Nhờ có trí nhớ, mỗi người có thể ghi nhớ thông tin, học hỏi và phát triển. Tuy nhiên, theo thời gian, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh suy giảm trí nhớ do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Suy giảm trí nhớ (hay bệnh suy giảm trí nhớ, hội chứng suy giảm trí nhớ) có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và học hỏi của người bệnh. Hiện chưa có cách chữa trị mất trí nhớ nhưng vẫn có một số phương pháp giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Mời bạn cùng tìm hiểu bệnh suy giảm trí nhớ, các dấu hiệu suy giảm trí nhớ, nguyên nhân suy giảm trí nhớ cũng như cách phòng ngừa, cải thiện bệnh trong bài viết này.
Suy giảm trí nhớ là gì?
Suy giảm trí nhớ là tình trạng bệnh lý khi một người gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin mới hoặc dần quên đi các thông tin đã biết trước đây. Đây là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng y tế hoặc tâm lý nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh Alzheimer, đột quỵ, stress, trầm cảm hoặc chứng mất ngủ. (1)
Có nhiều loại suy giảm trí nhớ, từ những loại nhẹ như lơ đãng cho đến bệnh suy giảm trí nhớ nghiêm trọng, có thể khiến người bệnh mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Nói cách khác, suy giảm trí nhớ có thể là tình trạng tạm thời và cải thiện được. Nhưng cũng có trường hợp suy giảm trí nhớ kéo dài và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Dấu hiệu suy giảm trí nhớ
Hội chứng suy giảm trí nhớ có thể biểu hiện bằng những dấu hiệu khác nhau, tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp: (2)
- Quên thông tin mới hoặc vừa biết cách đó không lâu: Đây có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên của suy giảm trí nhớ. Người bị suy giảm trí nhớ thường quên các cuộc hội thoại, sự kiện hoặc địa điểm họ vừa mới tìm hiểu.
- Khó khăn trong việc làm theo hướng dẫn hoặc lập kế hoạch, giải quyết vấn đề: Suy giảm trí nhớ có thể làm giảm khả năng tư duy logic và giải quyết vấn đề của người bệnh. Do đó, những người bị suy giảm trí nhớ có thể thấy khó khăn khi cố gắng làm theo một chỉ dẫn nào đó, chẳng hạn như nấu ăn theo công thức được hướng dẫn sẵn.
- Mất khả năng thực hiện các nhiệm vụ quen thuộc: Một biểu hiện của người bị suy giảm trí nhớ là gặp khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ quen thuộc hàng ngày, chẳng hạn như nấu ăn, làm việc nhà hoặc lái xe đến một địa điểm quen thuộc.
- Mất định hướng về thời gian hoặc không gian: Người bị suy giảm trí nhớ có thể quên mất ngày trong tuần, năm, thậm chí là mùa. Người bệnh cũng có thể cảm thấy bối rối về việc họ đang ở đâu/làm gì.
- Không nhớ đồ đạc để ở đâu: Một người bị suy giảm trí nhớ có thể đặt vật dụng cá nhân ở những nơi không thích hợp, chẳng hạn như đặt chìa khóa xe trong tủ lạnh và sau đó không nhớ để tìm lại.
- Thay đổi tính cách, cảm xúc và hành vi: Triệu chứng suy giảm trí nhớ có thể là sự thay đổi về tính cách, cảm xúc và hành vi, chẳng hạn như người bệnh dễ cảm thấy buồn, sợ hoặc lo lắng hơn bình thường. Người bệnh cũng có thể trở nên nhanh chóng bực dọc hoặc dễ bị kích động.
Nguyên nhân suy giảm trí nhớ
Tuổi tác và bệnh tật là hai yếu tố nguy cơ phổ biến có thể góp phần làm giảm khả năng ghi nhớ. Dưới đây là một số yếu tố hay nguyên nhân suy giảm trí nhớ: (3)
1. Tuổi tác
Khi chúng ta lớn lên và già đi theo thời gian, khả năng ghi nhớ và học hỏi điều mới của não bộ có thể giảm dần. Điều này có thể dẫn đến một số mức độ suy giảm trí nhớ, đặc biệt là khả năng ghi nhớ thông tin mới.
Tuy nhiên, suy giảm trí nhớ nghiêm trọng, bất thường có thể không phải là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa. Nếu một người thấy rằng việc quên đi những ký ức quan trọng đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì điều này có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như như bệnh Alzheimer.
