Bài viết này dành cho những ai đang có dự định đi khám hoặc đưa người nhà đi khám tại Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai. Hy vọng có thể giúp quá trình khám chữa bệnh của bạn được dễ dàng hơn.
Đầu tiên, có thể nói rằng Bệnh viện Bạch Mai là một trong những bệnh viện đầu ngành về Nội khoa, trong đó có Thận Tiết niệu. Vì thế bạn có thể yên tâm đi khám và điều trị tại đây. Hơn nữa ở đây thiết bị, kỹ thuật điều trị cũng hiện đại, đầy đủ, phù hợp cho cả bệnh nhẹ và bệnh nặng.
1. Khoa Thận tiết niệu - Bệnh viện Bạch Mai
Giới thiệu chung
Khoa Thận tiết niệu - Bệnh viện Bạch Mai được hình thành từ năm 1981, với tên gọi cũ là C6.
Đến năm 2000 khoa chuyển lên tầng 5 nhà P (tòa nhà Việt Nhật). Hiện nay Khoa đã lớn mạnh và xứng đáng là chuyên khoa đầu ngành trong cả nước với nhiều hoạt động đa dạng trong khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú, đào tạo chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế.
Nhiều kĩ thuật hiện đại được áp dụng vào điều trị cho bệnh nhân: kĩ thuật siêu lọc máu, lọc máu cấp cứu, lọc màng bụng liên tục ngoại trú, kĩ thuật lọc huyết tương (DFPP),thay huyết tương (PE),tán sỏi ngoài cơ thể, ghép thận và quản lý bệnh nhân sau ghép đã trở thành thường quy…
Sau đây là một số thông tin sau đâu là cần thiết, người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân nên lưu ý khi cần có thể sử dụng.
Số điện thoại
- 0243 8686 988, số máy lẻ 3531 - 3544
Địa chỉ
- Số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội
Vị trí
Tầng 5 nhà P (tòa nhà Việt Nhật) - Bệnh viện Bạch Mai. Bạn có thể đi vào từ cổng Giải Phóng, hoặc đi từ cổng phụ ở đường Phương Mai.
2. Khoa Thận tiết niệu khám và điều trị những bệnh gì
Nhiều bệnh viện hiện nay có chuyên khoa Thận tiết niệu, nhưng mỗi nơi sẽ có thế mạnh điều trị các bệnh khác nhau. Tại khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai khám và điều trị:
Bệnh thận tiết niệu người lớn
- Suy thận cấp
- Suy thận mạn các giai đoạn
- Các bệnh lý cầu thận
- Nhiễm trùng thận tiết niệu…
Bệnh Nam khoa
Cách đây vài năm, Khoa Thận tiết niệu đã mở thêm Đơn vị Nam học để thăm khám và điều trị cho bệnh nhân.
Nhiều kỹ thuật hiện đại đã và đang được áp dụng tại Khoa
- Kỹ thuật siêu lọc máu
- Lọc máu cấp cứu
- Lọc màng bụng liên tục ngoại trú
- Kỹ thuật lọc huyết tương
- Thay huyết tương áp dụng trong điều trị bệnh lupus đợt kịch phát
- Tán sỏi ngoài cơ thể
- Nội soi bàng quang và đặt sonde
- Chọc dẫn lưu bể thận qua da
- Chọc hút nang thận dưới hướng dẫn siêu âm
- Đặt catheter chạy thận nhân tạo
- Sinh thiết thận
- Đặc biệt kỹ thuật ghép thận đã đưa Bệnh viện Bạch Mai trở thành một trung tâm có uy tín về ghép thận tại khu vực phía Bắc….
3. Một số bác sĩ đã và đang làm việc tại Khoa Thận tiết niệu - Bệnh viện Bạch Mai
Bạn cũng nên biết đến một số bác sĩ giỏi đã và đang làm việc tại khoa để việc chữa bệnh được hiệu quả hơn:
PGS.TS.BS Đinh Thị Kim Dung
- Nguyên Trưởng khoa Thận tiết niệu - Bệnh viện Bạch Mai (nghỉ hưu năm 2013)
- Bác sĩ tại Khoa khám bệnh theo yêu cầu - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - Số 1 Tôn Thất Tùng
Bác sĩ Dung hiện nay đã nghỉ hưu, là một bác sĩ giỏi về nhóm bệnh Thận - Tiết niệu. Bác sĩ Dung được cả bệnh nhân và giới chuyên môn đánh giá cao.
