Quả măng cụt không chỉ mang đến hương vị chua ngọt thanh mát mà còn có hàm lượng chất chống oxy hóa và vitamin dồi dào tốt cho sức khỏe. Vậy cách làm trà măng cụt đang hot trend như nào thế?
Mời bạn cùng tìm hiểu 2 cách làm trà măng cụt giải nhiệt cho mùa hè nóng bức ngay sau đây.
1. Cách làm trà măng cụt hoa đậu biếc
Trà măng cụt hoa đậu biếc sẽ là thức uống giải nhiệt mùa hè thơm ngon và đẹp mắt. Với màu tím đặc trưng của hoa đậu biếc cùng hương vị chua chua ngọt ngọt của măng cụt, đây là sự lựa chọn lý tưởng để bạn có thêm món ngon chiêu đãi bản thân và gia đình.
Cách làm trà măng cụt hoa đậu biếc rất đơn giản với những bước như sau:
Nguyên liệu làm trà măng cụt hoa đậu biếc
- Măng cụt: 6 quả
- Hoa đậu biếc khô: 5g
- Chanh tươi: 1 quả
- Đường trắng: 50g (hoặc 4 muỗng mật ong nguyên chất)
- Nước sôi: 250ml
- Thyme - Cỏ xạ hương: 2 nhánh (tùy sở thích)
Các bước làm món trà măng cụt
Bước 1. Pha nước hoa đậu biếc
- Đun 250ml nước sôi. Đổ nước ra bình/ ly thủy tinh, đợi cho nước hạ nhiệt xuống khoảng 80-90°C, cho 5g hoa đậu biếc vào.
- Đậy nắp bình/ ly. Ủ hoa đậu biếc trong khoảng 15-20 phút.
- Đến khi thấy nước hoa đậu biếc chuyển sang màu xanh đậm, lọc lấy phần nước.
- Cho 50g đường vào, khuấy đều.
- Chia nước hoa đậu biếc thành hai phần. Một phần hòa với nước cốt chanh để nước có màu tím. Phần còn lại giữ nguyên màu xanh dương.
Bước 2. Sơ chế quả măng cụt
- Măng cụt cắt đôi, lấy phần thịt trắng, tách múi nhỏ.
- Chọn những múi măng cụt không có hạt, giã nhuyễn.
Bước 3. Pha chế và trang trí
- Cho phần măng cụt giã nhuyễn vào đáy ly.
- Đổ phần nước hoa đậu biếc nguyên chất màu xanh lam đến 1/3 ly. Trộn đều hỗn hợp.
- Cho đá vào đầy ly. Sau đó đổ tiếp hỗn hợp nước chanh và hoa đậu biếc màu tím vào.
- Cho thêm những múi măng cụt lên phía trên.
- Trang trí với 2 nhánh cỏ xạ hương.
2. Cách làm trà từ vỏ măng cụt
Nếu như trà măng cụt hoa đậu biếc là đồ uống “hot trend” được nhiều người yêu thích bởi hương vị chua ngọt dễ uống và màu sắc bắt mắt thì trà từ vỏ măng cụt lại là thức uống bổ dưỡng cho sức khỏe.
Vỏ măng cụt có tác dụng gì?
- Trong Đông y, vỏ măng cụt được dùng như một vị thuốc. Theo đó, vỏ quả măng cụt có tác dụng làm săn da, trừ lỵ, chữa tiêu chảy.
- Theo nghiên cứu, xanthones, một dạng hợp chất polyphenol, có nhiều trong vỏ măng cụt có đặc tính chống oxy hóa. Ngoài ra, vỏ măng cụt còn có tác dụng hạn chế tác hại của cholesterol xấu, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị béo phì.
Hãy cùng tìm hiểu cách làm trà măng cụt từ vỏ của chúng nhé!
Nguyên liệu trà vỏ măng cụt
- Vỏ măng cụt: 500g
- Chanh tươi: ½ quả
- Mật ong: 2 muỗng cà phê.
Các bước làm món trà từ vỏ măng cụt
Bước 1. Sơ chế và phơi vỏ măng cụt
- Măng cụt rửa sạch, lau khô
- Cắt đôi quả măng cụt. Không lấy phần thịt quả, chỉ lấy vỏ.
- Dùng muỗng nạo lấy phần vỏ mềm bên trong quả, bỏ phần vỏ cứng bên ngoài. Thái mỏng phần vỏ mềm.
- Đem phơi nắng khoảng 4-6 tiếng cho vỏ măng cụt khô lại.
Bước 2. Công thức trà măng cụt từ vỏ
- Sau khi phơi khô vỏ măng cụt, bạn có thể bảo quản trong hũ thủy tinh sạch ở nơi khô ráo.
- Để pha trà măng cụt, bạn dùng một nắm nhỏ vỏ măng cụt phơi khô.