2. Bệnh tật
Nhiều căn bệnh có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ. Trong đó, bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến gây suy giảm trí nhớ ở người lớn tuổi. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác như thiếu hụt chất dinh dưỡng (chẳng hạn như thiếu vitamin B12), nhiễm trùng tủy sống, chấn thương đầu, viêm não, chứng mất ngủ, thiếu máu não, đột quỵ hay tình trạng rối loạn căng thẳng sau chấn thương hoặc trầm cảm. Đồng thời, việc sử dụng một số loại thuốc cũng có thể gây suy giảm trí nhớ.
3. Tác động của gốc tự do trong quá trình chuyển hóa
Gốc tự do là những phân tử không ổn định được tạo ra trong quá trình chuyển hóa của cơ thể và thông qua quá trình tiếp xúc với các yếu tố môi trường như tia tử ngoại, ô nhiễm. Các gốc tự do có thể gây hại cho tế bào và ADN dẫn đến sự lão hóa, bệnh tật. Quá trình oxy hóa do gốc tự do cũng có thể gây hại cho não bộ và là nguyên nhân suy giảm trí nhớ. Việc duy trì một chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa có thể giúp làm giảm tác động tiêu cực của các gốc tự do này.
4. Do trầm cảm và stress
Trầm cảm và stress đều có thể gây suy giảm trí nhớ. Stress có thể gây suy giảm trí nhớ tạm thời bằng cách làm giảm khả năng tập trung, trong khi trầm cảm có thể dẫn đến chứng suy giảm trí nhớ dài hạn. Nếu đang cảm thấy stress hoặc trầm cảm bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám để được điều trị và cải thiện khả năng ghi nhớ.
5. Rối loạn giấc ngủ
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và cải thiện trí nhớ. Tình trạng thường xuyên mất ngủ hoặc ngủ chập chờn không sâu giấc, thức giấc giữa đêm và không thể ngủ lại được… có thể dẫn đến chứng suy giảm trí nhớ. Nâng cao chất lượng giấc ngủ có thể giúp cải thiện khả năng ghi nhớ.
6. Công việc quá tải
Khi bạn phải đối mặt với quá nhiều công việc cùng một lúc thì bộ não cũng phải xử lý thông tin nhiều hơn. Điều này kéo dài không những khiến bạn mệt mỏi mà còn có thể gây suy giảm trí nhớ.
Đối mặt với áp lực và căng thẳng liên tục có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng ghi nhớ, học hỏi. Do đó, mỗi người cần sắp xếp thời gian làm việc, thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý để hạn chế nguy cơ bị suy giảm trí nhớ.
7. Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt
Chế độ ăn chưa đầy đủ hoặc không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cũng có thể gây suy giảm trí nhớ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu hụt vitamin B, đặc biệt là B12, có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ. Vitamin E, acid béo omega-3 và các chất chống oxy hóa khác cũng rất quan trọng với sức khỏe của não bộ. Duy trì chế độ ăn cân đối, giàu chất dinh dưỡng là một phần quan trọng của việc bảo vệ trí nhớ. (4)
8. Mất cân bằng nội tiết tố
Hệ thống nội tiết của cơ thể chịu trách nhiệm điều chỉnh nhiều chức năng, bao gồm cả quá trình học và ghi nhớ. Các vấn đề liên quan đến tuyến giáp, tiểu đường hoặc những vấn đề khác ở hệ thống nội tiết có thể gây suy giảm trí nhớ. Chẳng hạn như tăng hoặc giảm hoạt động của tuyến giáp có thể gây ra những vấn đề về trí nhớ.
9. Sử dụng chất kích thích
Lạm dụng chất kích thích có trong thuốc lá, rượu hoặc ma túy có thể là nguyên nhân suy giảm trí nhớ. Các chất kích thích này có thể gây hại cho não bộ và làm giảm khả năng ghi nhớ. Hơn nữa, chất kích thích cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến trí nhớ, điển hình như Alzheimer.
Ai dễ bị suy giảm trí nhớ?
Mặc dù suy giảm trí nhớ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở bất kỳ lứa tuổi nào, thế nhưng một số nhóm người có thể tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn:
- Người cao tuổi: Tuổi tác là yếu tố rủi ro lớn hơn cả khi nói đến suy giảm trí nhớ.
- Người mắc các bệnh mạn tính: Những người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, vấn đề về cholesterol có nguy cơ bị suy giảm trí nhớ cao hơn.
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh: Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh liên quan đến trí nhớ như Alzheimer cũng có nguy cơ bị suy giảm trí nhớ cao hơn.
- Dùng chất kích thích: Những người thường xuyên sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu, ma túy… là nhóm đối tượng dễ bị suy giảm trí nhớ hơn.
