Phong tục truyền thống đẹp
Theo truyền thuyết, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu râu trông coi việc bếp núc. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm của con người trong một năm. Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị thần Táo là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình.
Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, các nhà lại làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời.
Cũng theo quan niệm và truyền thống từng vùng, miền, lễ cúng ông Công, ông Táo của người Việt Nam ở 3 miền cũng có sự khác nhau. Nếu như ở miền Bắc, các gia đình thường tiến hành trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp (có thể cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp), bởi dân gian quan niệm sau 12h trưa là ông Táo lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng.
Đồ lễ để cúng ông Công, ông Táo được bày biện cầu kỳ hay đơn giản còn tùy theo khả năng, điều kiện từng gia đình. Thông thường, lễ cũng có một bộ mã ông Công, ba bộ mã ông Táo và cá chép. Ngoài mâm ngũ quả, nhiều gia đình cũng chuẩn bị mâm cỗ mặn. Có gia đình bày biện thịnh soạn với đầy đủ với xôi, gà, giò, nem, canh măng miến... Cũng có gia đình đơn giản hơn với đĩa xôi, khoanh giò hay có thể cúng mâm cỗ chay.
Tùy theo quan niệm từng gia đình, mâm cúng ông Công, ông Táo được đặt tại ban thờ gia tiên hoặc ở khu vực vị trí bếp. Sau lễ cúng, các gia đình sẽ hóa vàng và thả cá chép ở khu vực ao, hồ gần nhà.
Trong khi đó, ở miền Trung vật phẩm không thể thiếu là tượng của tam vị Táo quân, mang đậm giá trị văn hóa dân gian. Tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm đủ đầy. Ở miền Nam, người dân không mua cá chép, không thờ áo mũ. Một số nơi có thêm mâm chè, xôi hay mâm trái cây đơn giản.
Văn hóa ứng xử đẹp trong ngày truyền thống
Trong đời sống tinh thần của người Việt, lễ cúng ông Công, ông Táo là nét phong tục, tín ngưỡng đẹp. Tuy nhiên, với đời sống ngày càng hiện đại, tục lệ này đang bị hiểu sai cả trong hình thức thể hiện lẫn trong tâm thức một số người dân.
Theo nhà nghiên cứu di sản văn hóa, PGS.TS Trần Lâm Biền, nhiều gia đình đốt quá nhiều vàng mã, việc làm này không chỉ tốn kém tiền của mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống.
“Tôi thấy có người cho rằng thả càng nhiều cá chép, hay cá chép càng to sẽ càng tốt. Việc này không đúng, thực ra nhiều nhất chỉ 3 con là đủ. Lễ nào cũng vậy, quan trọng nhất là tấm lòng thành chứ không phải mâm cao cỗ đầy, càng nhiều lễ vật thì càng thiêng", PGS.TS Trần Lâm Biền nhận xét.
Ngay cả việc thả cá chép sao cho có văn minh, văn hóa cũng là vấn đề được phản ánh trong nhiều năm nay. Không ít người khi thả cá còn… thả cả túi nilon đựng cá xuống nước. Tại Hà Nội, vào ngày ông Công, ông Táo, những khu vực như cầu Long Biên, hồ Tây và nhiều ao hồ khác, tình trạng túi nilon nổi trên mặt nước hoặc vương vãi trên cầu, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn gây ô nhiễm môi trường khi một lượng lớn rác thải nilon xả ra môi trường với sự thiếu ý thức của người thả cá.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho rằng, để phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ý nghĩa hơn, ý thức tự giác và ứng xử văn hóa của người dân rất quan trọng. Việc thả cá cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt vì ngoài ý nghĩa tiễn ông Công, ông Táo về trời, còn mang nghĩa phóng sinh. Nhưng việc thả cá, để bảo đảm vệ sinh môi trường, không gây mất mỹ quan, cần ý thức của người thả.
“Hiện nay, nhiều khu vực người dân hay thả cá, hay một số đình, chùa có ao, hồ đã được đặt những thùng rác cùng với tấm bảng chỉ dẫn: Không vứt túi nilon xuống nước. Đó là việc cần thiết. Chỉ cần mỗi người dân ý thức thì ngày truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ trở nên ý nghĩa, trọn vẹn hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức bày tỏ.