Động mạch là một phần của hệ tuần hoàn. Vậy chức năng, cấu tạo của động mạch ra sao? Vị trí động mạch nằm ở đâu trong cơ thể? ThS.BS Phạm Hoàng Trọng Hiếu, chuyên khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sẽ giải đáp rõ trong phần nội dung dưới đây.
Động mạch là gì?
Các mạch máu dẫn máu từ tim đến các mô là các động mạch. Trên đường đi tới các mô, động mạch chia nhánh nhỏ dần, từ các động mạch cỡ lớn đến các động mạch cỡ vừa rồi đến các tiểu động mạch. Tiểu động mạch chia thành các mao mạch. Động mạch đưa máu ra khỏi tim theo hai con đường riêng biệt:
- Động mạch hệ thống: Đưa máu giàu oxy từ tim đến các mô của cơ thể.
- Động mạch phổi: Đưa máu nghèo oxy từ tim lên phổi, trao đổi lấy oxy và thải CO2.
Huyết áp ở động mạch cao hơn các bộ phận khác của hệ tuần hoàn. Ở mỗi chu kỳ tim, áp lực trong động mạch sẽ có sự thay đổi, cao nhất khi tim co bóp (thì tâm thu) và thấp nhất khi tim giãn (thì tâm trương). Sự kết hợp giữa cung lượng tim và sức cản mạch máu hệ thống là những yếu tố chính quyết định huyết áp động mạch tại bất kỳ thời điểm nào. (1)
Các loại động mạch
Cơ thể có ba loại động mạch chính, bao gồm: động mạch đàn hồi, động mạch cơ và tiểu động mạch.
1. Động mạch đàn hồi
Các động mạch cỡ lớn, lớp áo giữa có nhiều sợi chun hơn sợi cơ trơn, được gọi là các động mạch đàn hồi. Sức đàn hồi của thành mạch giúp đẩy máu về phía trước lúc tâm thất giãn. Các động mạch đàn hồi bao gồm động mạch phổi và động mạch chủ, xuất phát từ tim. (2)
2. Động mạch cơ
Áo giữa của các động mạch cỡ vừa có nhiều sợi cơ trơn hơn sợi chun nên chúng được gọi là các động mạch cơ, các động mạch này có vai trò phân phối máu đến các cơ quan hay các phần cơ thể nên cũng được gọi là các động mạch phân phối. Ví dụ: động mạch cánh tay, động mạch đùi…
3. Tiểu động mạch
Động mạch phân nhánh và trở thành các mạch nhỏ hơn gọi là tiểu động mạch, giúp phân phối máu qua mạng lưới mao mạch, có kích thước cực nhỏ. Các mao mạch là những vi mạch nối các tiểu động mạch và các tiểu tĩnh mạch. Mao mạch cho phép sự trao đổi chất dinh dưỡng và chất cặn bã giữa máu và các tế bào của mô qua dịch kẽ có thể xảy ra.
Thành mao mạch do nội mạc tạo nên, không có các lớp áo giữa và ngoài, một chất nào đó từ máu chỉ cần đi qua một lớp tế bào là tới được dịch kẽ và các tế bào của mỏ. Tuy nhiên, các tế bào máu và các chất có phân tử lớn hơn như protein huyết tương thì thường không qua được thành mao mạch.
Động mạch khác tĩnh mạch như thế nào?
1. Mạch hệ thống
Động mạch có vai trò đưa máu giàu oxy và các chất khác từ tim đến các bộ phận trong cơ thể. Thành tĩnh mạch cũng có ba lớp áo như động mạch nhưng mỏng hơn thành động mạch vì lớp áo giữa có ít sợi chun và sợi cơ trơn hơn. Thành tĩnh mạch không có các lá chun ngoài và trong như động mạch. Khi bị đứt thì tĩnh mạch xẹp xuống trong khi ở động mạch thì miệng đứt vẫn mở. Cấu tạo của động mạch cho phép thích nghi được với áp lực cao của máu mà tim bơm ra theo từng nhịp. (3)
Tĩnh mạch sẽ đưa máu nghèo oxy từ các tế bào và mô của cơ thể trở về tim. Một số tĩnh mạch có van (valve) để giúp cho máu chảy về tim bằng cách ngăn không cho máu chảy ngược lại. Van được tạo nên bởi một nếp gấp của nội mô, được tăng cường bởi mô liên kêt. Van có hình bán khuyên với mặt lõm hướng về tim.
