Thực đơn cho bệnh nhân ung thư đóng vai trò quan trọng trong phục hồi sức khỏe. Người bệnh cần lựa chọn những thực phẩm phù hợp để tăng hiệu quả điều trị bệnh. Vậy thực đơn cho bệnh nhân ung thư nên xây dựng như thế nào?
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bệnh ung thư
1. Cung cấp đủ năng lượng
Đây là yếu tố đầu tiên cần chú ý khi thiết lập thực đơn cho người ung thư. Nguồn năng lượng đầy đủ giúp người bệnh ung thư duy trì hoạt động và vận hành của các cơ quan.
Năng lượng có trong mỗi loại thức ăn và nước uống với chỉ số mỗi loại khác nhau. Con người hấp thu năng lượng thông qua ăn uống. Tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi, thể trạng… mà mỗi người sẽ có khả năng hấp thu dinh dưỡng khác nhau.
Với người bệnh ung thư, đặc biệt là người bệnh đang trong giai đoạn điều trị, những chức năng của các cơ quan đã bị suy yếu. Đồng thời, người bệnh luôn trong tình trạng suy nhược cơ thể do ảnh hưởng bởi các triệu chứng lâm sàng. Việc hấp thụ thiếu mức năng lượng dẫn đến suy dinh dưỡng ở người bệnh ung thư, gây khó khăn trong điều trị, thậm chí tăng nguy cơ gây tử vong. Đây là tình trạng khá phổ biến ở người bệnh ung thư.
2. Thực đơn cung cấp đủ chất dinh dưỡng
Thực đơn cho bệnh nhân ung thư cần cân bằng các loại dưỡng chất để đạt hiệu quả sức khỏe. Các nhóm chất cần thiết gồm tinh bột, đạm, chất béo tốt và những vi khoáng chất, chất xơ bổ sung.
- Đạm (protein): Công năng của protein là tăng hiệu quả tự phục hồi của cơ thể, thúc đẩy quá trình sửa chữa mô. Đồng thời, duy trì và xây dựng khối lượng cơ bắp, hạn chế tình trạng mất cơ. Bổ sung đầy đủ protein giúp giảm thiểu rủi ro mắc các bệnh nhiễm trùng do hệ miễn dịch suy yếu trong quá trình hóa trị/ xạ trị. (1)
- Tinh bột: Đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo ra năng lượng cho người bệnh. Tinh bột có mặt ở trong hầu hết các loại thực phẩm, tuy nhiên, người bệnh ung thư nên tiêu thụ tinh bột giàu chất xơ và các chất vi khoáng có lợi cho sức khỏe như các loại ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, yến mạch, khoai lang…).
- Chất béo tốt: Chất béo tốt giúp duy trì nhiệt độ cơ thể, cùng với tinh bột cung cấp năng lượng hoạt động cho người bệnh. Tuy nhiên, lượng chất béo tốt mà một người cần trong ngày không quá cao, cần kiểm soát lượng thực phẩm nạp vào. Người bệnh ung thư nên thu nạp chất béo từ cá loại hạt, đậu, dầu thực vật.
- Chất xơ: Chất xơ nằm trong nhóm vi chất nên bổ sung trong mỗi bữa ăn. Chất xơ giúp duy trì và cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa, đồng thời hỗ trợ kiểm soát lượng cholesterol và đường huyết.
- Vitamin và khoáng chất: Những dưỡng chất này thường có trong trái cây và rau củ. Thực đơn của bệnh nhân ung thư nên ưu tiên chọn những loại trái cây có chất chống oxy hóa và nhiều vitamin C như bưởi, ổi, cam… để tăng cường khả năng chống lại các gốc tự do gây tổn thương cho cơ thể.
3. Ăn nhạt, hạn chế gia vị
Bên cạnh việc lên đúng thực đơn cho bệnh nhân ung thư, cách chế biến thức ăn cũng cần được chú ý để không làm ảnh hưởng đến thể trạng và quá trình điều trị. Lúc này chức năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng ở người bệnh đã suy giảm đáng kể. Việc ăn các thực phẩm chế biến với gia vị cầu kỳ, cay nồng sẽ gây kích thích cho hệ tiêu hóa; làm tiến triển tình trạng tổn thương tế bào, cản trở quá trình điều trị, khiến bệnh tình trở nặng hơn ở người mắc ung thư đường tiêu hóa, ung thư gan, mật, tụy…
Do đó, các món ăn trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư nên chế biến nhạt, ít gia vị. Sử dụng những gia vị cơ bản với liều lượng nhỏ sẽ giúp giảm thiểu áp lực lên hệ tiêu hóa, góp phần ổn định sức khỏe của người bệnh.
