạ trị được lựa chọn cho các mục đích sau:
· Để chữa khỏi hoặc thu nhỏ ung thư giai đoạn sớm
Một số loại ung thư rất nhạy cảm với xạ trị. Xạ trị có thể được sử dụng trong những trường hợp này để làm cho ung thư thuyên giảm hoặc biến mất hoàn toàn. Trong một số trường hợp, hóa chất hoặc các thuốc chống ung thư khác có thể được sử dụng trước khi xạ trị. Đối với các loại ung thư khác, xạ trị có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u (đây được gọi là liệu pháp tiền phẫu hoặc liệu pháp tân bổ trợ), hoặc sử dụng sau phẫu thuật để giúp ung thư không tái phát (gọi là liệu pháp bổ trợ).
Đối với một số loại ung thư có thể được điều trị bằng xạ trị hoặc phẫu thuật, xạ trị thường được lựa chọn nhiều hơn. Điều này là do so với phẫu thuật, xạ trị thường gây ra ít tổn thương hơn và phần cơ thể được điều trị có nhiều khả năng duy trì chức năng sau điều trị hơn.
Đối với một số loại ung thư, xạ trị và hóa trị hoặc các loại thuốc chống ung thư khác có thể được sử dụng kết hợp. Một số loại thuốc (được gọi là hóa chất tăng nhạy xạ) giúp tăng hiệu quả xạ trị bằng cách làm cho các tế bào ung thư nhạy cảm hơn với tia bức xạ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi các loại thuốc chống ung thư và tia xạ được kết hợp với nhau đối với một số loại ung thư, chúng có thể làm tăng hiệu quả điều trị so với khi chúng được sử dụng riêng rẽ. Tuy nhiên, một nhược điểm của sử dụng đồng thời như vậy là tác dụng phụ thường nặng hơn.
Ảnh 1. Xạ trị điều biến liều để điều trị ung thư đầu mặt cổ tại Bệnh viện Ung Bướu Hà nội
· Để ngăn chặn ung thư quay trở lại (tái phát) ở một vị trí khác trong cơ thể
Ung thư có thể lan từ vị trí ban đầu đến các bộ phận khác trong cơ thể. Các bác sĩ thường mặc định rằng một vài tế bào ung thư có thể đã lan tỏa ngay cả khi chúng không thể nhìn thấy khi sử các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như CT hoặc MRI. Trong một số trường hợp, khu vực cơ thể nhiều khả năng bị ung thư lan tới nhất có thể được điều trị bằng tia xạ để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào trước khi chúng hình thành khối u. Ví dụ, những người mắc một số loại ung thư phổi có thể phải chiếu xạ vào não, ngay cả khi chưa phát hiện ung thư ở đó, vì loại ung thư phổi này thường lan đến não. Điều này giúp ngăn chặn việc ung thư phát triển ở não. Đôi khi, xạ trị ngăn ngừa ung thư phát triển ở vị trí khác có thể được sử dụng cùng lúc với xạ trị điều trị ung thư ở vị trí hiện tại, đặc biệt là khi vị trí ung thư có thể lan đến ở gần với vị trí hiện tại của khối u.
· Để điều trị các triệu chứng do ung thư tiến triển
Khi ung thư đã lan tràn quá rộng sẽ rất khó để điều trị. Nhưng một số khối u ở giai đoạn này vẫn có thể được điều trị làm cho chúng nhỏ đi để người bệnh có thể cảm thấy dễ chịu hơn. Xạ trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng như đau, khó nuốt, khó thở hoặc tắc ruột do ung thư tiến triển. Điều này được gọi là xạ trị giảm nhẹ (hay xạ trị triệu chứng).
· Để điều trị ung thư tái phát
Trên người bệnh bị ung thư tái phát, xạ trị có thể được sử dụng để điều trị ung thư hoặc điều trị các triệu chứng do ung thư tiến triển. Việc xạ trị có được sử dụng khi ung thư tái phát hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, nếu ung thư tái phát ở phần cơ thể đã được xạ trị trước đó, thì việc cung cấp thêm liều xạ ở cùng một nơi có thể là không khả thi. Điều này phụ thuộc vào liều xạ đã được sử dụng trước đó. Trong các trường hợp khác, xạ trị có thể được sử dụng trong cùng một khu vực của cơ thể hoặc ở khu vực khác. Một số khối u không đáp ứng tốt với tia xạ, vì vậy liệu pháp xạ trị có thể không được sử dụng ngay cả khi bệnh tái phát.
