Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Mạnh Hà và điều dưỡng Phạm Thị Quỳnh - Trung tâm Xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Ung thư vú là sự phát triển không kiểm soát của các tế bào ác tính của vú. Các dạng ung thư vú gồm: Ung thư biểu mô thể ống, ung thư biểu mô thể nang, và ung thư núm vú.
1. Khái niệm xạ trị
Xạ trị là một trong những phương pháp phổ biến nhất trong điều trị ung thư. Phương pháp này sử dụng các hạt hoặc sóng có năng lượng cao như: Tia X, hoặc photon năng lượng cao, các chùm tia ít đâm xuyên và tập trung nhiều hơn vào vị trí điều trị để tiêu diệt hoặc phá hỏng các tế bào ung thư, kìm hãm sự phát triển của chúng.
Xạ trị điều trị tại chỗ nên chỉ gây ảnh hưởng đến 1 vị trí đặc biệt trong cơ thể, chứ không ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể như hóa trị.
Xạ trị có khả chữa khỏi một số loại bệnh ung thư nhất định, bên cạnh đó xạ trị còn giúp hỗ trợ trước và sau phẫu thuật, làm tăng hiệu quả của hóa trị và làm giảm những triệu chứng do bệnh ung thư gây nên.
Xạ trị sau phẫu thuật làm giảm nguy cơ tái phát tại vú và cải thiện thời gian sống thêm cho người bệnh. Xạ trị cung cấp chùm tia bức xạ một cách tập trung vào vị trí khối u, thành ngực và các hạch bạch huyết mà ở đó các tế bào ung thư chưa được phát hiện ra, chưa được cắt bỏ hoặc còn sót lại sau phẫu thuật.
Xạ trị hóa trị và phẫu thuật có thể sử dụng cùng một lúc đối với nhiều loại ung thư.
2. Các tác dụng phụ của xạ trị ung thư vú
2.1. Tác dụng phụ sớm
Tác dụng phụ sớm thường có thể xuất hiện từ những buổi đầu tiên sau khi xạ và tăng lên từ tuần thứ 2, thứ 3 khi điều trị, tác dụng phụ này sẽ được cải thiện sau khi kết thúc điều trị.
Một số những tác dụng phụ sớm người bệnh xạ trị ung thư vú có thể gặp:
- Viêm da xạ trị
- Mệt mỏi
- Nôn, buồn nôn, ăn uống kém
- Viêm phổi
2.2. Tác dụng phụ muộn
Tác dụng phụ muộn xuất hiện > 90 ngày sau khi kết thúc điều trị.
Một số những tác dụng phụ sớm người bệnh xạ trị ung thư vú có thể gặp:
- Viêm phổi, viêm phổi kẽ
- Ảnh hưởng đến tim và tủy sống
- Viêm quanh khớp vai, xơ hóa
- Viêm đám rối thần kinh, giãn mao mạch
- Phù bạch huyết
3. Lời khuyên dành cho người bệnh xạ trị ung thư vú
3.1. Chăm sóc da vùng xạ
3.1.1. Viêm da xạ trị
Viêm da xạ trị là tác dụng phụ thường gặp, nó giống như da bị cháy nắng: tấy đỏ, rát và kích ứng và được chia làm 4 độ:
- Độ 0: Da bình thường
- Độ 1: Trên da xuất ban đỏ, thay đổi màu sắc da, cháy nắng, mụn thịt, ngứa, rát.
- Độ 2: Bong tróc da ẩm tại các vị trí là nếp gấp, hoặc cọ sát nhiều, không chảy dịch, hoặc phù nề vừa phải giới hạn < 50% diện tích trường chiếu (bong da khô).
- Độ 3: Bong da ẩm ở ngoài nếp gấp, tổn thương lớp thượng bì, phù nề, loét >2cm, chảy dịch >50% diện tích trường chiếu (bong da ẩm).
- Độ 4: Độ ăn sâu hơn, chảy máu hoặc như các triệu chứng nhiễm khuẩn, loét lan rộng, hoại tử hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng.
3.1.2. Bảo vệ da
- Mặc áo thoáng rộng chất cotton thấm hút mồ hôi tốt, không mặc áo con, áo bó sát người bởi nó sẽ gây cọ sát, mất thông thoáng, tích tụ mồ hôi dẫn đến tình trạng viêm da, đau rát, tổn thương thêm vùng da xạ trị.
- Nếu có cảm giác ngứa ở vùng điều trị thì không gãi vì nó có thể làm cho vùng da bị kích ứng và bong ra làm cho da trở nên đau rát và trầm trọng hơn, bạn nên cắt ngắn móng tay khi chăm sóc da xạ trị.