2. Mạch phổi
Đối với hệ mạch phổi, cấu tạo động mạch và tĩnh mạch tương tự mạch hệ thống, tuy nhiên động mạch phổi có vai trò dẫn máu nghèo oxy từ tâm thất phải lên phổi, tại đây, sau khi trao đổi khí, màu giàu oxy theo hệ thống tĩnh mạch phổi trở về tâm nhĩ trái.
Chức năng của động mạch
Động mạch hệ thống giúp vận chuyển máu giàu oxy ra khỏi tim và cung cấp oxy, chất dinh dưỡng, hormone đi khắp cơ thể. Động mạch phân nhánh nhiều lần để hình thành các động mạch cực nhỏ, được gọi là tiểu động mạch, để phân phối máu vào các mao mạch. Mao mạch là nơi trao đổi chất giữa máu và các tế bào của mô. Động mạch phổi dẫn máu nghèo oxy từ tim phải lên phổi để trao đổi khí.
Các động mạch cụ thể cung cấp máu cho các cơ quan hoặc bộ phận nhất định, ví dụ như:
- Động mạch vành cung cấp máu cho tim.
- Động mạch cảnh cung cấp máu cho não, đầu, mặt và cổ.
- Động mạch đốt sống cấp máu cho não và cột sống.
- Động mạch dưới đòn cấp máu cho chi trên.
- Động mạch chậu cấp máu cho vùng khung chậu.
- Động mạch đùi cung cấp máu cho chi dưới.
- Động mạch thận cung cấp máu cho thận.
- Động mạch mạc treo cung cấp cho ruột.
- …
Giải phẫu động mạch
1. Hình ảnh động mạch như thế nào?
Động mạch có hình dạng như hình ống. Nhờ có thành dày hơn và nhiều sợi cơ trơn hơn so với tĩnh mạch nên chúng có thể chịu được áp lực của máu bơm từ tim đến.
2. Kích thước động mạch lớn bao nhiêu?
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có đường kính khoảng 10 - 25mm. Các động mạch khác có đường kính từ 3 - 5mm. Các động mạch nhỏ nhất là tiểu mạch có thể có đường kính chỉ từ 0,3 - 0,01mm.
3. Động mạch xuất phát từ đâu?
Các động mạch xuất phát từ động mạch chủ, lấy máu từ tim. Từ đó, các động mạch tiếp tục phân nhanh thành các mạch ngày càng nhỏ đi khắp cơ thể.
4. Cấu tạo động mạch
Thành động mạch có ba lớp riêng biệt bao gồm: lớp trong, lớp giữa và lớp ngoài.
- Lớp trong: Được tạo thành từ các tế bào gọi là tế bào nội mô với các sợi đàn hồi.
- Lớp giữa: Lớp giữa là lớp dày nhất, được tạo thành từ các tế bào cơ trơn và sợi đàn hồi, có thể giúp kiểm soát đường kính của mạch máu.
- Lớp ngoài: Lớp ngoài cùng được tạo thành từ các sợi đàn hồi và collagen. Lớp này chủ yếu cung cấp cấu trúc và tương tác với các mô khác, bao gồm cả các dây thần kinh gửi lệnh kéo vào hoặc mở rộng.
5. Vị trí các động mạch chính nằm ở đâu?
Mạng lưới động mạch chính trong cơ thể gồm có:
- Động mạch chủ: Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong hệ tuần hoàn, động mạch được nối với tim thông qua van động mạch chủ. Máu di chuyển qua van tim thông qua van động mạch chủ, sau đó máu rời tim qua động mạch chủ. Các động mạch phân nhánh nhỏ hơn từ đó.
- Động mạch đầu và cổ: Một số ví dụ bao gồm động mạch cảnh chung trái và phải, nằm ở cổ. Các động mạch cảnh trong và ngoài phân nhánh từ động mạch cảnh chung. Động mạch cảnh trong cung cấp máu cho não, còn động mạch cảnh ngoài mang máu đến cổ và phần dưới mặt.
- Động mạch ngực: Một là động mạch phế quản, cung cấp máu cho phổi. Một loại khác là động mạch màng ngoài tim, mang máu đến màng quanh tim. Các động mạch liên sườn sau và trên là các cặp động mạch ở cả hai bên cơ thể, mang máu đến các vùng của thân, chẳng hạn như da, lưng và tủy sống.
- Động mạch bụng: Phân nhánh từ động mạch chủ bụng, thân tạng chia thành các động mạch nhỏ hơn, có vai trò cung cấp máu cho các cơ quan như dạ dày, gan và lá lách. Động mạch hoành dưới đưa máu tới cơ hoàng, các động mạch thận mang máu đến thận, các động mạch thắt lưng cung cấp máu cho tủy sống và đốt sống.