Xạ trị được thực hiện như thế nào?
Xạ trị có thể được thực hiện theo 3 cách:
Xạ trị ngoài (hoặc bức xạ ngoài): sử dụng máy điều khiển các tia năng lượng cao đi từ bên ngoài cơ thể vào khối u. Cách này được thực hiện cho bệnh nhân ngoại trú đến bệnh viện hoặc trung tâm điều trị, thường được tiến hành trong nhiều tuần và đôi khi sẽ được thực hiện hai lần một ngày trong vài tuần. Một người được điều trị xạ ngoài sẽ không phát xạ và do đó không phải tuân theo các biện pháp phòng ngừa an toàn đặc biệt tại nhà.
Xạ trị trong: xạ trị trong còn được gọi là xạ trị áp sát. Một nguồn phóng xạ được đưa vào bên trong cơ thể trong khối u hoặc gần khối u. Với một số loại xạ trị áp sát, nguồn xạ có thể được đặt vào trong cơ thể để hoạt động. Đôi khi nó được đặt trong cơ thể trong một khoảng thời gian và sau đó được loại bỏ. Điều này tùy thuộc vào loại ung thư. Các biện pháp cảnh báo an toàn cho loại bức xạ này là cần thiết trong một khoảng thời gian. Điều quan trọng cần hiểu là nếu nguồn xạ bên trong còn lại trong cơ thể, sau một thời gian cũng không còn hoạt tính phóng xạ nữa.
Ảnh 2. Xạ trị áp sát được áp dụng điều trị ung thư vòm, cổ tử cung, trực tràng, tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Xạ trị toàn thân: Thuốc phóng xạ được đưa qua đường uống hoặc đưa vào tĩnh mạch để điều trị một số loại ung thư nhất định. Những loại thuốc phóng xạ này sau đó đi khắp cơ thể. Người bệnh có thể phải tuân thủ các cảnh báo đặc biệt tại nhà trong một khoảng thời gian sau khi các loại thuốc phóng xạ này được đưa vào cơ thể.
Loại phóng xạ sử dụng cho người bệnh phụ thuộc vào loại ung thư và vị trí bị ung thư. Trong một số trường hợp, cần sử dụng không chỉ một loại thuốc phóng xạ. Bác sỹ điều trị có thể trả lời các câu hỏi cụ thể của người bệnh về loại phóng xạ được chỉ định, ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh như thế nào và người bệnh cần biết những cảnh báo gì.
Khoa Xạ trị - Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội được trang bị hệ thống máy xạ trị gia tốc hiện đại có thể thực hiện tất cả các kỹ thuật xạ trị tiên tiến để điều trị cho bệnh nhân ung thư khi có chỉ định tia xạ như:
- Máy Varian: có thể thực hiện được các kỹ thuật cao như xạ trị 3D, xạ trị điều biến liều IMRT
- Máy xạ trị áp sát suất liều cao
Kỹ thuật xạ trị đang được áp dụng tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội:
- Xạ trị 3D-CRT (Xạ trị 3D theo hình dạng khối u)
- Xạ trị điều biến liều (IMRT): Áp dụng điều trị ung thư đầu mặt cổ, là kỹ thuật xạ trị tiên tiến, sử dụng máy gia tốc tuyến tính để đưa liều xạ chính xác tới khối u, hoặc thể tích cần điều trị.
- Xạ trị áp sát: áp dụng trong điều trị ung thư vòm, cổ tử cung, trực tràng Tìm hiểu thêm thông tin về Tìm hiểu về điều trị ung thư bằng xạ trị (phần 2) tại đây: https://benhvienungbuouhanoi.vn/kien-thuc-ung-thu-1/tim-hieu-ve-dieu-tri-ung-thu-bang-xa-tri-phan-2.html
Nguồn: www.cancer.org. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ
Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/treatment-types/radiation/basics.html Truy cập ngày 4/8/2020
Biên dịch: ThS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Hà - Khoa Xạ trị - Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng - ĐV HTQT-NCKH