- Không sử dụng các loại miếng dán có chứa cồn để dán lên vùng da điều trị
- Tránh tiếp xúc trực tiếp da vùng điều trị với ánh nắng mặt trời đặc biệt mùa hè khung giờ từ 9h- 15h, tránh các khu vực có nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
- Không bơi lội do những thay đổi da của xạ trị có thể bị kích ứng bởi clo hoặc hóa chất trong hồ bơi.
Vệ sinh da:
- Giữ cho vùng da luôn luôn sạch sẽ, tắm bằng nước sạch xà phòng dành cho trẻ em, nước không quá nóng, không lạnh nên nhẹ nhàng, không chà xát vùng da điều trị.
- Sử dụng khăn lông mềm thấm khô da vùng da xạ, không sử dụng mỹ phẩm hay các hóa chất làm sạch lên vùng da xạ trị
- Giữ ẩm cho da:
- Bôi kem bảo vệ phóng xạ theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng các loại kem dưỡng da khác. Làm sạch da bằng nước muối sinh lý trước khi bôi kem.
- Thoa kem nhẹ nhàng xung quanh vùng da xạ, thoa một lớp mỏng, không thoa chồng chéo nhau ngày 2-3 lần. Thoa kem trước xạ trị 1-2h hoặc sau khi xạ xong 1h. Không thoa kem ngay trước khi xạ trị.
Lưu ý: Không để lớp kem bám dày trên mặt da vùng xạ trị làm giảm tác dụng của tia xạ. Tiếp tục dùng ít nhất 1 tháng sau xạ trị.
3.2. Mệt mỏi, nôn, buồn nôn, ăn uống kém
- Lên một kế hoạch luyện tập, vận động nghỉ ngơi hợp lý và duy trì nó đều đặn.
- Tập bài tập thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, vận động co giãn người, hít thở tập yoga nhẹ nhàng vào buổi tối để giúp bạn cải thiện và tăng cường thể chất, thể lực. Hạn chế dạng, xoay khớp vai bên xạ trị (trong thời gian đang điều trị).
- Sử dụng các thực phẩm chứa nhiều protein, trong thịt nạc, trứng, sữa... và giàu calo
- Một số người có triệu chứng như đau, buồn nôn, tiêu chảy, cảm giác khó ngủ hoặc cảm thấy lo lắng cũng như chán nản thất vọng, điều này có thể làm cho cơ thể trở nên mệt mỏi hơn, việc điều trị đáp ứng cũng kém hơn những bệnh nhân giữ được tinh thần lạc quan vui tươi,
- Xạ trị vào vùng ngực có thể gây buồn nôn hoặc nôn nếu vùng điều trị gần dạ dày. Điều này thường kéo dài vài tuần sau kết thúc xạ. Thuốc, chế độ ăn uống, đôi khi là trị liệu bổ sung có thể giúp kiểm soát. Hiện tượng nôn và buồn nôn tăng nhiều hơn khi có hóa xạ trị đồng thời.
Sử dụng thuốc chống nôn: Buồn nôn thường được kiểm soát tốt với thuốc. Hãy báo với bác sĩ nếu bạn cảm thấy buồn nôn, nôn
Chế độ ăn uống:
- Chia nhỏ bữa ăn 5-6 bữa/ngày.
- Trước khi xạ trị nên ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa, tránh đồ ăn chiên, béo, nhiều gia vị gây khó chịu cho dạ dày. Khi cảm thấy buồn nôn thì không nên ăn.
- Nên ăn đồ nguội hoặc hơi ấm, vì đồ ăn nóng thường có mùi mạnh dễ gây kích thích.
- Uống nhiều nước và uống từng ngụm nhỏ trong suốt cả ngày. Tránh uống nhiều 1 lượng nước trước khi ăn.
- Nên uống các đồ uống có hàm lượng dinh dưỡng cao như sữa Forticare, Ensure. Bạn cũng không nên vì sự khó chịu khi buồn nôn mà ngại ăn vì sẽ làm mất rất nhiều năng lượng của bạn trong cả quá trình điều trị và sau đó.
- Nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Vấn đề tâm lý như lo lắng hay cảm giác mệt mỏi cũng làm tăng buồn nôn.
3.3. Viêm phổi
Xạ trị vùng ngực đều có thể gây ảnh hưởng đến phổi. Khi điều trị xạ trị nếu có biểu hiện của sốt, ho hay khó thở. Đây được gọi là viêm phổi cấp tính do bức xạ.
Việc quan trọng là thông báo cho Bác sĩ, Điều dưỡng nếu có khó thở hoặc nặng hơn. Thông báo cho bác sĩ xạ trị biết nếu bạn có bệnh tim và gây khó thở hoặc có máy tạo nhịp tim.