- Sau đó cho vào ấm hãm với nước ấm đã đun sôi (nhiệt độ lý tưởng nhất là 70-75°C). Ủ trà trong khoảng 15 phút cho các hoạt chất trong vỏ măng cụt được tiết hết ra nước.
- Cho thêm nước cốt chanh tươi và 2 thìa mật ong.
Lưu ý khi sử dụng trà măng cụt
- Mặc dù trà măng cụt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên đây không phải thức uống hàng ngày. Theo khuyến cáo, bạn không nên tiêu thụ măng cụt liên tục trong thời gian dài.
- Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cơ thể bạn có thể bị nhiễm axit lactic nghiêm trọng nếu tiêu thụ măng cụt liên tục trong 12 tháng. Axit lactic có thể dẫn đến các triệu chứng như: buồn nôn, dị ứng da, nổi mẩn ngứa, sốc hoặc thậm chí là gây nguy hiểm cho tính mạng.
Cách chọn mua măng cụt tươi ngon
Sau đây là mẹo để bạn chọn măng cụt tươi để thực hành cách làm trà măng cụt thơm ngon:
- Nên chọn quả đã chín, vỏ màu đỏ tía sẫm.
- Nên ưu tiên chọn quả cỡ vừa. Quả quá to thường có hạt nhiều và ít thịt quả.
- Quan sát phần cuống quả, chọn quả có cuống tươi, màu sắc chuyển nhẹ từ xanh sang vàng đất. Bạn nên tránh những quả có vỏ đen thẫm, nhưng phần cuống vẫn còn xanh ngắt, khả năng cao những quả này đã bị phun thuốc.
Lưu ý khi kết hợp làm trà măng cụt với các nguyên liệu khác
Trà măng cụt hoa đậu biếc và trà vỏ măng cụt đều có vị chua thanh nhẹ, dễ để kết hợp với những loại trái cây, nguyên liệu khác. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn nên chú ý nguyên tắc kết hợp măng cụt với nguyên liệu khác.
Măng cụt có tính mát. Vì vậy, để tránh bị đầy bụng, bạn không nên ăn cùng lúc với các loại trái cây có đặc tính tương tự như: dưa leo, dưa hấu, dưa gang,…
Lợi ích của quả măng cụt
Trà măng cụt có tác dụng gì? Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thức uống từ quả măng cụt giúp cải thiện các dấu hiệu sinh học chống viêm và chống oxy hóa ở người lớn khỏe mạnh. Hãy cùng tìm hiểu một số lợi ích mà măng cụt mang lại cho sức khỏe của chúng ta.
- Giàu chất chống oxy hóa. Măng cụt chứa nguồn chất chống oxy hóa dồi dào như vitamin C, folate và xanthones. Nghiên cứu chứng minh, xanthones có tác dụng chống viêm, ngăn ngừa ung thư, và đái tháo đường.
- Ngăn ngừa ung thư. Quả măng cụt có thể ngăn chặn sự tăng trưởng của các tế bào ở những bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu. Đồng thời, Garcinone E trong loại quả này cũng kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư ở phổi, ung thư gan và ruột kết.
Ngoài ra, quả măng cụt còn có những công dụng khác như: giúp ổn định đường huyết, bảo vệ tim, chống lão hóa,…
Ai không nên ăn hoặc uống trà măng cụt?
Măng cụt mang đến nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe. Tuy nhiên loại trái cây mùa hè này có thể gây dị ứng. Đồng thời, nó cũng không dành cho tất cả mọi người. Nếu bạn gặp phải những tình trạng về sức khỏe sau, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn trước khi tiêu thụ loại quả này.
- Người chuẩn bị phẫu thuật. Chất xanthones trong măng cụt có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Chính vì vậy, nếu bạn có lịch phẫu thuật, tốt nhất bạn nên tránh sử dụng món này 14 ngày trước ngày mổ.
- Người có vấn đề về táo bón và ruột. Tiêu thụ quá nhiều măng cụt có thể dẫn đến táo bón. Đối với bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích, ăn măng cụt có thể làm triệu chứng táo bón nặng hơn.
- Bệnh nhân tiểu đường. Tiêu thụ quá nhiều măng cụt có thể dẫn đến biến chứng liệt dạ dày ở bệnh nhân tiểu đường.
- Bệnh nhân đa hồng cầu. Măng cụt có thể làm tăng lượng hồng cầu và ảnh hưởng với những người đang mắc chứng đa hồng cầu.
Hy vọng 2 cách làm trà măng cụt và những thông tin đang lưu ý liên quan đến quả măng cụt sẽ giúp bạn có những lựa chọn ăn uống lành mạnh, nâng cao sức khỏe. Chúc bạn thành công khi thực hiện cách làm trà măng cụt vừa được gợi ý.
[embed-health-tool-bmi]