Xót ruột là một triệu chứng phổ biến thường xuất hiện khi căng thẳng hoặc do thói quen ăn uống không lành mạnh. Triệu chứng này không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Vậy cần làm gì để cải thiện tình trạng này?
Xót ruột có triệu chứng gì?
Xót ruột là cảm giác khó chịu, đau nhẹ hoặc cảm giác râm ran trong vùng bụng. Các triệu chứng đi kèm khi bị xót ruột bao gồm:
- Cảm giác cồn cào hoặc nóng rát trong dạ dày.
- Đau âm ỉ hoặc nhói ở vùng bụng hoặc vùng thượng vị.
- Ợ hơi, ợ chua.
- Khó chịu, bồn chồn hoặc lo lắng không rõ nguyên nhân.
- Buồn nôn, đầy ơi hoặc chướng bụng.
Nguyên nhân gây ra tình trạng xót ruột
Thực chất xót ruột là tình trạng niêm mạc dạ dày trở nên nhạy cảm khi lớp chất nhầy bảo vệ bị suy giảm, khiến nó dễ bị tổn thương trước tác động của axit tiêu hóa. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
Tâm lý căng thẳng và lo âu
Tâm lý căng thẳng và lo âu có thể dẫn đến cảm giác xót ruột. Khi cơ thể gặp phải tình trạng stress, hệ thần kinh sẽ kích thích dạ dày, gây ra cảm giác không thoải mái và khó chịu.
Căng thẳng kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá
Thiếu nước
Khi cơ thể thiếu nước, dạ dày sẽ tiết ra nhiều axit hơn, dẫn đến cảm giác rát và khó chịu. Mất nước hoặc không uống đủ nước có thể gây ra xót ruột kèm theo các triệu chứng như run tay, cảm giác khó chịu và chóng mặt.
Do thực phẩm
Đói là nguyên nhân phổ biến gây ra cảm giác xót ruột. Tuy nhiên, ngay cả khi cơ thể không cần thêm calo, cảm giác đói vẫn xuất hiện. Điều này xảy ra vì khi nồng độ insulin thấp, hormone ghrelin sẽ chịu trách nhiệm kích thích cảm giác đói.
Ngoài ra, khi tiêu thị thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, hoặc chứa nhiều axit có thể gây ra xót ruột. Việc tiêu thụ quá nhiều caffeine hoặc rượu cũng có thể gây kích thích dạ dày.
Do tác động từ môi trường
Môi trường ô nhiễm, thức ăn không sạch hoặc tiếp xúc với các chất kích thích cũng có thể là nguyên nhân gây xót ruột. Các yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và kích thích dạ dày.
Bên cạnh đó, có những người trải qua cảm giác cồn cào và xót ruột, tương tự như khi đói, khi họ nhìn thấy các món ăn hấp dẫn hoặc ngửi thấy mùi thức ăn thơm.
Bụng cồn cào xót ruột có thể là do sự kích thích hương vị từ món ăn
Sinh hoạt không lành mạnh
Thói quen ăn uống không đều đặn, ăn quá nhanh hoặc bỏ bữa có thể gây ra tình trạng này. Việc lạm dụng thuốc lá và các chất kích thích khác cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến xót ruột.
Một số bệnh lý
Một số bệnh lý liên quan đến dạ dày như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày-thực quản hoặc viêm đại tràng cũng có thể gây ra hiện tượng xót ruột. Những bệnh lý này cần được điều trị kịp thời để tránh tình trạng xót ruột kéo dài.
Gợi ý các cách trị xót ruột nhanh chóng tại nhà
Để giảm xót ruột, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản tại nhà như sau:
Ăn uống đúng khoa học
Đảm bảo chế độ ăn uống cân đối, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để dạ dày không phải hoạt động quá mức. Tránh các loại thực phẩm gây kích thích dạ dày như đồ cay nóng, chua và nhiều dầu mỡ.
Bổ sung các loại thực phẩm giảm xót ruột
Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi và ngũ cốc nguyên hạt để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, các loại thực phẩm giàu probiotics như sữa chua cũng có thể hỗ trợ giảm triệu chứng xót ruột.
Uống nhiều nước
Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, ít nhất 2-2.5 lít nước. Nước giúp làm loãng axit trong dạ dày, giảm cảm giác rát và khó chịu.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tiêu hóa. Ngủ đủ giấc giúp cơ thể hồi phục, giảm stress và cải thiện chức năng dạ dày hiệu quả. Ngoài ra, việc tránh thức khuya cũng giúp bạn ngăn ngừa cảm giác bụng cồn cào vào ban đêm.
Thiếu ngủ kéo dài có thể dẫn đến tình trạng đau bụng và xót ruột
Thực hiện các biện pháp thư giãn
Hít thở sâu và tham gia các hoạt động như yoga, thiền có thể giúp giảm căng thẳng và lo âu, từ đó giảm xót ruột. Bạn cũng có thể tắm nước ấm hoặc nghe nhạc nhẹ để tạo cảm giác thư thái.
Việc nhận biết và điều trị kịp thời tình trạng xót ruột là rất quan trọng để tránh gây ra những ảnh hưởng không mong muốn. Bằng cách thực hiện các biện pháp đơn giản tại nhà như ăn uống khoa học và duy trì lối sống lành mạnh, bạn hoàn toàn có thể giảm thiểu các vấn đề về tiêu hoá để giúp cơ thể luôn trong trạng thái khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.