- Động mạch cánh tay: Các động mạch ở cánh tay bao gồm nách, đi từ thân đến cánh tay. Động mạch cánh tay cung cấp máu cho phần trên của cánh tay, các động mạch quay và động mạch trụ mang máu đến bàn tay và cổ tay.
- Động mạch chân: Động mạch chân bao gồm động mạch đùi, mang máu đến đùi. Động mạch khoeo mang máu đến khu vực bên dưới đầu gối. Động mạch chày cung cấp máu cho bàn chân và mắt cá chân.
Các bệnh lý thường gặp ảnh hưởng đến động mạch
Một số bệnh lý thường gặp có thể ảnh hưởng đến động mạch bao gồm:
1. Xơ vữa động mạch
Xảy ra khi các động mạch bị tắc nghẽn do sự tích tụ của các mảng bám trong thành động mạch. Các mảng bám được hình thành từ các chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác.
2. Chứng phình động mạch
Chứng phình động mạch chủ liên quan đến một vùng bình ra hoặc yếu đi ở động mạch chủ. Nếu túi phình này bị vỡ ra, có thể gây tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh hoa Kỳ (CDC), người có tiền sử hút thuốc lá chiếm khoảng 75% các chứng phình động mạch phát triển ở phần động mạch chủ qua bụng.
3. Cục máu đông
Bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, các mảng bám xơ cứng động mạch làm thu hẹp lòng động mạch và giảm lưu lượng máu qua động mạch. Những mảng bám này bị vỡ ra sẽ hình thành huyết khối, khiến tình trạng tắc nghẽn trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí gây tắc nghẽn hoàn toàn.
4. Bệnh động mạch vành
Là kết quả của biến chứng xơ vữa động mạch nghiêm trọng, khi các mảng bám tích tụ lại gây tắc nghẽn dòng máu đến tim, dẫn đến đau tim. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: đau ngực, chóng mặt, đổ mồ hôi lạnh, dễ mệt.
5. Bệnh động mạch cảnh
Các chất béo và cặn cholesterol tích tụ lại khiến các động mạch cảnh bị thu hẹp lại. Điều này làm giảm lưu lượng máu lên não và tăng nguy cơ đột quỵ.
6. Tăng huyết áp động mạch phổi
Tăng huyết áp động mạch phổi (PAH) liên quan đến tình trạng tăng áp lực trong động mạch phổi, các động mạch trở nên dày và hẹp. Điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn, nguy cơ gây suy tim.
7. Bệnh động mạch ngoại biên
Bệnh lý này liên quan đến việc thu hẹp các động mạch mang máu từ tim đến chân và bàn chân. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm: hút thuốc lá, tiểu đường tuýp 2 và tuổi cao. Các triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên thường gặp là: đau ở chân hoặc hông, mỏi chân, đau khi đi lại nhiều hoặc leo cầu thang, vết loét ở chân hoặc cẳng chân lâu lành.
Dấu hiệu hoặc triệu chứng cảnh báo bệnh lý liên quan đến động mạch
Một số tình trạng như huyết áp cao và cholesterol cao không có triệu chứng. Người bệnh không nhận thấy được động mạch của mình trở nên cứng hơn hoặc bị tắc nghẽn do các mảng bám tích tụ lại. Các triệu chứng cảnh báo bệnh lý liên quan đến động mạch có thể nhận biết bao gồm:
- Đau ngực: Đau ở ngực là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, những bệnh lý có liên quan đến tim, trong đó có bệnh động mạch có thể gây ra cơn đau tức ở vùng ngực. Do đó, nếu cơn đau ngực trở nên nghiêm trọng và kéo dài, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để thăm khám kỹ hơn.
- Đau tim: Tình trạng đau tim nếu xuất hiện bất ngờ, do hoạt động gắng sức, vấn đề tinh thần và dần hồi phục sau khi nghỉ ngơi thì bạn không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, đau nhói ở tim thường xuyên có thể là biểu hiện cho thấy tim đang bị tổn thương hoặc cảnh báo bệnh lý có liên quan đến tim.
- Đột quỵ: Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng đột quỵ là do thiếu máu cục bộ (tắc nghẽn động mạch) hoặc do xuất huyết não (mạch máu bị vỡ). Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao.
- Tê hoặc đau ở chân và cánh tay: Khi các động mạch đưa máu đến chân hoặc cánh tay bị tắc nghẽn, lượng máu cung cấp cho chân và cánh tay bị giảm đi, gây ra triệu chứng tê hoặc đau.