- Những người có vấn đề tâm lý: Người chịu áp lực tâm lý cao, đã hoặc đang bị trầm cảm/rối loạn lo âu… cũng dễ bị suy giảm trí nhớ hơn bình thường.
Tìm hiểu thêm:
- Suy giảm trí nhớ ở người trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu, phòng ngừa.
- Suy giảm trí nhớ ở người già: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị.
Hậu quả của suy giảm trí nhớ với người bệnh
Suy giảm trí nhớ không chỉ tác động đến khả năng nhớ, học hỏi của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, công việc và các mối quan hệ xã hội. Người bị suy giảm trí nhớ có thể gặp khó khăn khi nhớ các nhiệm vụ hàng ngày như cuộc hẹn, việc nấu ăn, vệ sinh cơ thể hoặc thậm chí là đi đến một địa điểm quen thuộc.
Hội chứng suy giảm trí nhớ có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, đặc biệt là trong các công việc đòi hỏi tư duy phức tạp và quản lý thông tin. Người mắc chứng suy giảm trí nhớ dễ bị tự ti và cảm thấy bất lực, từ đó tránh xa các hoạt động xã hội. Điều này cũng có thể gây ra cảm giác cô đơn và trầm cảm.
Đặc biệt, suy giảm trí nhớ có thể do tiềm ẩn các bệnh lý nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời, các bệnh này có thể tăng nặng dần và gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.
Cách chẩn đoán bệnh suy giảm trí nhớ
Để chẩn đoán bệnh suy giảm trí nhớ, bác sĩ sẽ thu thập thông tin về sức khỏe hiện tại và tiền sử bệnh lý của người bệnh, bao gồm cả các vấn đề về sức khỏe, lối sống, các bệnh từng gặp, những loại thuốc đã/đang sử dụng… Bên cạnh đó, bác sĩ cũng tiến hành thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng để xác định liệu các vấn đề về sức khỏe khác có phải là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ hay không.
Bác sĩ có thể kiểm tra thị lực và thính giác của người bệnh, tiến hành đo cân nặng, kiểm tra nhiệt độ cơ thể, đo nhịp tim, huyết áp… Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tiến hành kiểm tra năng lực tư duy của người bệnh để đánh giá trí nhớ, khả năng tư duy, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng tập trung, khả năng sử dụng và xử lý ngôn ngữ… (5)
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp MRI hoặc CT scan để kiểm tra sự biến đổi trong não. Bác sĩ còn có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các xét nghiệm máu để kiểm tra những yếu tố như cấu trúc gen hoặc kiểm tra yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến chức năng não.
Cần lưu ý rằng không có một hình thức kiểm tra duy nhất nào có thể xác định bệnh suy giảm trí nhớ. Một chuỗi các kiểm tra và đánh giá sẽ được thực hiện để giúp bác sĩ đưa ra kết luận chính xác.
Tìm hiểu thêm: Địa chỉ khám suy giảm trí nhớ ở TP.HCM nào tốt? Tiêu chí lựa chọn.
Cách cải thiện suy giảm trí nhớ
Để cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ đòi hỏi người bệnh phải thay đổi lối sống, bao gồm:
- Dinh dưỡng: Một chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp bảo vệ não bộ. Bạn nên ăn nhiều loại rau, trái cây, hạt, các sản phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt, dầu cá và dầu ô-liu. Các hoạt chất thiên nhiên từ bộ đôi Blueberry (việt quất) và Ginkgo biloba (bạch quả) có thể giúp chống gốc tự do, tăng tuần hoàn máu não, từ đó hỗ trợ cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ. Người bệnh không nên ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, đường và muối.
- Tập thể dục: Tập thể dục có thể tăng cường sự tỉnh táo, giúp làm giảm cảm giác lo lắng và trầm cảm. Các bài tập thể dục cũng giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ và duy trì trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp.
- Hạn chế rượu bia: Dùng quá nhiều rượu có thể gây hại cho não bộ và dẫn đến suy giảm trí nhớ. Do đó, bạn chỉ nên uống rượu ở mức vừa phải.
- Ngừng hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ gặp chứng mất trí nhớ và các vấn đề về sức khỏe khác. Do đó, tốt hơn hết là bạn nên cai thuốc lá.
- Quản lý căng thẳng: Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và làm giảm khả năng học hỏi của não bộ. Vì thế, hãy tìm cách để giảm căng thẳng trong cuộc sống, chẳng hạn như thiền, yoga, nghe nhạc, đi cắm trại…
- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ: Một giấc ngủ tốt giúp cải thiện trí nhớ vô cùng hiệu quả. Bạn hãy đảm bảo chất lượng giấc ngủ bằng cách ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya, duy trì không gian phòng ngủ tối và yên tĩnh…
- Kích thích não: Các hoạt động như đọc sách, giải câu đố, học một ngôn ngữ mới hoặc chơi nhạc cụ có thể giúp kích thích não bộ và làm giảm nguy cơ bị suy giảm trí nhớ.