Xạ trị triệt căn là quá trình xạ trị lâu dài và chuyên sâu, kế hoạch nhằm cố gắng chữa trị bệnh ung thư vào vùng ngực, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến vấn đề hô hấp. Khoảng 10% số người có tiến triển viêm phổi xạ trị mạn tính gây ho, có thể là khó thở lâu dài.
Hãy báo với bác sĩ nếu thấy sự thay đổi về hô hấp sau khi xạ trị. Vì đó có thể viêm phổi do xạ trị và có thể cần điều trị.
3.4. Dự phòng phù mạch bạch huyết
Phù bạch huyết là sưng cánh tay, bàn tay, vú hoặc vùng ngực do sự tích tụ chất lỏng trong các mô bề mặt của cơ thể. Phù bạch huyết tay xảy ra trong nhóm bệnh nhân có nạo vét hạch nách chiếm tỷ lệ khoảng 15- 20 % tổng số người bệnh sau điều trị UTV. Đây là hậu quả đáng sợ sau điều trị UTV, người bệnh phải chịu đựng sự biến dạng, không thoải mái thậm chí mất chức năng. Để dự phòng phù bạch huyết sau điều trị cần:
- Duy trì các bài tập, vật lý trị liệu chống tắc nghẽn
- Giữ cho da luôn sạch sẽ, cân nặng ổn định
- Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên cải thiện dòng chảy của hệ bạch huyết và làm khỏe mạnh cơ bắp
- Bài tập: tập luyện các bài tập vú sau phẫu thuật càng sớm càng tốt như với tay lên tường, chải đầu...
- Khi cánh tay, bàn tay, vú hoặc vùng ngực ở bên cạnh nơi xạ trị, bên phẫu thuật sưng lên hoặc cảm thấy khó chịu và nặng nề, hãy liên hệ với điều dưỡng, bác sĩ
- Treo tay cao kết hợp băng chun khi có phù
- Thay đổi tư thế: Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu, trong khi ngồi không nên vắt chéo chân, khi ngủ cần nằm gối, tư thế đứng thẳng sẽ giúp cải thiện tình trạng phù
- Tránh tiêm, truyền tĩnh mạch vào chi bên tổn thương
- Tránh mọi sang chấn, bị thương da dưới mọi hình thức
- Tránh các động tác mang vác nặng, tập thể dục quá mạnh bên tổn thương
- Tránh tiếp xúc với nóng (tắm nắng, nước nóng, xông hơi)
Bài tập 1:
- Có thể tập ở tư thế nằm, hoặc ngồi, làm giảm phù nế sau phẫu thuật:
- Người bệnh nằm nghiêng về phía bên bình thường, tay bên mới mổ ở trên, có gối đỡ ở tư thế duỗi thẳng ra trước cao hơp mức của tim
- Hoặc người bệnh ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp, có gối đỡ sau lưng, tay duỗi thẳng ra trước, có gối đỡ dưới tay để giữ tay ở mức cao hơn mức của tim
- Từ từ nắm chặt rồi mở hết bàn tay bên mới mổ từ 15đến 25 lần, sau đó
- Từ từ, nhẹ nhàng gấp và duỗi tối đa khớp khuỷu tay bên mới mổ từ 15 đên 25 lần
Các bài tập từ tuần thứ hai sau phẫu thuật:
- Mỗi ngày tập 02 đến 03 lần, có thể tập ở tư thế đứng, ngồi hoặc nằm
- Mỗi động tác tập bắt đầu 05 lần sau đó tăng dần hàng ngày cho tới khi được 10 lần,
- Khi tập người bệnh có thể thấy căng nhưng không được gây đau
- Tập cho tới khi đạt được tầm vận động bình thường của khớp vai (khoảng 06 tuần)
3.5. Đau nhói, viêm quanh khớp, xơ hóa
- Bạn có thể bị đau, giật hoặc đau nhói ở vùng ngực hoặc ngực.
- Mặc dù những thứ này thường nhẹ, chúng có thể tiếp tục trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, nhưng chúng thường trở nên nhẹ hơn và ít gặp hơn theo thời gian.
- Bạn cũng có thể bị cứng và khó chịu quanh vai và vú hoặc vùng ngực trong và sau khi điều trị.
- Tiếp tục thực hiện các bài tập tay và vai trong quá trình xạ trị và trong vài tháng sau đó có thể giúp giảm thiểu hoặc ngăn ngừa cứng khớp hoặc khó chịu.
Các tác dụng phụ trong xạ trị là điều khó tránh khỏi. Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học- kỹ thuật, máy móc hiện đại thì các tác dụng phụ trong xạ trị cũng được kiểm soát tốt hơn và giảm đi đáng kể.
Mục tiêu điều trị khối u mới là ưu tiên và nhóm chuyên gia xạ trị cũng sẽ cân nhắc làm tất cả có thể để giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.