- Hụt hơi: Hụt hơi là triệu chứng phổ biến của bệnh tim mạch, đặc biệt là thiếu máu cơ tim do xơ vữa động mạch vành gây ra. Khi đó, tim bị cản trở khả năng bơm máu, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc hô hấp. Tình trạng khó thở, hụt hơi thường đi kèm với các triệu chứng khác như đau ngực, đau tim,…
- Đau bụng: Triệu chứng đau bụng thường liên quan đến bệnh lý ở hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, một số bệnh lý như phình động mạch chủ bụng có thể gây đau bụng. Trường hợp túi phình dọa vỡ, bệnh nhân đột ngột đau bụng dữ dội.
- Mệt mỏi: Tình trạng mệt mỏi là biểu hiện thường gặp, có thể do hoạt động, làm việc quá sức. Nhưng đôi lúc đó cũng có thể là triệu chứng liên quan đến bệnh lý tim mạch. Nếu mệt mỏi kéo dài, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám nhằm tìm ra nguyên nhân gây mệt mỏi.
Các cận lâm sàng chẩn đoán sức khỏe động mạch
Để kiểm sức sức khỏe của các động mạch, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như:
- Chụp động mạch: Chụp động mạch là tiêu chuẩn vàng, giúp đánh giá các tổn thương mạch máu như tình trạng hẹp, tắc nghẽn động mạch, phình tách động mạch, thông động tĩnh mạch…
- Chụp CT: Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) giúp chẩn đoán các vấn đề về mạch máu và tim như chứng phình động mạch, bệnh động mạch vành. Chụp CT cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn so với chụp X-quang thông thường, hình ảnh sắc nét hơn và không bị hiện tượng chồng hình.
- Chụp cộng hưởng từ: Xét nghiệm này thường được chỉ định thực hiện trên các bộ phận khác nhau của cơ thể như tim, phổi vũng não, đầu gối…giúp phác họa hình ảnh các mô mềm và hệ thần kinh. Ưu điểm của kỹ thuật này là không sử dụng bức xạ ion hóa gây hại của tia X, có độ phân giải cao, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác về sức khỏe của người bệnh.
- Siêu âm tim: Để chẩn đoán các bệnh lý tim mạch, siêu âm tim thường là chỉ định đầu tay. Các hình ảnh cấu trúc, chức năng của tim bao gồm: Cơ tim, màng ngoài tim, các van tim, các mạch máu xuất phát từ tim, khả năng hoạt động của tim được hiển thị trên màn hình, giúp bác sĩ chẩn đoán được tình trạng của tim, chẩn đoán sớm được những bất thường ở tim.
Thăm khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện các bệnh lý liên quan động mạch
Các bệnh lý liên quan đến động mạch có thể không xuất hiện triệu chứng nào trong thời gian dài. Khi có biểu hiện rõ, bệnh có thể đã diễn tiến ở mức độ nặng, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, mỗi người nên chú trọng việc thăm khám sức khỏe định kỳ để giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm liên quan đến bệnh động mạch. Đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ như người bị cao huyết áp, đái tháo đường, người hút thuốc lá…
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị hàng đầu trong việc thăm khám và chăm sóc điều trị các bệnh lý tim mạch, mạch máu và lồng ngực với những ưu điểm vượt trội:
- Có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa đầu ngành trong lĩnh vực Tim mạch tại Việt Nam như: PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, TS.BS Trần Vũ Minh Thư, BS.CKI Vũ Năng Phúc, BS.CKI Nguyễn Phạm Thùy Linh, ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư, BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy…
- Hệ thống máy móc, trang thiết bị tiên tiến, được nhập khẩu trực tiếp từ các nước châu Âu như máy siêu âm chuyên tim, máy điện tim 12 kênh, máy thở cao cấp, máy chụp MRI 3 Tesla, máy theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ, máy MSCT tim và động mạch vành 768 lát cắt….
- Phòng khám, phòng mổ được tiện nghi hiện đại, đảm bảo an toàn, vô khuẩn, vô trùng.
- Có sự phối hợp của các liên chuyên khoa trong những ca phẫu thuật lớn, giúp việc điều trị đạt kết quả tốt nhất.
- Đội ngũ nhân viên y tế, chăm sóc khách hàng hỗ trợ hướng dẫn tận tình.
- Các thủ tục được thực hiện đơn giản, tiến hành nhanh chóng, tiện lợi cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tim mạch tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin:
Các động mạch bị tổn thương hoặc bị thu hẹp có thể khiến cơ thể không được cung cấp đủ máu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đau tim hoặc đột quỵ. Do đó, mỗi người cần duy trì một lối sống lành mạnh, thay đổi thói quen sinh hoạt để phòng ngừa các bệnh về động mạch.