Một số trường hợp suy giảm trí nhớ có thể cần sự can thiệp y tế, bao gồm cả việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, thay đổi lối sống luôn là bước quan trọng để cải thiện và duy trì sức khỏe trí não.
Cách phòng ngừa suy giảm trí nhớ
Một số cách để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của tình trạng suy giảm trí nhớ mà bạn có thể áp dụng bao gồm:
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp tăng cường lưu thông máu và oxy đến não, góp phần bảo vệ các tế bào thần kinh. Bạn có thể đi bộ, tập yoga, đạp xe… hay thực hiện bất cứ hoạt động nào mà bản thân yêu thích.
- Áp dụng chế độ ăn uống khoa học: Lựa chọn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là các thực phẩm chứa omega-3 và chất chống oxy hóa. Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt… Hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, món ngọt và đồ uống có cồn.
- Kích thích trí não: Học hỏi những điều mới, chơi trò chơi trí não và tham gia các hoạt động xã hội… giúp kích thích trí não, phòng ngừa suy giảm trí nhớ.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp não bộ nghỉ ngơi và phục hồi. Giấc ngủ đủ và chất lượng chính là chìa khóa để phòng ngừa suy giảm trí nhớ.
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng có thể làm tổn thương não bộ. Bạn có thể sử dụng kỹ thuật thiền để giảm stress và tăng cường khả năng tập trung. Ngoài ra, tùy theo sở thích, bạn có thể lựa chọn các phương pháp giảm căng thẳng khác nhau.
- Kiểm soát huyết áp, cholesterol và đường huyết: Các bệnh này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và những dạng suy giảm trí nhớ khác.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Dù có hay không có các dấu hiệu suy giảm trí nhớ thì mỗi người cũng cần thăm khám sức khỏe định kỳ. Qua quá trình thăm khám, tầm soát, bác sĩ có thể phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây suy giảm trí nhớ và tư vấn cách điều trị, phòng ngừa phù hợp. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đang triển khai 4 gói tầm soát sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ toàn diện, phù hợp cho mọi độ tuổi.
Chế độ dinh dưỡng cho người bị suy giảm trí nhớ
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe não bộ và cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ. Một chế độ ăn uống khoa học có thể cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ để hoạt động tốt, đồng thời làm giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như bệnh Alzheimer. Dưới đây là một số loại thực phẩm và đồ uống có lợi cho trí nhớ:
- Trái cây và rau quả: Trái cây và rau quả là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa dồi dào, có thể giúp bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tổn thương. Các loại trái cây và rau quả tốt cho trí nhớ bao gồm việt quất, bạch quả, trái cây họ cam quýt, rau có màu xanh đậm, cà rốt, khoai lang, bông cải xanh, ớt chuông, hành tây và tỏi…
- Chất béo tốt: Các loại chất béo tốt, chẳng hạn như omega-3 có thể giúp cải thiện chức năng não bộ. Những nguồn chất béo tốt bao gồm cá béo, quả óc chó, hạt chia và hạt lanh.
- Protein: Protein vô cùng cần thiết cho quá trình phát triển và sửa chữa tế bào thần kinh. Những nguồn protein tốt bao gồm thịt nạc, cá, trứng, các loại đậu và hạt.
- Carbohydrate phức tạp: Carbohydrate phức tạp cung cấp năng lượng bền vững cho não bộ. Những nguồn carbohydrate phức tạp bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang và các loại đậu.
- Uống nhiều nước: Nước cũng rất cần thiết cho hoạt động của não bộ. Bạn nên uống đủ khoảng 1.8 - 2.2 lít nước/ngày tùy theo thể trạng của bản thân.
- Hạn chế dùng các thực phẩm và đồ uống có hại cho trí nhớ: Không nên ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn hoặc thức ăn nhanh. Các loại thực phẩm này thường chứa nhiều đường, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể gây viêm, làm tổn thương não bộ. Ngoài ra nên hạn chế dùng thực phẩm chứa nhiều đường, tránh dung nạp cồn và các chất kích thích.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
giảm trí nhớ là một vấn đề sức khỏe cần được quan tâm. Bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa, chúng ta có thể bảo vệ trí nhớ của mình và sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn. Hãy chủ động thăm khám, tầm soát thường xuyên để có thể kịp thời phát hiện và điều trị suy giảm trí nhớ.