PGS.TS.BS Đỗ Gia Tuyển
- Trưởng Khoa Thận tiết niệu - Bệnh viện Bạch Mai
- Phó trưởng Bộ môn Nội Tổng hợp - Trường Đại học Y Hà Nội
- Tổng thư ký Hội Thận học
- Bác sĩ tu nghiệp nhiều năm tại Nhật Bản
ThS.BS Mai Thị Hiền
- Phó trưởng khoa Thận tiết niệu
TS.BS Đặng Thị Việt Hà
- Phó trưởng khoa Thận tiết niệu. Bác sĩ được bệnh nhân phản hồi tích cực và nhiệt tình…
ThS.BS Nguyễn Quang Khôi
- Bác sĩ chuyên khoa Thận - tiết niệu tại Khoa thận tiết niệu - Bệnh viện Bạch Mai
4. Những ai nên khám và điều trị tại Khoa Thận tiết niệu - Bệnh viện Bạch Mai
Tùy theo tình trạng của bạn mà nên khám chữa ở đâu cho thuận tiện nhất. Nếu bạn ở xa Hà Nội thì cũng nên xem xét đi khám ở các bệnh viện tuyến địa phương trước, vừa thuận tiện cho việc đi lại, chăm sóc, đối với bệnh nhân có BHYT lại được hưởng bảo hiểm đúng tuyến.
Nhưng nếu đã khám chữa ở tuyến dưới nhưng hiệu quả không tốt, hoặc muốn yên tâm hơn thì có thể đến Bệnh viện Bạch Mai, đây được xem là bệnh viện tuyến cuối, tuyến cao nhất cả nước. Nhìn chung thì các bệnh về thận, tiết niệu nặng hay nhẹ đều có thể điều trị tại Khoa Thận tiết niệu Bạch Mai được.
Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý là có một số kỹ thuật khó mà nhiều nơi không thực hiện được (hoặc thực hiện chưa tốt),mà bệnh viện Bạch Mai lại có thế mạnh về những kỹ thuật này, như:
- Kỹ thuật siêu lọc máu
- Lọc máu cấp cứu
- Lọc màng bụng liên tục
- Lọc huyết tương
- Thay huyết tương
- Tán sỏi ngoài cơ thể
- Ghép thận
Theo đó, nếu bạn mắc các bệnh như: suy thận cấp, suy thận mạn tính, hội chứng thận hư, bệnh thận đa nang, sỏi thận, viêm tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt, bệnh nam khoa… thì đều có thể đến khám chữa tại Khoa Thận tiết niệu Bạch Mai.
5. Kinh nghiệm đi khám Thận tiết niệu tại Bệnh viện Bạch Mai
Bạn đến Khu khám của bệnh viện (tòa nhà 4 tầng, ở ngay bên tay phải khi đi từ cổng chính vào). Đến đó lấy số khám và đăng ký khám thận tiết niệu, nhân viên sẽ hướng dẫn cụ thể. Bạn yên tâm là sẽ có bác sĩ chuyên khoa Thận tiết niệu trực tiếp khám.
Ở đây làm việc từ 7h30 - 11h30 và 13h30 - 16h30 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Vì tình trạng chung của bệnh viện Bạch Mai là đông và chờ đợi lâu, nên tốt nhất là bạn nên đến sớm để xếp hàng lấy số khám (bệnh viện phát số khám sau 6h). Nếu sức khỏe của người bệnh không tốt thì nên nhờ người nhà đến xếp hàng lấy số khám trước, khi nào gần đến lượt thì đến...
Nếu bạn là bệnh nhân cũ đến tái khám thì có thể đến trực tiếp Khoa Thận tiết niệu ở tầng 5 nhà Việt Nhật, đến đó và trao đổi với nhân viên ở bàn tiếp đón.
6. Một số lưu ý quan trọng khác
Khám thận tiết niệu cũng có một số điểm đặc thù khác với các chuyên khoa khác, bạn cũng nên lưu ý:
- Mang theo tất cả kết quả thăm khám, chụp chiếu và xét nghiệm cũ (nếu có). Kết quả xét nghiệm cũ để đánh giá tiến triển, đáp ứng bệnh lý theo thời gian, hoặc một số xét nghiệm ổn định hoặc không có dấu hiệu bất thường thì không cần chỉ định xét nghiệm lại.
- Nên mang theo đơn thuốc cũ đặc biệt quan trọng trong trường hợp điều trị không đáp ứng sẽ phải thay đổi thuốc hoặc tăng liều thuốc.
- Nếu bạn đi xe cá nhân thì có thể gửi ở bãi xe trong bệnh viện, hoặc bãi xe ở chân cầu vượt Ngã tư Vọng. Nếu không nhầm thì xe máy là 3.000 đồng/ lượt, xe ô tô dưới 9 chỗ là 30.000 đồng/ lượt (1 lượt gửi xe thường là 2 tiếng). Gửi qua đêm thì có giá khác.
Lưu ý quan trọng:
- Khi lấy mẫu nước tiểu 24h, cần làm đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế và qui trình.
- Trước khi siêu âm cần căng tiểu bàng quang để quan sát được tử cung phần phụ (nữ giới) và tiền liệt tuyến (nam giới) được chính xác.
- Các trường hợp nghi ngờ viêm bàng quang, đang điều trị viêm bàng quang thì bàng quang căng nước tiểu là yêu cầu bắt buộc khi siêu âm.
Xem thêm bài viết
- Kinh nghiệm khám Thận Tiết niệu tại Bệnh viện Việt Đức
- Lưu ý khi đi khám Thận Tiết niệu tại Bệnh viện Thanh Nhàn