4. Ăn thành nhiều bữa nhỏ
Chán ăn, suy nhược là biểu hiện lâm sàng phổ biến của người bệnh ung thư do ảnh hưởng từ bệnh, tác dụng phụ của phương pháp điều trị và tâm lý. Việc ăn hết một lượng thức ăn theo tiêu chuẩn 2 -3 bữa/ngày thường gây căng thẳng cho người bệnh. Nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa, giúp người bệnh ăn uống được thoải mái hơn. Đồng thời, giảm tải áp lực lên các cơ quan tiêu hóa, tăng cường hiệu quả hấp thu và trao đổi chất.
5. Thực đơn cho bệnh nhân ung thư cần cung cấp đủ nước
Uống đủ nước giúp bệnh nhân ung thư minh mẫn hơn, giảm cảm giác mệt mỏi và cải thiện tinh thần khi phải đối diện với quá trình điều trị ung thư dài kỳ. Ngoài ra, uống đủ nước cũng giúp tăng cường độ ẩm trên da và cải thiện lưu thông máu.
Nhu cầu uống nước của người bệnh ung thư tương đương với người khỏe mạnh. Công thức tính lượng nước cần uống mỗi ngày là: Trọng lượng cơ thể (Kg) x 0.04 = Lượng nước cần uống (Lít).
6. Đa dạng món ăn giúp người bệnh ngon miệng
Thực đơn cho bệnh nhân ung thư nên đa dạng nguồn thực phẩm để kích thích vị giác của người bệnh. Thay đổi thức ăn mỗi ngày hoặc mỗi bữa góp phần hạn chế cảm giác chán ăn, tăng cường khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể. Mỗi loại thực phẩm cũng sẽ có những vi khoáng chất khác nhau, đa dạng nguồn thực phẩm sẽ giúp người bệnh được bổ sung nhiều dưỡng chất hơn, hạn chế tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.
7. Phù hợp với tình trạng thể chất
Bên cạnh những nguyên tắc cơ bản trên, thực đơn cho bệnh nhân ung cũng cần được cá nhân hóa để phù hợp với thể trạng của từng người.
Nên ưu tiên ăn thức ăn dạng lỏng, sệt dễ tiêu hóa đối với người bệnh trong thời gian hóa trị, hoặc người ung thư đường tiêu hóa, có các biểu hiện lâm sàng về rối loạn, khó tiêu. Thời gian này, nên chia thành nhiều bữa nhỏ với những thực phẩm có chỉ số năng lượng cao để đảm bảo mức năng lượng cần thiết mà vẫn không quá sức với người bệnh.
Những lưu ý dinh dưỡng khác bao gồm:
- Kiêng trái cây có vị chua nhiều ở người bị lở miệng.
- Hạn chế uống nhiều nước trong 1 lần, hoặc uống nước liên tục để tránh tình trạng chướng hay đau tức bụng thường xuyên.
- Người đặt hậu môn giả cần kiêng thực phẩm sinh hơi như các loại đậu hạt, rau họ cải…
- Người bất dung nạp lactose không uống sữa bò và những thực phẩm có nguồn gốc từ sữa động vật.
- Không ăn những thực phẩm kém dinh dưỡng như bánh kẹo, nước ngọt có gas…
Thực đơn cho bệnh nhân ung thư nên và không nên ăn gì?
1. Người bệnh ung thư nên ăn gì?
Thực đơn cho bệnh nhân ung thư nên thiết lập dựa trên những nguyên tắc dinh dưỡng chung. Dù vậy, cách thức lựa chọn thực phẩm cũng quan trọng để tăng giá trị dinh dưỡng cho người bệnh.
Cân bằng dưỡng chất và lựa chọn đúng thực phẩm nên ăn, người bệnh ung thư có thể đạt được lợi ích sức khỏe tối ưu từ chế độ ăn phù hợp. Những thực phẩm mà người bệnh ung thư nên ăn bao gồm:
- Thực phẩm protein: Nên ưu tiên nguồn protein từ thịt trắng như: Thịt cá mòi, cá thu, cá ngừ, cá hồi, thịt gà và thịt vịt. Bổ sung sữa chua hoặc phô mai trong các bữa xế để giúp đạt được lượng đạm cần thiết trong ngày. Bữa xế có thể xen kẽ bằng các loại đậu như: Đậu lăng, đậu gà… là những loại đậu giàu đạm và chất béo tốt.
- Thực phẩm chứa chất béo tốt: Mỡ cá, dầu ô liu và các loại hạt là nguồn chất béo tốt phổ biến, dễ tìm thấy ở mọi nơi. Các loại đậu giàu chất dinh dưỡng như: Đậu nành, đậu hà lan, đậu đen… có chứa chất xơ, chất béo tốt và một lượng đạm. Người bệnh được khuyến cáo ăn đậu như món tráng miệng, dùng với lượng vừa đủ để hạn chế tình trạng dư thừa chất béo. (2)
- Tinh bột lành mạnh: Nên ưu tiên ăn yến mạch, gạo lứt và khoai lang. Những dạng ngũ cốc nguyên chất này cung cấp chất xơ và các vi khoáng chất khác, bên cạnh lượng tinh bột cần thiết. Đặc biệt, chỉ số Glycaemic - GI (chỉ số chỉ tốc độ tăng đường huyết trong cơ thể) của ngũ cốc nguyên hạt thấp hơn so với cơm trắng - có thể hỗ trợ phòng ngừa tình trạng tăng chỉ số đường huyết ở người bệnh. (3)
- Trái cây: Những loại quả mọng như nho, dâu, việt quất… có chất chống oxy hóa cao. Hỗ trợ người bệnh tăng cường hệ miễn dịch, duy trì nền sức khỏe chung ổn định. Ngoài ra, những loại trái cây khác cũng có công dụng chống oxy hóa, bổ trợ vitamin C cho cơ thể bao gồm: táo, cam, quýt, chuối… (4)
2. Người bệnh ung thư hạn chế ăn gì?
Thịt đỏ cần được hạn chế khi thiết lập thực đơn cho bệnh nhân ung thư. Thịt đỏ chứa một lượng lớn chất béo xấu, ăn quá nhiều dễ gây ra các bệnh lý tim mạch, gan nhiễm mỡ… Dù vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh không nhất thiết loại bỏ thịt đỏ ra khỏi thực đơn cho bệnh nhân ung thư, do thịt đỏ vẫn là một nguồn đạm dồi dào, cùng với các vi chất hỗ trợ giảm thiểu triệu chứng ung thư. Cần tiêu thụ thịt đỏ với liều lượng hạn chế, không quá 500 gram thịt đỏ mỗi tuần, không quá 70 gram thịt đỏ/ ngày.
Ngoài ra, người bệnh ung thư sau khi phẫu thuật có thể trạng nhạy cảm. Một số loại thức ăn được cho là có mối tương quan với sự thay đổi chỉ số nhu cầu oxy CLD. Trong vài tuần đầu sau khi phẫu thuật, người bệnh nên tạm ngừng ăn các thực phẩm này để tránh các yếu tố nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Các thực phẩm này bao gồm: Cà rốt, súp lơ trắng, khoai lang, các loại rau cải, diếp cá.
3. Người bệnh ung thư không nên ăn gì?
Người bệnh ung thư không được uống rượu bia và các thực phẩm mà cơ thể bất dung nạp. Những dạng thực phẩm này đều có tác động không tốt đến cho sức khỏe chung, kể cả người khỏe mạnh hay người đã khỏi ung thư. Chúng có thể khiến bệnh tình chuyển tiến nặng hơn trong thời gian ngắn, tăng cao nguy cơ tái phát ung thư, gây khó khăn trong quá trình điều trị bệnh sau này.
Xem thêm:
- Bệnh nhân ung thư nên ăn gì tốt?
- Bị ung thư kiêng ăn gì?
Gợi ý thực đơn cho người bệnh ung thư
Thực đơn cho bệnh nhân ung thư hàng ngày dựa trên công thức sau:
- Bữa chính: 70 gram thịt đỏ hoặc 100 gram cá, thịt gia cầm; 80 - 100 gram tinh bột. Ăn kèm rau cải luộc hoặc canh rau.
- Bữa phụ: 1 hộp sữa chua hoặc 1 ly sữa hạt không đường. Với người bệnh ung thư sau phẫu thuật, chưa thể ăn rau cải, nên ăn trái cây tùy thích để bổ sung chất xơ.
Cần đảm bảo, chế độ dinh dưỡng đạt được các tiêu chuẩn sau:
- Chia nhỏ bữa ăn thành 4 - 6 bữa
- Cân bằng các nhóm chất đa lượng và vi khoáng chất bổ sung
- Tăng lượng chất xơ trong mỗi bữa ăn
- Chế biến đơn giản, tiết chế sử dụng gia vị
- Hạn chế dùng quá nhiều dầu mỡ trong nấu ăn
Mỗi bệnh nhân ung thư có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng một thực đơn phù hợp cần dựa trên tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng và tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người.
Để đặt đặt lịch thăm khám và điều trị với các chuyên gia, bác sĩ của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:
Thực đơn cho bệnh nhân ung thư hỗ trợ duy trì tốt thể trạng, giúp người bệnh có đủ sức khỏe để vượt qua giai đoạn điều trị lâu dài. Tuy nhiên, mỗi người bệnh sẽ có những đặc điểm sức khỏe và mức độ bệnh khác nhau. Người bệnh nên tư vấn với bác sĩ dinh dưỡng và bác sĩ điều trị để có được một chế độ dinh dưỡng phù hợp, hiệu quả.